Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Du học đâu phải là “tị nạn giáo dục”

07:20 | 10/10/2018

710 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ông Huỳnh Thế Du - giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam - đã có những chia sẻ rất thẳng thắn với Báo Năng lượng Mới về nhu cầu du học ngày càng tăng của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đồng thời bác bỏ quan điểm du học là “tị nạn giáo dục”.

PV: Thời gian qua, truyền thông liên tục nói về những bất cập của nền giáo dục nước nhà đã tạo nên làn sóng “tị nạn giáo dục”, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Ông Huỳnh Thế Du: Những yếu kém của hệ thống giáo dục Việt Nam làm cho một số người “than khóc” rằng, nhiều người phải “tị nạn giáo dục”. Tuy nhiên, tôi không nghĩ như vậy mà cho rằng, nhiều người Việt Nam đi du học là một tiền đề quan trọng để tương lai của nước nhà xán lạn hơn, thịnh vượng hơn.

du hoc dau phai la ti nan giao duc
Ông Huỳnh Thế Du

PV: Vì sao ông có nhận định lạc quan như vậy?

Ông Huỳnh Thế Du: Sở dĩ tôi có nhận định này là nhìn vào kinh nghiệm của các nền kinh tế thành công trong khu vực châu Á, nhất là 4 “con rồng châu Á” Hàn Quốc, Đài Loan, Hongkong, Singapore, sự trỗi dậy của Trung Quốc gần đây và tương phản là các “con mèo con” như Thái Lan, Indonesia, Philippines. Do đó, nếu chúng ta cứ than thở rằng, người Việt Nam đi du học là “tị nạn giáo dục” thì Hàn Quốc ắt phải “buồn” lắm, vì rất đông người Hàn Quốc đã đi du học từ sau Thế chiến thứ Hai. Năm 1997, trong lúc Hàn Quốc đang khủng khoảng kinh tế trầm trọng và khó khăn chồng chất, con số du học đã lên đến 150.000 người; đỉnh điểm là vào năm 2011 có 262.000 người, đến nay vẫn khoảng 230.000 người.

Còn theo thống kê của UNESCO, riêng năm 2017 đã có 109.000 du học sinh Hàn Quốc ở nước ngoài, trong khi chỉ có 55.000 du học sinh từ các nước khác đến Hàn Quốc học. Trong khi đó, hệ thống giáo dục hiện tại của Hàn Quốc thuộc diện tốt nhất ở châu Á và có một số trường đại học ở Hàn Quốc nằm trong top các trường đại học hàng đầu trên thế giới. Vậy tại sao người Hàn Quốc vẫn đi du học đông như vậy? Singapore cũng thế, số lượng du học sinh lên đến 25.000 người trong khi họ có nền giáo dục tốt nhất châu Á…

Từ kinh nghiệm của các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á thành công cho thấy, lực lượng du học sinh đông đảo sau này trở về đã có những đóng góp hết sức quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Do đó, ngày càng nhiều người Việt Nam đi du học là xu hướng rất tốt. Nếu theo xu hướng của các nước thành công thì vào lúc đỉnh điểm, Việt Nam phải đạt con số nửa triệu người đi du học chứ chỉ có 130.000 người du học thì chưa ăn thua gì. Con số du học sinh ngày càng tăng minh chứng cho nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, thu nhập người dân ngày càng tốt lên và có điều kiện đầu tư giáo dục cho con cháu.

Chúng ta sẽ thấy rằng, đến khi hệ thống giáo dục của Việt Nam tốt lên như Hàn Quốc thì vẫn có rất nhiều người Việt Nam đi du học và đó là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển.

du hoc dau phai la ti nan giao duc

PV: Ông có thể chia sẻ trải nghiệm của ông sau khi đi du học và quay về nước?

Ông Huỳnh Thế Du: Khi mình đi du học thì tầm nhìn của mình mở ra rất nhiều, nhìn vấn đề rộng lớn hơn và khách quan hơn, đồng thời nhìn nhận và đánh giá những vấn đề của Việt Nam sẽ ít cực đoan hơn sau khi đã ra bên ngoài có điều kiện tiếp xúc và so sánh.

