Giá dầu giảm tác động như thế nào đến Việt Nam?
Năng lượng Mới số 382
Hiệu ứng giá dầu
Số liệu thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, nền kinh tế nước ta đã có bước chuyển biến mạnh, điều này thể hiện ở số thu ngân sách 11 tháng đã vượt kế hoạch cả năm 2014. Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, trước những tín hiệu tích cực này, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, thu ngân sách Nhà nước năm 2014 dự kiến vượt 63,7 ngàn tỉ đồng so với dự toán, tăng 12,3% so với năm 2013. Tuy nhiên, trước diễn biến giảm sâu của giá dầu thô, Bộ Tài chính cho rằng, việc này sẽ tác động không nhỏ đến thu ngân sách cả năm 2014.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trong một cuộc trả lời báo chí gần đây đã cho hay, từ đầu tháng 10 đến nay giá dầu thế giới đã giảm còn 68,5USD/thùng, điều này ảnh hưởng rất lớn đến thu ngân sách Nhà nước trong tháng 12, cả năm 2014 cũng như năm 2015. Dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2015 đã được Quốc hội thông qua với phương án giá dầu thô ở mức 100USD/thùng.
Cước vận tải giảm chậm so với giá xăng dầu
Xung quanh câu chuyện này, TS Đoàn Văn Bình, Viện trưởng Viện Kinh tế năng lượng, Viện Khoa học Việt Nam đưa nhận định, không chỉ Việt Nam mà cả những quốc gia xuất khẩu dầu thô đều chịu tác động của việc giá dầu giảm. TS Bình phân tích: Hiện nay, Việt Nam khai thác và xuất khẩu khoảng 16 triệu tấn dầu thô. Như vậy, việc giá dầu giảm sẽ tác động gần như ngay lập tức tới việc giảm thu ngân sách và đây là bài toán rất khó trong việc cân bằng thu chi ngân sách của Chính phủ.
Tuy nhiên, cũng theo TS Bình, bên cạnh những tác động tiêu cực thì việc giá dầu thô giảm, kèm với đó là giá xăng, dầu giảm sẽ có tác động tích cực đối với nền kinh tế. Cụ thể, khi giá xăng dầu giảm, lĩnh vực vận tải được hưởng lợi nhất vì đây là lĩnh vực tiêu thụ nhiều xăng dầu nhất. Ngoài ra còn có các lĩnh vực khác như sản xuất phân bón, nhựa, khai thác tài nguyên, đánh bắt thủy sản, luyện kim... cũng được hưởng lợi khi mà xăng dầu chiếm tới 20-30% chi phí đầu vào của những ngành sản xuất đó. Đặc biệt, giá xăng dầu giảm cũng giúp hộ gia đình giảm chi tiêu cho việc đi lại hằng ngày, qua đó kích thích tiêu dùng nhờ khoản tiền tiết kiệm được. Giá cước vận tải giảm cũng có thể giúp giá hàng hóa tiêu dùng giảm. Như vậy, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi kép từ việc chi tiêu cho vấn đề năng lượng. Điều này sẽ góp phần kích thích tiêu dùng và đồng nghĩa là kích thích tăng sản xuất, giúp nền kinh tế sôi động, nhộn nhịp hơn và cũng là tăng thu ngân sách nhờ tăng thu từ thuế các mặt hàng tiêu dùng.
Rộng hơn, đối với nền kinh tế toàn cầu, giá dầu giảm sẽ tác động một cách trực tiếp, sâu rộng đến toàn bộ người dân ở tất cả các nơi trên thế giới thông qua việc giảm chi phí cho năng lượng phục vụ sinh hoạt cũng như sản xuất. Qua đó kích thích nền kinh tế phát triển, nhất là trong giai đoạn hiện nay, dấu hiệu giảm phát ở một số nền kinh tế lớn cũng đã tương đối rõ thì đây là một cú hích quan trọng giúp nền kinh tế sôi động trở lại.
