Chặn sim rác, chớ “bắt cóc bỏ đĩa”!
Ảnh minh họa |
Xem ra hàng chục triệu người dùng điện thoại, chủ yếu là người dùng điện thoại thông minh hết sức hoan nghênh. Nhưng cũng có thoáng chút hồ nghi, liệu lần này nhà mạng có chặn được sim rác, hay lại như bao lần đã làm, được mươi ngày im ắng rồi lại đâu vào đó, dân gian gọi đó là việc làm đối phó cứ y như “bắt cóc bỏ đĩa” vậy.
Không phải dịp này chúng ta mới làm, mà cách đây 15 năm, Chính phủ đã chủ trương thiết lập trật tự, kỉ cương thị trường viễn thông. Nghị định 90 ngày 13-8-2008 của Chính phủ về chống thư rác, kế đến là Nghị định số 77 ngày 5-10-2012 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 90 đã quy định rõ nhiệm vụ của các doanh nghiệp viễn thông di động. Theo đó các nhà mạng phải có quy trình chặt chẽ xử lý tin nhắn rác trên mạng và thực hiện các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ để ngăn chặn tin nhắn rác.
Nhưng rồi bao nhiêu chỉ thị, kế hoạch, thực hiện được một thời gian lại chìm vào quên lãng. Sim rác cứ như sâu mọc cánh. Có cầu ắt có cung. Không ít người đăng ký cả một “bó” sim khổng lồ, rồi bán dần ra thị trường mà không cần biết đến mục đích sử dụng của người mua. Còn tại các nhà mạng, thay vì việc nghiêm túc chấp hành quy định của ngành thì có những nhân viên kinh doanh dưới áp lực doanh số đã bất chấp, tự ý kích hoạt sim với thông tin có sẵn.
Và thế là các cuộc gọi rác, tin nhắn rác muôn hình vạn trạng đổ vào tai, chọc vào mắt người sử dụng điện thoại. Từ mời mua đất, mua biệt thự đến đi du lịch nước ngoài; từ thuê gia sư đến nhận làm bằng tốt nghiệp đại học, bằng lái xe (giả). Đương nhiên, thông tin từ cuộc gọi quảng cáo, hay quảng cáo dịch vụ cũng là cách tiếp thị, là nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp. Muốn quảng cáo qua điện thoại, các thuê bao thực hiện quảng cáo đã đăng ký định danh. Các cuộc gọi được định danh không bị coi là cuộc gọi rác.
Chúng ta chỉ phê phán, tẩy chay các cuộc gọi, tin nhắn mạo danh, không chính danh mà thôi. Từ đầu tháng 3 đến nay, kinh hoàng nhất là các cuộc gọi đòi nợ, các cuộc gọi yêu cầu gửi tiền gấp để “cấp cứu con” ở bệnh viện. Một số phụ huynh ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... quá bất ngờ khi nghe người lạ xưng danh bác sĩ ở bệnh viện gọi đến nên đã chuyển tiền, trong đó, tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, có người bị lừa tới 200 triệu đồng. Những cuộc gọi lừa đảo ấy đều từ sim rác, bởi khi người nhà, khi cơ quan chức năng gọi tới thì đều không thể liên lạc được nữa.
Phải quyết liệt chặn sim rác - một loại sim đã được kích hoạt, nhưng chưa sử dụng và có khả năng bị sử dụng vào mục đích xấu. Phải làm sạch thông tin thuê bao, không thể để người sử dụng điện thoại phải chịu “tra tấn”, thậm chí bị lừa đảo. Vấn đề ở chỗ, làm sao đây để cùng với sự vào cuộc của cơ quan quản lý và các nhà cung cấp dịch vụ, cần có cả sự tham gia tích cực của người sử dụng.
Theo số liệu của Cục Viễn thông, nước ta hiện có 127 triệu thuê bao di động, ba nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone và VinaPhone chiếm 96% thị phần. Đáng lo ngại là có tới hơn 3,5 triệu thông tin thuê bao chưa trùng khớp với cơ sở dữ liệu dân cư.
Có một con đập chắn cơn lũ sim rác, lại giúp bảo vệ quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ, đó là việc rà soát, quản lý chặt chẽ các thuê bao di động. Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết, sau ngày 31-3 này, các thuê bao di động nhận được thông báo mà không thực hiện so khớp, chuẩn hóa thông tin theo yêu cầu sẽ bị chặn liên lạc một chiều, hai chiều theo quy định. Đến ngày 15-5, thuê bao không cập nhật dữ liệu khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ bị chấm dứt hoạt động. Như vậy, cốt lõi của việc quản lý là nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tiến tới giải quyết triệt để tình trạng sim rác.
Với những chủ trương và biện pháp cụ thể, phù hợp với thực tế, hy vọng lần này nhà mạng sẽ ngăn chặn được tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, “bắt cóc bỏ đĩa”. Lý do của hy vọng là bởi, đây là một chủ trương lớn, thống nhất từ Chính phủ đến nhà kinh doanh, người tiêu dùng, với bước đi cụ thể. Những bước tiến lớn thường bắt đầu từ bước đi nhỏ. Việc giải quyết một cách bền vững, làm từ gốc - quản lý chặt chẽ các thuê bao - sẽ là giải pháp bền vững, chứ không mang tính “chiến dịch”.
Hải Đường