Giám đốc IEA: Nga sẽ thua trong cuộc chiến năng lượng với phương Tây
Nga đã mất khách hàng lớn nhất - châu Âu
"Ngay trước khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra, khoảng 65% xuất khẩu khí đốt và 55% xuất khẩu dầu của Nga sang châu Âu. Cho đến nay châu Âu vẫn là thị trường lớn nhất, khách hàng lớn nhất của Nga và Nga đã mất khách hàng này mãi mãi", ông Birol nói với Euronews.
Bình luận của giám đốc điều hành IEA dường như ám chỉ đến hành động trả đũa mà Liên minh châu Âu (EU) áp dụng đối với khí đốt Nga tương tự lệnh cấm vận dầu Nga và những nỗ lực tốn kém nhằm đa dạng nguồn cung khí đốt, chủ yếu là khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng, Nga sẽ thua trong cuộc chiến năng lượng với phương Tây (Ảnh: IEA). |
Khi được hỏi liệu Nga có thể thay thế các khách hàng ở châu Âu bằng các khách hàng ở các khu vực khác hay không, ông Birol cho rằng điều đó sẽ không dễ dàng vì "một lượng lớn" khí đốt của Nga bắt nguồn từ Tây Siberia và chảy đến châu Âu bằng các đường ống.
Trong khi đó, việc xây dựng các đường ống mới dẫn khí đốt tới Trung Quốc hay Ấn Độ có thể mất đến 10 năm và cần một lượng đầu tư, công nghệ đáng kể để hoàn thành.
"Vì vậy, đối với Nga, việc thay thế thị trường xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu, trong ngắn hạn, là một điều viển vông", ông Birol nói và ví von bán khí đốt không giống như bán hành ở chợ, đó là một công việc kinh doanh hoàn toàn khác.
Nhưng Nga không phải là nước duy nhất trải qua thời kỳ khó khăn này.
Trong cuộc phỏng vấn với Euronews, lãnh đạo IEA còn đề cập đến một cuộc khủng hoảng quốc tế có phạm vi và quy mô lớn chưa từng có đang tàn phá mọi ngóc ngách trên thế giới.
"Chúng ta đang ở giữa cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu thực sự đầu tiên. Thế giới chưa bao giờ chứng kiến một cuộc khủng hoảng năng lượng sâu và phức tạp như thế này", ông nói.
Ông lý giải: "Những năm 1970, chúng ta đã trải qua một cuộc khủng hoảng dầu mỏ, nhưng nó chỉ xảy ra ở dầu mỏ. Còn hiện nay, cuộc khủng hoảng diễn ra ở dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, than đá và điện. Mà lý do lại rất đơn giản đó là Nga, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới".
"Mùa đông tới có thể khó khăn hơn" với châu Âu
Ông Birol mô tả châu Âu là "tâm chấn" của cơn bão và cho rằng việc phụ thuộc vào nhiên liệu giá rẻ của Nga trong hàng thập kỷ qua là một sai lầm, đây là gốc rễ của cuộc khủng hoảng hiện nay.
Người đứng đầu IEA dự báo châu lục này có thể sẽ vượt qua được mùa đông này và không có nhiều thiệt hại lớn nếu mùa đông không quá dài và quá lạnh cũng như không có những bất ngờ lớn xảy ra.
Tuy nhiên, ông Birol lại lo ngại nhiều hơn về mùa đông 2023-2024 ở châu Âu, với 3 lý do chính: Không còn khí đốt Nga, kinh tế Trung Quốc hồi phục và thị trường LNG thắt chặt hơn.
"Trong vài năm tới, chúng ta phải sẵn sàng đối phó với sự biến động và giá năng lượng cao, chúng ta phải tìm ra các giải pháp. Nhưng phải nói thẳng là, mùa đông năm nay đã khó và mùa đông năm sau có thể còn khó hơn", ông Birol nói.
Khi được hỏi về đề xuất áp trần giá khí đốt trên toàn châu Âu, ông Birol cho rằng đây là "ý tưởng hay", miễn là giá trần đủ rộng để hấp dẫn các nhà sản xuất LNG.
Ông cũng cho rằng việc lấp đầy các kho dự trữ khí đốt ngầm, hiện đã bơm được 93%, là một thành công trong năm nay. Nhưng để thu hút được, châu Âu đã phải trả "nhiều tiền" hơn các khách hàng sử dụng khí LNG khác.
"Nếu chúng ta đặt giá trần ở mức quá thấp, thì sức cạnh tranh sẽ kém đi rất nhiều", ông nói.
Liên quan đến việc mua chung khí đốt, một đề xuất đã thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia châu Âu, người đứng đầu IEA cho rằng nếu các nước châu Âu trở thành "người mua mạnh", họ có thể thắng thầu trước các khách hàng mua LNG khắp trên khắp thế giới.
Nói về dầu mỏ, nguồn thu chính của Nga, ông Birol bày tỏ sự không hài lòng về quyết định mới nhất của OPEC khi cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày để tăng giá. Ông cho rằng các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới nên hành động có trách nhiệm hơn trong thời kỳ khủng hoảng.
"Bây giờ, họ quyết định giảm sản lượng khai thác dầu sẽ khiến giá dầu tăng lên. Do đó, lạm phát sẽ tăng và kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái", ông nói và cho rằng đó là một quyết định rất mạo hiểm và đáng tiếc.
Theo Dân trí
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?