Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 18)
CHƯƠNG 17: CÔNG THỨC CHIẾN TRANH CỦA NGƯỜI ĐỨC
Một chiều tháng 6 năm 1932, một chiếc xe mui trần xuất hiện tại khách sạn Munich đón hai nhân viên của I. G. Farben, một tập đoàn hóa học lớn của Đức. Những người này − một người là nhà hóa học, một người là chuyên gia đối ngoại − được đưa tới căn hộ của Adoft Hitler tại Prinzregentenplatz.
Hitler vẫn chưa nắm được quyền Thủ tướng Đức, song đã trở thành người đứng đầu Đảng Xã hội quốc gia (Quốc xã), một đảng chiếm 20% số ghế ở Quốc hội Đức và nhiều khả năng số ghế của đảng này sẽ tăng lên trong cuộc bầu cử tháng tới. Những nhân viên của I. G. Farben này đi tìm quốc trưởng tương lai để cố gắng chấm dứt chiến dịch tấn công của Đảng Quốc xã chống lại công ty của họ. Các đảng viên Đảng Quốc xã tố cáo I. G. Farben là một công cụ bóc lột của "các nhà tư bản tài chính quốc tế" và "những người Do Thái lắm tiền", và công kích công ty này vì thực tế là người Do Thái chiếm một số vị trí cấp cao ở đó.
Các đảng viên Quốc xã cũng chỉ trích công ty này về dự án tốn kém nhằm sản xuất nhiên liệu lỏng từ than đá, loại nhiên liệu này còn được gọi là nhiên liệu tổng hợp, và về sự bảo hộ thuế quan mà chính phủ cho phép đối với dự án này. I. G. Farben đã có một cam kết tài chính rất lớn đối với nhiên liệu tổng hợp, nhưng năm 1932, dự án đó không thu được lợi nhuận nếu chính phủ không tiếp tục bảo hộ thuế quan và có những biện pháp hỗ trợ khác. Lập luận chủ yếu của công ty này là ngành nhiên liệu tổng hợp sẽ giảm bớt sự phụ thuộc của Đức vào dầu mỏ của nước ngoài, do đó, giảm áp lực phải trao đổi với nước ngoài của Đức.
Adoft Hitler |
Hai đại diện của I. G. Farben hy vọng thuyết phục Hitler theo quan điểm của họ. Hitler đến dự cuộc họp rất muộn và định chỉ dành hai giờ cho nhân viên của I. G. Farben, song mải mê thảo luận đến nỗi đã ngồi hai tiếng rưỡi với họ. Bị mê hoặc bởi chính những viễn cảnh mà mình gợi ra, Hilter đã nói chuyện, giảng giải và diễn thuyết rất nhiều về kế hoạch của ông nhằm động cơ hóa nước Đức và xây dựng những con quốc lộ mới. Nhưng ông cũng đặt những câu hỏi liên quan đến kỹ thuật về nhiên liệu tổng hợp và bảo đảm với hai người này rằng nhiên liệu đó hoàn toàn phù hợp với toàn bộ kế hoạch của ông cho một nước Đức mới. Ông nói với họ: "Ngày nay, một nền kinh tế không có dầu là điều khó có thể hiểu được ở một nước Đức mong muốn độc lập về chính trị. Do đó, nhiên liệu động cơ phải trở thành một yếu tố thực tế, thậm chí nếu điều này đòi hỏi phải hy sinh. Vì vậy, phải tiếp tục nghiên cứu quá trình hydro hóa than đá". Ông ta hết sức tán thành nỗ lực tạo ra nhiên liệu tổng hợp. Ông cũng hứa ngăn chặn chiến dịch công kích I. G. Farben và tiếp tục bảo hộ thuế quan đối với nhiên liệu tổng hợp một khi Đảng Quốc xã lên nắm quyền.
Về phần mình, I. G. Farben hứa sẽ thực hiện những điều mà Đảng Quốc xã mong muốn: đóng góp tiền cho chiến dịch tranh cử của Hitler. Khi các nhân viên của I. G. Farben báo cáo lại cuộc nói chuyện của họ với Hitler, vị chủ tịch công ty này đã nói: "Con người này dường như có lý hơn tôi tưởng". Hitler có động cơ mạnh mẽ để ủng hộ chương trình này nên đã nhanh chóng chớp lấy cơ hội. Một chương trình nhiên liệu tổng hợp thành công sẽ rất có giá trị và cần thiết đối với toàn bộ mục tiêu khôi phục và phát triển nước Đức thành một nền kinh tế thống trị. Một trong những trở ngại chính để đạt được mục tiêu đó chính là sự phụ thuộc của Đức vào nguyên liệu thô nhập khẩu, cụ thể là dầu mỏ. Sản lượng dầu trong nước thấp, nhập khẩu lại cao. Hơn nữa, phần lớn dầu được nhập khẩu từ Bán cầu Tây. Sự tăng trưởng kinh tế đáng kể của Đức trong nửa thế kỷ trước phần lớn dựa vào nguồn năng lượng dồi dào là than đá.
Trong khi cuối những năm 1930, than đá cung cấp khoảng một nửa tổng năng lượng của Mỹ, thì nó cung cấp tới 90% tổng mức năng lượng của Đức, còn dầu chỉ chiếm 5%. Nhưng năm 1932, Hitler đã lập kế hoạch cho tương lai, và dầu là yếu tố cần thiết cho tham vọng của ông ta. Hitler trở thành Thủ tướng Đức tháng 11 năm 1933, và trong hơn một năm rưỡi, ông cố gắng thâu tóm toàn bộ quyền lực. Ông không bỏ phí thời gian để thực hiện một chiến dịch sản xuất ôtô mà theo ông đó là "một bước ngoặt trong lịch sử giao thông ôtô của Đức". Năm 1934, kế hoạch cho ra đời một loại xe mới, "chiếc xe của nhân dân" Volkswagen bắt đầu. Nhưng kế hoạch quan trọng nhất của ông là làm cho cả châu Âu phải phụ thuộc vào đế chế Đức quốc xã và vào chính Hitler. Với mục đích đó, Hitler nhanh chóng tổ chức lại nền kinh tế, thâu tóm các công ty lớn vào tay nhà nước và xây dựng bộ máy chiến tranh cho nước Đức gồm máy bay ném bom, máy bay chiến đấu, xe tăng, xe tải, tất cả đều cần có dầu để chạy động cơ. Và thứ nhiên liệu tổng hợp mà I. G. Farben đang nghiên cứu giữ vai trò quan trọng quyết định.
Giải pháp hóa học
Những nghiên cứu tiên phong nhằm tạo ra nhiên liệu tổng hợp từ than đá thật sự bắt đầu ở Đức từ trước Chiến tranh thế giới thứ nhất. Nước Đức khi đó được thừa nhận là quốc gia đứng đầu thế giới về hóa học. Năm 1913, nhà hóa học Đức là Friedrich Bergius lần đầu tiên thành công trong việc tách một chất lỏng từ than đá nhờ quá trình hydro hóa. Hydro được thêm vào than đá với nhiệt độ cao và áp suất cao có chất xúc tác. Sản phẩm cuối cùng là một nhiên liệu lỏng cao cấp. Một quy trình mang tính cạnh tranh của Đức mang tên Fischer-Tropsch được nghiên cứu chi tiết sau đó một thập kỷ, giữa những năm 1920.
Trong quy trình này, các phân tử than đá bị phá vỡ dưới luồng hơi nước thành hydro và carbon monoxide, lần lượt được tạo ra và phản ứng với nhau để sản xuất một loại dầu tổng hợp. Quy trình hydro hóa của Bergius dường như là phản ứng tốt hơn trong hai phản ứng, có thể sản xuất nhiên liệu máy bay, còn quy trình Fischer-Tropsch không thể làm được. Ngoài ra, đối với phản ứng Bergius, năm 1926, I. G. Farben đòi hỏi phải có bằng sáng chế, xét về phương diện chính trị thì điều này khiến I. G. Farben có lợi thế lớn hơn so với những người bảo trợ quy trình Fischer-Tropsch. I. G. Farben quan tâm đến nhiên liệu tổng hợp từ những năm 1920 do những dự báo về tình trạng sắp cạn kiệt của nguồn cung dầu mỏ vốn có trên thế giới, dẫn đến các cuộc khai thác dầu mỏ đang diễn ra trên khắp thế giới.
Nhà máy hóa chất của Công ty I. G. Farben |
Chính phủ Đức hỗ trợ hoạt động này bởi vì nhu cầu nhập khẩu dầu mỏ từ nước ngoài ngày càng tăng khiến Đức phải chịu áp lực lớn về ngoại tệ. Một nhà máy thử nghiệm được xây dựng tại các công xưởng Leuna của I. G. Farben, bắt đầu sản xuất năm 1927. Cùng thời gian đó, I. G. Farben bận rộn tìm kiếm các đối tác tiềm năng ở nước ngoài. Sau khi những cuộc đàm phán với một nhóm các nhà hóa học Anh hàng đầu thất bại, I. G. Farben tìm được một đối tác quan trọng hơn nhiều, đó là Standard Oil của New Jersey. Thời gian đó, Standard đang trong quá trình chuyển đổi chiến lược từ nhà máy lọc dầu trở thành công ty dầu hợp nhất, được cung cấp dầu thô cả ở Mỹ và ở nước ngoài. Standard cũng đang khai thác các nguyên liệu thay thế dầu thô như một nguồn nhiên liệu lỏng.
Đầu năm 1921, công ty này mua 22.000 mẫu đất ở Colorado với hy vọng tìm được một phương pháp chiết xuất dầu từ đá phiến. Nhưng Standard không thỏa mãn với những kết quả thu được, vì để sản xuất một thùng dầu tổng hợp từ đá phiến cần một tấn đá, và hiệu quả kinh tế cực kỳ kém hấp dẫn. Năm 1926, Frank Howard, trưởng nhóm nghiên cứu của Standard đến thăm các công xưởng Leuna của I. G. Ông ấn tượng đến mức ngay lập tức gửi điện cho Chủ tịch Standard là Walter Teagle. "Trên cơ sở những quan sát và thảo luận ngày hôm nay, tôi nghĩ rằng đây là vấn đề quan trọng nhất mà công ty chúng ta từng đối mặt kể từ khi bị chia tách", đó là nội dung bức điện của Howard. "Điều này hoàn toàn đồng nghĩa với sự độc lập của châu Âu trong vấn đề cung cấp xăng dầu". Bản thân Teagle, sau khi được cảnh báo về khả năng mất thị trường do loại dầu tổng hợp mới, vội vàng đến Leuna.
