Hội thảo “Quản trị khoáng sản: Việt Nam đang ở đâu?”
Hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản còn lộ nhiều điểm hạn chế như hiệu quả kinh tế còn chưa cao, lãng phí, cạn kiệt tài nguyên và để lại nhiều tác động xấu đối với môi trường, xã hội.
Hội thảo “Quản trị khoáng sản: Việt Nam đang ở đâu?” diễn ra ngày 8/10 vừa qua do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp tổ chức
Tại hội thảo, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng viện Chiến lược (Bộ Công an) cho rằng, việc giám sát khai thác khoáng sản rất kém, chỉ có 30% doanh nghiệp báo cáo, vậy 70% còn lại xử lý thế nào? Theo ông Cương, hiện nay khoáng sản có đến ba Bộ tham gia quản lý (Bộ TN&MT, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng), cần phải thống nhất cho Bộ TN&MT (hiện nay, Bộ TN&MT chỉ làm quy hoạch, còn xuất khẩu thì giao Bộ Công Thương).
Tình trạng trên dẫn đến việc hầu hết các quy hoạch chỉ nêu tên mỏ, khu vực mỏ, mà không có toạ độ, diện tích cụ thể, gây khó khăn khi xem xét cấp phép. Phần lớn khoáng sản có tính đa công dụng như: đá hoa trắng, đá vôi, bentonit... nhưng cùng một mỏ, lại bị điều chỉnh bởi hai quy hoạch do hai bộ chủ trì lập, được phê duyệt ở thời điểm khác nhau. Một số quy hoạch có tính ổn định thấp, còn lệ thuộc vào nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, địa phương, chưa mang tính định hướng lâu dài.
Báo cáo của Tổng cục Địa chất - Khoáng sản, Bộ TN&MT cho thấy trong thời gian qua Việt Nam đã phát hiện được trên 5.000 mỏ, điểm quặng với trên 60 loại khoáng sản khác nhau. Trong đó có nhiều loại khoáng sản có tiềm năng lớn đủ để khai thác và chế biến với quy mô công nghiệp như bauxit, titan-zircon, đất hiếm, than, apatit… Ngành công nghiệp khai khoáng cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước, đóng góp khoảng 11% GDP và 25% thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản còn lộ nhiều điểm hạn chế như hiệu quả kinh tế còn chưa cao, lãng phí, cạn kiệt tài nguyên và để lại nhiều tác động xấu đối với môi trường, xã hội.
Đặc biệt, chỉ có 30-40% tổ chức cá nhân đang khai thác khoáng sản thực hiện báo cáo định kỳ hoạt động khai thác, nhưng chế tài còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, do sản lượng khai thác làm căn cứ tính thuế do doanh nghiệp tự kê khai, khiến cho Nhà nước không kiểm soát được sản lượng khai thác thực tế của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, Nhà nước không nắm rõ được thực trạng một nguồn lực quan trọng cho phát triển đất nước - vốn tài nguyên khoáng sản. Cũng từ đó, nguồn thu ngân sách từ thuế tài nguyên bị thất thoát.
Ông Matthieu Salomon, Quản lý chương trình Đông Nam Á, Viện Giám sát nguồn thu (Hoa Kỳ), cho biết, theo chỉ số quản trị tài nguyên năm 2013, Việt Nam đạt 41 điểm, xếp thứ 43 trong 58 nước được điều tra, khảo sát. Trong khi đó, nước đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn quản trị có số điểm 71 - 100 điểm, một phần 51 - 70 điểm, yếu 41 - 50 điểm và không đáp ứng 0 - 40 điểm.
Theo các chuyên gia để quản lý, khai thác và sử dụng tốt nguồn tài nguyên khoáng sản ngoài việc tập trung đầu mối về Bộ TN&MT còn phải cần nghiên cứu lộ trình đến năm 2015 tham gia “Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai khoáng” mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện để nâng cao hiệu quả quản trị tài nguyên khoáng sản. Việc thực hiện Sáng kiến minh bạch hóa ngành công nghiệp khai khoáng không chỉ mang lại hiệu quả cho Chính phủ mà còn giảm tham nhũng và mang lại nguồn thu cao hơn cho ngân sách Nhà nước.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay, việc tham gia Sáng kiến minh bạch hóa ngành công nghiệp khai khoáng sẽ là một thông điệp đối với cộng đồng các nhà đầu tư quốc tế, đó là: Việt Nam chính là nơi để tiến hành kinh doanh trong ngành khai khoáng.
Kiên Nguyễn