Diễn biến thị trường, giá cả năm 2020 và dự báo năm 2021
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ, Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, năm 2020 diễn ra trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Trước bối cảnh đó, Đảng và Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết quan trọng và chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện một cách quyết liệt như: Ngay ngày đầu tiên của năm mới (1/1/2020), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an ninh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19… Đồng thời tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đâu tư công năm 2020 và triển khai nhiều biện pháp ứng phó với biến động thị trường nhằm ổn định đời sống và phát triển sản xuất.
PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ nhấn mạnh, bằng một loạt các giải pháp kịp thời, Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực trong ổn định kinh tế đất nước: GDP năm 2020 tăng 2,91% so với cùng kỳ năm 2019. CPI bình quân năm 2020 tăng 3,23% so với bình quân năm 2019, thấp hơn nhiều so với mục tiêu Quốc hội đề ra là dưới 4%; lạm phát cơ bản bình quân năm 2020 tăng 2,31% so với bình quân năm 2019.
Toàn cảnh hội thảo |
Tại hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế đã trao đổi, phân tích rõ về diễn biến của thị trường, giá năm 2020, những yếu tố cơ bản, những nguyên nhân chủ yếu tạo nên bức tranh thị trường trong thời gian qua. Đồng thời, đưa ra những dự báo và đề xuất giải pháp kiểm soát lạm phát, thực hiện phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới của năm 2021 và những năm tiếp theo… những giải pháp không chỉ thực hiện trong năm 2021 mà còn cần đưa ra lộ trình nhằm góp phần giúp cho kinh tế Việt Nam phát triển ổn định trong trung và dài hạn.
PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế nhận định, năm 2021 vẫn rất khó đoán định, công tác điều hành giá cần tiếp tục điều hành một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động. Chính sách tài khóa cần phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; đồng thời góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Cần kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành nên giá đối với mặt hàng bình ổn giá; các hàng hóa do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng dữ trữ quốc gia; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công, các mặt hàng kê khai giá…
PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính dự báo, năm 2021 giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới sẽ tăng trở lại khi dịch Covid-19 dần được khống chế. Trong khi đó, tình hình thiên tai, dịch bệnh trong nước còn diễn biến phức tạp, sẽ ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất, cung cầu hàng hóa trên thị trường và đời sống sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Bá Minh, thị trường giá cả ở Việt Nam có những nhân tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI như: tình hình dịch bệnh Covid-19, xung đột chính trị và căng thẳng thương mại trên thế giới còn nhiều bất ổn; cả hệ thống chính trị của Việt Nam luôn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiềm chế lạm phát đã đề ra… Đồng thời, PGS.TS Nguyễn Bá Minh cũng đưa ra dự báo CPI của Việt Nam bình quân năm 2021 so với năm 2020 sẽ tăng ở mức 3,2-3,8%.
Theo đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), năm 2021 để thực hiện kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát cần tiếp tục thực hiện thận trọng, linh hoạt, chủ động. Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao và vào dịp cuối năm, các hàng hóa phục vụ sinh hoạt của người dân; chủ động nguồn hàng đáp ứng dịp Tết Nguyên đán, hạn chế tăng giá từ đầu năm 2021.
Cùng với đó, Bộ Tài chính sẽ chủ động công tác dự báo, tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Trường hợp xem xét điều chỉnh trong năm 2021 cần chủ động tính toán, đánh giá liều lượng và mức độ điều chỉnh cho phù hợp và báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá. Đồng thời, Bộ Tài chính tăng cường thanh kiểm tra, kịp thời tham mưu cho các cấp có thẩm quyền điều hành giá phù hợp với nguyên tắc thị trường và điều hành kinh tế vĩ mô.
Phú Văn
-
9 tháng đầu năm: CPI tăng 3,88%, lạm phát cơ bản tăng 2,69%
-
Quý III/2024: GDP tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước
-
Tin tức kinh tế ngày 28/8: Xuất khẩu điện thoại và linh kiện sang Ấn Độ tăng vọt
-
FED sẽ đảo chiều chính sách vào tháng 9?
-
Nhu cầu yếu, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 của Trung Quốc không đạt kỳ vọng
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?