Tuy nhiên, hiệu ứng tích cực của việc giá dầu giảm cần có thời gian, đặc biệt là ở Việt Nam bởi thông thường, các doanh nghiệp Việt Nam phản ứng rất chậm, từ khi giá xăng dầu thế giới giảm đến giá xăng dầu trong nước giảm là một quãng đường dài và từ khi giá xăng dầu giảm đến khi giá vận tải giảm, kéo theo giá hàng hóa giảm còn dài hơn nữa. Vì vậy, một mặt do tính ì sẵn có của chúng ta và mặt khác, do một số nhóm kinh doanh độc quyền cố tình kéo dài thời gian để hưởng lợi. Nhưng cái thiệt lâu dài, cái thiệt lớn hơn là khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam sẽ giảm so với khả năng cạnh tranh của hàng hóa các nước.
Tăng kiểm soát để tăng thu
Như đã đề cập ở trên, giá dầu giảm sẽ tác động trực tiếp đến thu ngân sách, và gián tiếp ảnh hưởng đến việc cấp vốn cho các dự án đầu tư phát triển hạ tầng xã hội. Kịch bản tăng khai thác để đảm bảo thu là câu hỏi đang rất được dư luận quan tâm. Đưa quan điểm về vấn đề, TS Bình nói: Dầu thô là nguyên liệu năng lượng chiến lược của quốc gia và trữ lượng dầu của Việt Nam là có hạn. Chúng ta đang phải đối diện với mất cân bằng cung cầu và dự báo chỉ một vài năm nữa, chúng ta sẽ phải nhập khẩu năng lượng. Chính vì vậy, mục tiêu chiến lược của chúng ta là phải dự trữ và sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng hóa thạchh như dầu thô, than... Việc giảm xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch như dầu thô, than... cũng được đưa vào chiến lược phát triển ngành năng lượng. Vì vậy, một con đường hiển nhiên là chúng ta phải tăng cường các nhà máy chế biến dầu để không phải xuất dầu thô để gia tăng giá trị của dầu, bớt đi việc phải nhập khẩu các sản phẩm từ dầu. Càng giữ lại được dầu thô bao nhiêu thì càng tốt cho tương lai bấy nhiêu.
Chính vì vậy, TS Bình cho rằng: “Việt Nam cần đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, giảm bớt việc phát triển nhờ vào khai thác khoáng sản thô để xuất khẩu”.
Trao đổi với báo chí về việc giá dầu giảm, Bộ trưởng Bộ Tài chính thông tin: Trước tình hình giá dầu thô giảm mạnh và nhanh, để giải quyết những khó khăn cho năm 2015, Bộ Tài chính đang tập trung cùng các ngành các cấp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, sẽ tiếp tục rà soát thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người nộp thuế, tạo nguồn thu lâu dài. Ngoài ra, tiếp tục theo dõi diễn biến của giá dầu, nghiên cứu các phương án điều hành phù hợp, kết hợp có hiệu quả các giải pháp về công cụ tài chính, thuế nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, của doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ tập trung chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tổ chức kiểm tra, rà soát kê khai thuế của các doanh nghiệp để xác định chi phí đầu ra, chi phí bán hàng, chi phí lưu thông… của các doanh nghiệp, kịp thời phát hiện các trường hợp tăng giá bán, tăng chi phí sản xuất kinh doanh không hợp lý, không đúng quy định, qua đó truy thu vào ngân sách Nhà nước...
Về vấn đề giá, Bộ trưởng cho rằng đây là một yếu tố rất quan trọng và trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành để tham mưu cho Chính phủ đẩy nhanh lộ trình quản lý giá các mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường trong điều kiện lạm phát đang thấp như giá điện, giá khí trong bao tiêu, giá các sản phẩm dịch vụ công ích, dịch vụ công; điều hành sản xuất khai thác dầu thô đảm bảo vừa có thu cho ngân sách Nhà nước vừa hiệu quả trong khai thác dầu thô.
“Tất cả những giải pháp trên Bộ Tài chính sẽ tính toán phối hợp với các ngành để tham mưu cho Chính phủ đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước 2015 trong điều kiện giá xăng dầu sụt giảm rất xa với dự toán đã được Quốc hội thông qua” - Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.
Hà Thanh
-
Tin tức kinh tế ngày 3/11: Xuất khẩu gạo năm 2024 khả năng đạt kỷ lục mới
-
Tin tức kinh tế ngày 2/11: Chỉ số PMI ngành sản xuất tăng trưởng trở lại
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 28/10 - 2/11
-
Indonesia cấm bán điện thoại của Google
-
Kinh tế toàn cầu dự báo tăng trưởng vững chắc trong năm 2025