Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Bầu cử Tổng thống Pháp:

Giấc mơ 15 năm của gia đình Le Pen

06:45 | 01/05/2017

702 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những nét tương đồng trong đời sống chính trị Pháp nói chung và với đảng Mặt trận Quốc gia (FN) nói riêng của 15 năm về trước như vừa được tái hiện trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 23-4-2017. Phải đợi đến 15 năm, đảng FN mới có cơ hội tiếp theo bước vào vòng hai của bầu cử Tổng thống Pháp. Sau ngần ấy năm cố gắng, liệu họ sẽ thành công?

Cách đây 15 năm, người dân Pháp bất ngờ “phát hiện” gương mặt của ông Jean-Marie Le Pen trên truyền hình khi đảng FN của ông vượt qua vòng một của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. Đến vòng 2, FN bị ứng viên tổng thống mãn nhiệm Jacques Chirac đánh bại với tỷ lệ áp đảo, 82,21/17,79% phiếu bầu. Bà Marie Le Pen lúc đó đã “gạt nước mắt” và thề rằng, bi kịch đó sẽ không lặp lại với mình. 15 năm sau, FN do bà lãnh đạo, lần thứ hai lọt vào vòng chung kết cuộc bầu cử tổng thống Pháp với 21,43% số phiếu bầu. Điều này thể hiện đúng kết quả những cuộc thăm dò dư luận nhiều tháng trước đó và báo hiệu một chiến thắng cuối cùng với bà Marine Le Pen.

giac mo 15 nam cua gia dinh le pen
Hai ứng cử viên Marie Le Pen và Emmanuel Macron lọt vào vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Pháp

Bối cảnh chính trị giữa hai khoảnh khắc lên ngôi của FN trong 15 năm qua có phần khác. Nếu sự vụt sáng của người cha Jean-Marie Le Pen vào năm 2002 là nhờ sự chia rẽ sâu sắc trong hàng ngũ cánh tả (có đến 8 ứng viên chia nhau 42% số phiếu bầu), thì chiến thắng của cô con gái Marine Le Pen năm nay diễn ra trong bối cảnh cánh tả Pháp ít phân tán hơn, chỉ có 4 ứng viên cánh tả tham gia tranh cử.

Sau khi khá thuận lợi ở vòng một, bà Marine Le Pen bước vào vòng hai với nhiều khó khăn hơn do phải đối đầu với ứng viên về nhất Emmanuel Macron, người vừa nhận được sự ủng hộ của ứng viên thất bại François Fillon. Bên phía đảng Xã hội cầm quyền, hầu như mọi nhân vật lớn đều kêu gọi bỏ phiếu cho ông Macron. Nhiều chính trị gia lớn phía cánh hữu như cựu Thủ tướng Alain Juppé hay cựu Bộ trưởng Kinh tế thời ông Sarkozy là François Baroin cũng kêu gọi cử tri cánh hữu bỏ phiếu cho ông Macron vào ngày 7-5 tới. Việc các chính trị gia ở nhiều đảng phái khác nhau đồng loạt kêu gọi bỏ phiếu cho ông Macron không phải xuất phát từ sự ủng hộ chính trị với ứng cử viên tự do này, mà nguyên nhân chính là để ngăn chặn bà Marine Le Pen trở thành Tổng thống Pháp.

Còn nhớ năm 2002, khi cha của bà Le Pen lọt vào vòng hai cuộc bầu cử tổng thống năm đó, mọi lực lượng chính trị ở Pháp cũng đã kêu gọi đoàn kết chặn đứng ông này và đã giúp ông Jacques Chirac chiến thắng áp đảo. Nói như vậy thì liệu cơ may đắc cử của lãnh đạo phong trào dân túy Pháp có thật sự là “con số không” hay không? Đây không phải là ý kiến của ứng cử viên Marine Le Pen mà cũng không phải là dự báo của tổng thống sắp mãn nhiệm. Tổng thống François Hollande đã cảnh báo cử tri: “Rủi ro Marine chiến thắng là có thật”.

Cú sốc năm 2002 mà FN tạo ra đã khiến Lionel Jospin, thủ tướng thời đó, phải về hưu sớm, còn đảng Tập hợp vì nền Cộng hòa (RPR) phải giải thể để thay thế vào đó là Liên minh vì đa số tổng thống, sau đổi tên thành Liên minh vì Phong trào nhân nhân (UMP) để ủng hộ cho ứng viên Jacques Chirac. Lần này, bối cảnh chính trị có vẻ khác, đảng FN đã có một chỗ đứng vững chắc hơn nhờ sự thắng thế của đường lối dân túy trên khắp thế giới, đặc biệt ở Anh và Mỹ. Tại Pháp, FN khai thác những lo lắng của người Pháp trước những vấn đề mà cánh tả lẫn cánh hữu không giải quyết được. Thứ nhất là công ăn việc làm, thứ hai là giảm nhập cư và thứ ba là phục hưng kinh tế… Bà Marine Le Pen nói rằng, bầu cho bà lên cầm quyền thì giải quyết được hết tình trạng này ngay tức khắc như là bế quan, trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp… điều này hấp dẫn được thành phần người Pháp lo âu trong khi các đảng cánh hữu cũng nói như vậy nhưng bị xem là những bản sao lu mờ.

