Đức lâm vào khủng hoảng khí đốt khi Nga cắt nguồn cung
Người tiêu dùng đối mặt với giá khí đốt tăng gấp 3
The Guardian dẫn lời từ một quan chức năng lượng cấp cao của Đức cho biết, người tiêu dùng nước này có thể sẽ phải đối mặt với giá khí đốt tăng 3 lần trong những tháng tới sau khi Nga "siết van" khí đốt tới châu Âu.
Người tiêu dùng Đức có thể sẽ phải đối mặt với giá khí đốt tăng gấp 3 lần trong những tháng tới sau khi Nga "siết van" khí đốt tới châu Âu (Ảnh: Getty). |
Người đứng đầu cơ quan mạng lưới liên bang Đức Klaus Müller cho biết, Moscow đã giảm dòng khí đốt từ đường ống Nord Stream 1 xuống còn 40% công suất vào tuần trước, với lý do mà Berlin cho đó chỉ là cái cớ: vấn đề kỹ thuật. Điều này khiến cho giá khí đốt trên thị trường tăng vọt 4 đến gấp 6 lần.
Theo ông, "những bước nhảy vọt về giá" như vậy khó có thể chuyển hoàn toàn cho người tiêu dùng, nhưng người dân Đức đã phải gồng mình gánh chịu giá cả tăng chóng mặt. "Giá có thể gấp đôi hoặc gấp 3", ông Müller nói trên đài truyền hình ARD của Đức.
Ông cho biết hóa đơn năng lượng của người dân đã tăng hơn so với mùa thu năm ngoái.
Ngày 23/6, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã kích hoạt giai đoạn 2 hay còn gọi là "giai đoạn báo động" của kế hoạch khẩn cấp 3 giai đoạn về năng lượng, tiến gần tới việc phân bổ nguồn cung cấp khí đốt cho ngành công nghiệp - một bước đi được cho là sẽ giáng đòn mạnh vào trung tâm sản xuất của nền kinh tế nước này.
Dù ông Habeck hy vọng không cần phải sử dụng đến biện pháp phân bổ khí đốt để vượt qua mùa đông sắp tới, song cho biết "không loại trừ điều đó". "Kể từ bây giờ, Đức đang thiếu hụt khí đốt", ông nói.
Kế hoạch khẩn cấp 3 giai đoạn của Đức
Đức đã chuyển sang giai đoạn 2 của kế hoạch khẩn cấp 3 giai đoạn về năng lượng khi có sự gián đoạn hoặc nhu cầu khí đốt tăng cao.
Đức đã triển khai giai đoạn 2 trong kế hoạch 3 giai đoạn nhằm đối phó với tình trạng gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga (Ảnh: DW). |
Theo đó, chính phủ Đức sẽ cung cấp khoản vay 15 tỷ euro để làm đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt và bắt đầu bán đấu giá khí đốt cho các ngành công nghiệp để khuyến khích các doanh nghiệp lớn sử dụng ít hơn.
Việc chuyển sang giai đoạn 2 của kế hoạch đặt ra nhiều áp lực hơn cho các nhà cung cấp và các nhà khai thác trong việc cân bằng sự gián đoạn bằng cách tìm các nguồn cung thay thế. Theo đó, các công ty khí đốt phải đảm bảo nguồn cung trong giai đoạn đầu của kế hoạch, trong khi các nhà khai thác mạng lưới khí đốt phải báo cáo cho Bộ Kinh tế Đức ít nhất mỗi ngày một lần, còn các nhà khai thác lưới điện phải đảm bảo ổn định lưới điện.
"Giai đoạn báo động" này cũng sẽ cho phép các công ty tiện ích chuyển chi phí tăng cao cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, BBC cho biết có thể quốc gia này sẽ không áp dụng cách này, dù về lý thuyết là có.
Sự can thiệp của nhà nước sẽ xảy ra vào giai đoạn 3 khi nguồn cung bị gián đoạn đáng kể mà thị trường không thể đối phó được, có nghĩa là nguồn cung sẽ được phân bổ.
Trong giai đoạn 3, trước tiên các nguồn cung cho ngành công nghiệp sẽ bị hạn chế, các hộ gia đình và các cơ sở quan trọng như bệnh viện vẫn được ưu tiên. Tuy nhiên, việc này có thể ảnh hưởng đến ngành công nghiệp Đức. Bởi sức mạnh công nghiệp nước này lâu nay được hỗ trợ đáng kể nhờ khả năng tiếp cận năng lượng giá rẻ của Nga, nhưng giờ đây đang bị Nga "siết" lại.
"Diễn biến đáng lo ngại"
Tuần trước, Nga đã cắt giảm dòng chảy khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 xuống còn 40% công suất với lý do vấn đề kỹ thuật. Nguồn cung khí đốt qua đường ống này cũng sẽ ngừng hẳn trong vòng 10 ngày từ 11/7 đến 21/7 khi Nord Stream 1 đóng cửa bảo dưỡng.
Nguồn cung khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 sẽ ngừng hẳn trong vòng 10 ngày từ 11-21/7 để bảo dưỡng (Ảnh: Reuters). |
Trước đó, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol đã cảnh báo Nga có thể cắt đứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho châu Âu và khuyến cáo EU cần phải chuẩn bị cho tình huống này ngay từ bây giờ.
Nói với BBC, ông Nathan Piper, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dầu khí tại Investec, cho rằng việc tiếp tục hạn chế nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu là một "diễn biến đáng lo ngại".
Theo ông, trong mùa hè, việc gián đoạn nguồn cung "ít gây bức xúc hơn" nhưng đến mùa đông, tình hình này có thể trở nên tồi tệ hơn khi nhu cầu sưởi ấm tăng.
Liệu Đức có phải phân phối khí đốt hay không "vẫn còn phải chờ xem", nhưng theo ông, nếu giá khí đốt tiếp tục tăng, ngành công nghiệp sẽ bị cắt giảm trước tiên.
Bởi vậy, ngành công nghiệp Đức đang xem xét sẽ đối phó với tình trạng nguồn cung thắt chặt ra sao. Một số công ty đang cân nhắc sử dụng lại các nguồn năng lượng trước đây đã bị loại bỏ dần như than và dầu.
Theo Dân trí
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?
-
Giá dầu hôm nay (23/11): Dầu thô tăng trong phiên