Để dòng vốn FDI ổn định
Những mảng màu sáng tối!
Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong năm 2012, cả nước có 1.100 dự án đầu tư nước ngoài mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư và 435 lượt dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm trên 13 tỉ USD, bằng 84,7% so với cùng kỳ năm 2011. Vốn thực hiện cũng đạt 10,46 tỉ USD, bằng 95,1% năm 2011. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều nhà đầu tư nhất với tổng vốn đầu tư đăng ký là 9,1 tỉ USD, chiếm 70% tổng vốn đầu tư đăng ký năm 2012.
Nhìn nhận những con số trên, ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng: Thu hút FDI vào Việt Nam năm 2012 tuy có giảm về vốn đăng ký so với năm 2011 nhưng vẫn có nhiều điểm sáng đáng chú ý như: lượng vốn đăng ký thêm của những dự án đã thực hiện tăng tới 58,5% so với năm 2011, điều này chứng tỏ các nhà đầu tư đang làm ăn tại Việt Nam vẫn tái xác tín vào môi trường đầu tư của Việt Nam cũng như triển vọng trong tương lai nên sẵn sàng tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Đó cũng chính là nền tảng góp phần quan trọng cải thiện cán cân thanh toán và làm tăng dự trữ ngoại hối cho Việt Nam.
Vẫn còn nhiều vấn đề trong bài toán FDI
Điều này cũng được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tại một phiên họp Chính phủ gần đây khi cho rằng: Mặc dù vẫn còn nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính, nhân lực chất lượng cao… nhưng bạn bè quốc tế đánh giá rất cao sự ổn định của Việt Nam. Minh chứng cho điều này là một loạt các dự án tỉ đô vẫn đang tiếp tục đầu tư, triển khai như dự án nhà máy cán thép lớn nhất Việt Nam mới khởi công tại Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư lên tới 10 tỉ USD.
Một điểm sáng đáng chú ý trong bức tranh FDI năm 2012 được các chuyên gia đánh giá rất cao là có tới 70% dự án đăng ký mới và xin tăng vốn tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, điều này phù hợp với định hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI trong năm cũng đạt mức 73,4 tỉ USD, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 64% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước, góp phần quan trọng giữ nhịp xuất khẩu và thu ngân sách…
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, bên cạnh những điểm nhấn trên, bức tranh FDI năm 2012 cũng có không ít gam màu tối, đặc biệt là tình trạng chuyển giá, trốn thuế. Điều đáng nói là những doanh nghiệp được báo chí phanh phui đều thuộc hàng có tầm cỡ như Coca-Cola, Metro, Adidas…
Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa nhận: Đúng là có hiện tượng một số doanh nghiệp FDI ở một số địa phương vay vốn của các tổ chức tín dụng trong nước nhưng do làm ăn thua lỗ nên đã bỏ trốn. Đây là vấn đề rất phức tạp vì liên quan đến quy định của quốc tế. Trong quy định pháp luật, nếu khoản nợ đó nằm trong phạm vi hành chính kinh tế thì cơ quan quản lý kinh tế có yêu cầu các ngân hàng thương mại phối hợp để thu hồi, xử lý các tài sản thế chấp nếu không xử lý được phải có hợp tác quốc tế. Hiện có nhiều khoản nợ bị treo vì cơ quan quản lý không tìm được địa chỉ chính xác của chủ doanh nghiệp đó tại nước ngoài. Hiện nay, Việt Nam đang tham khảo kinh nghiệm ở một số nước trên thế giới để xử lý tình trạng này, đồng thời phối hợp với nước sở tại để tìm ra cách xử lý tốt nhất.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng khẳng định: Số lượng các doanh nghiệp FDI bỏ trốn, để lại khoản nợ đối với các ngân hàng thương mại trong nước là không nhiều và không phổ biến.