Dĩ nhiên, nếu so sánh Việt Nam với Singapore, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc thì rất khó vì quá chênh nhau. Nhưng nếu so sánh Việt Nam với những nước có điều kiện tương tự thì mình sẽ biết thực trạng cụ thể để tìm giải pháp phù hợp với đất nước.

Quan điểm của tôi là phải nhìn nhận và đánh giá mọi việc thật khách quan, rõ ràng. Rõ ràng ở đây là những trục trặc trong nền giáo dục đã không đủ chỗ cho những người quá giỏi, những người có nhiều khả năng. Do đó, chúng ta phải nhìn nhận ở một khía cạnh khác rộng lớn hơn và cũng là thách thức của Việt Nam là làm sao tạo dựng được môi trường để nhiều du học sinh trở về nước làm ăn và sinh sống như các nước thành công đã làm được. Đây thực sự là vấn đề đau đầu.

Hiện tại tôi thấy nhiều người đang ca ngợi lượng kiều hối hằng năm đổ về Việt Nam. Tuy nhiên, dưới góc độ kinh tế học và quản trị, tôi cho rằng nhiều kiều hối gửi về là cản trở phát triển chứ không phải là động lực cho phát triển.

du hoc dau phai la ti nan giao duc
Du học sinh Việt Nam tại Nga

PV: Nhận định của ông có vẻ… ngược?

Ông Huỳnh Thế Du: Kiều hối càng nhiều thì minh chứng nền kinh tế của quốc gia còn nhiều trục trặc. Bởi kiều hối là người của chính đất nước mình gửi về cho người thân trong nước. Con số 13,81 tỉ USD kiều hối năm 2017 cho thấy năng suất lao động của người Việt ở nước ngoài rất cao. Nếu người Việt ra nước ngoài làm việc và gửi tiền về cho gia đình 1 năm khoảng 1 tháng lương, tính một bài toán kinh tế cụ thể, 1 năm có gần 14 tỉ USD kiều hối gửi về nước, thì thu nhập của người Việt ở nước ngoài phải đạt trên 160 tỉ USD, còn thực tế năng suất lao động của họ tạo ra phải gấp đôi.

Do đó, chỉ cần một phần đáng kể số người giỏi như thế về Việt Nam sinh sống và làm việc thì giá trị tạo ra cho đất nước sẽ rất lớn.

PV: Vậy phải làm gì để ngày càng thu hút nhiều người đi du học quay về nước làm việc?

Ông Huỳnh Thế Du: Đó là môi trường sống, môi trường kinh doanh, nhưng thực ra là vấn đề “con gà và quả trứng”. Chỉ khi nào có nhiều người du học quay trở về, làm việc trong môi trường cạnh tranh thực sự thì bản thân mỗi người mới có cơ hội tạo ra nhiều giá trị gia tăng, nhiều người trở về nước mới tạo ra hiệu ứng lan tỏa.

Theo số liệu của UNESCO, số du học sinh của Singapore là 25.000/5,7 triệu dân, Hongkong 37.000/7,4 triệu dân, Trung Quốc 847.000/1,4 tỉ dân. Ngược lại, các nước có số lượng du học sinh khá khiêm tốn là Indonesia chỉ có 51.000/263 triệu dân, Thái Lan 30.000/69 triệu dân, Phillippines 16.000/107 triệu dân.

PV: Mới đây, việc TP HCM đưa ra chính sách đãi ngộ người tài. Theo ông, liệu TP HCM có thu hút nhiều người giỏi tới làm việc hay không?

Ông Huỳnh Thế Du: Không ăn thua đâu. Vấn đề này tôi đã có ý kiến nhiều lần. Phải có cả một hệ sinh thái - môi trường phù hợp thì mới thu hút được người giỏi chứ chỉ trả lương cao thì chưa thể thu hút được người giỏi. Chúng ta phải nhìn thẳng vào vấn đề. Trí thức đi làm có 2 mục tiêu chính là thu nhập và khẳng định mình (bao gồm cả thăng tiến). Muốn khẳng định được nghề nghiệp thì phải làm việc trong 1 môi trường năng động, cạnh tranh và thứ nữa là có môi trường sống tốt. Nói tóm lại là phải có một hệ sinh thái gồm môi trường sống tốt và môi trường làm việc cạnh tranh thì lúc đó người giỏi sẽ tự quay về thôi. Chúng ta có thể đặt câu hỏi “tại sao những người tài giỏi tập trung ở Sillicon Valley và Singapore?” và tìm câu trả lời.