Các cơ sở nghiên cứu và sản xuất này khiến ông sợ hãi. Sau này, ông nói: "Tôi đã không biết nghiên cứu có nghĩa là gì cho đến khi chứng kiến hoạt động đó. So với công việc mà tôi nhìn thấy, chúng tôi chỉ là những đứa trẻ". Teagle, Howard và các giám đốc điều hành khác của Standard vội vàng tập trung tại một phòng trong khách sạn tại Heidelberg, cách công xưởng I. G. Farben 10 dặm. Howard sau này nhớ lại rằng, họ đã kết luận, quá trình hydro hóa "có ý nghĩa hơn so với bất cứ yếu tố kỹ thuật nào từng được đưa vào ứng dụng trong ngành dầu cho đến nay". Trong các phòng thí nghiệm của I. G. Farben, có một nguy cơ đe dọa rõ ràng đối với công việc kinh doanh của Standard. Howard nói: "Mặc dù quá trình hydro hóa than đá có thể không bao giờ cạnh tranh với dầu thô về mặt kinh tế, song yếu tố chủ nghĩa dân tộc sẽ khiến quá trình hydro hóa có thể tạo ra một ngành sản xuất được bảo vệ ở nhiều quốc gia". Vì vậy, Standard hầu như không thể không tham gia vào đó. Do đó, thỏa thuận đầu tiên đạt được với I. G. Farben cho phép Standard xây dựng một nhà máy hydro hóa ở Louisiana. Nhưng vào thời gian này, tình trạng thiếu hụt dầu mỏ trên thế giới đang bắt đầu chuyển sang thặng dư và mối quan tâm của công ty Mỹ đã thay đổi.
Quá trình hydro hóa cũng có thể được áp dụng đối với dầu mỏ nhằm làm tăng sản lượng xăng. Do đó, nhà máy mới ở Louisiana sẽ thử nghiệm quá trình này không phải với than đá mà với dầu mỏ để sản xuất nhiều xăng hơn từ mỗi thùng dầu. Năm 1929, hai công ty có một thỏa thuận lớn hơn. Standard nắm quyền sáng chế quá trình hydro hóa ở bên ngoài nước Đức. Đổi lại, I. G. Farben nhận được 2% cổ phần của Standard, 546.000 cổ phiếu, trị giá 35 triệu đô-la. Mỗi công ty đều nhất trí đứng ngoài các lĩnh vực hoạt động chính của công ty kia. Một giám đốc của Standard nói: "I.G. Farben sẽ không tham gia vào hoạt động kinh doanh dầu, còn chúng tôi sẽ không tham gia vào hoạt động kinh doanh hóa chất".
Bước đi tiếp theo là năm 1930, một công ty liên doanh đã được thành lập nhằm chia sẻ những bước phát triển trong lĩnh vực "hóa dầu". Nhìn chung, Standard đã tiếp nhận một khối lượng kiến thức khổng lồ. Năm 1931, ngành khoa học tự nhiên của Đức, cụ thể là quy trình hydro hóa đạt đến đỉnh cao nhất: Bergius, người phát minh ra kỹ thuật hydro hóa và Carl Bosch, Chủ tịch I. G. Farben, cùng nhận giải Nobel hóa học. Tuy nhiên, trong khi dự án tại Leuna khi đó sản xuất ở mức 2.000 thùng dầu mỗi ngày, thì công ty này cũng đang lún sâu vào tình trạng nợ nần. Quá trình phát triển dường như khó khăn hơn và tốn kém hơn nhiều so với dự đoán. Đồng thời, tình trạng thặng dư dầu, với những phát hiện mới ở Đông Texas trở thành cuộc khủng hoảng thừa dầu trên toàn cầu. Thêm vào đó, sự sụt giảm giá dầu trên thế giới khiến nỗ lực sản xuất dầu tổng hợp rõ ràng không mang lại hiệu quả kinh tế, và I. G. Farben lo ngại dự án sẽ không thu được lợi nhuận.
Một số giám đốc của I. G. Farben nói rằng toàn bộ dự án sẽ bị hủy bỏ. Lý do duy nhất để tiếp tục duy trì nó là chi phí đóng cửa còn lớn hơn chi phí duy trì hoạt động. Hy vọng duy nhất để tiếp tục thực hiện dự án sản xuất nhiên liệu tổng hợp giữa cuộc Đại suy thoái là sự ủng hộ hay sự trợ giúp của nhà nước. Chế độ Đức quốc xã mới bảo đảm về giá cả và thị trường cho I. G. Farben, miễn là công ty này cam kết tăng đáng kể sản lượng nhiên liệu tổng hợp. Điều đó vẫn chưa đủ, vì quy trình hydro hóa vẫn là một công nghệ non nớt, cần phát triển hơn nữa và cần có thêm sự bảo trợ chính trị trong thời kỳ Đệ tam Quốc xã. I. G. Farben giành được sự ủng hộ của Không lực bằng cách chứng tỏ rằng nó có thể tăng sản lượng xăng chất lượng cao cho máy bay. Quân đội Đức cũng vận động ủng hộ một cam kết mở rộng đối với ngành nhiên liệu tổng hợp trong nước, lập luận rằng nguồn cung hiện tại của Đức không đáp ứng được những yêu cầu đối với một cuộc chiến tranh đang được lên kế hoạch.
Nhạo báng chiến tranh
Hai bước phát triển xa hơn chứng tỏ với Hitler và những tay chân thân tín về những nguy hiểm của việc phụ thuộc vào dầu của nước ngoài và yêu cầu đồng thời đối với việc tăng cung dầu ở Đức. Tháng 10 năm 1935, Italia xâm lược Ethiopia ở Đông Phi, khi đó mang tên Abyssinia, nơi có chung biên giới bất ổn định và thiếu sự phân định rõ ràng với các thuộc địa liền kề của Italia. Benito Mussolini, nhà độc tài Italia, đã mơ về việc sáng lập một đế chế vĩ đại có lợi cho những kỳ vọng của đế chế Roma và bắt đầu bằng cuộc tấn công vào Ethiopia. Ngay lập tức, Hội quốc liên lên án hành động xâm lược, đặt ra một số lệnh cấm vận kinh tế và xem xét việc áp đặt một lệnh cấm xuất khẩu dầu lên Italia.
Chính quyền Roosevelt đưa ra những dấu hiệu cho thấy, nước Mỹ mặc dù không phải là thành viên của Hội quốc liên song có thể tìm cách hợp tác với một lệnh cấm vận như vậy. Mussolini biết rõ rằng việc ngăn chặn cung dầu sẽ làm tê liệt hệ thống quân sự của Italia. Trong khi quân đội của ông đang tấn công, ném gas độc chống lại những người Ethiopia không may mắn, ông đã phải viện đến mọi hình thức bịp bợm và khoác lác để hăm dọa Hội quốc liên. Ông nói, các lệnh cấm vận có thể được coi là một hành động chiến tranh. Người đầu tiên đề xướng các lệnh cấm vận dầu mỏ là Bộ trưởng Anh, Anthony Eden, đã đẩy lui mối đe dọa. Ông nói, Mussolini sẽ không dám mạo hiểm với một "hành động điên cuồng" và "tôi không bao giờ cho rằng một kẻ như vậy lại muốn tự sát". Nhưng Mussolini đã tìm được một đồng minh, đó là Thủ tướng Pháp, Pierre Laval cáo già, người khéo léo hủy bỏ các lệnh cấm vận khi nó gần đi đến thành công. Mùa xuân năm 1936, các lực lượng của Mussolini xâm chiếm Ethiopia.
Vua Italia ban thêm cho ông tước hiệu "Hoàng đế xứ Ethiopia", và tất cả các lệnh cấm vận bị hủy bỏ. Lệnh cấm dầu không bao giờ được áp dụng. Chính Mussolini kể với Hitler: "Nếu Hội quốc liên nghe theo lời khuyên của Eden về vụ Abyssinia và đưa thêm lệnh cấm vận dầu mỏ, thì tôi sẽ phải rút lui khỏi Abyssinia chỉ trong vòng một tuần. Đó sẽ là một thảm họa không lường trước được đối với tôi!". Hitler đã hiểu sâu sắc bài học về sự phụ thuộc. Bài học thứ hai liên quan đến vấn đề trong nước. Chế độ Đức Quốc xã cam kết giành lại thị trường nội địa ở Đức từ Standard Oil, Shell và các công ty nước ngoài khác.
Mussolini |
Nhưng thậm chí tệ hơn, những người Bolshevik đáng ghét sở hữu một loạt trạm xăng, nơi bán các sản phẩm dầu mà họ cung cấp cho Đức. Chính phủ Đức Quốc xã đã buộc những người buôn bán xăng ở Đức giành lại hệ thống cửa hàng này của Liên Xô. Mặc dù không lấy gì làm vui vẻ, song Liên Xô vẫn tiếp tục cung một lượng dầu trước đây được bán thông qua hệ thống phân phối của mình. Nguyên nhân được đưa ra là "những khó khăn đối với các khoản thanh toán của nước ngoài".
Các hoạt động phân phối đã không phục hồi. Và đó cũng là sự cảnh báo đối với Hitler về những nguy cơ của việc phụ thuộc. Chính vào thời gian này, giữa tháng 2 năm 1936, khi Hội quốc liên vẫn đang thảo luận về những lệnh cấm vận dầu mỏ, thì cuộc trình diễn môtô hàng năm của Đức do Hitler tổ chức đã diễn ra tại Berlin. Tạp chí New York Times nhận xét, Hitler là người "mà người ta tin rằng ông đã đi một quãng đường dài trên môtô, dài hơn bất cứ nguyên thủ quốc gia nào khác". Hitler có cơ hội tuyên bố rằng, Đức "đã giải quyết vấn đề sản xuất xăng tổng hợp có hiệu quả". Ông tuyên bố hùng hồn, thành tựu này "có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị". Hitler suy nghĩ rất nhiều về vấn đề nguồn cung dầu của nước ngoài và các lệnh cấm vận.
Một tháng sau, tháng 3 năm 1936, Hitler táo bạo tái vũ trang vùng Rhineland ở vùng biên giới với Pháp, vi phạm những thỏa thuận của hiệp ước. Đó là lần đầu tiên ông sử dụng "cơ bắp" trên mặt trận quốc tế, thực hiện những điều sau này là những nguy cơ rủi ro lớn nhất của ông, 48 giờ "căng thẳng thần kinh nhất trong cuộc đời tôi". Ông chờ đợi những phản ứng mạnh mẽ, nhưng các cường quốc phương Tây không có bất cứ hành động nào. Canh bạc đã thành công. Mô hình sẽ được lặp lại.
Cuối năm 1936, Hitler có những bước đi nhạo báng nước Đức khi đặt mục tiêu chuẩn bị cho chiến tranh sẽ diễn ra năm 1940. Ông bắt đầu thực hiện Kế hoạch 4 năm nhằm giảm sự phụ thuộc vào dầu nước ngoài thông qua công nghệ mới và ngành hóa học. "Việc sản xuất nhiên liệu của Đức bây giờ phải được triển khai với tốc độ nhanh nhất", ông nói khi xây dựng kế hoạch. "Công việc này phải được kiểm soát và thực hiện với quyết tâm giống như khi tiến hành một cuộc chiến tranh". Hitler nói thêm: "Chi phí sản xuất các nguyên liệu thô này chẳng có gì quan trọng". Ngành nhiên liệu tổng hợp, đóng vai trò trọng tâm trong toàn bộ kế hoạch, đã tăng tưởng tới gần sáu lần. Chương trình này nhận được sự ủng hộ về tài chính, và cần một khối lượng lớn thép và nhân công để xây dựng các cơ sở vật chất còn bề bộn của ngành dầu.
