Giải “cơn khát” nguồn nhân lực ngành logistics
“Khát” nhân sự…
Trong những năm gần đây, thế giới đã và đang chứng kiến làn sóng dịch chuyển sản xuất mạnh mẽ, trong đó, Việt Nam được xem là một trong những nước tiềm năng đón đầu ngọn sóng dịch chuyển này. Theo các chuyên gia, để làm tốt vai trò đón đầu, logistics là một trong những mắt xích quan trọng không thể thiếu trong hoạt động thương mại, giao thương toàn cầu.
Tuy nhiên, để loại hình dịch vụ này phát huy hết vai trò, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam thì phải giải quyết vấn đề về thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên môn, chuyên sâu.
Theo một khảo sát mà Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh đã từng thực hiện về tình trạng đáp ứng chất lượng nhân lực ngành logistics thì có hơn 50% doanh nghiệp thiếu nhân viên chất lượng trong ngành logistics. Hơn nữa, con số về nhân lực mà các doanh nghiệp dịch vụ logistics và doanh nghiệp hoạt động sản xuất cần trong vòng vài năm tới sẽ tăng lên rất lớn.
Tại Diễn đàn “Phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics và xu hướng tại Việt Nam” đã được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh năm 2019, ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) khẳng định: “Nhân sự là một trong ba vấn đề khó khăn cho các công ty logistics trong hoạt động kinh doanh của mình”. Khẳng định đó một lần nữa đã cho thấy rõ hiện trạng tại Việt Nam có 3.000 doanh nghiệp logistics và dự kiến đến năm 2030 nhu cầu nguồn nhân lực về logistics là trên 200.000 nhân lực.
Có thể thấy rằng, việc thiếu nguồn nhân lực chính là “điểm nghẽn” cần phải giải quyết nhanh chóng và hiệu quả để phát triển nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành dịch vụ logistics nói riêng. Tuy nhiên, vô hình chung rằng, chính “điểm nghẽn” này lại mở ra cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp rất lớn cho những ai biết nắm bắt.
Nhiều cơ hội việc làm
Đánh giá về loại hình dịch vụ logistics và quản lý chuỗi cung ứng trong thời điểm hiện tại, ông Lê Minh - Tổng giám đốc Công ty CP Kho vận Việt Nam Vinalogistics nhận định, hiện thị trường đang thiếu những nhân sự chất lượng và với những người có ý định theo học ngành học này, chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm ở rất nhiều lĩnh vực, công ty khác nhau từ sản xuất công nghiệp; kinh doanh vận tải; dịch vụ kho vận cho đến các trung tâm phân phối; cảng biển…
Sinh viên trường Đại học Điện lực thực hành tại Toyota. |
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đạt Minh - Trưởng bộ môn Quản lý Công nghiệp (Trường Đại học Điện lực - EPU) cho biết, tại EPU, sinh viên tốt nghiệp ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng sẽ được trang bị đủ kiến thức và kỹ năng để có thể làm việc với vai trò là người thực hiện trực tiếp hoặc điều hành và quản lý tại các phòng ban, bộ phận trong doanh nghiệp như: Phòng điều phối vận tải tại các doanh nghiệp dịch vụ vận tải; Phòng giao nhận hàng hoá xuất - nhập khẩu; Phòng quản lý sản xuất, chất lượng; Bộ phận quản lý kho hàng, cung ứng vật tư tại các doanh nghiệp…
“Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng không chỉ đem đến cho người học những cơ hội việc làm gói gọn trong các lĩnh vực, nghiệp vụ liên quan mà còn mở ra những cơ hội hợp tác làm việc tại các cơ sở giáo dục và bộ phận nghiên cứu chính sách của các cơ quan Nhà nước” - Trưởng bộ môn Quản lý Công nghiệp (Trường Đại học Điện lực) nói thêm.
TS Minh cũng nhận định rằng, ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là một trong những ngành đang gặp khó khăn về nguồn nhân lực; do đó, người học sau tốt nghiệp có thể sử dụng kiến thức và kỹ năng chuyên môn đã được đào tạo của mình ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, từ đó đạt được những cơ hội phát triển nghề nghiệp nhất định.
Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (Logistics and Supply chain management) là ngành nghề có tiềm năng phát triển mạnh trong thời điểm hiện tại và trong tương tai. Đặc biệt, với nhu cầu nhân lực ngày càng cao và trong bối cảnh nền kinh tế đang từng bước toàn cầu hóa, nguồn nhân lực cho loại hình dịch vụ này lại càng có nhiều ưu điểm so với các công việc khác. Ngành học này trang bị cho học viên kiến thức chuyên môn sâu, kỹ năng toàn diện trong việc hoạch định chiến lược sản xuất và hoạt động logistics, xây dựng kế hoạch, tổ chức điều hành nhằm mục đích phân phối hàng hoá đến tay người tiêu dùng một cách hiệu quả nhất. Thông qua ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, người học sẽ được tiếp cận với 3 mảng đào tạo chính: Vận tải - giao nhận, Quản lý kho bãi và Xuất - nhập khẩu. Tương ứng với mỗi mảng chính yếu trên, ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng sẽ đi sâu vào việc đào tạo kiến thức và trang bị kỹ năng cho người học các nghiệp vụ liên quan, như: nghiệp vụ giao nhận vận tải; nghiệp vụ hỗ trợ hoạt động logistics và nghiệp vụ khai báo hải quan, bảo hiểm… |
Xuân Hinh
-
Tin tức kinh tế ngày 27/10: Thanh, kiểm tra các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam
-
Giá vàng trong tuần (21/10-27/10): Kết thúc tuần tăng giá
-
Đức ký kết hợp đồng mua khí đốt tự nhiên của Mỹ trong 10 năm
-
Chủ tịch HĐQT Shinec: Kinh doanh tín chỉ carbon như "bán đàn vịt giời"
-
Apple bị “soán ngôi” công ty giá trị nhất thế giới