Ví như một người đang ở TP HCM, nhận lương 20 triệu đồng/tháng, bây giờ về những địa phương khó khăn nhất Việt Nam thì sẽ yêu cầu lương cao hơn hay thấp hơn?

PV: Có lẽ lương phải cao hơn vì môi trường sống ở các địa phương khó khăn không giống như ở TP HCM, không đồng bộ, thiếu nhiều thứ và chi phí cao hơn?

Ông Huỳnh Thế Du: Cũng giống như một người đang ở New York hay California khi về TP HCM phải được trả lương cao hơn thì họ mới về. Tuy nhiên, với người giỏi, bên cạnh thu thập thì họ cần có không gian để thi thố tài năng, chứ vật chất chỉ là nhu cầu thấp nhất trong “tháp nhu cầu Maslow”.

Theo “tháp nhu cầu Maslow”, tầng thứ nhất là các nhu cầu căn bản nhất như thức ăn, nước uống, nơi trú ngụ, nghỉ ngơi... Tầng thứ hai là nhu cầu an toàn thân thể, việc làm, gia đình, sức khỏe, tài sản được bảo đảm. Tầng thứ ba là nhu cầu được cộng đồng công nhận, gia đình yên ấm, bạn bè thân hữu tin cậy. Tầng thứ tư là nhu cầu được quý trọng, kính mến, được tin tưởng. Tầng thứ năm là nhu cầu về tự thể hiện bản thân, sáng tạo, được công nhận là thành đạt.

Do đó, những trí thức bậc cao không chỉ quan tâm nhu cầu tối thiểu mà họ quan tâm đến tầng thứ tư, thứ năm trong “tháp nhu cầu Maslow”. Nếu chính sách chỉ quan tâm đến tầng thứ nhất thì làm sao có thể thu hút người giỏi được. Với thu thập của một trí thức Việt giỏi sống ở New York, Singapore, London, Tokyo…, họ sẽ thuê được căn hộ hàng nghìn USD hằng tháng ở TP HCM để sinh sống và làm việc. Nên lâu nay chúng ta vẫn cứ loanh quanh chuyện “con gà và quả trứng”.

du hoc dau phai la ti nan giao duc
Du học sinh Việt Nam tại Đức

PV: Nhiều người cho rằng, hằng năm Việt Nam chảy lượng lớn ngoại tệ ra nước ngoài để đi du học. Ông nghĩ sao?

Ông Huỳnh Thế Du: Người Việt hay nhìn ở chi phí đầu vào mà ít khi nhìn ở lợi ích tạo ra sau đó. Ví dụ, 1 năm người Việt Nam bỏ 3 tỉ USD du học, nhưng tương lai tạo ra 30 tỉ USD. Nếu bỏ 3 tỉ USD chi tiêu học hành trong nước nhưng 10 năm sau chỉ thu về 10 tỉ USD thì phải chọn phương án du học chứ?

Chúng ta đừng đặt nặng vấn đề “chảy máu” ngoại tệ, “chảy máu” chất xám nữa mà hãy nhìn giá trị gia tăng về sau. Bây giờ, trong nước không có khả năng cung cấp những gói giáo dục chất lượng cao thì người Việt Nam có điều kiện sẽ cho con cái đi du học thôi. Đây là câu chuyện không riêng ở Việt Nam mà là câu chuyện chung của nhiều nước trên thế giới. Như tôi đã nói ở trên, minh chứng là đất nước nào càng nhiều người đi du học thì đất nước càng phát triển.

