Hà Nội chính thức ra mắt dịch vụ xe đạp công cộng
Đây là hoạt động phát triển xe đạp điện, xe đạp công cộng theo hình thức xã hội hóa để hỗ trợ, kết nối các phương thức vận tải hành khách công cộng cũng như đa dạng hóa các phương thức giao thông đô thị khu vực trung tâm TP; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo ra sản phẩm mới phục vụ du lịch của thành phố Hà Nội.
Hà Nội chính thức ra mắt dịch vụ xe đạp công cộng. |
Ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trí Nam cho biết, trong giai đoạn đầu có 1.000 xe đạp, trong đó có 500 xe đạp điện sẽ được bố trí tại 79 điểm trạm. Các trạm xe được bố trí gắn kết với các điểm dừng xe buýt, công viên, các điểm du lịch bảo đảm cho người dân có thể đi bộ để tiếp cận dịch vụ thuận lợi.
Giá thuê một chiếc xe đạp trợ lực điện là 10.000 đồng cho 30 phút sử dụng, còn đối với xe đạp cơ là 5.000 đồng. Đây là mức chi phí được người tiêu dùng và khách du lịch đánh giá là khá rẻ.
Khách thuê sẽ tải ứng dụng cho thuê xe đạp công cộng, nạp tiền vào tài khoản, dùng thẻ từ hoặc smartphone quét QR code trên khóa xe để mở khóa. Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ nên quá trình vận hành sẽ mang lại nhiều tiện ích cho cả người dùng và đơn vị quản lý.
Các trạm xe không cần người trông coi. Người dùng có thể trả xe ở điểm trạm bất kỳ và ngay cả khi số tiền trong tài khoản không còn đủ, vẫn có thể tiếp tục di chuyển bằng xe đạp điện công cộng. Bởi tiền thuê xe sẽ được tính trong lần tiếp theo khi người dân nạp tiền vào tài khoản.
Theo ông Đỗ Bá Dân, trong 7 ngày vận hành thử nghiệm (từ 16-22/8), Công ty Trí Nam đã tiếp nhận hơn 16.000 tài khoản được mở mới. Khách hàng đã thực hiện hơn 7.000 chuyến đi, trên 46.000km di chuyển, đạt trung bình 6,3km/chuyến. 100% các khung giờ đều có khách sử dụng dịch vụ.
“So với việc di chuyển bằng các phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy, việc đạp xe với quãng đường kể trên sẽ giảm khoảng 2.800 kg khí thải CO2 ra môi trường, tương đương với khả năng hấp thụ của 135 cây xanh”, ông Đỗ Bá Dân khẳng định.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại Lễ khai trương dịch vụ. |
Phát biểu tại lễ khai trương, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp, để bảo vệ môi trường. Trong đó chú trọng vào việc chuyển đổi, phát triển các loại hình phương tiện thân thiện với môi trường trên địa bàn Thành phố. Từng bước hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Việc chuyển đổi sử dụng phương tiện năng lượng sạch trong lĩnh vực giao thông vận tải đã được UBND Thành phố giao nhiệm vụ cho các Sở, ban, ngành xây dựng lộ trình cụ thể nhằm hiện thực hóa cam kết giảm phát thải nhà kính của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26. Giải pháp sử dụng xe đạp, xe đạp trợ lực điện, xe đạp điện sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu chung của Thành phố.
Việc phát triển loại hình xe đạp công cộng để hỗ trợ các loại hình vận tải hành khách công cộng khác (đường sắt đô thị, xe buýt) sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, giảm ô nhiễm môi trường và bước đầu hình thành mạng lưới phụ trợ giúp kết nối người dân đến trạm xe buýt thuận tiện.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiểm tra chất lượng dịch vụ. |
Phó Chủ tịch UBND TP Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền hoan nghênh và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Công ty cổ phần tập đoàn Trí Nam trong việc triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị. “Hà Nội cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ và đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc triển khai dịch vụ xe đạp đô thị nói riêng và các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch nói chung”, ông Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Trạm xe đạp công cộng tại Vườn hoa Lý Thái Tổ. |
Ông Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu trong thời gian thí điểm 1 năm, Công ty CP tập đoàn Trí Nam phải theo dõi, lắng nghe phản hồi của người dân, du khách, nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ. Sở Giao thông vận tải thường xuyên theo dõi, tình hình thực hiện, sau thời gian thí điểm có báo cáo đánh giá về chất lượng, hiệu quả thí điểm mô hình dịch vụ xe đạp công cộng, tham mưu, đề xuất UBND Thành phố xem xét, quyết định việc triển khai trong thời gian tiếp theo.
Chị Lê Thị Phương tham gia trải nghiệm dịch vụ. |
Tham gia trải nghiệm thuê xe đạp công cộng, chị Lê Thị Phương (Minh Khai, Hà Nội) đánh giá cao chất lượng xe, chất lượng dịch vụ. Chị Phương khẳng định sẽ thường xuyên cùng gia đình sử dụng dịch vụ vào dịp cuối tuần để nâng cao sức khỏe, gia tăng tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, chị Phương cho rằng các xe đạp công cộng tại Hà Nội chưa có ghế ngồi đằng sau và mong rằng đơn vị cung cấp dịch vụ bổ sung loại xe 2 chỗ ngồi để đáp ứng nhu cầu của các cặp tình nhân, bạn bè, cha mẹ với con nhỏ.
Quang Phú