Không dùng nền tảng số thì không thể đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tập đoàn Meta tổ chức với sự tham dự của các đại biểu đến từ nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN), thể hiện sự quan tâm và đồng hành trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, CĐS nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Toàn cảnh diễn đàn. |
Diễn đàn là cơ hội để các bộ, ban ngành, các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức hỗ trợ DN, các chuyên gia kinh tế, các tổ chức tín dụng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng tìm hiểu về những thách thức mà SME đang đối mặt, trao đổi, thảo luận và chia sẻ về thực trạng, các chính sách, chương trình, xu hướng, cơ hội và các công cụ, giải pháp, về CĐS cho SME. Diễn đàn góp phần quan trọng để Việt Nam tận dụng cơ hội và tháo gỡ những nút thắt, đưa các giải pháp về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số vào thực tiễn doanh nghiệp.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết trong các năm 2020, 2021, 2022, Thủ tướng Chính phủ đã lần lượt ban hành Chương trình CĐS quốc gia, Chiến lược phát triển chính phủ số, Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số. Xuyên suốt cả 3 văn bản chiến lược quốc gia này, có một điểm đặc biệt là cách tiếp cận của Việt Nam trong việc thực hiện CĐS là các nền tảng số. Điều này đặc biệt đúng cho các SME khi CĐS.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại diễn đàn |
Việt Nam có gần 1 triệu DN, trong đó trên 90% là các SME. Theo Thứ trưởng, nếu không dùng nền tảng số thì sẽ không thể nào thực hiện, đẩy nhanh tiến trình CĐS trong các SME bởi các nền tảng số cung cấp công nghệ và các chức năng nghiệp vụ như là một dịch vụ và nhờ các nền tảng số này, thì công nghệ số sẽ biến thành một thứ dịch vụ giống như điện, nước và vì thế các SME dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu.
"Các nền tảng số có thể dùng được ngay, không lo là phải có hệ thống công nghệ, không phải lo là có nhân lực công nghệ để vận hành quản trị", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, trong thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã tập trung vào hỗ trợ các SME Việt Nam thực hiện CĐS bằng các nền tảng số. Cho đến nay, Bộ TT&TT đã thu hút được hơn 500.000 SME tham gia chương trình và trong đó gần 70.000 DN đã sử dụng các nền tảng số và tham gia vào chương trình.
Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số |
Chia sẻ về hoạt động CĐS trong DN, Phó Chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa cho biết, hoạt động CĐS trong cộng đồng DN đã diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây như một nhu cầu tự nhiên nhằm đáp ứng sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng cũng như nhu cầu quản lý. Nhiều DN đã ứng dụng các giải pháp phần mềm, sử dụng nền tảng số vào hoạt động quản lý kế toán - tài chính, bán hàng, tiếp thị trực tuyến, quản lý kênh phân phối, quản trị kinh doanh hoặc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới.
Thực tế cho thấy, CĐS đang là yêu cầu bắt buộc, xu hướng tất yếu, khách quan để cộng đồng DN đứng vững và phát triển, đặc biệt là sau mấy năm bị ảnh hưởng và tác động của đại dịch COVID-19. CĐS giúp DN tăng doanh thu, tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực quản trị, phát triển ổn định và bền vững hơn. Nếu thực hiện thành công CĐS, DN sẽ có năng lực cạnh tranh và tốc độ tăng trưởng vượt trội so với các DN còn lại.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch VCCI cũng cho biết việc CĐS không diễn ra một sớm một chiều và có không ít những khó khăn trong quá trình triển khai đặc biệt là đối với các SME. Nhìn chung, các thách thức phổ biến mà SME thường gặp trong quá trình CĐS vẫn là các vấn đề về: nhận thức và sự cam kết của lãnh đạo đối với CĐS, lựa chọn công nghệ và sự sẵn có hệ sinh thái số cần thiết, con người và năng lực triển khai của tổ chức, cùng với những thách thức về nguồn lực.
Trong quá trình đó, nhận thức và năng lực của DN về CĐS là vô cùng quan trọng. Để thành công, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng: "DN cần được cung cấp đầy đủ thông tin để hiểu đúng và lựa chọn cho mình chiến lược và lộ trình CĐS hiệu quả".
Các diễn giả trong phiên thảo luận tại diễn đàn |
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông chia sẻ, qua cuộc khảo sát gần đây do Bộ KH&ĐT phối hợp với USAID thực hiện về CĐS, nhiều DN vẫn đang gặp khó khăn, rào cản để tiến hành CĐS, ví dụ 60,1% DN phản ánh rào cản mà họ gặp phải khi CĐS là lo ngại chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao; 52,3% DN phản ánh khó khăn về thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số, thay đổi thói quen của DN, người lao động.
Từ ý nghĩa và kết quả hoạt động đó, trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan đối tác trong và ngoài nước để huy động nguồn lực hỗ trợ cho DN khắc phục khó khăn, rào cản để có thể nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và CĐS thành công.
"Trong quá trình phát triển hiện nay, việc hỗ trợ các SME, đặc biệt trong ĐMST, CĐS có một ý nghĩa hết sức quan trọng, khi mà hơn 800.000 SME, những đơn vị kinh tế linh hoạt, cần khả năng thích ứng cao, cần không ngừng nâng cao năng lực để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu", Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Ông Ruici Tio - Quản lý Chương trình chính sách của Meta khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, cam kết hỗ trợ đưa hiện diện của doanh nghiệp SME lên nền tảng trực tuyến và hưởng lợi từ việc tham gia vào nền kinh tế số.
Nhân dịp này, VCCI và Meta công bố cuốn sổ tay điện tử giới thiệu 100 doanh nghiệp SME trên nền tảng số nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đang tìm kiếm đối tác, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi kỹ thuật số và sử dụng các nền tảng trực tuyến để truyền thông.
N.H
-
[Infographic] Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm
-
Lo ngại bị đối xử thiếu bình đẳng trong dự thảo quy định hoàn thuế GTGT
-
Giá vàng hôm nay (25/10): Tăng trở lại
-
Giá dầu hôm nay (25/10): Dầu thô tăng trong phiên
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 25/10: Nhiều nhà máy lọc dầu ở California cân nhắc đóng cửa