Từ trải nghiệm sinh sống, quan sát, nghiên cứu kinh tế tôi thấy các nước giàu mạnh đều có “mẫu số chung” là phải có rất nhiều người đi du học. Còn có những quốc gia rất giàu tài nguyên, họ khai thác tài nguyên để bán, làm giàu cho quốc gia là câu chuyện khác. Còn với những quốc gia rất ít tài nguyên thì đầu tư cho giáo dục, cho khoa học công nghệ là con đường đi đến thành công, dĩ nhiên phải có chính sách phù hợp và thúc đẩy tăng trưởng.

Theo thống kê của JASSO (Tổ chức hỗ trợ sinh viên Nhật Bản tại Việt Nam), số lượng du học sinh Việt Nam tăng mạnh từ 3.000 người năm 2008 lên 61.671 người năm 2017, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có du học sinh đông thứ 2 tại Nhật Bản, chỉ sau Trung Quốc.

PV: Không phải ai đi du học cũng thành công?

Ông Huỳnh Thế Du: Điều đó là đúng, nhưng hầu hết là thành công. Chúng ta không thể cứ nhìn một vài tấm gương bỏ học giữa chừng thành công như Bill Gates, Steve Job… mà cổ xúy cho việc bỏ học đi khởi nghiệp, bỏ học để thành công.

Muốn thành công thì phải “trầy da tróc vảy”, cố gắng từng chút một và phải kiên trì, muốn tạo ra giá trị cho xã hội phải có số đông người được giáo dục bài bản, học hành tiến bộ chứ sao lại cổ xúy cho phong trào “phản phát triển” như vậy?

Các quốc gia trên thế giới phát triển như ngày hôm nay cũng phải đi qua một hành trình dài đầy cam go, trong đó giáo dục vẫn là nhân tố chính và quan trọng nhất để quyết định thành công chứ đâu có kiểu “ăn xổi” là thành công.

PV: Bên cạnh việc ra nước ngoài học thì hiện tại ở Việt Nam cũng có nhiều trường quốc tế hoặc các chương trình liên kết có chất lượng cũng là sự lựa chọn cho con em những gia đình không muốn hoặc chưa đủ điều kiện cho con đi du học. Ông nhìn nhận thế nào về du học tại chỗ?

Ông Huỳnh Thế Du: Du học tại chỗ chất lượng cũng “thượng vàng hạ cám”. Tôi cho rằng hệ thống giáo dục Việt Nam ngày càng tốt lên, có nhiều trường tư để cha mẹ lựa chọn cho con em mình. Thực tế nền giáo dục Việt Nam có nhiều vấn đề thật nhưng cũng đang tốt dần lên. Hãy nhìn các chỉ số phát triển của Việt Nam so với thế giới để thấy chúng ta đang tốt lên. Dĩ nhiên vẫn có những lực cản trong quá trình phát triển. Không chỉ ở Việt Nam, nhiều nước phát triển cũng có những lực cản của họ nhưng không phải là tất cả.

Tôi vẫn giữ quan điểm tư duy phê phán trên tinh thần xây dựng, phải nói ra những trục trặc của đất nước để tìm cách điều chỉnh tốt lên. Thực tế mọi thứ đang dần tốt lên, trong đó có giáo dục.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Riêng năm 2017 đã có 109.000 du học sinh Hàn Quốc ở nước ngoài, trong khi chỉ có 55.000 du học sinh từ các nước khác đến Hàn Quốc học. Trong khi đó, hệ thống giáo dục hiện tại của Hàn Quốc thuộc diện tốt nhất ở châu Á và có một số trường đại học ở Hàn Quốc nằm trong tốp các trường đại học hàng đầu trên thế giới. Vậy tại sao người Hàn Quốc đi du học đông như vậy?

Thiên Thanh

du hoc dau phai la ti nan giao ducCơ hội tìm hiểu nhiều chương trình học bổng tại Nhật Bản
du hoc dau phai la ti nan giao ducGặp gỡ cặp vợ chồng Việt “đông con cháu” nhất ở Christchurch - New Zealand
du hoc dau phai la ti nan giao ducTốt nghiệp xuất sắc, Hoa khôi DHS Việt được Viện ung thư hàng đầu thế giới giữ lại làm việc