Mỗi nhà máy là cơ sở lớn đảm nhiệm công việc kiến thiết, và phải phụ thuộc vào các công ty công nghiệp lớn có quan hệ tốt với nhà nước Đức Quốc xã. I. G. Farben dẫn đầu ngành, gắn liền với hệ tư tưởng Đức quốc xã. Năm 1937-1938, công ty này không còn là một công ty độc lập mà trở thành một cánh tay của nhà nước Đức. Tất cả các giám đốc người Do Thái bị sa thải. Carl Bosch, Chủ tịch Ban quản lý chống đảng Quốc xã là người có quan hệ với Standard Oil, bị gạt sang một bên, và hầu hết các thành viên khác trong ban quản lý của công ty không thuộc đảng Quốc xã Đức đều lần lượt thất bại trong nỗ lực chạy đua giành quyền lực.
Mặc dù những hứa hẹn đầy tham vọng trong Kế hoạch Bốn năm dường như quá phô trương, song Đức đã phát triển một ngành sản xuất nhiên liệu tổng hợp có ý nghĩa rất quan trọng.
Ngày 1 tháng 9 năm 1939, khi Đức xâm lược Ba Lan, bắt đầu cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai ở châu Âu, 14 nhà máy hydro hóa đã đi vào hoạt động và hơn 6 nhà máy đang trong quá trình xây dựng. Năm 1940, sản lượng nhiên liệu tổng hợp tăng mạnh, đạt 72.000 thùng dầu mỗi ngày, chiếm 46% tổng cung dầu. Nhưng nhiên liệu tổng hợp thậm chí còn quan trọng hơn khi được xem xét dưới góc độ những nhu cầu quân sự.
Quy trình hydro hóa, phản ứng Bergius đã tạo ra 95% sản lượng xăng cho máy bay của Đức. Nếu không có các nhiên liệu tổng hợp này, Không quân Đức không thể bước vào không gian. Bất chấp lợi thế của máy móc quân sự và cung nhiên liệu tổng hợp sẵn có để sử dụng ngày càng tăng, Hitler vẫn luôn nghĩ đến dầu. Thực vậy, mối quan tâm đó đã giúp hình thành phương pháp tiếp cận chiến lược cơ bản của Hitler đối với chiến tranh, dựa trên cơ sở "chiến tranh chớp nhoáng". Hitler tiến hành những cuộc chiến dữ dội nhưng ngắn ngày, tập trung các lực lượng được cơ giới hóa nhằm đi đến chiến thắng quyết định trước khi phát sinh những khó khăn về nguồn cung dầu.
Ban đầu, chiến lược này mang lại hiệu quả cao bất ngờ, không chỉ năm 1939 ở Ba Lan mà mùa xuân năm 1940, các lực lượng của Hitler có thể dễ dàng tràn vào Na Uy, Hà Lan và Pháp. Chiến dịch ở phía tây thật sự cải thiện vị thế về dầu của Đức, vì quân Đức chiếm được lượng dầu vượt xa khối lượng nhiên liệu sử dụng trong những cuộc chiến tranh xâm lược. Thậm chí mặc dù nỗ lực tiếp theo của Hitler nhằm chinh phục quần đảo Anh thông qua ném bom hàng loạt trên không thất bại vào mùa thu năm 1940, song Đức dường như đang ngấp nghé địa vị thống trị châu Âu. Đức cũng bị nhiễm suy nghĩ rằng chiến thắng không mấy tốn kém. Vì vậy, khi Hitler chuyển mục tiêu về phía đông, ông ta mường tượng đến một thắng lợi dễ dàng khác. Mục tiêu là Liên Xô.
Chiến dịch nước Nga: "Các viên tướng của tôi không biết gì về khía cạnh kinh tế của cuộc chiến tranh"
Nhiều yếu tố dẫn đến việc Đức quyết định gây chiến với Xô Viết: lòng căm thù sâu sắc những người Bolshevik (theo Hitler, diệt trừ tận gốc những người này là sứ mệnh của cuộc đời ông ta); sự thù oán cá nhân giữa Hitler và Stalin; tham vọng thống trị hoàn toàn nước Nga rộng lớn của Hitler; sự hãnh diện của Hitler... Xa hơn, Hitler còn có ý định dòm ngó Trung Đông, nơi ông ta cho là thiên đường sống cho đế chế Đức nghìn năm, một đế quốc Đức mới.
Mặt khác, cho dù Stalin rất nghiêm túc thực hiện hiệp ước Đức phát xít − Xô Viết tháng 8 năm 1939 và cố gắng tránh khiêu khích Đức thì Hitler vẫn ngờ rằng có một âm mưu giữa Anh và Liên Xô. Điều gì có thể giải thích cho việc Anh từ chối đầu hàng vô điều kiện năm 1940 khi mà dường như đã rõ ràng nước Anh đã thất bại? Trong nhiều lý do, có một lý do là "dầu mỏ". Ngay từ khi mới bắt đầu chiến tranh, mỏ dầu Baku và các mỏ khác ở vùng Caucasus luôn là mục tiêu chính của Hitler trong cuộc chiến với nước Nga.
Một nhà sử học đã nhận xét: "Về khía cạnh kinh tế thì mục tiêu của Hitler là dầu. Đối với Hitler, dầu là thứ vật chất thiết yếu cho thời đại công nghiệp và là sức mạnh kinh tế. Nếu dầu ở Caucasus và cùng với "đất đen", đất đai của Ukraine rơi vào tay của đế quốc Đức thì Hitler sẽ có các nguồn lực giúp đế quốc Đức có sức mạnh vô địch bất khả bại. Cũng với quan điểm này, động cơ của nước Nhật là chiếm các nguồn tài nguyên ở Đông Ấn và Đông Nam Á, cùng với tham vọng dựa vào các nguồn tài nguyên này làm cho nước Nhật bất khả chiến bại. Bộ trưởng Khí tài và Vũ trang của Đức là Albert Speer tháng 5 năm 1945 đã nói: "Nhu cầu dầu lửa chắc chắn là động cơ chính trong quyết định xâm lược Nga".
Hitler cũng nhìn thấy nước Nga như một mối đe dọa thường trực đối với các mỏ dầu Ploesti của Rumani, nguồn tài nguyên lớn nhất ở châu Âu để sản xuất dầu mỏ sau Nga. Nguồn tài nguyên này chính là động cơ chủ yếu của Đức trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Bây giờ, Rumani là đồng minh của Đức và Đức phụ thuộc chặt chẽ vào Ploesti, nơi cung cấp đến 58% tổng sản lượng dầu nhập khẩu vào Đức năm 1940. Các chuyến tàu chở dầu từ Liên Xô được ký theo Hiệp ước Xô - Đức năm 1939 chiếm 1/3 lượng dầu nhập khẩu, khiến một lãnh tụ đảng Quốc xã từng nói đó là một trụ cột đáng kể cho nền kinh tế Đức trong chiến tranh.
Tháng 6 năm 1940, Hồng quân Liên Xô đã sử dụng các điều khoản trong Hiệp ước Xô - Đức biện hộ cho việc tiến quân chiếm đóng một khu vực quan trọng vùng Tây Bắc Rumani và đã đến rất gần mỏ dầu ở Ploesti của quân Đức. Hitler nói với Mussolini: "Sự sống còn của phe Trục phụ thuộc vào các mỏ dầu này". Cuộc tấn công vào nước Nga sẽ bảo đảm cho sự an toàn của Ploesti. Tất nhiên, cuộc xâm lược Nga còn giúp Đức giành được những quyền lợi hiển nhiên khác như: các nguồn dầu mỏ của Causasus-Maikop, Grozny và cả Baku.
Để tìm kiếm sự ủng hộ kế hoạch của mình, Hitler dự tính riêng rằng số binh lính Đức bị thiệt hại trong cuộc chiến tranh xâm lược này sẽ không lớn hơn con số công nhân làm việc trong ngành công nghiệp nhiên liệu nhân tạo. Vì vậy, theo ông ta chẳng có lý do gì để không tiến hành chiến tranh. Tháng 12 năm 1940, Hitler ban hành chỉ thị số 21 − Chiến dịch Barbarossa, ra lệnh chuẩn bị bắt đầu một cuộc xâm lược Liên Xô.
Quân Đức không hề thể hiện một dấu hiệu nào trước công chúng về sự bất mãn hay không hài lòng của họ với những người bạn Nga. Thực vậy, cho đến trước khi bắt đầu xâm lược Liên Xô, Đức Phát xít còn thực hiện các thủ đoạn tinh vi cũng như đưa ra các thông tin không chính xác nhằm qua mắt Stalin rằng nước Đức dường như không có ý định tấn công Nga. Lời cảnh báo về cuộc tấn công sắp diễn ra của Đức đến từ nhiều nguồn khác nhau: người Mỹ, người Anh, chính phủ các nước và các điệp viên của Stalin. Nhưng Stalin không tin vào những lời cảnh báo này. Vài giờ trước khi cuộc tấn công của quân Đức nổ ra, một đảng viên cộng sản Đức đào ngũ từ một đơn vị quân đội Đức tiết lộ thông tin với những người Nga về những gì sắp xảy ra.
Nhưng Stalin nghi ngờ người này và ra lệnh xử bắn. Sáng sớm ngày 22 tháng 6 năm 1941, các tàu vận chuyển hàng hóa của Nga vẫn còn đang chạy trên đường ray xe lửa dọc biên giới Nga vận chuyển dầu và các nguyên liệu thô sang Đức. Sau 3 giờ sáng, 3 triệu quân Đức với 600.000 môtô và 625.000 ngựa tấn công trên một mặt trận rộng lớn. Quân Đức tấn công ồ ạt, gần như hoàn toàn kiểm soát Liên Xô và khiến Stalin lo sợ về khả năng thất bại. Quân Đức dự tính, cũng giống như các cuộc tấn công Ba Lan, Bỉ và Hà Lan, Pháp, Nam Tư và gần nhất là Hy Lạp, cuộc chiến tranh này cũng sẽ kết thúc nhanh chóng.
Stalin |
Quân Đức cho rằng chiến tranh chỉ kéo dài 6 đến 8 tuần và lâu nhất là 10 tuần. Hitler huyênh hoang nói về chiến dịch xâm chiếm Nga: "Chúng ta sẽ đạp cửa xông vào và ngôi nhà sẽ sụp đổ". Dường như điều này có vẻ đúng trong những tuần đầu của cuộc chiến. Ban đầu, quân Đức thậm chí còn hành quân còn nhanh hơn dự tính, đẩy lùi quân đội Xô Viết chưa được tổ chức. Tuy nhiên, sau đó có những dấu hiệu cho thấy quân Đức phải kéo dài cuộc chiến này. Đức đã tính toán sai nghiêm trọng về quy mô nhu cầu của cuộc chiến, gồm cả nhu cầu nhiên liệu. Địa hình phức tạp của nước Nga đã làm tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn dự tính, đôi khi còn nhiều hơn gấp đôi.
