Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Đối thoại Mỹ-Trung để làm gì?

09:00 | 12/07/2014

839 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sự thất bại của cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung lần thứ 6 đang đặt dấu chấm hỏi về cơ chế giải quyết vấn đề khủng hoảng giữa hai cường quốc thế giới.

Đối thoại Kinh tế và Chiến lược (S&ED) Mỹ-Trung là một cơ chế đối thoại cấp cao để thảo luận về một loạt các vấn đề chính trị, chiến lược, an ninh và kinh tế song phương, khu vực và toàn cầu giữa hai nước.

Việc thành lập S&ED được Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào công bố vào ngày 1/4/2009 nhân Hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 tại London, Anh. Cơ chế này được nâng cấp để thay thế cho đối thoại cao cấp Mỹ-Trung có dưới thời chính quyền George W. Bush. Từ năm 2009 đến nay, S&ED được nhóm họp hằng năm tại thủ đô xen kẽ của hai nước.

S&ED được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự tin tưởng chính trị và sự hợp tác giữa hai nước. Đây là một cơ chế liên tục và chuyên sâu để giải quyết những cơ hội và thách thức mà Mỹ và Trung Quốc gặp phải trong một loạt các lĩnh vực song phương, khu vực và toàn cầu. Cả Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào lúc bấy giờ đã coi S&ED là trọng tâm của các mối quan hệ song phương và cam kết sẽ duy trì cơ chế này một cách lâu dài.

Đối thoại Mỹ-Trung để làm gì?

Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn (giữa), nhận quả bóng rổ có chữ ký của Tổng thống Barack Obama, sau khi kết thúc cuộc Đối thoại Kinh tế Chiến lược Mỹ-Trung lần đầu tiên ngày 28/7/2009

Cuộc Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung lần đầu tiên diễn ra ngày 27 và 28 tháng 7 năm 2009 tại thủ đô Washington. Từ đó đến nay đã có tổng cộng 6 cuộc đối thoại như thế được tổ chức. Kết quả của những lần gặp như vậy rất khiêm tốn. Ngoài những đồng thuận về những vấn đề “trời ơi”, những mâu thuẫn chủ chốt giữa Trung Quốc và Mỹ chưa một lần được giải quyết thông qua kênh đối thoại này.

Kết thúc cuộc đối thoại lần thứ 6 vào ngày 10/7/2014 tại Bắc Kinh, hai bên đã không đạt được thỏa thuận gì về những cuộc tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông và về vấn đề an ninh mạng. Đây là hai trong ba vấn đề chính trong cuộc đối thoại lần này.

Cũng như mọi lần trước, trong phòng hội nghị người ta nghe đủ lời ngọt ngào. Khai mạc cuộc đối thoại lần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng sự hợp tác của hai nước mang ý nghĩa sống còn, kêu gọi Washington đối xử bình đẳng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, cũng như tôn trọng cách lựa chọn đường hướng phát triển của nhau. Ông Tập kêu gọi, "Thái Bình Dương lớn rộng bao la không thiếu chỗ cho cả hai quốc gia vĩ đại chúng ta". Và ông nhấn mạnh:" Một cuộc đối đầu giữa Trung Quốc với Mỹ chắc chắn sẽ là thảm họa cho hai nước và cả thế giới".

Thông điệp của Tổng thống Obama gửi cho hội nghị viết rằng hai nước không thể không có mâu thuẫn, nhưng phải tận dụng những đồng thuận để cùng nhau giải quyết những khác biệt, nhằm tăng cường niềm tin và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp.

Ngoại trưởng John Kerry tuyên bố Washington không hề tìm cách kiềm chế Bắc Kinh, và Washington hoan nghênh một nước Trung Quốc phát triển bền vững trong hòa bình, thịnh vượng, để góp phần vào ổn định và phát triển của toàn khu vực, nhưng Trung Quốc cũng có trách nhiệm của một cường quốc trong các vấn đề mang tính toàn cầu.

Ông Kerry nói tiếp: "Bất chấp những sự khác biệt giữa đôi bên, hai nước chúng ta có khả năng tìm ra một lập trường chung. Đó là nền tảng mà chúng ta dựa vào để xây dựng nhiều thập niên thịnh vượng cho tương lai và đồng thời cũng để xây dựng những khả năng có được ổn định và hòa bình".

Những tuyên bố công khai có tính chất hòa hoãn như vậy là điều thường thấy tại các cuộc họp hàng năm giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng trong các cuộc thảo luận kín, cả đôi bên đều tìm cách ứng phó với những vấn đề có tính chất nhạy cảm và đang gây ra nhiều thách thức cho các mối quan hệ song phương.

Sau khi hẹn nhau "khó khăn nào cũng vượt qua", nay hai nước đành hành xử theo cách "khó khăn nào cũng bỏ qua"!

Chuyên gia phân tích của Viện Kinh doanh Mỹ, Michael Auslin nói các cuộc đàm phán này chẳng hoàn thành được điều gì. "Nói một cách nghiêm túc, chúng ta phải đặt câu hỏi S&ED có còn tác dụng gì nữa hay không? Nó đã không đạt được điều gì có thực chất”- Auslin cho biết. Ông nói thêm: “Bang giao giữa Bắc Kinh và Washington tệ hại hơn bao giờ hết. Tại sao chúng ta lại tiếp tục nuôi ảo tưởng rằng cơ chế đối thoại trên là quan trọng hay xây dựng?” Auslin cho rằng Washington ngây ngô về tham vọng của Trung Quốc. “Ðiều này không có nghĩa là chúng ta biến Trung Quốc thành kẻ thù số 1 của chúng ta. Nó không có nghĩa là chúng ta thành lập một NATO châu Á chống lại Trung Quốc. Tôi nghĩ nó có nghĩa là ta chỉ hành động một cách thực tiễn và hiểu rằng Bắc Kinh rất ít quan tâm đến việc tôn trọng bất cứ nguyên tắc nào mà chúng ta coi là quan trọng đối với chúng ta trong việc hợp tác một cách xây dựng với chúng ta hay các đồng minh của chúng ta”- Auslin kết luận.

Cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Stapleton Roy nói: “Đối thoại kiểu này không phải là hình thức mà chúng ta mong muốn. Vì thế, điều hết sức quan trọng đối với chúng ta là phải có các cơ chế phát huy tác dụng và tìm cách giải quyết các loại vấn đề nổi lên giữa Mỹ và Trung Quốc”.

H.Phan