Hiểu cho đúng vụ "đại gia Đặng Văn Thành bị Sacombank siết nợ"
Thăng trầm cùng Sacombank
Ông Đặng Văn Thành và vợ khởi nghiệp với cơ sở Thành Công từ năm 1979 với ngành nghề kinh doanh ban đầu là chuyên sản xuất kinh doanh cồn, CO2 và mật rỉ đường dùng trong sản xuất bột ngọt, cồn, men thực phẩm, chế biến thức ăn gia súc. Năm 1991 ông Thành chuyển sang lĩnh vực mới là ngân hàng, tài chính và đóng vai trò quan trọng trong việc sáng lập lãnh đạo Sacombank. Trong gần 20 năm ông cùng với các cộng sự đã xây dựng và đưa Sacombank từ mức vốn điều lệ ban đầu chỉ 3 tỷ đồng lên quy mô trên 10.000 tỷ đồng.
Năm 2006, ông Thành cùng các cộng sự đưa Sacombank trở thành ngân hàng đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán ngay trước khi Việt Nam gia nhập WTO. Năm 2011 số vốn điều lệ lúc này là 10.000 tỷ đồng gồm những cổ đông lớn như: REE 3,66%, Dragon Capital 6,66%, ANZ 9,78%... đưa Sacombank trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu sẵn sàng cạnh tranh trong thời kỳ hậu WTO. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự nghiệp kinh doanh và đưa ông trở thành một trong những đại gia có tiếng trong lĩnh vực ngân hàng.
Ông Đặng Văn Thành từng là ông chủ nay thành con nợ
Tiềm lực, danh tiếng và sự lớn mạnh đến với Sacombank thì cũng là lúc ngân hàng đối mặt với nguy cơ bị thâu tóm. Trong đó, nổi lên là cái tên nằm trong cùng lĩnh vực kinh doanh đó chính là Eximbank.
Thương vụ thâu tóm Sacombank đã được Eximbank “nhắm” đến từ tháng 7/2011, khi ngân hàng ANZ (cổ đông chiến lược của Sacombank) chủ động liên hệ mời Eximbank mua lại 9,73% cổ phần mà họ đang nắm giữ. Sau khi phân tích, HĐQT của Eximbank đã nhận định Sacombank là ngân hàng cổ phần hàng đầu; nếu mua chắc chắn Eximbank sẽ có lãi, thậm chí lãi lớn sau khi trừ các chi phí. Chưa kể đến việc trở thành cổ đông lớn của một ngân hàng cổ phần hàng đầu như Sacombank sẽ đưa vị thế của Eximbank trên thị trường tài chính Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể.
Bắt đầu từ đây, Eximbank đã từng bước khởi động thương vụ thâu tóm này bằng việc mua lại cổ phiếu của Sacombank do ANZ nắm giữ.
Vùng vẫy và tuyệt vọng
Đối với đại gia Đặng Văn Thành, trước nguy cơ Sacombank khó tránh khỏi bị thâu tóm trên thị trường tài chính, ông Thành và các thành viên trong gia đình đã cố gắng bằng mọi cách để giành lại thương hiệu gắn với cả sự nghiệp của mình. Trong rất nhiều nỗ lực, không ngoại trừ việc ông Thành đã vay tiền lớn để mua lại số lượng lớn cổ phiếu của Sacombank. Đây chính là một trong những điểm mấu chốt khiến ông từ vai trò làm chủ trở thành con nợ của chính ngân hàng mình có công thành lập.
Trong tháng 11/2011, Sacombank bất ngờ đăng ký mua vào 100 triệu cổ phiếu STB làm cổ phiếu quỹ. Song hành với đó, hàng loạt các công ty thuộc hoặc có quan hệ mật thiết với gia đình ông Đặng Văn Thành là Thành Thành Công, Đặng Huỳnh, Đường Ninh Hòa, Bourbon Tây Ninh đồng dồn dập đăng ký mua vào cổ phiếu STB.
