Dệt may Việt Nam: Thích ứng và dần chủ động
Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý I, thậm chí đến quý II.
Ngành dệt may Việt Nam đang nỗ lực chủ động từ khâu sợi dệt. |
Hiệp hội cũng đã tự tin xây dựng mục tiêu xuất khẩu năm 2022 theo 3 kịch bản. Ở kịch bản 1, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý I/2022, các doanh nghiệp tích cực nhất, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 42,5-43,5 tỷ USD; kịch bản 2, kim ngạch xuất khẩu dệt may trung bình đạt 40-41 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm; kịch bản 3, trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài đến cuối năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt mức thấp nhất 38-39 tỷ USD.
Thị trường dệt may năm 2022 dù được nhận định sẽ khởi sắc, tuy nhiên tổng cầu dự báo sẽ không tăng nhiều trong khi đó các quốc gia cạnh tranh với dệt may Việt Nam đều đang nỗ lực để tăng thị phần xuất khẩu. Đặc biệt, Trung Quốc đã phê duyệt kế hoạch 5 năm lần thứ 14 dành riêng cho ngành dệt may và đặt ra mục tiêu rất tham vọng khi giữ vững và mở rộng thị phần ở những phân khúc có giá trị gia tăng cao nhất; hướng đến đổi mới công nghệ và đạt mục tiêu phát triển bền vững. Điều đó tạo nên sức ép của dệt may Việt Nam trong năm mới
Cùng đó là chi phí vận tải tăng cao, tình trạng thiếu container vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Dự báo phải đến nửa cuối của năm 2022 khi số lượng container đóng mới được cung cấp ra thị trường vấn đề vận tải mới bắt đầu được giải quyết. Tuy nhiên, cho dù dự báo đúng nhưng các cảng biển lớn cũng chưa thể hấp thụ ngay số lượng container mới để có thể đưa chi phí logistics về bằng mức trước khi xảy ra dịch bệnh.
Với thách thức đó, các doanh nghiệp tìm hướng khắc phục thông qua trao đổi với khách hàng để chia sẻ chi phí về vận tải. Một số nhãn hàng trên thế giới dự kiến năm 2022 tăng giá bán lẻ nhằm san sẻ bớt gánh nặng chi phí vận tải cho người tiêu dùng. Hy vọng sẽ đỡ một phần khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất.
Chủ động nguồn nguyên liệu cũng là giải pháp căn cơ, lâu dài cho doanh nghiệp dệt may. Ông Vương Đức Anh, Chánh văn phòng Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, từ thực tiễn đứt gãy chuỗi cung ứng của ngành dệt may qua 2 năm xảy ra dịch Covid-19, doanh nghiệp nhận thấy làm chủ nguyên liệu trong nước là “chìa khóa” giúp phát triển bền vững, chắc chắn hơn trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài.
Theo đó, Vinatex cùng các đơn vị thành viên tiếp tục đẩy mạnh phối hợp xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ sợi-dệt-nhuộm-may hướng tới trở thành “một điểm đến trọn gói cho khách hàng trong ngành dệt may thời trang”. Năm 2021, Vinatex cũng nỗ lực đưa vào hoạt động Nhà máy Sợi 3, Công ty Cổ phần Sợi Phú Bài với quy mô 32.000 cọc sợi, đi vào hoạt động từ tháng 6/2021; Nhà máy Sợi 2, Công ty Cổ phần Vinatex Phú Hưng với quy mô 22.800 cọc sợi, đi vào hoạt động từ tháng 10/2021. Đây là cơ sở để Vinatex chủ động nguồn nguyên liệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do.
Các doanh nghiệp dệt may cũng đề xuất, Chính phủ cần tiếp tục triển khai chiến lược vắc xin -đây là giải pháp căn cơ để các doanh nghiệp phục hồi, phát triển trong điều kiện bình thường mới. Cùng với đó, ngành dệt may mong muốn Chính phủ sớm phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035” để ngành có thể tự túc nguyên phụ liệu, đáp ứng quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do, ứng dụng công nghệ 4.0 để hiện đại hóa sản xuất, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu.
PV
-
Tin tức kinh tế ngày 11/11: Các "ông lớn" công nghệ nộp hơn 8.600 tỷ đồng tiền thuế
-
Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng tăng lên 4,55%
-
Xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ ra sao sau bầu cử Tổng thống Mỹ?
-
Thống đốc NHNN nêu giải pháp để hoạt động tín dụng gắn với phát triển kinh tế xanh
-
Kiểm soát rủi ro và những lưu ý đối với doanh nghiệp