Khẩn trương thu mua lúa, gạo chỉ là giải pháp tình thế
Người nông dân đang như "đứng trên đống lửa" khi giá lúa, gạo giảm mạnh |
Yêu cầu thị trường ngày càng cao
Hiện vụ Đông Xuân đang vào mùa thu hoạch, thế nhưng theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN), từ cuối năm 2018, giá lúa tươi (IR50404) tại ruộng có dấu hiệu sụt giảm. Đầu tháng 2/2019 sụt xuống 4.200 - 4.400 đồng/kg; loại thóc hạt dài (OM 504) giảm còn 4.500 đồng/kg. Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 1/2019 giảm cả về lượng và giá trị. Người nông dân đang như "đứng trên đống lửa” khi lúa thu hoạch về nhưng giá lại quay đầu giảm.
Trước tình hình trên, Chính phủ đã có những chỉ đạo khẩn trương. Tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo một số bộ, ngành về tình hình giá gạo giảm so với cùng kỳ ngày 19/2, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo mua đủ lượng gạo và lúa dự trữ mà kế hoạch Nhà nước đã giao, “phải mua sớm”, bao gồm 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc.
Đồng thời, các tổng công ty lương thực Nhà nước cũng được yêu cầu phải thực hiện đúng Nghị định 157, mua dự trữ 5% theo quy định; khẩn trương thực hiện sớm các kế hoạch xuất khẩu gạo. Cùng với việc này, Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNN làm việc với Bộ Tài chính thống nhất chủ trương, biện pháp để mua gạo hỗ trợ phát triển trồng rừng, nhất là các tỉnh miền núi.
Thực tế những chỉ đạo của Chính phủ mới chỉ giải quyết được một phần vấn để của lúa, gạo hiện tại. Bởi kế hoạch thu mua, dự trữ lúa gạo của Chính phủ, tổng công ty đã có từ trước. Vấn đề chính vẫn nằm ở nhu cầu của thị trường.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam nhưng thị trường này đang ngày càng cho thấy nhiều trở ngại bởi những quy định mới thắt chặt việc nhập khẩu gạo từ Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, gạo xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc trong 10 tháng năm 2018 đã giảm hơn 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Ngọc Nam - Tổng giám đốc Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, kể từ tháng 6/2018 đến nay, Trung Quốc đánh thuế nhập khẩu gạo Việt Nam lên mức 50%, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu mặt hàng này.
Được biết, trước đó, Trung Quốc đã yêu cầu Việt Nam gửi danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu gạo để xem xét cấp giấy phép cũng gây khó khăn cho xuất khẩu và giảm mạnh số đầu mối xuất khẩu sang thị trường này.
Cụ thể, trong số 152 doanh nghiệp xuất khẩu gạo là thành viên của VFA, chỉ có 21 doanh nghiệp được phía Trung Quốc cho phép xuất khẩu gạo vào thị trường nước họ. "Với những tác động kể trên, Trung Quốc chỉ còn chiếm 22% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam so với trên 30% của các năm trước", ông Nam cho biết.
Cùng với những đòi hỏi ngày càng cao từ thị trường Trung Quốc thì sự cạnh tranh từ các thị trường khác như Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia… cũng ngày càng lớn khi giá gạo từ những thị trường này rất cạnh tranh trong khi chất lượng nhiều loại gạo lại vượt trội so với gạo Việt Nam.
Cần nâng cao chất lượng gạo mới có thể cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới |
Con đường duy nhất là nâng cao chất lượng
Mới đây một số doanh nghiệp Trung Quốc đã thống nhất việc nhập khẩu ngay 100.000 tấn gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Trung Quốc cho biết họ mong muốn được tiếp xúc với doanh nghiệp lớn của Việt Nam, có khả năng đáp ứng đơn hàng lớn qua con đường chính ngạch. Đây thực sự là thử thách đối với doanh nghiệp Việt Nam nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho chúng ta nhìn lại mình để thay đổi.
Thừa nhận những khó khăn từ thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, không chỉ gạo mà nhiều nông sản khác của Việt Nam cũng sẽ gặp khó do các yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và thông tin trên bao bì mà phía Trung Quốc đưa ra. Tuy nhiên, đây là các yêu cầu hợp lý của các thị trường nhập khẩu chứ không riêng gì Trung Quốc.
“Các doanh nghiệp và các địa phương sớm nghiên cứu các yêu cầu từ phía Trung Quốc để triển khai xuống các vùng sản xuất nhằm đáp ứng các điều kiện này trước tháng 7/2019 khi Trung Quốc chính thức áp dụng các biện pháp nói trên”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khuyến cáo.
Hiện giá hồ tiêu cũng đang giảm sâu, thấp nhất trong một thập kỉ qua ngoài nguyên nhân về cung vượt cầu thì chất lượng sản phẩm cũng đang là bài toán cần lời giải. Chiếm đại đa số trong xuất khẩu tiêu Việt Nam vẫn là các sản phẩm thô như tiêu đen, tiêu trắng, tiêu xanh, tiêu xay. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường ngày càng hướng đến sản phẩm tiêu chế biến giá trị cao. Để vươn lên, ngành tiêu cũng cần phải thay đổi để nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm thì mới mong thoát khỏi được cảnh “được mùa mất giá” như rất nhiều loại nông sản khác.
Trở lại với vấn đề của lúa, gạo, các chuyên gia trong ngành nông nghiệp chỉ ra rằng, để nâng cao được giá trị của hạt gạo, để chúng ta không bị thua thiệt thì cách tốt nhất là phải tăng tỷ trọng xuất khẩu gạo có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Để làm được điều này, ngành lúa gạo cần xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để hình thành chuỗi giá trị gia tăng, khai thác lợi thế cạnh tranh để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả xuất khẩu trên cơ sở áp dụng công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, thực hiện chính sách ưu đãi các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trước đó và đặc biệt vào buổi làm việc với các bộ ngành về tình hình giá gạo giảm vào chiều 19/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thêm một lần nhấn mạnh: “Lúa gạo chỉ có con đường phát triển duy nhất là nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường toàn cầu”. Đồng thời Thủ tướng cũng chỉ rõ, Bộ NN&PTNT, các địa phương phải triển khai mạnh mẽ hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo để gạo chất lượng cao, gạo dược liệu, gạo chữa bệnh, gạo có thương hiệu của Việt Nam ngày càng phổ cập.
Các địa phương đã cơ bản đủ nước gieo cấy |
Trước đợt 3 lấy nước đổ ải: Trên 93% diện tích gieo cấy đã đủ nước |
Bộ Công Thương: Giá lúa gạo tăng cao là do… tin đồn |
Minh Lê
-
Tin tức kinh tế ngày 18/10: Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,8%
-
Tin tức kinh tế ngày 16/10: Thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ chính thức vượt 100 tỷ USD
-
Tin tức kinh tế ngày 12/10: Giá gạo châu Á chạm mức thấp nhất trong hơn một năm
-
Tin tức kinh tế ngày 3/10: Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh
-
Ấn Độ nới lỏng lệnh hạn chế xuất khẩu, giá gạo giảm mạnh nhất trong 16 năm