Những động cơ lớn bị mắc kẹt ở các con đường gồ ghề và không thể di chuyển được, phải thay thế bằng xe ngựa kéo của Nga. Tuy nhiên, những cảnh báo về việc thiếu nhiên liệu đã bị phớt lờ trước những chiến thắng ban đầu quá dễ dàng. Tháng 8, các tướng Đức đề nghị Hitler về việc coi Matxcơva là mục tiêu chính và lâu dài của cuộc chiến. Hitler bác bỏ: "Mục tiêu quan trọng nhất phải đạt được trước khi mùa đông đến không phải là chiếm được Matxcơva" mà như trong chỉ thị ngày 21 tháng 8, ông ta nêu là chiếm được bán đảo Crimea và khu vực mỏ than và công nghiệp ở Donets, và cắt đứt nguồn cung dầu Nga từ Caucasus. Quân đội Đức phải chiếm được Baku.
Đối với Crimea, Hitler dự đoán: "Quân đội Xô Viết sẽ không kích các mỏ dầu của Rumani". Để phản đối các ý kiến của các tổng tư lệnh, Hitler trả lời bằng một câu nói mà sau này trở thành câu châm ngôn yêu thích của ông ta: "Các viên tướng của tôi không biết gì về khía cạnh kinh tế của cuộc chiến tranh". Say sưa với cuộc xâm lược, Hitler thật sự mơ thấy một xa lộ rộng lớn ông ta xây từ Trondheim, ở Na Uy, đến Crimea, nơi sau này sẽ thuộc nước Đức. Ông ta còn phát biểu: "Volga sẽ là dòng sông Mississippi của chúng ta". Nhưng sau đó, Hitler đã thay đổi ý định, đưa Matxcơva lên làm mục tiêu hàng đầu.
Tuy nhiên, thời cơ quan trọng nhất đã qua. Hậu quả là, tuy quân Đức chiếm được hoàn toàn vùng ngoại ô Matxcơva và chỉ còn cách điện Kremlin 20 km, song đến cuối mùa thu năm 1941, chúng vẫn không chiếm được Matxcơva. Quân Đức bị sa lầy trong bùn và tuyết trong khi muốn giành chiến thắng nhanh chóng trước khi mùa đông tới. Cuối cùng, chúng phải đối mặt với tình trạng thiếu dầu và các đồ dùng thiết yếu khác. Viên tư lệnh hậu cần nói: "Chúng ta gần như kiệt quệ về người và nhiên liệu". Sau đó, ngày 5 và 6 tháng 12, Tướng Yuri Zhukhov đã phát động cuộc phản công thành công đầu tiên của quân đội Xô Viết, ngăn cản được bước tiến của quân đội Đức và buộc chúng phải sa lầy trong mùa đông.
Không một đội quân Đức nào đến được Caucasus. Dự định ban đầu là cuộc chiến chỉ kéo dài từ 6 đến 8 tuần nay trở thành hàng tháng và lại bị bế tắc trong mùa đông. Quân Đức không lường trước nguy cơ thiếu nhiên liệu. Quân Đức cũng không hề ngờ được sức mạnh của quân dự bị Xô Viết và khả năng chịu đựng gian khổ và hy sinh của những người lính và nhân dân Xô Viết. Số người thiệt mạng và thương vong không thể tính được. Sáu đến tám triệu người lính Xô Viết bị chết hoặc bị bắt trong năm đầu tiên của chiến tranh, nhưng lại có những người lính mới tham gia chiến trận. Hơn nữa, quyết định của Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng và tiến vào Đông Nam Á thay vì tấn công Liên Xô tạo điều kiện cho Stalin chuyển các quân đoàn Siberia sang phía tây đến với mặt trận Đức.
Chiến dịch Blau
Những tháng đầu năm 1942, Berlin lên kế hoạch cho một cuộc tấn công dữ dội khác nhằm vào nước Nga, được gọi là chiến dịch Blau. Các mỏ dầu ở Caucasus vẫn là mục tiêu chính của quân Đức và sau đó là chiếm đến các mỏ dầu ở Iraq, Iran và tiếp đến là Ấn Độ. Các chuyên gia kinh tế của Hitler cho rằng nước Đức không thể tiếp tục chiến tranh nếu không chiếm được dầu của Nga và Hitler hoàn toàn tán thành ý kiến này. Trong thời điểm này, ông ta cũng muốn đánh vào trọng tâm của nền kinh tế nước Nga trong chiến tranh. Nếu thiếu dầu cho quân sự cũng như cho nông nghiệp, nước Nga sẽ không trụ được trong cuộc chiến.
Quân lính Đức trong chiến dịch Fall Blau |
Hitler chắc rằng nước Nga sẽ phải dùng hầu hết lực lượng dự bị cuối cùng của họ để bảo vệ các mỏ dầu, và cuối cùng, chiến thắng sẽ thuộc về ông ta. Rất tự tin, quân Đức tập hợp một lữ đoàn kỹ thuật dầu mỏ gồm 15.000 quân chịu trách nhiệm phục hồi và điều hành ngành công nghiệp dầu của Nga. Mục tiêu duy nhất của quân Đức trên con đường khai thác dầu của Nga là đánh chiếm. Cuối tháng 7 năm 1942, quân Đức dường như đã đạt được mục đích khi chiếm được thành phố Rostov và cắt đứt đường ống dẫn dầu từ Caucasus.
Ngày 9 tháng 8, chúng đến được Maikop, phía tây trung tâm mỏ dầu Caucasus, nhưng đây chỉ là mỏ dầu nhỏ có sản lượng chưa bằng 1/10 sản lượng dầu mỏ ở Baku. Hơn nữa, trước khi rút quân ra khỏi Baku, quân Nga đã phá hủy gần như toàn bộ các mỏ dầu cũng như trang thiết bị, chỉ để sót lại rất ít dụng cụ, máy móc nhỏ nên mãi đến tháng 1 năm 1943, quân Đức không nhận được gì hơn ngoài 70 thùng dầu/ngày. Đến thời điểm này, quân Đức đã ở quá xa đất nước của họ và cách các trung tâm cung cấp nhiên liệu hàng nghìn dặm. Giữa tháng 8, quân Đức đã cắm hình chữ thập ngoặc (biểu tượng của Đảng Quốc xã) trên đỉnh núi Elburs, điểm cao nhất ở Caucasacus và ở châu Âu. Tuy nhiên, cỗ máy chiến tranh của Đức đã phải dừng lại trước khi đạt được các mục tiêu của mình.
Xe tăng Đức tấn công Caucasus Mozdok |
Quân Đức bị chặn lại bởi sự kháng cự của quân Liên Xô khi vượt qua núi, và do thiếu nhiên liệu. Để đánh bại Nga, quân Đức cần rất nhiều dầu, nhưng lại đang ở quá xa nơi cung cấp và không còn lợi thế trong việc hành quân nhanh chóng và bất ngờ. Điều trớ trêu của chiến dịch Blau là quân Đức đang ở trong tình trạng thiếu nhiên liệu mà mục tiêu của chiến dịch này lại là nhiên liệu. Quân Đức đã chiếm giữ được các nguồn cung cấp dầu của Nga như đã chiếm các mỏ dầu của Pháp. Tuy nhiên, thời điểm đó, các xe tăng Nga dùng diesel và chẳng có ích gì đối với các đơn vị cơ giới của Đức vì chúng được chạy bằng xăng. Đôi khi, các đơn vị này phải nằm yên suốt nhiều ngày ở Caucasus trong khi chờ nguồn nhiên liệu mới. Các xe tải chở dầu không đủ đáp ứng nhu cầu vì chở được quá ít. Cuối cùng, trong tuyệt vọng, quân Đức vận chuyển dầu trên cả lưng những con lừa. Đến tháng 11 năm 1942, nỗ lực cuối cùng của quân Đức vượt núi để đến Grozny và Baku thất bại hoàn toàn.
Khu vực rộng lớn nhất nằm dưới quyền kiểm soát của phe Trục, cuối 1942 |
Thành phố Stalingrad, phía tây bắc Caucasus là điểm trung gian của chiến dịch chính, và là mục tiêu thứ hai của quân Đức. Nhưng từ khi mới bắt đầu, tên của thành phố đã trở thành biểu tượng cho cả hai phía, nơi chứng kiến các trận đánh dữ dội và quyết định mùa đông 1942-1943. Quân đội Đức dần suy yếu vì thiếu thốn mà đặc biệt là thiếu nhiên liệu. Tướng Heinz Guderian, viên tư lệnh thiết giáp huyền thoại đã viết thư cho vợ từ mặt trận Stalingrad: "Lạnh buốt, thiếu chỗ ở, thiếu quần áo, tổn thất lớn về con người và vật chất, khó khăn trong việc cung cấp nhiên liệu, tất cả những điều này khiến nhiệm vụ của một tư lệnh quả là tai họa".
Khai thác dầu ở Baku năm 1929 |
Sau hơn 18 tháng nỗ lực phi thường cùng với tổn thất vô cùng lớn về con người và vật chất, cuộc chiến tranh đã có những bước ngoặt mới, và đội quân Đức cuối cùng đã bị đánh bại. Trong một cuộc điện thoại lúc nửa đêm, Nguyên soái Erich von Manstein đã cầu xin Hitler ra lệnh chuyển quân Đức ở Caucasus đến giải vây cho Đạo quân số 6 đang bị bao vây ở Stalingrad. Hitler từ chối: "Vấn đề là chiếm Baku. Trừ phi chiếm được Baku, nếu không, chúng ta sẽ thua". Sau đó, Hitler rao giảng về tầm quan trọng của dầu trong cuộc chiến. Ông ta lặp đi lặp lại bài diễn thuyết này. Hitler khẳng định quan điểm của mình: "Chừng nào mà tôi không lấy được dầu cung cấp cho các chiến dịch của anh thì anh chẳng thể làm được gì". Manstein cố gắng đề cập vấn đề chiến lược cấp thiết − sự sống còn của Đạo quân số 6, nhưng Hitler không muốn nghe. Thay vào đó, ông ta mải nói đến tình hình quân đội Đức ở Trung Đông, còn Manstein chẳng nói được gì. Mặc dù Hitler vẫn rất hiếu chiến, song lệnh rút quân vẫn được ban hành tháng 1 năm 1943 để rút quân Đức ra khỏi Caucasus. Nhưng đã quá muộn để cứu Đạo quân số 6 ở Stalingrad đang bị quân đội Xô Viết bao vây và dù liều lĩnh đến đâu cũng không thể thoát ra được. Đạo quân này chỉ còn đủ nhiên liệu để di chuyển được 20 dặm, trong khi đó để chạy thoát phải vượt qua một chặng đường dài 30 dặm. Điều này không thể thực hiện được.
Vì vậy, cuối tháng 1 và đầu tháng 2 năm 1943, quân Đức bị bao vây ở Stalingrad chán nản, bất lực, đói và rét, đã đầu hàng. Stalingrad là trận thất bại đầu tiên của quân Đức tại châu Âu, đẩy Hitler vào tình thế không thể kiểm soát. Những người lính Đức được lệnh là thà chết chứ không được đầu hàng. Thời kỳ hoàng kim của chiến thuật "chiến tranh chớp nhoáng" đã qua. Thay vì tấn công chớp nhoáng, khó khăn về nhân sự và kinh tế đã nảy sinh, trong đó có vấn đề nhiên liệu. Trên mặt trận phía tây, chỉ với lực lượng quân dự bị, nước Nga đã cầm cự rồi sau đó từ từ đẩy lùi quân Đức ra khỏi biên giới nước mình và tiến đến mục tiêu cuối cùng, đó là Thủ đô Berlin.
Rommel và sự trả thù của sĩ quan hậu cần
Cuối năm 1942, đầu 1943, không chỉ ở Stalingrad mà ở nhiều nơi khác, tình hình trở nên bất lợi cho Hitler. Một cuộc nổi dậy nhằm vào quân Đức tại khu vực Bắc Phi, gần biên giới giữa Lybia và Ai Cập đã nổ ra. Theo tướng Erwin Rommel, Bắc Phi là một sân khấu của Chiến tranh thế giới thứ hai, nơi các trận chiến diễn ra hầu như theo "nguyên tắc cơ động hoàn toàn". Sự cơ động được đội quân thiết giáp Đức thực hiện ở Bắc Phi và yếu tố quan trọng nhất của nó, Afrika Korps đều là sự sáng tạo của Rommel.
Là một viên tướng thông minh, sáng tạo trong các trận đánh tăng và các chiến dịch cơ động, Rommel còn là một bậc thầy về chiến lược và chiến thuật. Rommel đã tạo được danh tiếng của mình như một nhà cầm quân bất bại trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Bị ấn tượng bởi cuốn sách ông ta viết về chiến thuật cơ giới nên năm 1938, Hitler bổ nhiệm Rommel làm chỉ huy đội cận vệ của quốc trưởng, mặc dù ông không phải đảng viên Quốc xã. Năm 1940, Rommel chỉ huy một quân đoàn tăng thiết giáp hành quân với tốc độ kinh ngạc tiến vào nước Pháp. Cuộc tấn công này đối với Rommel dễ dàng như một trò chơi chứ không phải một cuộc chiến. Rommel viết cho vợ: "Anh không tưởng tưởng được chiến tranh ở phía tây sẽ như thế này".
Về chiến dịch này, Rommel còn nói thêm: "Dường như chúng ta đi du lịch qua nước Pháp". Tháng 1 năm 1941, Rommel được điều đến Bắc Phi để phối hợp và hỗ trợ quân Italia đang sắp bị quân Anh đánh bại. Chiến tranh cũng là một dịp để Rommel được đến Bắc Phi. Chiến trường chỉ rộng 70 km nhưng trải dài hàng nghìn dặm từ Tripoli ở Lybia đến El Alamein ở Ai Cập. Vì vậy, cho dù quân Đức hành quân nhanh chóng nhưng không thể có một chiến thắng chớp nhoáng trong trận chiến này được. Rommel cam kết sẽ tiến hành một cuộc vận động chiến mạnh mẽ, táo bạo.
Erwin Rommel |
Ông ta chỉ trích kịch liệt viên tướng đã bỏ lỡ cơ hội chiến thắng vì không nghiêm khắc với các sĩ quan hậu cần. Rommel viết: "Các sĩ quan hậu cần có thói quen than phiền về bất kỳ khó khăn nào thay vì cố gắng làm tốt nhiệm vụ, sử dụng năng lực cũng như sức mạnh của mình để thích nghi và đối phó với các khó khăn thường xảy ra trong chiến tranh. Sau khi giành được chiến thắng, tiêu diệt kẻ thù thì việc tiếp theo là phải vứt bỏ ngay những lời cố vấn của các sĩ quan hậu cần, vì lịch sử đã chứng minh các quyết định của họ là sai lầm và bỏ lỡ rất nhiều cơ hội quý giá". Đầu tiên, Rommel giành được những thắng lợi nhanh chóng ở Bắc Phi trước quân đội Anh.
Thời điểm đó, 85% phương tiện vận chuyển của quân Đức là thu được từ quân Anh và quân Mỹ. Rommel là người rất khôn ngoan chứ không chỉ giỏi về chiến thuật. Thời gian đầu chiến tranh, Rommel ra lệnh sản xuất một số xe tăng giả tại các nhà máy ở Tripoli, sau đó được đặt trên các chiếc xe Volkswagens đánh lừa quân Anh rằng quân đoàn của Rommel lớn nhiều so với thực tế. Nhưng có một điều Rommel không thể tính đến. Chiến tranh thay đổi phụ thuộc hoàn toàn vào các nguồn cung cấp nhiên liệu − các nguồn cung cấp này phải gắn chặt với chiến thuật đánh nhanh lại được vận chuyển trên các con đường rất dài. Và dầu trở thành một khó khăn dai dẳng nhất của Rommel và đôi khi, như chính ông ta nói, đó là khó khăn lớn nhất.
Đầu tháng 6 năm 1941, Rommel viết: "Thật không may, các kho chứa nhiên liệu của chúng tôi bị hư hỏng nặng nề, và điều này dẫn đến mối lo về những cuộc tấn công sắp tới của quân Anh. Do vậy, trong hiểu biết của tôi thì trận chiến của chúng ta phần lớn được quyết định bởi dầu chứ không phải chiến thuật hay chiến lược gì". Tuy nhiên, quân đội của Rommel đã thành công trong việc cung cấp nhiên liệu. Cuối năm 1941, đầu năm 1942, Rommel cho mở lại các cuộc tấn công và cuối tháng 5 năm 1942 giành được những thắng lợi quyết định trước quân Anh.
Tình hình dường như rất thuận lợi đối với quân Đức. Quân Anh bị đẩy lùi, và chỉ trong một tuần, đội quân của Rommel tiến được 300 dặm. Lẽ ra chỉ nên dừng lại ở biên giới giữa Libya và Ai Cập như kế hoạch và dựa vào các tính toán về lượng nhiên liệu đang có cũng như lời khuyên của các sĩ quan hậu cần, Rommel lại tiến sâu qua biên giới, cho đến khi lợi thế của ông ta bị mất đi. Rommel chỉ còn cách Alexandria chưa đầy 60 dặm, và cũng không còn quá xa Cairo và kênh đào Suez. Phe Trục tưởng như một chiến thắng vang dội đã nằm trong tầm tay.
Mussolini bay đến Bắc Phi và thậm chí còn dự tính ăn mừng chiến thắng ở Cairo. Nhưng mục tiêu của Rommel còn xa hơn. Cairo chỉ là một điểm dừng chân trong chiến dịch của Rommel qua Palestine, Iraq, và Iran để đến mục tiêu cuối cùng là Baku và các mỏ dầu ở đây. Chiến lợi phẩm của quân Đức ở những nơi đó cùng với quân đội Đức đang chiến đấu ở Caucasus theo dự đoán của Rommel có thể tạo nên những điều kiện chiến lược để nhanh chóng đánh bại quân Nga. Rommel viết thư cho Mussolini: "Số phận đã cho chúng ta một thời cơ có một không hai trong cuộc chiến tranh này".
Cả Rommel và Hitler đều đã nói về chiến thắng quá sớm. Trong khi quân Xô Viết đang cầm cự ở Caucasus, quân Đồng minh giành được một số chiến thắng, bất chấp những cuộc tấn công dữ dội của quân Đức, trong việc giành lại đảo Malta giữa Địa Trung Hải, ngoài khơi bờ biển Lybia, và đây chính là cơ sở cho việc tấn công các tàu cung cấp nhu yếu phẩm chiến tranh cho quân của Rommel. Hơn nữa, quân Đồng minh còn được lợi thế nhờ giải được mật mã của quân Đức và Italia. Thậm chí, ngay các phi cơ chiến tranh của Luftwaffe cũng bắt đầu thiếu nhiên liệu. Các tàu chở hàng của Italia cũng không thể đến được Bắc Phi. Và thành công của Rommel không thể bảo vệ được trước khoảng cách mà tập đoàn quân Bắc Phi của ông ta đã vượt qua.
Con đường vận chuyển của Rommel rất dài, các xe tải vận chuyển nhiên liệu từ Tripoli sử dụng xăng để đến mặt trận, sau đó quay về để vận chuyển nhiên liệu. Khoảng cách quá xa, lại phải di chuyển liên tục ngày này qua ngày khác, Rommel khiến các sĩ quan hậu cần căm phẫn và cũng đẩy đội quân thiết giáp của mình rơi vào một nguy cơ mới. Tuy nhiên, ông ta vẫn hoàn toàn tin tưởng vào chiến thắng.
Vì vậy, ngày 28 tháng 6 năm 1942, Rommel viết thư cho vợ lên kế hoạch đi nghỉ ở Italia tháng 7: "Lấy hộ chiếu". Tuy nhiên, tình hình Cairo vẫn rất hỗn loạn. Người Anh đốt hết các tài liệu của họ, quân Đồng minh vội vã di tản chen chúc trên các chuyến tàu chở súc vật. Các nhà buôn ở Cairo vội vã thay các bức ảnh của Churchill và Roosevelt trong các cửa hiệu của mình bằng ảnh của Hitler và Mussolini. Tuy nhiên, quân Anh không dễ dàng đầu hàng quân Đức. Cuối tháng 6 và tháng 7 năm 1942, Rommel lại chỉ còn quá ít nhiên liệu để hành quân. Cả hai bên đều kiệt sức sau các cuộc giao tranh, và rơi vào thế bế tắc, dẫn tới trận đánh được gọi là trận El Alamein thứ nhất. Vì vậy, cả hai phía đều phải chờ đợi ở sa mạc.
Giữa tháng 8, Rommel giành được thắng lợi mới trước đối phương là Bernard Montgomery, một viên tướng Anh, một người vô cùng kiên nhẫn. Từ khi còn trẻ, Bernard Montgomery đã học được một bài học, đó là phải dựa vào chính mình chứ không thể trông chờ người khác. Ông viết: "Tất cả những gì tôi có đều bị bom đạn của kẻ thù hủy diệt ở Portsmouth tháng 1 năm 1941". Sau đó, ông viết về việc mình đột ngột được nhận nhiệm vụ chỉ huy Binh đoàn số 8 của Anh tại Ai Cập: "Bây giờ tôi có cơ hội trả mối thù riêng của mình đối với quân Đức".
Là người khá lạ lùng nhưng Montgomery lại là một nhà chiến lược quân sự có tài tổ chức, óc sáng tạo và tư duy hệ thống. Ông thường dành nhiều thời gian tự nghiên cứu "tĩnh dưỡng tinh thần" như cách gọi của ông − suy nghĩ về các vấn đề, tìm ra các nguyên tắc then chốt, đưa chúng vào kế hoạch hành động. Ông còn treo một bức ảnh của Rommel trước bàn ăn sáng để nghĩ liệu Rommel sẽ nghĩ như thế nào? Montgomery biết rằng, để đối phó với Rommel, ông phải đối phó với một huyền thoại hiện đại, người từng gieo nỗi sợ hãi cho Binh đoàn số 8. Ông từng có lời tuyên bố mà khi đó nhiều người nghĩ là vượt quá khả năng, đó là thay đổi cục diện vận động chiến và đánh bại Rommel.
