Độc đáo, linh thiêng hội thi kéo lửa thổi cơm chùa Keo
Nghi thức mở cửa đền Thánh |
Chùa Keo tên chữ là Thần Quang Tự (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Chùa được xây dựng vào năm 1632 (thời Lê Trung hưng, thế kỷ XVII). Với gần 400 năm tồn tại, trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, chùa Keo hiện là một trong những ngôi chùa cổ có kiến trúc độc đáo với 17 công trình, 128 gian, trong đó gác chuông 3 tầng của chùa Keo được đánh giá là kiệt tác trong lịch sử kiến trúc Việt Nam.
Lễ hội chùa Keo tưởng nhớ công đức của Quốc sư Dương Không Lộ (1016-1094) và những người có công xây dựng Chùa. Đây là dịp để nhân dân tỉnh Thái Bình quảng bá du lịch; phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, nhu cầu tham quan và hưởng thụ các giá trị văn hóa, nghệ thuật kiến trúc điêu khắc độc đáo. Qua đó, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, truyền thống. Với những giá trị đặc biệt về văn hóa lịch sử, năm 2012, quần thể chùa Keo được công nhận Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Ngày 23/1/2017, Bộ VH-TT&DL ghi danh lễ hội Chùa Keo (tỉnh Thái Bình) là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Rất đông du khách về trẩy hội chùa Keo xuân Kỷ Hợi |
Hội Xuân chùa Keo năm 2019 diễn ra các nghi lễ thức, trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống như: Nghi thức khai chỉ mở của đền Thánh; Lễ dâng hương đền Thánh; thổi cơm thi; thi bắt vịt và chuỗi hoạt động của chương trình tế lễ đầu năm.
Ngay từ sáng sớm, cùng với du khách thập phương đi trẩy hội xuân chùa Keo, rất đông người dân làng Keo và những vùng lân cận cũng nô nức kéo về trước cửa Tam quan nội chờ đợi hội thi thổi cơm đầy hấp dẫn. Thi kéo lửa nấu cơm là phong tục tập quán từ lâu đời của bà con làng Keo, đó không chỉ đơn thuần là một trò chơi, mà đó còn có ý nghĩa nguồn cội tưởng nhớ công lao của Đức Thánh Tổ.
Phần thi kéo lửa thổi cơm |
Theo Trưởng ban khánh tiết lễ hội xuân chùa Keo 2019 Nguyễn Hữu Khang chia sẻ: Lễ hội xuân có nhiều trò chơi, trong đó trò chơi kéo lửa thổi cơm là trò chơi cổ được lưu truyền nhiều năm, trên sân Tam quan ngoại, tham gia thi có 4 đội thổi cơm thi trước đây đại diện cho 4 giáp, nay là đại diện cho người dân 3 thôn: Hành Dũng Nghĩa, Dũng Nghĩa và Dũng Nhuệ. Mỗi đội thi nấu cơm có 8 người với sự phân công nhiệm vụ rất chặt chẽ: người chạy lấy nước, người kéo lửa, người nấu cơm.
Nét độc đáo của kéo kửa nấu cơm thi là nghệ thuật lấy lửa. Hai người phối hợp dùng những thanh nứa kéo nhẹ nhàng cho nứa nóng dần lên, khi mảnh nứa đã nóng hai người kéo thật mạnh cho nhiệt toả ra càng cao tia lửa bật ra bốc khói, thành viên trong đội dùng bùi nhùi cho vào lấy lửa; người thi dừng kéo, dùng hơi thổi cho bùi nhùi cháy, lửa được lấy ra đem nấu cơm.
Để lửa cháy nhanh, bùi nhùi phải làm bằng chất liệu dễ bén lửa. Xưa người làng Keo làm bùi nhùi bằng cách dùng mảnh thuỷ tinh cạo lấy mảnh vỏ cây xoan đem phơi khô, vò với mùn cưa rồi quấn vào một đoạn tre nhỏ. Khi đã kéo được lửa, chủ hội đánh một hồi trống, dứt tiếng trống thì các bếp đều thống nhất nổi lửa.
