Dow Jones mất gần 500 điểm vì lo ngại Fed thắt chặt chính sách hơn
Chốt phiên hôm qua, chỉ số Dow Jones giảm 482,78 điểm, tương đương 1,4%, xuống 33.947,10 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,79% xuống 3.998,84 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,93%, kết thúc phiên ở mức 11.239,94 điểm.
Chứng khoán Mỹ đi xuống do lo ngại Fed sẽ thắt chặt chính sách hơn cho đến khi nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái (Nguồn: CNBC). |
Góp phần lớn vào mức giảm chung này là cổ phiếu Tesla khi giảm khoảng 6,4% sau báo cáo cắt giảm sản lượng tại nhà máy Thượng Hải. Các cổ phiếu công nghệ như Amazon, Netflix lần lượt giảm 3,3% và 2,4% do lo ngại về tăng trưởng. Cổ phiếu Salesforce lao dốc gần 7,4% khi CEO của Slack thông báo ra đi.
Dữ liệu dịch vụ ISM, chỉ số của viện quản lý cung ứng Mỹ nhằm cung cấp các bằng chứng sớm cho thấy nền kinh tế biểu thị như thế nào trong tháng trước, trong tháng 11 đã nóng hơn dự kiến càng làm gia tăng lo ngại Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất sau khi vượt ước tính của Dow Jones và tăng từ tháng 10.
Lợi suất trái phiếu cao hơn khi cổ phiếu giảm, với lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giao dịch ở mức 3,588%, tăng gần 9 điểm cơ bản vào cuối ngày hôm qua.
"Rõ ràng, thị trường trái phiếu muốn tăng cao hơn nhưng điều đó phụ thuộc rất nhiều vào việc lạm phát có được kiểm soát hay không. Và vì vậy, khi có bất kỳ số liệu kinh tế nào vượt dự đoán đều dẫn đến lo ngại về lạm phát, khiến lãi suất sẽ tăng cao hơn", ông Peter Essele, Phó chủ tịch cấp cao về quản lý và nghiên cứu đầu tư của Commonwealth Financial Network, nói.
Sau bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào tuần trước, thị trường phần lớn kỳ vọng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất ở mức 0,5%, thay vì mức 0,75% như đã đưa ra trong 4 lần liên tiếp trước đó.
Đồng thời, ông Powell cũng cho biết "lãi suất cuối cùng" mà Fed sẽ ngừng tăng có thể sẽ cao hơn một chút so với con số mà họ đã đưa ra trong cuộc họp hồi tháng 9. Điều đó có nghĩa lãi suất quỹ liên bang có thể vượt mức 5%, từ mức hiện tại 3,75%-4%.
Nhưng trong bài viết hôm qua, chuyên gia Jim Cramer của CNBC cho rằng, có 4 lý do khiến Fed vẫn chưa thể ngừng thắt chặt nền kinh tế. Một là không đủ người tái gia nhập lực lượng lao động, khiến Fed gặp khó khăn trong việc dập tắt lạm phát tiền lương. Hai là có sự không phù hợp giữa cơ hội việc làm và người tìm việc. Ba là có quá nhiều nhân sự trong lĩnh vực quản lý khách hàng, phân tích dữ liệu và quảng cáo. Sự dư thừa này chứng tỏ ngành này đang phình to và có thể dẫn đến nhiều đợt sa thải hơn. Bốn là có quá nhiều công ty mới được thành lập trong 2 năm qua.
Vì vậy, ông cho rằng Fed sẽ không ngừng thắt chặt chính sách cho đến khi họ thấy thêm bằng chứng về thiệt hại kinh tế thực sự.
Ông Cramer cũng cho rằng biến động của thị trường hiện nay là do nhà đầu tư dự đoán ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục với cuộc chiến chống lạm phát như thế nào. "Đánh giá động thái tiếp theo của Fed là một nghệ thuật hơn là khoa học", ông nói.
Theo Dân trí
-
Tin tức kinh tế ngày 31/10: Thị trường chứng khoán hồi phục bất ngờ
-
Tin tức kinh tế ngày 15/10: Trái phiếu doanh nghiệp “ấm dần”
-
Tin tức kinh tế ngày 10/10: Dòng vốn ngoại đang quay lại với chứng khoán Việt
-
Fed để ngỏ khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất lớn
-
Tin tức kinh tế ngày 19/9: Xuất khẩu gạo vượt 4 tỷ USD
-
Tin tức kinh tế ngày 3/11: Xuất khẩu gạo năm 2024 khả năng đạt kỷ lục mới
-
Tin tức kinh tế ngày 2/11: Chỉ số PMI ngành sản xuất tăng trưởng trở lại
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 28/10 - 2/11
-
Indonesia cấm bán điện thoại của Google
-
Kinh tế toàn cầu dự báo tăng trưởng vững chắc trong năm 2025