Hàng triệu SIM rác đã bị “xóa sổ”: Vì sao cuộc gọi “quấy rối” vẫn còn?
Vấn nạn cuộc gọi rác, tin nhắn lừa đảo đã xuất hiện tại Việt Nam trong nhiều năm qua. Ảnh minh họa |
Cuộc gọi “rác” vẫn tái diễn
Vấn nạn cuộc gọi rác, tin nhắn lừa đảo đã xuất hiện tại Việt Nam trong nhiều năm qua. Trước thực trạng đó, Bộ Thông tin & Truyền thông (Bộ TT&TT) đã triển khai nhiều hoạt động, biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng SIM rác hoành hành như: kiểm tra các doanh nghiệp viễn thông về hoạt động quản lý thông tin thuê bao, xử lý SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định hay thuê bao phát tán tin nhắn, cuộc gọi rác…
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan chức năng đã cập nhật thông tin chính chủ với hơn 11 triệu thuê bao. Trong quá trình này đã khóa và phục hồi xấp xỉ 2,5 triệu thuê bao có thông tin không chính xác.
Việc quyết liệt đẩy mạnh chiến dịch chuẩn hóa thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư được kỳ vọng sẽ hạn chế thuê bao rác, từ đó giảm bớt tình trạng tin nhắn và cuộc gọi lừa đảo xuất hiện tràn lan, mở ra một môi trường viễn thông lành mạnh hơn.
Thế nhưng, mặc cho nhiều biện pháp mạnh tay, những nỗ lực chuẩn hóa thông tin thuê bao và thanh tra toàn quốc để loại bỏ SIM rác, các cuộc gọi phiền nhiễu, tin nhắn rác không hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Người dùng vẫn tiếp tục bị hành hạ, quấy rầy bởi hàng loạt cuộc gọi không mong muốn, quảng cáo gây phiền toái và cả những lời mời chào bất kể giờ giấc, từ sáng đến đêm khuya.
Nguy hiểm hơn, còn xuất hiện cả những cuộc gọi mạo danh các cơ quan nhà nước, công an, cán bộ thuế, ngân hàng, công ty điện lực… với chiêu bài hỗ trợ giải quyết các sự cố cho khách hàng hay đe dọa người dân nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
Thậm chí, các đối tượng lừa đảo còn lợi dụng chính quy định về quản lý thuê bao đang được triển khai, tự xưng là nhân viên nhà mạng, đưa ra thông báo, số điện thoại của người dùng sẽ bị khóa nếu không cập nhật thông tin thuê bao, từ đó từng bước thực hiện hành vi lừa đảo. Và thực tế, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, đa dạng, không ít người dân đã trở thành nạn nhân của các cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo này.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan chức năng đã cập nhật thông tin chính chủ với hơn 11 triệu thuê bao. Ảnh minh họa |
SIM chính chủ cũng “quấy rối”
Chia sẻ về vấn đề này dưới góc nhìn quản lý, ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết, nguyên nhân của thực trạng này một phần là bởi hoạt động telesale - hay tiếp thị từ xa qua điện thoại. “Từ lâu, chúng ta vẫn mặc nhiên cho rằng SIM rác là cội nguồn của những cuộc gọi "quấy rối", chào bán, giới thiệu dịch vụ, môi giới... Tuy nhiên trên thực tế, ngay cả SIM "chính chủ" cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng này, khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn”, Thứ trưởng Phạm Đức Long chia sẻ.
Ông Long cho biết, đây là một nghề, là marketing. Vì thế, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều đang phải chịu vấn nạn này. "Và ngay cả khi đã chặn hết SIM rác, thì vẫn sẽ xuất hiện những cuộc gọi quấy nhiễu, lừa đảo. Chúng ta cần phân biệt rõ 2 khái niệm này", ông Long nói.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Phạm Đức Long cũng cho biết, Bộ TT&TT đã có kịch bản nhằm ngăn chặn tối đa tình trạng phát tán cuộc gọi rác trên không gian mạng. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng cho rằng, hoạt động này cần có sự chủ động vào cuộc của cơ quan, tổ chức có liên quan và của cả chính người dân.
Cụ thể theo ông Long, các cơ quan, tổ chức như trường học, ngân hàng, bệnh viện cần chủ động phổ biến các số điện thoại và kênh liên lạc chính thống đến người sử dụng. Người dùng cá nhân thì cần nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân, cảnh giác khi nghe và thực hiện theo các yêu cầu từ số máy lạ, không có trong danh bạ. Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể chủ động cài đặt, sử dụng các dịch vụ chặn lọc hoặc cảnh báo cuộc gọi rác/cuộc gọi lạ do nhà mạng cung cấp.
“Điều này dẫu chưa thể hạn chế 100% tình trạng cuộc gọi "quấy rối", nhưng sẽ phần nào hạn chế tần suất xuất hiện và những hệ lụy như lừa đảo, đánh cắp thông tin... mà chúng mang lại”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nói.
Ở một góc nhìn khác, ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo an ninh mạng Athena cho biết, từ năm 2021, các nhà mạng đã thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao chứ không phải bây giờ mới thực hiện. Đã có nhiều quy định, giải pháp công nghệ để chống SIM “rác” nhưng đến nay, SIM “rác” vẫn đầy rẫy, khách ngồi ở nhà vẫn đặt mua được SIM “rác” trên các sàn thương mại điện tử với giá chỉ vài chục ngàn đồng/cái mà không cần đăng ký thông tin cá nhân. Do đó, gốc rễ của vấn đề là tình trạng quản lý nguồn SIM mới của các nhà mạng còn lỏng lẻo, dễ dãi.
Theo quy định hiện hành, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông bán SIM đã kích hoạt sẵn sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng. Ông Võ Đỗ Thắng cho rằng, mức xử phạt này vẫn quá nhẹ, cần có mức phạt nặng hơn: “Nên quy định cấm kinh doanh đối với điểm kinh doanh bị phát hiện bán SIM “rác” từ lần thứ ba trở lên; cấm phát hành SIM mới trong 3-6 tháng đối với nhà mạng phát hành SIM rác, bên cạnh phạt tiền. Có như vậy, nhà mạng và điểm kinh doanh SIM mới nghiêm túc thực hiện”.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
Từ 31/3, thuê bao không chuẩn hóa thông tin cá nhân sẽ bị khóa |
Chặn sim rác, chớ “bắt cóc bỏ đĩa”! |
Cách kiểm tra, nhận biết dấu hiệu lừa đảo qua điện thoại |
-
Bão Kong-rey diễn biến khó lường, dự báo sẽ đổ bộ Biển Đông
-
Các tỉnh miền Trung căng mình ứng phó bão số 6
-
Quảng Nam: Chủ động sơ tán người dân trước diễn biến của bão số 6
-
Tuyệt đối không chủ quan, sẵn sàng công tác ứng phó với bão Trami
-
Công an tỉnh Quảng Nam triển khai các giải pháp phòng chống bão số 6