Theo lời viên tướng này, "Rommel là người chưa từng nếm mùi thất bại mặc dù vẫn thường phải lo lắng vì dầu". Còn Montgomery bị chỉ trích là quá thận trọng, nhưng sau này một viên tướng Đức nói: "Ông là viên tướng duy nhất trong cuộc đại chiến thế giới giành chiến thắng trong tất cả các trận đánh". Khi Montgomery xem xét trận chiến sắp tới với quân của Rommel, ông tìm ra một chiến lược có thể sử dụng Binh đoàn số 8, hiện tại được trang bị các xe tăng Sherman, nhìn chung là có lợi thế do đường cung cấp nhiên liệu ngắn còn đường cung cấp nhiên liệu của quân Đức lại rất dài và dễ bị tấn công.
Cuối tháng 8 năm 1942, khi việc cung cấp nhiên liệu của Đức được cải thiện đôi chút, Montgomery sẽ chuyển sang phòng ngự? Theo suy tính của Rommel, tiếp theo cần làm hai việc. Ông ta thật sự lo lắng về việc thiếu chất đốt và hậu quả của tình trạng này. Hơn nữa, Rommel lại bị đau dạ dày nặng. Tuy nhiên, Rommel vẫn muốn đến Cairo và tiến xa hơn. Ông ta tin rằng thời gian đang sắp hết, và liệu còn đủ nhiên liệu cho đến khi Binh đoàn châu Phi của ông ta chiến thắng không? Vì vậy, ông ta lệnh tấn công. Trận tấn công này, diễn ra khi vẫn đang bao vây El Alamein, được gọi là trận đánh Alam Halfa.
Trong suốt nhiều tuần, Rommel đã ghi lại tình trạng binh đoàn châu Phi liên tục phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu. Ngày 30 tháng 8 năm 1941, "Vì chúng ta tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn nên các kho dầu của Binh đoàn châu Phi nhanh chóng bị cạn kiệt, tới 16 giờ chúng ta đã phải tạm dừng trận đánh vào đồi 132". Ngày 1 tháng 9, "lượng dầu như Hitler đã hứa vẫn chưa đến châu Phi" Và nó không bao giờ đến nơi. Hầu hết các tàu vận chuyển dầu bị đánh đắm hoặc vẫn đang phải chờ neo đậu ở Italia.
Một đường ray vận chuyển bằng tàu hỏa nhỏ thì bị ngập nước. Do vậy, quân Đức không thể giành được lợi thế quyết định trước quân Anh. Đến tháng 7 năm 1942, trận đánh Alam Halfa chấm dứt. Lần tấn công cuối cùng của quân Đức đã phải dừng lại trong thế bế tắc và huyền thoại về một đội quân bất bại đã bị lung lay. Những tuần sau đó, Rommel xin Hitler cung cấp thêm các trang bị chiến tranh gồm xăng dầu để xe cơ giới có thể di chuyển được 2.000 dặm. Ngày 23 tháng 8, Rommel rời khỏi Bắc Phi để lần đầu tiên gặp Mussolini ở Rome, sau đó gặp Hitler tại tổng hành dinh mặt trận nước Nga. Một lần nữa, Rommel yêu cầu được cung cấp thêm nhiên liệu và ở đây ông ta được phong chức nguyên soái, được chính quốc trưởng gắn sao.
Hitler hào phóng hứa sẽ cung cấp thêm nhiên liệu cho quân của Rommel, lời hứa mà Hitler không thực hiện. Ngày 23 tháng 10, sau nhiều tuần chuẩn bị, Mongomery mở cuộc phản công, gọi là trận đánh El Alamein thứ hai, với hỏa lực pháo binh rất mạnh. Quân Đức bất ngờ. Ngày đầu tiên, Tướng Geogre Stumme, viên tướng thay thế Rommel, đã bị văng ra khỏi xe vì gặp phải bom của quân Anh và chết vì bệnh tim. Hitler gọi điện thoại cho Rommel khi đó đang chữa bệnh ở Áo, ra lệnh cho ông ta ngay lập tức trở lại Bắc Phi.
Tối ngày 25 tháng 10, Rommel trở lại Ai Cập, lần này là để ra lệnh bắt đầu một cuộc rút quân lâu dài. Quân Đức chờ đợi các tàu chở nhiên liệu nhưng các tàu này đã bị Hải quân và Không quân Anh tiêu diệt nặng nề. Khi Rommel biết được tin cả bốn tàu chở dầu cần thiết bị Không quân Anh đánh đắm tại một cảng được cho là an toàn ở Tobruk, ông ta thao thức cả đêm không ngủ. Ông hiểu việc đắm tàu này đồng nghĩa với điều gì. Ông viết: "Khi tấn công vào các tàu chở của chúng ta, quân Anh đã đánh trúng vào nơi mà tất cả đội quân của chúng ta phụ thuộc vào đó". Những tuần sau đó, tất cả những gì quân Đức có thể làm là rút lui. Có những lúc, Rommel tin rằng ông ta có thể phản công và giáng những đòn nặng nề vào quân Anh, nhưng không có đủ nhiên liệu để làm điều đó. Rommel nhắc đi nhắc lại với Hitler rằng tình hình nhiên liệu rất "thê thảm". Một sự kiện làm tình hình của quân Đức thêm tồi tệ là việc quân Đồng minh tấn công Marốc và Angieria – nằm trên đường rút quân của Rommel.
Sự tồn tại của Binh đoàn châu Phi chỉ còn tính từng ngày. Huyền thoại đã thất bại, và tháng 3 năm 1943, Rommel trở thành kẻ thất bại trong mắt Hitler, bị cách chức Tư lệnh Binh đoàn châu Phi. Đến tháng 5, những tên lính Đức và Italia cuối cùng phải đầu hàng ở Bắc Phi. Tuy nhiên, Rommel vẫn được gọi lại để phục vụ đế chế Đức, đầu tiên là ở Italia, sau đó là ở Pháp, nơi Rommel bị thương rất nặng sau vụ đổ bộ lên Normandy của quân Đồng minh khi xe ôtô của ông ta trúng bom. Ba ngày sau, một nhóm sĩ quan cố gắng ám sát Hitler nhưng không thành. Rommel bị nghi ngờ có liên quan đến vụ ám sát và âm mưu đầu hàng quân Đồng minh ở phía tây nên Hitler ra lệnh cho ông ta phải chết.
Nhưng Rommel không được chết công khai vì ông là một vị tướng rất nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn đến tinh thần chiến đấu của quân Đức. Vì vậy, tháng 10 năm 1944, hai người của đội bảo vệ đã mang đến nhà Rommel một tối hậu thư. Rommel phải tự tử và sẽ được xem như một cái chết bình thường, nếu không, các thành viên trong gia đình ông ta sẽ bị nguy hiểm. Rommel cầm chiếc gậy nguyên soái mà Hitler tặng hai năm trước rồi lên xe cùng với hai người của đội bảo vệ. Chiếc xe ôtô đi thẳng vào rừng; khu vực đã bị Gespato bao vây. Người ta đưa thuốc độc cho Rommel. Cái chết của Rommel càng làm tinh thần quân Đức thêm hoảng loạn. Quốc tang được tổ chức, Hitler gửi lời chia buồn: "Trái tim của Rommel thuộc về quốc trưởng". Trong các giấy tờ của Rommel tìm được sau cái chết của ông ta, Rommel đã để lại một bài học đắt giá về vai trò của hậu cần, đặc biệt là xăng dầu trong các giai đoạn hành quân trong chiến tranh. Khi nhìn lại trận chiến El Alamein, ông viết: "Trận chiến này được quyết định bởi lực lượng hậu cần ngay trước khi nó bắt đầu". Đây là điều mà chính ông đã từng xem thường. Tuy nhiên, ông đã nhận được những bài học đắt giá khi hành quân qua những vùng đất ở Bắc Phi. "Người dũng cảm nhất không thể làm gì nếu không có súng, có súng cũng chẳng có ý nghĩa gì nếu không có đạn, có súng hay có đạn chẳng thể làm được gì khi không thể sử dụng được trong chiến tranh và khi không có đủ dầu để hành quân". Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh đến nhân tố quan trọng hơn, đó là nhân tố con người. Chỉ hai tuần sau trận chiến thứ hai ở El Alamein, trong khi quân của ông đang phải lùi bước trước các lực lượng quân Montgomery, Rommel đã viết cho vợ: "Thiếu dầu, chỉ từng ấy cũng đủ làm bất kỳ ai thất bại".
Kết cục thảm hại
Đến giữa năm 1943, phe Trục bị đánh bại trên cả hai mặt trận Liên Xô và Bắc Phi khiến giấc mộng xâm lược Baku và chiếm các mỏ dầu ở Trung Đông hoàn toàn sụp đổ. Lúc này, quân Đức chỉ còn biết hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu của mình. Không còn sự lựa chọn nào khác. Dầu tổng hợp là thứ mà người Đức đang nỗ lực điên cuồng nhằm duy trì bộ máy chiến tranh nhưng đã bị thất bại hoàn toàn. Sau đó, Đảng Quốc xã bắt đầu cải tổ nền kinh tế để tăng sản lượng các loại nhiên liệu tổng hợp và các nguyên vật liệu cần thiết khác chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài.
Người chịu trách nhiệm là Albert Speer, kiến trúc sư riêng của Hitler. Một con người cực kỳ tham vọng nhanh chóng trở thành một trong những thuộc hạ thân tín của Hitler. Ông ta được Hitler chú ý cách đây mươi năm cùng với vô số những kế hoạch đầy tham vọng. Bản thân là một họa sĩ cực đoan, Hitler bị ấn tượng bởi những ý tưởng và con người của Speer nên đã giao cho Speer chịu trách nhiệm tất cả công trình kỷ niệm của đế chế Đức. Hitler cũng giao cho ông ta nhiệm vụ cá nhân, đó là xây dựng văn phòng thủ tướng mới và xây dựng lại Berlin. Năm 1942, ông ta được chỉ định làm Bộ trưởng Khí tài và Vũ trang.
Đầu năm 1943, sự thất bại của quân Đức ở Nga và Bắc Phi đang ngày càng trở nên rõ ràng, nhiệm vụ phụ trách hậu cần cho chiến tranh của Speer càng nặng nề. Ông ta được giao toàn quyền về nền kinh tế Đức, và ông ta kiểm soát, hoặc chí ít là ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế Đức. Viên kiến trúc sư này, người trước đây phụ trách xây dựng và cải tạo các công trình lịch sử kỷ niệm đế chế Đức nghìn năm, có nhiệm vụ giải quyết các vấn đề nghiêm trọng và cấp bách về công nghiệp vận chuyển. Speer chịu trách nhiệm lái con tàu kinh tế Đức.