Báo chí Pháp đều có chung một nhận xét là, cuộc bầu cử này sẽ khiến nước Pháp bị chia rẽ. Hai ứng cử viên Le Pen và Emmanuel Macron có một điểm chung, đó là “tất cả đều có được một khối cử tri chắc chắn, cuồng nhiệt” làm chỗ dựa. Cả hai ứng cử viên đều, “hoặc rất được yêu mến, hoặc rất bị thù ghét”. Hố ngăn cách giữa các ứng cử viên ngày càng sâu đậm trong cuộc tranh cử vòng hai.

Còn đối với châu Âu, nếu bà Le Pen làm Tổng thống Pháp thì đó là cơn ác mộng với Bruxelles. Bà Le Pen, 48 tuổi, có tư tưởng muốn noi gương nước Anh vụ Brexit, chủ trương đưa nước Pháp tách hoàn toàn ra khỏi châu Âu (Frexit), kể cả khu vực đồng tiền chung châu Âu. Người ta còn gọi bà là Donald Trump của nước Pháp.

Chẳng thế mà sau khi có kết quả vòng một cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, lãnh đạo nhiều nước châu Âu đã lên tiếng kêu gọi người dân Pháp bầu cho ông Macron. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker chúc ông Macron gặp nhiều thuận lợi trong vòng hai. Còn Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu Federica Mogherini nhấn mạnh sự ủng hộ rộng rãi của châu Âu đối với ông Macron. Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel tin tưởng ông Macron sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của nước Pháp. Báo Le Figaro cho biết, ở thượng tầng cơ quan quyền lực của Đức, chính giới xì xào về “kịch bản tai hại”, “tai họa toàn diện” nếu bà Le Pen vào vòng hai thôi chứ chưa nói đến việc chính thức đắc cử Tổng thống Pháp, bởi vì theo các nhà quan sát, bà Le Pen chủ trương bài Đức kịch liệt.

Sự ủng hộ nhiệt thành của EU với ứng cử viên Macron là điều dễ hiểu. Ông Emmanuel Macron, 39 tuổi, từng làm trong lĩnh vực ngân hàng trước khi trở thành Trưởng cố vấn và sau đó là Bộ trưởng Kinh tế của chính quyền Tổng thống François Hollande. Ông không phải là đảng viên của bất cứ đảng nào. Ông rời chính phủ năm ngoái và thành lập phong trào chính trị riêng của mình với tên “En Marche!” (Tiến bước) mà ông cho là “không tả cũng không hữu” cùng cam kết “cách mạng” nền chính trị Pháp.

Cựu Bộ trưởng Kinh tế Pháp, ông Macron hiểu được tầm quan trọng của các hiệp định thương mại tự do đối với nền kinh tế Pháp đang trì trệ nên khi tranh cử, ông Macron luôn lên tiếng ủng hộ hiệp định tự do giữa EU và Canada - CETA và phản đối việc tái thiết lập kiểm soát biên giới giữa các quốc gia thuộc liên minh. Ông cũng là người ủng hộ Liên minh châu Âu, khi từng kêu gọi thành lập một quỹ ngân sách chung cho cả khu vực đồng tiền chung. Xuyên suốt chiến dịch bầu cử, ông luôn cam kết nước Pháp đảm bảo nước Anh sẽ không được lợi quá nhiều sau Brexit và qua đó bảo vệ sự toàn vẹn cho cả EU.

Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp lần này dù kết quả thế nào thì cũng đã là bước ngoặt với nền chính trị Pháp. Sau vòng một cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm nay, hai đảng phái chính trị truyền thống: Cánh hữu với ứng cử viên François Fillon và cánh tả với ông Benoit Hamon đều thất bại. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nền cộng hòa thứ Năm của Pháp, không có một ứng cử viên nào thuộc một trong 2 đảng này lọt vào vòng hai. Đó là một thất bại lịch sử, bởi đặc điểm lớn nhất của nền chính trị Pháp từ năm 1958 đến nay là tính lưỡng cực, tức hai đảng Xã hội - PS và “Những người cộng hòa’’ (UMP) thay nhau cầm quyền ở cả nhánh hành pháp lẫn thống trị trong Nghị viện.

Đối với nền chính trị Pháp, những gì đang diễn ra có thể gọi là một cơn địa chấn chính trị sẽ làm thay đổi căn bản tương quan quyền lực và cơ cấu đảng phái trên chính trường Pháp.

S.Phương (tổng hợp)