Tuy nhiên, “cuộc chiến” dường như không cân sức khi mà phía ông Thành nắm giữ tỷ lệ cổ phần quá thấp. Đặc biệt, tháng 8/2011, Dragon Capital chính thức bán toàn bộ 6,66% vốn tại Sacombank, với 61 triệu cổ phiếu sau 10 năm nắm giữ. Kể từ thời điểm này, thông tin về việc nhà đầu tư nội thu gom cổ phiếu Sacombank để giành quyền kiểm soát lan khắp thị trường. Và không nằm ngoài dự đoán, nối tiếp sau việc thoái vốn của Dragon Capital thì thông qua giới truyền thông ngân hàng Eximbank công bố việc đã sở hữu được 51% lượng cổ phiếu của Sacombank.
Tháng 1/2012, hai cổ đông lớn khác của Sacombank là REE, ANZ tiếp tục việc thoái sạch vốn khỏi Sacombank. Thay vào đó, Eximbank trở thành cổ đông lớn với lượng nắm giữ là 9,73%, trong đó phần lớn là được chuyển nhượng từ ANZ.
Vận hạn liên tục ập đến, ông Thành và những người trong gia đình bị cơ quan điều tra mời làm việc sau chuỗi sự kiện bắt “bầu Kiên”. Những thông tin xấu trên đã liên tiếp khiến cổ phiếu của Sacombank tuột dốc không phanh. Trong một thời gian ngăn khối tài sản khổng lồ của ông Thành bị “bốc hơi”. Cộng với sự khó khăn của một loạt doanh nghiệp trong gia đình, buộc ông Thành phải vay của chính Sacombank số lượng vốn hàng ngàn tỷ đồng.
Ngày 5/12/2012 ông Thành và con trai là ông Đặng Hồng Anh đã kí kết thỏa thuận với Sacombank về việc dùng gần 80 triệu cổ phiếu STB (tương đương 7,4% vốn của Saconmbank) để cấn trừ vào các khoản cho vay, đầu tư cổ phiếu và các khoản khác.
Cụ thể các khoản cấn trừ này bao gồm: Gần 172 tỷ đồng từ công ty Tín Việt; trên 678 tỷ đồng tại Sacomreal; hơn 329 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu Sacomreal; 18 tỷ đồng cho vay Thành Thành Công; khoảng 192 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu Thành Thành Công; hơn 148 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu công ty Đặng Huỳnh; gần 59 tỷ đồng cho vay công ty Thành Ngọc. Theo thỏa thuận, ông Đặng Văn Thành và ông Đặng Hồng Anh ủy quyền cho HĐQT Sacombank được toàn quyền mua, bán định đoạt, sở hữu cổ phiếu STB mà họ nắm giữ. Sau khi Sacombank cấn trừ cổ phiếu của cha con ông Thành vào các khoản nợ theo thỏa thuận, xuất hiện nhiều thông tin cho rằng cha con ông bị xiết nợ.
Thực chất, đó cũng chỉ là một động thái bình thường trong hoạt động tài chính. Với việc cấn trừ 80 triệu cổ phiếu, đại gia Đặng Văn Thành có thể coi là đã hết vốn sở hữu tại Sacombank - chứ không có nghĩa là đại gia này trở nên "nợ đầm đìa" và bị đuổi theo "xiết nợ".
Vụ lùm xùm cuối cùng này đánh dấu lương duyên của ông với Sacombank, thương hiệu gắn với sự nghiệp tài chính huy hoàng và nhiều biến động của đại gia Đặng Văn Thành.
Thùy Trang
-
Lo ngại bị đối xử thiếu bình đẳng trong dự thảo quy định hoàn thuế GTGT
-
Giá vàng hôm nay (25/10): Tăng trở lại
-
Giá dầu hôm nay (25/10): Dầu thô tăng trong phiên
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 25/10: Nhiều nhà máy lọc dầu ở California cân nhắc đóng cửa
-
Tin tức kinh tế ngày 24/10: Thương mại điện tử 9 tháng tăng gần 38%