Chỉ sau hai năm rưỡi sau khi được bổ nhiệm, số lượng vũ khí, đạn dược, máy bay và các phương tiện chiến đấu tăng gấp 3 lần và số lượng xe tăng tăng gần 6 lần. Mặc dù trong thời gian này, quân Đồng minh ném bom ồ ạt vào các mục tiêu của quân Đức như các cơ sở sản xuất hàng không, các đường ray xe lửa và các nhà máy sản xuất vũ khí, đạn dược, nhưng sản xuất công nghiệp Đức vẫn tăng trưởng. Thực tế, sản lượng đã đạt mức cao nhất trong suốt thời kỳ chiến tranh tháng 6 năm 1944. Cuối cùng, quân Đồng minh đã nhận ra mục tiêu quan trọng nhất để ném bom. Sử gia quân sự người Anh, Basil Liddel đã viết: "Dầu là điểm yếu nhất của quân Đức, và rất ít khi bị quân Đồng minh ném trúng".
Nhưng các viên tướng Đức và Speer đều lo lắng. Liệu quân Đồng minh có phá hủy các nhà máy sản xuất dầu tổng hợp như là mục tiêu chính hay không? Nếu quân Đồng minh tập trung phá hủy các mục tiêu này cho dù các ngành công nghiệp khác không bị phá cũng có thể làm sụp đổ toàn bộ nền kinh tế Đức. Ngành nhiên liệu dầu tổng hợp là ngành dẫn đầu xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế Đức trong chiến tranh. Đến năm 1942, ngành công nghiệp này trên tất cả các mặt đều đã đạt những tiến bộ đáng kể. Sản xuất phát triển nhanh chóng. Từ năm 1940 đến 1943, sản lượng dầu tổng hợp tăng gấp đôi từ 72.000 đến 124.000 thùng/ngày. Các nhà máy sản xuất dầu tổng hợp giữ vai trò rất quan trọng trong toàn bộ hệ thống.
Quý đầu năm 1944, các nhà máy này cung cấp 57% tổng cung và 92% nhiên liệu cho ngành hàng không. Và các nhà máy này hoạt động hết công suất, sản lượng tiếp tục tăng. Trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ hai, sản lượng dầu tổng hợp của Đức chiếm một nửa sản lượng dầu thế giới. Điều này không thể đạt được nếu như không có nỗ lực vô cùng lớn và mọi công cụ và kỹ thuật của nền kinh tế Phát xít trong chiến tranh, bao gồm cả tù binh. Hitler chuyển những người Italia chống chủ nghĩa phát xít đến các trại tập trung, nơi tàn sát người Do Thái.
Các trại tập trung được coi là cách thức để đạt được "giải pháp cuối cùng", được quyết định thành lập chỉ hai giờ sau hội nghị Wannsee tháng 1 năm 1942. Tuy nhiên, cho đến trước khi đạt được "giải pháp cuối cùng", những người Do Thái cùng với người Slav trong các trại này phải làm việc như nô lệ để thỏa mãn các mục đích của đế chế Đức, kẻ đã tuyên bố tử hình họ. Những tù nhân này tiếp tục được đưa đến làm việc tại các nhà máy sản xuất hydro cũng như các nhà máy sản xuất nhựa tổng hợp của I. G. Farben. Thực tế, công ty này có những nhà máy sản xuất cao su và nhiên liệu tổng hợp được xây dựng ngay cạnh các trại tập trung Auschwitz ở Ba Lan. Auschwitz là các nhà máy giết người hàng loạt của phát xít Đức.
Hơn hai triệu người, hầu hết là người Do Thái đã phải chết trong các khí gas do một nhà máy của I. G Farben sản suất. Các giám đốc của I. G. Farben coi Auschwitz là nơi cung cấp lao động và than. I. G. Farben sử dụng cả lao động "tự do" và các nô lệ trong công xưởng. Công ty này trả công mỗi ngày cho lao động tù binh − 3 đến 4 đồng Mác cho người lớn, và nửa giá đó cho trẻ em. Số tiền công này tất nhiên không đến tay người lao động mà rơi vào tay một số sĩ quan đội bảo vệ, lực lượng quân đội trung thành của Hitler. Người lao động nô lệ hầu hết chỉ được cấp 1.000 calo mỗi ngày và phải ngủ trên máng gỗ.
Họ chỉ có thể làm việc vài tháng trước khi chết vì điều kiện sống tồi, bị đánh đập, hoặc bị giết tập thể và sau đó, thay thế bằng các tù nhân mới được đưa đến từ những chiếc tàu giống như xe chở súc vật. I. G. Farben yêu cầu đội bảo vệ hợp tác với ông ta một việc, đó là lính Đức không tra tấn tù binh trước mặt những lao động tự do Đức và Ba Lan. Ông nói: "Cảnh tra tấn dã man này có thể gây nên phản ứng đòi dân chủ ở các lao động khác. Do đó, chúng tôi yêu cầu chuyển tra tấn vào trong lán hoặc các trại tập trung". Tuy nhiên, nhiều tháng sau đó, ông ta lại đồng ý với phương pháp của đội bảo vệ: "Đến nay, kinh nghiệm cho chúng ta thấy chỉ có cách tra tấn nô lệ dã man mới có thể làm những người khác hoảng sợ".
Cuối cùng, I. G. Farben trở nên thất vọng về các lao động tù binh của các trại tập trung chính tại Auschwitz. Các tù nhân phải đi bộ 4 dặm mới đến được nhà máy nên họ rất yếu và dễ bị bệnh. Để phòng trách việc này, công ty mở một trại tập trung riêng, mô hình giống như trại tập trung chính. Những người sống sót kể lại rằng có 300.000 tù nhân phải làm việc cho I. G. Farben tại Auschwitz. Các nhà máy lớn đến mức tiêu thu điện nhiều hơn toàn bộ thành phố Berlin. Một trong những người sống sót là tù nhân số 174.517, Primo Levi, một người Italia trẻ tuổi, may mắn thoát chết vì anh vẫn còn nhớ các kiến thức hóa hữu cơ khi còn học ở Turin để làm việc trong một phòng thí nghiệm. Anh nhớ về tổ hợp nhà máy của I. G. Farben: "Các hàng rào sắt, bê tông, bùn khổng lồ và khói đều là những thứ đáng sợ ở đây. Cây cỏ và các loại thực vật đều không thể sống nổi, nước bị nhiễm độc từ các chất thải của than và dầu, và những thứ có thể tồn tại duy nhất là máy móc và nô lệ".
Monowitz là một nhà máy chết. Đây cũng là một công việc kinh doanh, những người quản lý trại kiếm tiền nhờ bán quần áo và giày của những người đã chết tại Monowitz và những người bị cởi hết quần áo và đưa đi hỏa thiêu ở các trại tập trung gần đó. Mùi hôi thối bốc lên từ việc hỏa thiêu tù nhân làm không khí của thành phố bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đối với Levi, đó là "thế giới của người chết và bóng ma. Dấu vết cuối cùng của nền văn minh đã biến mất". Đến năm 1944, theo nhiều người dự đoán, một phần ba tổng lực lượng lao động trong các nhà máy dầu tổng hợp ở Đức là các tù nhân. I. G. Farben ngày càng trở thành một đối tác tích cực và nhiệt tình của đội bảo vệ tại Auschwitz.
"Mục tiêu chiến lược hàng đầu"
Sau khi chiến dịch ném bom của quân Đồng minh nhằm vào các mục tiêu của quân Đức diễn ra không hiệu quả, Tướng Carl Spaatz, tư lệnh lực lượng không quân chiến lược của Mỹ ở châu Âu quyết định thay đổi chiến lược. Ngày 5 tháng 3 năm 1944, vị tướng này đề xuất với Tướng Dwight Eisenhower, người chịu trách nhiệm chuẩn bị cho cuộc chiến Normandy, rằng các mục tiêu ưu tiên bây giờ là các nhà máy sản xuất dầu tổng hợp của Đức. Vị tướng này cam kết sẽ đánh phá được một nửa số mục tiêu của quân Đức.
Ông còn nói đến các lợi ích có thể đạt được khi sử dụng chiến lược này: "Những cuộc tấn công này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quân Đức, đồng thời sẽ làm phân tán lực lượng không quân của Đức ra khỏi mục tiêu của cuộc chiến Normandy, nước Pháp". Người Anh phản đối kế hoạch của Spaatz và khăng khăng đòi tấn công vào mục tiêu là hệ thống đường ray xe lửa Pháp. Nhưng cuối cùng, Spaatz cũng nhận được sự đồng ý của Eisenhower là tấn công các nhà máy dầu tổng hợp của Đức.
Ngày 12 tháng 3 năm 1944, lực lượng không quân gồm 935 máy bay oanh tạc đã ném bom đồng loạt vào các nhà máy sản xuất dầu tổng hợp, trong đó có nhà máy khổng lồ I. G. Farben tại Leuna. Ngay khi biết được tin này, Albert Speer bay đến Leuna để chứng kiến các tổn thất. Ông ta viết: "Tôi không bao giờ quên được ngày này, ngày mà cuộc chiến công nghệ được quyết định. Cuộc tấn công đã phá hủy hầu như hoàn toàn các nhà máy dầu tổng hợp của Đức. Đây quả thật là ác mộng của chúng ta". Một tuần sau cuộc công kích, Speer báo cáo riêng với Hitler: "Kẻ thù đã đánh vào điểm yếu nhất của chúng ta".
Ông ta nói với quốc trưởng: "Nếu chúng tiếp tục ném bom, chúng ta sẽ không còn bất kỳ nguồn nhiên liệu nào. Hy vọng của chúng ta bây giờ là lực lượng không quân của kẻ thù sẽ không nhận biết được điều này". Tuy nhiên, cuộc oanh tạc đầu tiên không gây nhiều ảnh hưởng nặng nề như dự đoán. Ngay trước khi quân Đồng minh buộc Italia rút khỏi chiến tranh, quân Đức đã khôi phục lại các kho dầu và tăng đáng kể lượng dầu dự trữ. Các hoạt động sôi nổi đã diễn ra nhằm khôi phục sản xuất của các nhà máy bị hư hại. Chưa đầy hai tuần sau cuộc oanh tạc, sản lượng dầu đã quay trở về mức cũ. Tuy nhiên, sau đó, ngày 28, 29 tháng 5, quân Đồng minh lại tiếp tục thả bom vào các nhà máy sản xuất dầu ở Đức cùng những đợt tấn công oanh tạc vào các mỏ dầu Ploesti ở Rumani.
Ngày 6 tháng 6, ngày nổ súng, quân Đồng minh mở cuộc tấn công sâu vào phía tây châu Âu và giành được những thắng lợi quyết định trên bờ biển Normandy. Bây giờ, điều quan trọng hơn là phải cắt đứt nguồn cung cấp nhiên liệu của Đức và ngày 8 tháng 6, tướng Spaatz ra chỉ thị quan trọng: "Mục tiêu chính của lực lượng không quân chiến lược Mỹ bây giờ là tấn công các nguồn cung cấp nhiên liệu của kẻ thù". Sau đó, máy bay Mỹ đồng loạt ném bom lên các nhà máy sản xuất dầu tổng hợp của Đức.
