Hàng trăm người bị triệu tập tới phiên tòa xét xử Vũ “nhôm”
Ngày mai (22/4), TAND cấp cao tại TPHCM sẽ mở phiên tòa xét xử vụ án lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Đông Á (DongABank).
Dự kiến, phiên tòa do thẩm phán Nguyễn Hữu Ba làm chủ tọa phiên tòa và sẽ kéo dài tới ngày 7/5.
Vũ "nhôm" tiếp tục hầu tòa. |
Toà cũng xác định, nguyên đơn dân sự trong vụ án là Ngân hàng Đông Á, đồng thời là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Ngoài ra, toà án còn triệu tập 350 đơn vị, cá nhân tham gia phiên toà với tư cách người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, trong đó có ngân hàng Nhà nước, công ty TNHH quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Đông Á, công ty TNHH Ernst and Young Việt Nam, Công ty kiểm toán và dịch vụ tin học TPHCM, công ty cổ phần quản lý Quỹ Lộc Việt, công ty cổ phần địa ốc Đông Á và nhiều nhân vật “cộm cán” khác...
Theo đó, Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Đông Á) và bà Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó tổng giám đốc DongABank) bị xét xử về 2 tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Hai bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm) và Phạm Văn Phước bị xét xử về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Và 22 bị cáo khác bị xét xử về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và cố ý làm trái quy định nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Trần Phương Bình chung thân về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và 20 năm tù về tội cố ý làm trái quy định Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt bị cáo Bình phải chấp hành là chung thân.
Nguyễn Thị Kim Xuyến bị tuyên phạt 30 năm tù. Cấm bị cáo đảm nhiệm chức vụ trong vòng 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ bị tuyên phạt 17 năm tù về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp hình phạt 8 năm tù từ bản án trước, buộc bị cáo Vũ phải chấp hành là 25 năm tù. Buộc bị cáo Phan Văn Anh Vũ phải bồi thường hơn 200 tỉ đồng cho DongABank.
Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt mức án từ 2 năm tù treo đến 16 năm tù giam. Sau bản án sơ thẩm, 18 bị cáo đều có đơn kháng cáo. Trong đó, Vũ “nhôm” kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Theo bản án sơ thẩm, ông Trần Phương Bình đã tổ chức, chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ và đầu tư tại DongABank, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho ngân hàng này hơn 3.608 tỉ đồng, bao gồm 1.160 tỉ đồng trong việc ông Bình mua hơn 74.000 cổ phần DongABank; 437 tỉ đồng và 650 lượng vàng chi lãi ngoài; hơn 24 triệu USD và hơn 15.000 lượng vàng trong việc kinh doanh ngoại hối và kinh doanh vàng tài khoản trái phép...
Cơ quan điều tra xác định, hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của ông Bình là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DongABank tại thời điểm 31/12/2015 lỗ lũy kế 31.076 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỉ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỉ đồng.
Bà Xuyến đã sử dụng công ty TNHH TMTP Sao Việt Nam, công ty TNHH Ninh Thịnh và 5 cá nhân lập hồ sơ rút 467 tỉ đồng của DongABank để ông Trần Phương Bình mua cổ phần của DongABank. Sau đó, ông Bình chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi hơn 475 tỉ đồng để tất toán các khoản vay này, xuất quỹ chi sai nguyên tắc hơn 10 tỉ đồng.
Ngoài ra, bà Xuyến còn chiếm đoạt của DongABank 40 tỉ đồng trong việc DongABank cho Cao Ngọc Huy vay 270 tỉ đồng. Cơ quan điều tra xác định bà Xuyến là đồng phạm với ông Bình chiếm đoạt 467 tỉ đồng của DongABank.
Bà Xuyến còn vi phạm về xuất khẩu và kinh doanh vàng tài khoản trái phép, chi lãi suất ngoài sai nguyên tắc gây thiệt hại cho DongABank hơn 1.000 tỉ đồng; phải chịu trách nhiệm về số tiền 40 tỉ đồng và 1.574 tỉ đồng.
Theo DT
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường