Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Giải quyết thực trạng thiếu hụt lao động ra sao?

11:06 | 11/11/2021

Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tại phiên chất vấn Quốc hội chiều 10/11, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung đã trả lời nhiều vấn đề liên quan đến người lao động, tập trung vào các giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động; chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc và giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động bị mất việc làm...

Lao động rời đi, trách nhiệm bộ, ngành, địa phương ra sao?

Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, từ ngày 1/10/2021 đến nay, tại TP HCM và một số tỉnh, thành phố trọng điểm phía Nam, các doanh nghiệp phục hồi sản xuất khoảng 50-80% công suất, lực lượng lao động phục hồi khoảng 75% so với trước dịch, có địa phương trên 90%.

Giải quyết thực trạng thiếu hụt lao động ra sao?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn tại Quốc hội

Về tình trạng người lao động rời TP HCM và một số tỉnh về quê, Chủ tịch Quốc hội lưu ý không chỉ là vấn đề xác định nguyên nhân vì sao, trách nhiệm thế nào, nhất là trách nhiệm của nhà nước đối với dân, mà quan trọng là giải pháp để giải quyết việc thiếu hụt lao động ở các thị trường này, giải quyết sinh kế và việc làm cho người lao động về các tỉnh.

Trước làn sóng người dân rời TP HCM và một số tỉnh lân cận để về quê trong đợt dịch thứ 4, đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) đề nghị Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết có chính sách gì với nhóm người này để “không ai bị bỏ lại phía sau". Bộ trưởng Dung thông tin, lực lượng lao động về quê vừa qua tương đối lớn, khoảng 1,3 triệu người. “Vừa rồi tôi chủ trì làm việc với các tỉnh, thành trọng điểm kinh tế phía Nam thì thấy khoảng 30% người dân có nhu cầu quay trở lại, 30% muốn chuyển sang địa bàn khác, phần còn lại muốn ở quê” - Bộ trưởng nêu.

Theo Bộ trưởng LĐTB&XH, các địa phương cùng với TP HCM và các tỉnh lân cận vùng kinh tế trọng điểm đã có kết nối để vận động, thuyết phục người lao động. Nhiều địa phương cũng chủ động liên kết, kết nối với các địa phương khác, thậm chí ngay cả trong vùng để có thể giới thiệu việc làm cho người lao động.

Để tạo việc làm tại chỗ, Bộ trưởng cho biết, rất nhiều địa phương đã tiếp nhận toàn bộ công nhân nghề may và một số ngành, lĩnh vực khác vào làm việc tại địa phương mình. “Tôi nghĩ rằng việc tập trung triển khai các chính sách, ví dụ như chính sách giảm nghèo, chính sách cho vay quỹ quốc gia giải quyết việc làm… để hỗ trợ cho người lao động ổn định, tạo công việc mới ở địa phương rất cần được quan tâm thực hiện” - ông Dung nêu quan điểm.

Liên quan đến việc triển khai gói hỗ trợ lao động tự do, đại biểu Trình Lam Sinh thắc mắc tại sao nơi có, nơi không? Lý giải việc này, ông Đào Ngọc Dung cho rằng vì còn phụ thuộc vào quy định chính sách của từng địa phương, ngân sách của từng địa phương…

“Vừa qua có những địa phương ngân sách dự phòng không còn, do đó chưa hỗ trợ hoặc chậm hỗ trợ lao động tự do. Sau khi tổng kết Nghị quyết 68, chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng để điều chỉnh chính sách cho phù hợp hơn” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Cho biết rất tâm tư khi nhìn hình ảnh một bà mẹ 50 tuổi cùng 3 con đạp xe từ Đồng Nai về quê, hay một cô gái mới sinh con được 10 ngày rời bỏ thành phố, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) hỏi trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở đâu?

Ông Trần Đình Gia đặt vấn đề: “Liệu có sự lúng túng, bị động và không nhận định được tình hình không, nhất là thực trạng này không phải chỉ diễn ra 1 lần mà đã nhiều lần, ngay cả trước, trong và sau khi TP HCM thực hiện giãn cách. “Phản ứng của các cơ quan nhà nước là quá chậm” - ông Gia nói và đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ LĐTB&XH. Thừa nhận có một phần trách nhiệm trong câu chuyện này nhưng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ LĐTB&XH chịu trách nhiệm chính về vấn đề này. “Việc này liên quan đến rất nhiều bộ, ngành” - Bộ trưởng nói.

Từ vị trí điều hành, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ diễn giải rõ hơn ý kiến của đại biểu Trần Đình Gia. Chủ tịch Quốc hội phân tích: “Đại biểu nêu ra là làn sóng lao động rời bỏ TP HCM và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam về các địa phương không chỉ một lần mà tới 3 lần, theo như số liệu của Bộ trưởng là khoảng 1,3 triệu người”.

Lãnh đạo Quốc hội phản ánh, ý kiến của đại biểu Trần Đình Gia cũng là những ý kiến của cử tri đã được tổng hợp thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn đại biểu Quốc hội gửi về Quốc hội tại kỳ họp thứ hai này. Vì thế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị từ nay cho đến kết thúc phiên chất vấn, các thành viên Chính phủ phải tranh thủ báo cáo giải trình làm rõ thêm vấn đề này trước Quốc hội và trước cử tri.

“Không chỉ là vấn đề chúng ta xác định nguyên nhân vì sao, trách nhiệm như thế nào, nhất là trách nhiệm của nhà nước đối với dân mà vấn đề quan trọng là giải pháp để giải quyết việc thiếu hụt lao động ở các thị trường này, giải quyết sinh kế và việc làm cho người lao động đang đi về các tỉnh” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý.

Vẫn theo Chủ tịch Quốc hội, điều quan trọng là qua việc này, chúng ta rút ra được bài học kinh nghiệm gì trong việc phân tích, đánh giá, dự báo, và chúng ta có cam kết sẽ không để xảy ra tình trạng này trong tương lai không?

“Trách nhiệm của cả chính quyền trung ương và cả chính quyền địa phương, ở nơi có lao động rời đi, nơi có lao động về ra sao?” - Chủ tịch Quốc hội nêu câu hỏi.

Tại TP HCM và 8 tỉnh có đông lao động tại miền Nam và miền Trung, tình trạng thiếu lao động ở nhiều doanh nghiệp so với nhu cầu và để đáp ứng đơn hàng là có. Tuy nhiên, mức độ thiếu hiện nay nhìn chung không trầm trọng do các doanh nghiệp cũng từng bước phục hồi, vừa triển khai sản xuất, vừa phải phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn theo quy định.

Người đứng đầu Bộ LĐTB&XH cho biết, ngay cả khi không có dịch bệnh Covid-19, việc thiếu lao động cục bộ vào thời điểm cuối năm vẫn xảy ra. Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, đặc biệt là ở các doanh nghiệp thâm dụng lao động vẫn chiếm khoảng 20-30% số lao động do phải thay thế, đặc biệt cao vào cuối quý 4 hằng năm do phải hoàn thành các đơn hàng và vào dịp sau Tết do lao động ngoại tỉnh về quê chưa quay trở lại làm việc như thông thường hàng năm.

Liên kết đào tạo còn lỏng lẻo

Liên quan đến thực trạng thiếu hụt lao động tại các khu công nghiệp, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn, dịch Covid-19 đã tạo nên cuộc khủng hoảng xã hội, lao động và việc làm. Qua các số liệu về lao động, các vấn đề liên quan đến làn sóng dịch chuyển lao động tự phát từ các vùng kinh tế trọng điểm quay trở về quê đã làm thiếu hụt lao động tại các khu công nghiệp tại các địa phương có nhu cầu lao động.

Bộ LĐTB&XH đã có định hướng gì để tham mưu giải quyết thực trạng thiếu hụt lao động như nêu trên? Bộ có kế hoạch gì để phối hợp với các bộ, ngành địa phương khắc phục hạn chế và thống nhất việc tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận, những biến động về tình hình việc làm vừa qua cũng bộc lộ các vấn đề còn tồn tại của thị trường lao động.

Trên thực tế, thị trường lao động đang có 2 vấn đề lớn là: Đào tạo chưa gắn với nhu cầu; chất lượng lao động thấp dẫn đến năng suất lao động thấp, mức độ đào tạo, bằng cấp của lao động thấp so với khu vực. Thực tế này xuất phát từ việc dự báo cung cầu lao động còn yếu.

“Tôi từng làm việc với TP HCM và đặt hàng địa phương thử dự báo cung cầu lao động ngắn hạn trong 4 tháng. Kết quả là số người tham gia vào thị trường lao động ở khu vực còn thiếu, đang cần, có mức lương tốt lập tức thay đổi. Vậy nên nếu không nhanh chóng xây dựng công cụ dự báo cung cầu lao động tốt ở cả ngắn hạn, trung hạn, dài hạn thì thị trường sẽ còn những vấn đề bất cập”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn chứng.

Vấn đề khác là liên kết đào tạo nghề hiện nay cũng còn “lỏng lẻo”. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, ở các quốc gia phát triển, sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà trường là đương nhiên và đã tồn tại hàng trăm năm. Chẳng hạn ở Đức, mỗi doanh nghiệp đều phải là một trường nghề, mỗi trường nghề đều có đủ máy móc, thiết bị cho học sinh học.

Tương tự ở các nước phát triển, doanh nghiệp cho rằng đào tạo lao động là bắt buộc, còn ở Việt Nam, hiện một số doanh nghiệp đã bắt đầu xúc tiến việc này nhưng chủ yếu vẫn là trông chờ kết quả đào tạo nghề của trường lớp. Vì vậy nên việc liên kết này vẫn chưa đưa lại hiệu quả.

Trong bối cảnh đó, Bộ LĐTB&XH đã yêu cầu các trường nghề lớn ký kết cụ thể với doanh nghiệp, từ khâu đặt hàng đào tạo tới đầu ra là chỗ làm để sinh viên chưa ra trường biết được sau khi ra trường mình về đâu.

Ba kịch bản giải quyết thiếu hụt lao động

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) bày tỏ, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung ứng lao động có kỹ năng nghề của các ngành kinh tế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp của Bộ để giải quyết vấn đề trên.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phân tích kỹ đại dịch Covid-19 tác động rất mạnh đến thị trường lao động. Tình trạng thiếu hụt lao động đang diễn ra. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khoảng trống việc làm do khủng hoảng là khoảng 205 triệu lao động. Vì vậy, việc đào tạo nghề, đào tạo lại lực lượng lao động là rất cần thiết.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho rằng thời gian tới, để chống đứt gãy chuỗi cung ứng, cần có các giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đối với giải pháp ngắn hạn, cần tập trung hỗ trợ tốt chính sách an sinh xã hội theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 của Chính phủ...

Giải quyết thực trạng thiếu hụt lao động ra sao?
Đại dịch Covid-19 tác động rất mạnh đến thị trường lao động dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động

Về dài hạn, phải đổi mới đào tạo nghề theo hướng mở, linh hoạt, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp theo hướng doanh nghiệp là trường học thứ hai, doanh nghiệp có trách nhiệm cùng Nhà nước chăm lo đào tạo, nâng cao kỹ năng cho người lao động.

Đối với tình trạng lao động gián đoạn, Bộ trưởng LĐTB&XH cho biết, Bộ đã xây dựng 3 kịch bản. Theo đó, kịch bản đầu tiên là sử dụng tất cả các đối tượng đang học nghề. Kịch bản thứ hai là đẩy nhanh tiến trình đào tạo để bổ sung lao động. Kịch bản thứ ba là sử dụng thêm bộ đội nghĩa vụ cho các chuỗi sản xuất.

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đặt vấn đề, cần giải pháp căn cơ nào để phục hồi thị trường lao động. Vấn đề này, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, là cần đưa ra các chính sách cả về ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Trước hết phải tập trung hỗ trợ rất tốt các chính sách an sinh xã hội theo Nghị quyết 68, Nghị quyết 116 của Chính phủ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Thứ hai là cần đẩy mạnh điều chỉnh lao động theo 3 mô hình để học sinh học nghề ngay năm thứ 2, thứ 3 đã được tham gia sản xuất, được trả một phần chi phí.

Nhóm giải pháp thứ ba là giải quyết việc làm cho người lao động ở những nơi mà họ đã về mà họ không trở lại nơi cũ và cũng không tìm việc làm mới; Nhóm giải pháp thứ tư là giải pháp điều tiết bổ sung trong những trường hợp đặc biệt ở những địa bàn, đối tượng, lĩnh vực cấp thiết.

Gói an sinh 26 nghìn tỷ triển khai hiệu quả, đúng đối tượng

Về kết quả sau 4 tháng triển khai gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Trong quá trình thực hiện, tuy còn điều này, điều kia nhưng cơ bản các chính sách đều đang đi đúng hướng và hiệu quả, thiết thực ở cơ sở, được dư luận xã hội cũng như người thụ hưởng đồng ý.

Tuy nhiên, thời gian 4 tháng này cũng còn rất ngắn so với chính sách bởi vì trong các chính sách này khoảng 50% là chính sách có tính chất hỗ trợ tức thì còn lại khoảng 50% các chính sách cho phép kéo dài hơn. Ví dụ như chính sách vay trả lương để phục hồi sản xuất cho phép kéo dài hết 31/3/2022, chính sách để hỗ trợ đào tạo lại cho lực lượng lao động sau giãn cách thì cho phép kéo dài làm thủ tục hết tháng 6/2022.

Còn những chính sách cụ thể thì có hiệu quả ngay như chính sách hỗ trợ bằng Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp quy mô 38 nghìn tỷ đồng cho người tham gia bảo hiểm và đang bảo lưu chính sách bảo hiểm xã hội từ bảo hiểm thất nghiệp thì chỉ trong 5 ngày thôi chúng ta đã rà soát và giải quyết hỗ trợ cho 363 nghìn doanh nghiệp được hưởng chính sách này.

“Bộ LĐTB&XH phấn đấu 15/11 này giải quyết căn bản số hỗ trợ này. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng về cơ bản chính sách của chúng ta đang đi đúng hướng và bước đầu cho thấy phát huy tác dụng” - Bộ trưởng khẳng định.

Về các chính sách hỗ trợ triển khai sau khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đã có tham mưu báo cáo với cấp có thẩm quyền, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo ban hành khẩn trương một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động nhằm giảm bớt khó khăn, bớt gánh nặng và chia sẻ với các doanh nghiệp cùng phát triển. Bộ trưởng nhận định, hầu hết những chính sách nêu trên đều là chính sách có tính chất tình thế, mang tính chất hỗ trợ tức thời cho người lao động, người sử dụng lao động.

Chăm lo thật tốt về các chính sách cho người lao động

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cũng nhấn mạnh, quan trọng là phải lo thật tốt về chính sách, về đời sống, mức lương, thu nhập cho người lao động. Đồng thời, phải chăm lo an sinh thật tốt, có một sàn an sinh tối thiểu để người lao động có thể yên tâm như: vấn đề nhà trọ, nhà ở, vấn đề sinh hoạt, nơi gửi trẻ. Ngoài ra, cần bảo đảm cho an toàn tính mạng, sức khỏe của người lao động đó là tiêm vắc xin.

Về giải pháp khắc phục những hạn chế an sinh xã hội lâu dài, Bộ trưởng nhắc lại, chúng ta phấn đấu phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội; không đánh đổi tiến bộ, công bằng xã hội để lấy phát triển kinh tế đơn thuần. Vì vậy, hiện nay mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam là một trong những quốc gia được xếp đứng đầu khối ASEAN về đầu tư ngân sách cho an sinh xã hội.

“Chúng ta có các chính sách tương đối đồng bộ và hoàn thiện kể cả cho người có công, người yếu thế, người già, người có hoàn cảnh neo đơn, cho trẻ em và các đối tượng khác” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Hiện Bộ LĐTB&XH đang tiếp tục hoàn thiện và xây dựng Đề án về vấn đề này, dự kiến đầu năm 2023 sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương về củng cố, nâng cao chất lượng các chính sách xã hội của người dân trong thời gian tới.

Trong đó, sẽ chú trọng các vấn đề liên quan như: đời sống, thu nhập cho người nghèo; người yếu thế, người có công, vấn đề về nước sạch và vệ sinh môi trường... để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, phân hóa xã hội, để mọi người ai cũng được tham gia và ai cũng được thụ hưởng thành quả xã hội.

M.C