Nhiều đơn hàng mới, công nghiệp chế biến chế tạo lạc quan trong năm 2022
Khảo sát của Tổng cục Thống kê về hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, có tới 76,6% số doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới tăng và giữ nguyên so với quý III/2021, 23,4% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới giảm.
Công nghiệp chế biến, chế tạo có đà phục hồi ấn tượng trong năm 2021 và đầu năm 2022. |
Thống kê theo ngành kinh tế thì ngành sản xuất thiết bị điện có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định về đơn đặt hàng mới quý IV/2021 so với quý III/2021 tăng cao nhất với 48,3%, ngược lại, ngành sản xuất đồ uống có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định về đơn đặt hàng giảm nhiều nhất với 30,6%
Các doanh nghiệp dự báo, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý I/2022 khả quan hơn với 83,3% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên so với quý IV/2021, chỉ có 16,7% doanh nghiệp dự báo giảm.
Về sử dụng lao động trong các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý IV/2021 có dấu hiệu phục hồi so với quý III/2021. Cụ thể, có 16,4% doanh nghiệp nhận định sử dụng lao động quý IV/2021 so với quý III/2021 tăng, 65,7% doanh nghiệp nhận định giữ nguyên và 17,9% doanh nghiệp nhận định giảm.
Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định lao động quý IV/2021 so với quý III/2021 tăng cao nhất với 39,4%, ngược lại, ngành sản xuất trang phục có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định lao động quý IV/2021 so với quý III/2021 giảm nhiều nhất với 26,6%.
Dự báo sử dụng lao động quý I/2022 so với quý IV/2021 khả quan hơn với 88,2% số doanh nghiệp dự kiến số lao động tăng và giữ nguyên, 11,8% doanh nghiệp dự kiến lao động giảm.
Bên cạnh đó, có đến 91,1% công ty dự báo chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên trong quý đầu năm 2022 và chỉ có 8,9% đơn vị dự báo chi phí sản xuất giảm.
Ngành dệt may Việt Nam đã đầy đơn hàng trong quý I/2022. |
Năm 2021, toàn bộ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực từ điện tử, máy tính, dệt may, giày dép, phụ tùng, sắt thép...đều lập kỷ lục về cán đích với mức tăng trưởng dương. Đặt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, có nhiều tháng trong quý 3/2021 bị đứt gãy sản xuất là kết quả hết sức ấn tượng. Trong đó, xuất khẩu điện thoại, linh kiện mang về gần 58 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm 2020, điện tử, máy tính, linh kiện 51 tỷ USD, tăng 14,4%, điện tử, máy móc, thiết bị phụ tùng khác 38,4 tỷ USD tăng 41%, giày dép gần 18 tỷ USD, tăng 4,6%...
Thông tin mới đây, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) xác nhận, phần lớn doanh nghiệp trong Tập đoàn đã đầy đơn hàng quý I/2022, có doanh nghiệp đã ký đủ đơn hàng hết quý II/2022.
Nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành xuất khẩu khác như giày dép, điện tử, sắt thép...cũng xác nhận lượng đơn hàng xuất khẩu cho quý 1/2022 đã được ký kết, điều quan trọng là tổ chức sản xuất hợp lý trong điều kiện dịch bệnh để đảm bảo lực lượng và giảm thiểu tối đa chi phí sản xuất.
Việc các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có nhiều cơ hội đón đơn hàng dồi dào đã được nhiều Tổ chức và chuyên gia kinh tế dự báo. Trước đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết, Việt Nam và các quốc gia châu Á tiếp tục là địa chỉ nhận nhiều đơn hàng trong năm 2022 do sản xuất phục hồi trở lại và cầu tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản...gia tăng. Lĩnh vực phục hồi nhanh sẽ là điện tử, hàng hóa liên quan tới phòng chống dịch bệnh như điện tử, vật tư, thiết bị y tế, máy móc thiết bị, đồ gỗ, dệt may, giày dép....
Thành Công
-
Chung tay nâng cao vai trò của phụ nữ trong chuyển đổi xanh
-
Để sản xuất công nghiệp tiếp đà hồi phục
-
Tin tức kinh tế ngày 28/7: Đơn hàng xuất khẩu đồ gỗ bắt đầu quay trở lại
-
Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu thu hút vốn FDI
-
Giải pháp căn cơ cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi, bứt tốc