Doanh nghiệp sẽ được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Thông tin được đưa ra tại hội thảo “Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong các hiệp định thương mại tự do và sự tham gia của Việt Nam” do USAID phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức tại TP HCM ngày 26/11.
Theo bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại VCCI, tự chứng nhận xuất xứ là xu thế bắt buộc trong đàm phán một số hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như: FTA Việt Nam – EU, TPP... Và theo lộ trình của ASEAN, cơ chế này cũng sẽ được áp dụng rộng rãi trong nội khối từ năm 2015. Việc này cho phép doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa thay vì phải xin chứng nhận từ cơ quan chức năng như trước đây.
Hội thảo tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Ông Vương Đức Anh, Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết: Từ tháng 1/2014, ba nước Lào, Philippines và Indonesia đã xây dựng dự án thí điểm tự chứng nhận xuất xứ. Và vừa qua, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nước ta đã tuyên bố chính thức tham gia dự án này cùng với 3 nước trên và đang chuẩn bị các thủ tục, quy định trong nước để thực hiện. Trong giai đoạn thí điểm, vẫn áp dụng song song phương thức cấp chứng nhận xuất xứ truyền thống trước đây.
Với dự án thí điểm này, chúng ta sẽ cho phép các nhà sản xuất uy tín, hội đủ các điều kiện được tự chứng nhận xuất xứ trên hóa đơn thương mại cho hàng hóa xuất khẩu. Việc này được đánh giá sẽ tạo thuận lợi cho thương mại giữa các nước trong các (FTA), nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Trong các (FTA) luôn có điều kiện về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa để được hưởng thuế suất ưu đãi. Do đó, đơn giản hóa thủ tục này sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình hội nhập. Song song đó, Chính phủ cũng tiết kiệm được nguồn nhân lực làm công việc cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Tuy nhiên, cho phép doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cũng có nhiều vấn đề còn băn khoăn ở cả doanh nghiệp và cơ quan chức năng như: lúng túng trong quá trình thực hiện, khả năng gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa.
Công ty TNHH Vinatoken, quận 7, TP HCM thắc mắc, công ty gia công một lô hàng ở Trung Quốc, thương hiệu của công ty, như vậy có thể ghi trên bao bì là “made in Vietnam” được hay không?
Về vấn đề này, đại diện Cục Hải quan TP HCM lý giải, nếu chỉ đóng gói, gia công thì chỉ là thực hiện các thao tác đơn giản trên sản phẩm, không được tính là xuất xứ hàng hóa. Việc doanh nghiệp cố tình ghi sai xuất xứ để được hưởng các ưu đãi hoặc tránh các rào cản thương mại sẽ bị xử lý nghiêm. Vì việc này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp mất bạn hàng, thị trường, bị truy cứu trách nhiệm hình sự... mà còn ảnh hưởng đến uy tín của cả một ngành hàng trên thương trường quốc tế. Cao hơn, khi sản phẩm bị loại ra khỏi danh sách hưởng ưu đãi thuế quan sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp khác.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang trong quá trình hoàn thiện các khung pháp lý trước khi chính thức cho phép doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, với mục tiêu tạo cơ chế thông thoáng, dễ thực hiện nhưng có các chế tài đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng gian lận trong tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Mai Phương
-
Xuất khẩu của Nhật Bản giảm mạnh nhất kể từ năm 2021
-
Nâng cao năng lực phát triển xuất khẩu xanh cho doanh nghiệp
-
Lệnh tạm dừng cấp phép LNG của Hoa Kỳ thúc đẩy bùng nổ xuất khẩu ở Canada và Mexico
-
PGS.TS Ngô Trí Long: Thúc đẩy tăng trưởng xanh trong doanh nghiệp là điều tất yếu
-
Tiềm năng phát triển kinh tế biển của Bạc Liêu
-
Giá vàng hôm nay (19/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Thúc đẩy tiến độ các dự án lưới điện cho Nhà máy Nhơn Trạch 3 và 4
-
Chân chạy VPI phá kỷ lục ở VPBank Hanoi International Marathon 2024
-
Tin tức kinh tế ngày 18/10: Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,8%