Giá dầu tăng vọt: Phương Tây thúc giục, các nước vùng Vịnh phản đối
Giá một thùng dầu WTI của Mỹ đã vượt mức 115 USD hôm thứ Năm, mức kỷ lục kể từ năm 2008, khi cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt chống lại Moscow đang làm dấy lên lo ngại về nguồn cung vàng đen của thế giới.
Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai trên thế giới, sau Ả Rập Xê-út.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh của tổ chức này (OPEC+), do Ả Rập Xê Út và Nga dẫn đầu, hôm thứ Tư tuần này đã không phản hồi lời kêu gọi sản xuất nhiều hơn và nhanh hơn, bất chấp sức ép đã gây ra đặc biệt đối với Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Hasan Alhasan, chuyên gia về Trung Đông tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói với AFP: “Các nước vùng Vịnh đang kiểm tra khả năng tự chủ chiến lược, bảo vệ lợi ích quốc gia của họ”.
Sau khi phải hứng chịu sự sụt giảm của giá dầu kể từ năm 2014, các nước sản xuất ở vùng Vịnh dường như không có xu hướng hành động ngay lập tức vì họ được hưởng lợi từ việc dầu tăng giá trong ngắn hạn.
Nhà nghiên cứu Karen Young viết trên trang web của Viện nghiên cứu các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập, có trụ sở tại Washington: Nếu một thùng dầu duy trì trên 100 đô la, không ngân sách nào trong số sáu quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh sẽ bị thâm hụt vào năm 2022.
Nhưng đối với Amena Baker, thuộc Văn phòng phân tích tình báo năng lượng, "theo OPEC, sẽ không thiếu dầu thô trên thị trường". Bà nói với AFP: “Tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với hoạt động xuất khẩu hydrocacbon của Nga vẫn chưa được biết đến”.
Theo nhà phân tích, hai quốc gia duy nhất trong liên minh có khả năng tăng sản lượng là Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, nhưng họ còn lâu mới có thể bù đắp được số lượng dầu khí xuất khẩu của Nga.
"Công suất bổ sung của OPEC+ sẽ là 2,5 triệu thùng mỗi ngày, trong khi xuất khẩu của Nga gần 4,8 triệu thùng", Amena Baker lưu ý.
Tuy nhiên, các nước sản xuất đều nhận thức được rằng giá cao có nguy cơ làm suy giảm nền kinh tế toàn cầu và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, trong bối cảnh phục hồi mong manh sau đại dịch Covid-19.
Đối với Ả Rập Xê Út, "điều quan trọng nhất là có thể ổn định giá cả", Hasan Alhasan đánh giá và cho rằng Ryad tính dựa vào sự hợp tác của Nga.
Lần gần đây nhất mà Ả Rập và Nga xung đột về hạn ngạch sản xuất, đã dẫn đến một cuộc chiến giá cả.
“Giữ Nga trong OPEC + là điều cần thiết đối với các nước thành viên. Đây là cách duy nhất để duy trì một công cụ quản lý thị trường trong những năm tới”, Amena Baker cho biết thêm.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm thứ Ba thông báo rằng các nước thành viên IEA sẽ giải phóng 60 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ chiến lược của họ để ổn định thị trường. Một nửa, 30 triệu, sẽ được giải phóng bởi Hoa Kỳ.
Theo Hasan Alhasan, áp lực mà Hoa Kỳ gây ra đối với các đối tác vùng Vịnh thân thiết của họ là "có giới hạn" và chúng ta phải chờ xem liệu những áp lực này có "tăng lên trong những ngày tới" hay không.
"Các nước vùng Vịnh đã trả lời: cuộc chiến này không phải của họ, một thông điệp rất giống với thông điệp mà người Mỹ đã gửi cho họ trong vài năm trước khi xung đột Yemen nổ ra", theo nhà nghiên cứu.
Đại sứ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tại Hoa Kỳ, Youssef Al Otaïba, đã tuyên bố quan hệ giữa Hoa Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đang "chịu thử thách", nhưng ông "tin chắc rằng chúng ta sẽ vượt qua điều này và chúng ta sẽ đi đến một tình huống tốt hơn".
Ả Rập Xê-út có thể tăng giá dầu lên mức cao kỷ lục |
Thứ trưởng Bộ Tài chính nói về việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu |
Giá dầu tăng vọt |
Nh.Thạch
AFP
-
Kỳ I: Giả thuyết về sự tồn tại của lượng tử không - thời gian và Thuyết siêu liên kết
-
Trái phiếu thảm họa - phao cứu sinh cho Philippines
-
Chuyện ít biết về Pavel Durov - “thần đồng Internet” của Nga
-
Olympic Paris 2024: Chiến dịch marketing đột phá cho kỷ nguyên mới
-
Tập đoàn RAND: “Cỗ máy tư duy” hàng đầu của giới cầm quyền Mỹ