Để đáp trả, Speer ra lệnh các nhà máy và các cơ sở sản xuất dầu phải nhanh chóng xây dựng lại, hoặc chuyển đến những địa điểm nhỏ hơn, được bảo vệ tốt hơn. Thậm chí một số nhà máy bia được lệnh chuyển sang sản xuất dầu. Theo kế hoạch, năm 1944 sẽ tăng đáng kể sản lượng dầu nhưng các nhà máy và máy móc đều phải sửa chữa. Hơn 350.000 lao động tù nhân đã phải làm việc đến kiệt sức. Ban đầu, các nhà máy được khôi phục lại rất nhanh, tuy nhiên, sau đó lại phải đối mặt với các cuộc ném bom của quân Đồng minh nên rất khó có thể hoạt động trở lại. Sản lượng bắt đầu giảm nhanh chóng. Trước cuộc tấn công tháng 5 năm 1944, sản lượng nhiên liệu sản xuất bằng quá trình hydro hóa đạt trung bình 92.000 thùng/ngày. Tháng 9, sản lượng sụt giảm chỉ còn 5.000 thùng/ngày.
Trong tháng đó, sản lượng xăng dầu phục vụ hàng không chỉ còn ở mức 3.000 thùng/ngày, bằng 6% sản lượng bốn tháng đầu năm 1944. Trong khi đó, quân Nga chiếm được các mỏ dầu ở Rumani và đẩy các lực lượng của Hitler vào tình trạng thiếu nhiên liệu trầm trọng. Sản xuất máy bay Đức vẫn rất phát triển. Nhưng máy bay không được sử dụng nhiều vì thiếu dầu máy bay phản lực, một phát minh mới của Đức mang lại lợi thế quan trọng cho không quân Đức, được đưa vào phi đội hành động mùa thu năm 1944. Tuy nhiên, do không có nhiên liệu để đào tạo các phi công, hoặc để có thể bay được nên không quân Đức chỉ hoạt động với 1/10 lượng dầu tối thiểu. Không quân Đức phải đối mặt với tình trạng vô cùng khó khăn. Vì Đức không có các máy bay chiến đấu để bảo vệ các nhà máy, nên các cuộc tấn công của quân Đồng minh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà máy đồng thời làm giảm lượng dầu cung cấp cho không quân Đức.
Thời gian huấn luyện phi công mới bị giảm xuống còn một tuần. Tướng Adolph Galland, Tư lệnh lực lượng phòng không nói: "Điều này thật sự là thảm họa cho không quân Đức. Từ tháng 9, việc thiếu nhiên liệu trở nên thường xuyên. Tất cả các máy bay của chúng tôi đều không thể hoạt động". Mùa thu năm 1944, thời tiết xấu cản trở các cuộc tấn công của quân Đồng minh, và đến tháng 11, quân Đức nỗ lực tăng sản lượng dầu tổng hợp. Tuy nhiên, tháng 12, sản lượng lại giảm. Speer phát biểu tại một cuộc họp: "Chúng ta phải chấp nhận sự thật rằng kẻ thù đã oanh kích thẳng vào sự sống còn của kinh tế Đức. Thật may mắn cho chúng ta, quân địch chỉ mới thực hiện chiến dịch này chừng hai ba quý gần đây". Cuối cùng, chiến dịch ném bom nhằm vào các nhà máy sản xuất dầu tổng hợp của Đức làm tê liệt phần lớn cỗ máy chiến tranh Đức. Chiến tranh vẫn chưa kết thúc.
Trận chiến Bulge: Chiến trường lớn nhất châu Âu
Cuối năm 1944, cuộc đổ bộ vào Normandy được mở rộng, từng bước đẩy quân Đức ra khỏi nước Pháp. Cùng lúc này, Hồng quân Liên Xô tấn công quân Đức từ phía đông. Tuy nhiên, đối với Hitler, chiến tranh không thể kết thúc, đế chế Đức không thể thất bại. Ngày 16 tháng 12, ông ta mở một cuộc phản công dữ dội trên vùng đồi núi Ardennes, phía đông nước Bỉ và Luxembourg. Trận chiến này sau này được biết đến là trận chiến Bulge, là cuộc tấn công vĩ đại cuối cùng của quân Đức theo chiến thuật "chiến tranh chớp nhoáng". Kế hoạch này là của riêng Hitler. Tất cả nguồn lực được đổ vào đây bao gồm nhiên liệu rất ít ỏi còn sót lại từ các đơn vị khác của quân Đức. Mục tiêu là đánh vào phía sau quân Đồng minh, giành lại thế chủ động trong chiến tranh và có thời gian phát triển các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt mới chống lại quân đội và dân thường của các nước Đồng minh. Quân Đức đã làm quân Đồng minh bị bất ngờ, không kịp chuẩn bị và bị rối loạn.
Quân Đức đã thành công trong lần tấn công này. Quân Đức thành công đáng ngạc nhiên, nhưng nhanh chóng phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu trầm trọng và trên thực tế, sức mạnh của quân Đức kém hơn rất nhiều. Năm 1940, trong trận chiến sử dụng chiến thuật "chiến tranh chớp nhoáng", quân Đức từng phải đối mặt với việc thiếu nhiên liệu, nhưng gây ra ít vấn đề hơn vì chúng thu được nhiều xăng hơn dự đoán. Giờ đây, sau bốn năm rưỡi, chúng không gặp may như vậy. Ở khu vực quanh Stavelot phía tây nước Bỉ là nơi chứa lượng dầu lớn nhất của quân Đồng minh. Đây thật sự là kho đổ xăng dầu lớn nhất châu Âu. Quân Đồng minh tích trữ 2,5 triệu gallon dầu cho quân đội ở đây.
Sáng ngày 17 tháng 12, ngày tấn công thứ hai của quân Đức, đơn vị tăng thiết giáp của tên đại tá tàn bạo Jochem Peiper phát hiện ra một kho dầu. Hắn sai 50 tù binh là lính Mỹ đổ đầy dầu cho đội tăng của hắn, sau đó, lạnh lùng ra lệnh giết chết họ. Rất nhiều tù nhân Mỹ bị bắn hạ trong cuộc thảm sát nổi tiếng với cái tên Vụ thảm sát tại Malmédy. Tối hôm đó, lực lượng của Peiper chỉ còn cách vùng chiến lợi phẩm rộng lớn chưa đầy 300 mét – thẳng tới kho Stavelot, lớn gấp 50 lần so với kho dầu chúng đánh chiếm được trước đó. Hệ thống phòng thủ của phe Đồng minh không chắc chắn và thiếu tổ chức.
Lính Mỹ bị thảm sát tại Malmédy |
Lực lượng của Peiper tiến xuống phía nam qua sông Ansleve và tiến vào Stavelot. Trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm đối phó với tình hình đó, một nhóm nhỏ quân Đồng minh đã đổ xăng xuống đất rồi đốt cháy, tạo nên một bức tường lửa. Peiper thận trọng kiểm tra bản đồ, nhưng không thể xác định địa điểm chính xác hay phạm vi của kho dầu. Hắn không biết được kho báu đó ngay trong tầm tay. Thay vì điều lính băng qua bức tưởng lửa dày đặc, hắn ra lệnh rút qua cầu và chuyển hướng về phía tây, để lại kho nhiên liệu an toàn. Thật mỉa mai, đơn vị của Peiper nhanh chóng cạn kiệt nhiên liệu.
Những chiếc xe tăng của hắn chỉ còn một nửa gallon xăng cho một dặm đường. Những nỗ lực tiếp tế của Không quân Đức đã thất bại, và đơn vị của Peiper đã bị bắt giữ. Bước ngoặt 180° của Peiper là một trong những tai nạn ngẫu nhiên trong chiến tranh nhưng để lại hậu quả khôn lường. Nguồn dự trữ nhiên liệu ở Stavelot tương đương với nhu cầu 10 ngày đầu tiên trong cuộc tấn công Ardennes của Đức. Nếu chiếm được kho xăng dầu này, hẳn là quân Đức đã đủ nhiên liệu tiến đến Antwerp và eo biển nước Anh khi mà quân Đồng minh vẫn trong tình trạng rối loạn và thiếu tổ chức. Vì vậy, chưa đến Giáng sinh năm 1944, 10 ngày sau khi quân Đức bắt đầu tấn công, chúng đã bị ngăn chặn và đẩy lui.
"Sự diệt vong của các thần"
Càng có nhiều nhiên liệu, Đức càng kéo dài thời gian tồn tại. Dưới góc độ chiến lược, sau thất bại của cuộc tấn công Ardennes, nỗ lực chiến tranh của Đức không còn nữa. Tháng 2 năm 1945, sản lượng xăng máy bay chỉ còn 1.000 tấn, chưa đầy 0,5% sản lượng trong 4 tháng đầu năm 1944. Song Đức vẫn ảo tưởng về chiến thắng. Speer nhớ lại, những người xung quanh Hitler "đã lắng nghe ông ta trong lặng im khi nước Đức đã rơi vào tình trạng vô vọng từ rất lâu, song quốc trưởng vẫn tiếp tục cam kết bổ sung những binh đoàn không hề tồn tại hoặc ra lệnh bổ sung thêm những chiếc máy bay không thể bay hay thiếu nhiên liệu". Tuy nhiên, cuộc chiến đẫm máu vẫn tiếp diễn hàng tháng trời ở cả mặt trận phía Đông và phía Tây, khi Hitler và tay chân thân cận ngày càng điên cuồng.
Bản thân Quốc trưởng kêu gọi một chính sách hủy diệt và ban "những mệnh lệnh điên cuồng cuối cùng" (theo lời một viên tướng của Hitler). Thậm chí khi kết cục đã tới, Hitler vẫn điên cuồng với những cảnh tượng bạo lực của một cuộc chiến mà ít nhất 35 triệu người đã phải chết. Hitler nghe bản Gotterdammerung (Sự diệt vong của các thần) của Wagner, chờ đợi một sự giải thoát kỳ diệu, và say sưa đọc sách tử vi với những hứa hẹn về một điều bất ngờ làm thay đổi số phận. Khi Hồng quân Liên Xô gần như đã đứng trên bongke dưới lòng đất của Hitler, trên ngưỡng cửa phủ Thủ tướng Đức mà Speer thiết kế cho Hitler nay đã bị phá hủy, hắn đã tự sát. Hitler ra lệnh đổ xăng vào người mình và tự thiêu để không rơi vào tay những người Slav đáng ghét. Vẫn còn đủ xăng để thực hiện mệnh lệnh cuối cùng đó!
(Còn tiếp)
Nam Hà (giới thiệu)
-
Kỳ I: Giả thuyết về sự tồn tại của lượng tử không - thời gian và Thuyết siêu liên kết
-
Trái phiếu thảm họa - phao cứu sinh cho Philippines
-
Chuyện ít biết về Pavel Durov - “thần đồng Internet” của Nga
-
Olympic Paris 2024: Chiến dịch marketing đột phá cho kỷ nguyên mới
-
Tập đoàn RAND: “Cỗ máy tư duy” hàng đầu của giới cầm quyền Mỹ