Kỳ vọng đột phá từ chính sách
Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 2012, đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự kiến vốn FDI đăng ký trong năm 2013 sẽ đạt 13-14 tỉ USD và vốn thực hiện đạt khoảng 10,5-11 tỉ USD (bằng năm 2012).
Nói về con số này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chia sẻ: Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế và chuyên gia kinh tế, nền kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2012 sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nguồn vốn đầu tư nước ngoài chưa thể phục hồi mạnh trong năm tới. Sau khi thảo luận chúng tôi đưa ra dự kiến vốn đầu tư FDI đăng ký năm 2013 đạt khoảng 13-14 tỉ USD, vốn FDI thực hiện đạt khoảng 10,5-11 tỉ USD, tương đương với năm 2012.
Và để đạt được mục tiêu thu hút FDI trên, năm 2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư, ban hành chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với định hướng thu hút FDI giai đoạn 2011-2020; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước cấp Trung ương và địa phương trong việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để hỗ trợ thúc đẩy giải ngân nhanh vốn đầu tư.
“Bộ cũng sẽ thực hiện tốt 3 khâu: cải cách thể chế, cải thiện cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra sẽ cải tiến phương thức xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm theo từng ngành, lĩnh vực, khu vực và theo đối tác. Tới đây, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan quản lý các dự án có quy mô, tác động lớn, tính lan tỏa cao phải có quy trình thẩm tra của các bộ, ngành. Tại sao phải như thế, bởi có những vấn đề trong thu hút FDI mà địa phương không lo được, nhìn thấy được” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
Được biết, trong năm 2013, Bộ sẽ tăng cường hỗ trợ cho các nhà đầu tư đang đầu tư tại Việt Nam hoạt động có hiệu quả, giảm rào cản cho nhà đầu tư nước ngoài đối với một số ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu.
Về chuyện thu hút FDI cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chia sẻ: Để khuyến khích vốn FDI vào lĩnh vực này, nâng sản xuất nông nghiệp lên tầm hiện đại, tạo giá trị gia tăng cao hơn thì phải sửa đổi chính sách thu hút đầu tư, kể cả các chính sách ưu đãi cho FDI vào lĩnh vực này. Bộ đang xây dựng để trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi Nghị định 61 về thu hút đầu tư, trong đó có các điều khoản hỗ trợ mạnh, đặc biệt là thu hút vốn FDI vào vùng khó khăn bằng các ưu đãi lãi suất, tín dụng và các hỗ trợ khác của Nhà nước.
Theo kết quả khảo sát của tổ chức Pricewaterhouse Coopers được thực hiện từ tháng 6 đến tháng 8/2012 đối với 376 giám đốc điều hành và các chuyên gia đầu ngành tại 40 quốc gia, bao gồm toàn bộ 21 nền kinh tế APEC cho thấy: Các CEO đặt niềm tin vào khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Việt Nam sẽ là điểm đến đầu tư thứ 9 mà các công ty có có trụ sở chính tại các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh dự kiến đầu tư nhiều nhất trong 3-5 năm tới. |
Hà Thanh
-
Bắc Ninh dẫn đầu cả nước về thu hút FDI trong 9 tháng năm 2024
-
Tin tức kinh tế ngày 3/10: Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh
-
Tin tức kinh tế ngày 29/9: Thu hút FDI là điểm sáng kinh tế Việt Nam 2024
-
Tin tức kinh tế ngày 17/9: Dư nợ bất động sản cao kỷ lục
-
Tin tức kinh tế ngày 6/9: Vốn FDI đổ mạnh vào Việt Nam
-
Giá vàng hôm nay (26/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Giá dầu hôm nay (26/10): Dầu thô tiếp đà tăng
-
Chỉ có 01 loại thuế suất thuế GTGT 5% mới được hoàn thuế là không công bằng đối với các doanh nghiệp
-
Nhà đầu tư tích trữ vàng trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ
-
Bài 3: Để phát triển chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi một cách hợp lý