Các giáp thi nấu cơm dâng đức thánh Dương Không Lộ |
Một nén hương đen được đốt lên, khi nén hương cháy hết cũng là lúc cơm, xôi đã chín, chè cũng đã nấu xong (thời gian khoảng 30 phút). Sau đó những người dự thi nấu cơm phải sắp một mâm cỗ chay gồm cơm, xôi, chè lam, bánh phong để đưa vào đền lễ thánh.
Để có được nồi cơm ngon dâng cúng Thành Hoàng làng đòi hỏi những trai làng phải nhanh nhẹn , khỏe mạnh và khéo tay. “Người dân ở đây tin rằng, tham gia trò chơi cũng có nghĩa là được Đức Thánh Tổ ban lộc, sẽ có một năm thuận lợi trong công việc. Do đó, rất nhiều thanh niên trong làng đăng ký tham gia”, Trưởng ban khánh tiết lễ hội xuân chùa Keo 2019 Nguyễn Hữu Khang cho hay.
Cơm nấu chín được múc ra để dâng đức Thánh |
Trong hội thi, các cụ cao tuổi trong làng nắm vai trò cầm cân nảy mực chấm điểm. Cơm của đội nào dẻo, thơm nhất, chín đều sẽ giành giải nhất của làng. Cuộc thi kết thúc vào thời điểm chính Ngọ là giờ đẹp để dâng cúng Thánh. Sản phẩm của cuộc nấu cơm thi thường được coi là nghi thức cúng thần linh với ý nghĩa phẩm vật ấy đã được tạo ra từ những gì quý giá, tinh khiết, trong trắng nhất, mất nhiều công sức từ khâu chuẩn bị đến lúc hoàn thiện sản phẩm, biểu trưng cho lòng thành kính của dân làng Keo với Đức Thánh Tổ.
Hàng năm, Lễ hội Xuân chùa Keo diễn ra vào ngày mùng 4 tết Nguyên Đán và Hội mùa Thu (lễ hội chính), từ ngày 13 - 15/9 (Âm lịch).
Phú Văn
-
Tử vi ngày 23/10/2024: Tuổi Dần phát huy tiềm năng, tuổi Dậu cơ hội phát triển
-
Quảng Ngãi: Các khu vực đỗ xe tránh mưa lũ
-
Tử vi ngày 22/10/2024: Tuổi Tỵ cải thiện thu nhập, tuổi Tuất phát huy điểm mạnh
-
Đường sắt Việt Nam bán vé tàu qua bản đồ trực tuyến
-
Tử vi ngày 21/10/2024: Tuổi Sửu trải nghiệm mới mẻ, tuổi Hợi tinh thần lạc quan
- Tử vi ngày 23/10/2024: Tuổi Dần phát huy tiềm năng, tuổi Dậu cơ hội phát triển
- Tử vi ngày 22/10/2024: Tuổi Tỵ cải thiện thu nhập, tuổi Tuất phát huy điểm mạnh
- Tử vi ngày 21/10/2024: Tuổi Sửu trải nghiệm mới mẻ, tuổi Hợi tinh thần lạc quan
- Tử vi ngày 20/10/2024: Tuổi Dần tính toán tài tình, tuổi Thân thận trọng lời nói
- Tử vi ngày 18/10/2024: Tuổi Mão mở rộng ngoại giao, tuổi Ngọ nắm bắt cơ hội
- Tử vi ngày 17/10/2024: Tuổi Tý công danh thăng tiến, tuổi Thìn rắc rối bất ngờ
- Tử vi ngày 16/10/2024: Tuổi Tỵ may mắn bất ngờ, tuổi Mùi cơ hội đầu tư
- Tử vi ngày 15/10/2024: Tuổi Dậu vận may tài chính, tuổi Dần ý tưởng thú vị