Khi nào nền kinh tế có thể hồi phục?
Đây là đánh giá của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong công bố Báo cáo đánh giá tác động của Covid-19 đến nền kinh tế và khuyến nghị chính sách ứng phó với dịch Covid-19 vừa được công bố.
Theo các chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, dự kiến nền kinh tế sẽ phục hồi từ quý 3 trong tình hình dịch bệnh Covid-19 kiểm soát tốt. Xuất khẩu giảm từ khoảng 25% trong quý 2 và phục hồi về mức giảm 15% trong các quý sau của năm 2020.
Tuy nhiên, nếu đại dịch kéo dài thì ảnh hưởng đến nền kinh tế rất tiêu cực. Đến hết tháng 4, 49,2% doanh nghiệp vẫn duy trì được hoạt động; 31,9% cắt giảm quy mô sản xuất; 18,1% tạm dừng hoạt động; 0,8% có khả năng phá sản. Hết tháng 6, tháng 9 hoặc hết năm tỷ lệ phá sản sẽ là 6,1%, 19,3% và 39,3%.
Các chuyên gia Trường Đại học Kinh tế Quốc dân kiến nghị cần phải xây dựng nhiều kịch bản chính sách kinh tế khác nhau từ ngắn đến dài hạn nhằm ứng phó với tình hình dịch ở cả Việt Nam lẫn các quốc gia khác trên thế giới. Bởi mức độ kết nối rất lớn của Việt Nam với chuỗi giá trị toàn cầu và các biện pháp giãn cách xã hội do các nước áp dụng dẫn đến việc đại dịch có thể được kiểm soát ở Việt Nam chưa thể làm cho nền kinh tế phục hồi ngay nếu nó vẫn tiếp diễn ở các quốc gia khác.
Dịch Covid-19 đã làm chao đảo nền kinh tế |
Với từng kịch bản các chuyên gia cho rằng sẽ có những chính sách phù hợp. Nếu bệnh dịch trong nước kiểm soát ngay trong tháng 4 hoặc đến hết quý 2 thì các chuyên gia cho rằng phản ứng chính sách của Chính phủ nên mang tính “hỗ trợ”. Nếu bệnh dịch kéo dài đến quý 3 hoặc hết năm 2020 thì Chính phủ cần tính tới các biện pháp can thiệp mạnh mẽ hơn mang tính “giải cứu”.
“Tuy nhiên, các giải pháp chính sách đưa ra cần tính đến độ trễ trong quá trình ban hành và triển khai để đảm bảo tính kịp thời và hiệu quả”, các chuyên gia Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh.
Cho đến nay đã có một số tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước dự báo về tác động của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên các dự báo này dựa trên tình hình dịch từ đầu tháng 3 khi mà châu Âu và Mỹ chưa chịu tác động nặng nề như hiện nay.
Bloomberg dự báo tăng trưởng của Việt Nam giảm 0,4%, còn ADB cho rằng tăng trưởng giảm 0,5-1% và kịch bản xấu có thể giảm đến 1,5%. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo tăng trưởng có thể giảm từ 0,67 đến 0,96%, lạm phát trong khoảng 3,96-4,86%, xuất khẩu giảm 21%, nhập khẩu giảm 16%, ngành nông nghiệp giảm 0,11%; ngành công nghiệp giảm 0,24%; ngành dịch vụ giảm 0,32%. Ngân hàng Nhà nước dự báo lạm phát của Việt Nam thay đổi trong khoảng 4,5% +/- 0,4% (Báo cáo ngày 12/3).
Còn nhóm nghiên cứu thực hiện ấn phẩm Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2019 của Đại học Kinh tế Quốc dân dự báo, tăng trưởng giảm từ 0,6 đến 0,8% (số liệu đến ngày 7/3). Trong báo cáo ngày 31/3/2020, World Bank dự báo rằng kinh tế Việt Nam năm 2020 là khoảng 1,5% đến 4,9% tùy kịch bản. Tuy nhiên tăng trưởng sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021.
“Chúng tôi cho rằng với sự thay đổi của tâm dịch từ phía Trung Quốc sang các nước châu Âu, Mỹ và lan rộng sang các khu vực khác, tác động đến nền kinh tế Việt Nam sẽ mạnh hơn và thay đổi về cơ chế tác động từ phía đứt gãy nguồn cung ứng đầu vào sang chủ yếu là phía cầu”, nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết.
Dựa trên cơ sở các kịch bản về số ca nhiễm và cách ly tại Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tiến hành xây dựng một số mô hình định lượng nhằm dự báo sơ bộ tác động của đại dịch đến nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.
Kết quả dự báo của các mô hình này cho thấy, tăng trưởng GDP quý 2 của Việt Nam khoảng 2,0% so với cùng kỳ và thậm chí suy thoái nếu xảy ra kịch bản xấu. Dự kiến phục hồi từ quý 3/2020.
VN-Index giảm khoảng 28% phục hồi ngay sau khi dịch được khống chế với mức xấp xỉ 20%. Xuất khẩu giảm khoảng 25% trong quý 2 và phục hồi về mức giảm 15% trong các quý sau của năm 2020.
Nguyễn Hưng