"Doanh nghiệp muốn nhận chính sách hỗ trợ thì lên… ti vi"
Ông Đậu Anh Tuấn phản ánh thông tin này tại cuộc tọa đàm về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức ngày 9/6. Tại cuộc tọa đàm, vấn đề sức khỏe nền kinh tế sau đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 là nội dung nhận được nhiều ý kiến mổ xẻ.
Lo lắng về khả năng "bùng" lạm phát
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn phát biểu tại cuộc tọa đàm. |
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn cảnh báo về một nguy cơ cần sớm tính toán, xử lý trong năm nay, khi đợt dịch nghiêm trọng này đi qua, đó là vấn đề lạm phát.
Ông Tuấn phân tích, công tác phòng chống, kiềm chế dịch bệnh, cả nước đã làm quá tốt. Chiến lược vắc xin đang đề ra đúng đắn. Về tăng trưởng GDP, trong bối cảnh khó khăn mà giữ được mức như hiện tại (khoảng 5,5-5,8% trong 5 tháng đầu năm) cũng ổn. Nhưng lạm phát sẽ là vấn đề lo ngại đối với mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian tới.
"Những năm qua, mức lạm phát ở Việt Nam không cao nhưng xu hướng thời gian tới sẽ tăng cao. Đó là do các gói hỗ trợ, kích thích nền kinh tế đã bung ra, tới độ trễ vài tháng nữa sẽ thấy tác động. Hiện tại, các yếu tố đầu vào cho sản xuất, tiêu dùng cũng đã tăng mạnh, xăng dầu tăng 30%, các loại hàng hóa, nguyên vật liệu khác đã tăng 16%... Sắp tới, chỉ số tăng giá tiêu dùng hẳn là phải bị tác động, đội lên" - ông Tuấn dự báo.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đề cập ý kiến lo lắng về khả năng "bùng" lạm phát cuối năm nay. Ông đánh giá, khả năng xuất hiện tình trạng lạm phát bùng phát như năm 2011 thì không có vì yếu tố cơ bản nhất là sức mua, sức tiêu dùng hiện rất yếu. Giá cả hàng hóa có tăng hay giảm thì người dân cũng không mua bán nhiều trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Tuy nhiên, ông Lực cũng nhấn mạnh, một số con số cho thấy cần kiểm soát sát sao, điều hành linh hoạt. Thực tế, giá xăng dầu đã tăng 30%, tức chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung tăng khoảng 0,42%. Tương tự, giá nguyên vật liệu tăng 20-25% thì CPI tăng 0,02-0,03%. Ngoài ra, độ trễ của cung tiền, tăng giá bất động sản, chứng khoán… cũng sẽ tác động đến giá lương thực thực phẩm, làm giá cả mặt hàng thiết yếu này tăng lên.
Theo đó, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, mức tăng giá tiêu dùng, lạm phát của năm nay sẽ cao hơn những năm qua. Việc này, theo ông Lực, liên quan đến vấn đề giám sát. Nếu quá lo lạm phát mà áp dụng chính sách bóp nghẹt như hồi năm 2011 thì sẽ… "chết" nhưng lơi lỏng, chủ quan thì tình hình cũng không đơn giản.
Doanh nghiệp đã "đu xà" hơn năm qua
Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn. |
Một trong những vấn đề khác được tập trung thảo luận tại cuộc tọa đàm là giải pháp hỗ trợ thế nào để doanh nghiệp có thể sống sót qua đại dịch Covid-19.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn nêu con số 5 tháng vừa rồi, doanh nghiệp ngừng hoạt động, đang chờ làm thủ tục giải thể tăng 20,7%, rồi doanh nghiệp ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 23%.
"Số lượng đó tăng càng ngày càng cao, tức là một năm qua, các doanh nghiệp đã cố gắng đu xà, tưởng là đến giai đoạn này là xong nhưng mà dịch lại bùng phát và nếu thêm vài đợt nữa thì mỏi lắm và mỏi là buông tay thôi. Con số này cho thấy những ông yếu đã buông hết rồi, giờ còn những người khỏe hơn vẫn cố nhưng nếu chỉ 3 tháng nữa hoặc một vài đợt dịch nữa mà không kiểm soát tốt thì buông hết" - ông Tuấn nhận định.
Theo ông Tuấn, đây là vấn đề cần phải bàn tính để tính xem gói hỗ trợ tới đây thế nào.
Ông băn khoăn, nước Mỹ trong bối cảnh tình hình đã tốt lên khi có vắc xin, tiêm rộng rãi trong toàn dân rồi mà còn tung ra những gói kích thích trị giá gấp 3 gói cũ. Điều đó cho thấy tác động của dịch Covid-19 tới các doanh nghiệp vô cùng lớn.
"Tôi cho rằng giai đoạn tới số doanh nghiệp buông còn rất nhiều và như thế số nợ xấu trên bảng của ngân hàng thì đẹp nhưng thực tế còn xấu nhiều lắm vì họ cũng còn rất nhiều cách để báo cáo. Cần ghi nhận đúng thực lực của doanh nghiệp" - ông Tuấn nêu quan điểm.
Nhấn mạnh sức khỏe của doanh nghiệp trên thực tế nghiêm trọng hơn số liệu tại báo cáo, ông Tuấn cho rằng, cần tìm hiểu sâu hơn và có giải pháp mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có việc khoanh nợ. Ông đề nghị, khoanh nợ để doanh nghiệp, nhà đầu tư "quên" chỗ đó đi đã, để có thể tồn tại, phát triển được, sau đó sẽ quay lại tính đến khoản được khoanh.
"Rất nhiều doanh nghiệp phát nản nói, muốn nhận chính sách hỗ trợ thì lên ti vi. Các hiệp hội du lịch đã trả lời, kể cả những thị trường du lịch lớn như TPHCM thì để các hướng dẫn viên du lịch tiếp cận được chính sách này cũng hầu như không có", ông Đậu Anh Tuấn cho biết.
Theo Dân trí
-
Tin tức kinh tế ngày 19/10: Hơn 140 vụ điều tra chống bán phá giá với hàng xuất khẩu Việt Nam
-
Lỗ hổng trong quy trình quản lý tài sản gửi của khách hàng
-
Giá vàng hôm nay (19/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Thúc đẩy tiến độ các dự án lưới điện cho Nhà máy Nhơn Trạch 3 và 4