Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 14)

07:31 | 23/11/2022

5,391 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - "Bạn muốn bắt đầu như thế nào khi đầu tư 100 đô-la vào một công ty dầu mỏ và sau đó nhận được hơn 50.000 đô-la?"

CHƯƠNG 13: CƠN LŨ

Năm 1930, khi 70 tuổi, Cha Joiner, tên thật là Columbus Joiner, bị vẹo cột sống. Hậu quả của bệnh thấp khớp khiến ông trông gần giống bức tranh biếm họa cổ điển, thiểu não nhưng luôn lạc quan. Ông là một nhà tổ chức khéo léo và có tài thuyết phục. Tuy ở tuổi 70, ông vẫn có làn da mịn màng, điều này đặc biệt hiếm có. Bí quyết của ông là ăn nhiều cà rốt. Quá trình học tập chính thức của ông chỉ kéo dài bảy tuần. Ông đã tự học ở nhà trong nông trại của gia đình ở Alabama. Ông chỉ được dạy Kinh Thánh và học viết bằng cách sao chép từ Sách Sáng Thế (cuốn đầu của Kinh Cựu ước). Tuy vậy, ông cũng có thể viết những bức thư nồng nàn cho các góa phụ giàu có. Chắc chắn ông không hề quan tâm đến trái tim cô đơn của họ mà chỉ quan tâm đến ví tiền của họ. Joiner là một trong số rất nhiều người tham gia xúc tiến ngành kinh doanh dầu mỏ khổng lồ vào những năm 1920. Khối lượng dầu mỏ và những vụ giao dịch liên quan đến dầu mỏ cực kỳ hấp dẫn trong môi trường đầu cơ đang lên cơn sốt của thập kỷ này.

"Bạn muốn bắt đầu như thế nào khi đầu tư 100 đô-la vào một công ty dầu mỏ và sau đó nhận được hơn 50.000 đô-la?", một nhà xúc tiến đầu tư đã hỏi một lớp học viên đã tốt nghiệp tại Yale năm 1923. "Các bạn có cơ hội cùng đi với chúng tôi khi chúng tôi đang có triển vọng thành công". Một số nhà xúc tiến đầu tư đã trực tiếp thuyết phục, thậm chí dẫn các nhà đầu tư tiềm năng đi tham quan các mỏ dầu. Những người khác tìm cách liên hệ qua thư đã gửi những bức thư với lời lẽ thuyết phục và đầy hứa hẹn. Đổi lại, họ sẽ nhận được những phong bì thư đầy tiền, lệnh chuyển tiền và séc.

Một người tiên phong là Tiến sĩ Frederick Cook, người đã viết 300.000 bức thư một tháng trong lúc rỗi rãi và nhờ đó nhận được khoảng 2 triệu đô-la một năm. Một hậu duệ của Tướng Robert E. Lee đã thuyết phục ông nói với các nhà đầu tư trên khắp đất nước: "Tôi muốn chỉ đạo các bạn và 1.000 người khác giành quyền độc lập tài chính". Cha Joiner chỉ là một nhà hoạt động tầm thường, nhưng ông có ưu điểm là thật sự muốn mạo hiểm vì dầu mỏ chứ không phải chỉ đơn giản thu hút tiền của những người cả tin. Cuối cùng, Joiner chú ý tới miền đông Texas, một khu vực hạn hán, nghèo nàn và bẩn thỉu có những ngọn đồi bao quanh. Khu vực này chỉ có hai sản phẩm chính là gỗ thông và đất cát, và sản xuất nông nghiệp thì luôn ở trong tình trạng trì trệ.

Cả hai thị trấn lớn trong khu vực là Overton và Henderson đều không có gì dù chỉ là một con đường lát đá. Đối với những người dân nghèo ở khu vực đó, Cha Joiner đã đưa ra một tầm nhìn vĩ đại và đầy hy vọng – dưới lớp đất cằn cồi và đầy vết lồi lõm của họ là một biển dầu, một "kho báu mà tất cả hoàng đế trên trái đất đều thèm muốn". Thời gian đó xuất hiện một người tên là Doc Lloyd, người tự coi mình là nhà địa chất huyền bí tự học. Ông nặng đến 300 pound, luôn đội mũ rộng vành và đi giày ống. Một số người nói Doc Lloyd cũng là một bác sĩ thú y, những người khác thì nói ông là một dược sĩ và ông thường xuyên có "Buổi trưng bày thuốc của bác sĩ Alonzo Durham" trên khắp đất nước để bán thuốc được chế từ dầu. Lloyd không phải là tên thật của ông. Lý do ông đổi tên là vì mọi người cho rằng ông có nhiều mối tình và sau này khi bức ảnh của ông xuất hiện trên các tờ báo trong cả nước, nhiều người phụ nữ trên khắp đất nước, tìm cách đuổi kịp người chồng biệt tích của họ.

dau mo tien bac va quyen luc ky 14
Doc Lloyd- nhà địa chất huyền bí nặng 300 pound luôn đội mũ rộng vành và đi giày ống (đứng giữa)

Không hiểu vì sao Joiner hoàn toàn bị người đàn ông này thuyết phục nên đã nghĩ rằng miền đông của Texas có dầu mỏ. Tuy nhiên, phần lớn những nhà địa chất đều cho rằng ở đó không có dầu mỏ và luôn chế giễu Joiner. Doc Lloyd mô tả cho Cha Joiner về địa chất của khu vực miền đông Texas và lập luận trái ngược với các nhà địa chất. Ông đã vẽ bản đồ những vùng mỏ lớn ở Mỹ và thể hiện các đường xu thế giao nhau ở Đông Texas. Nhưng Doc Lloyd đã làm một việc đáng ghi nhớ là nói cho Joiner biết chính xác nơi khoan dầu trong khi hầu hết mọi người đều nghĩ ý tưởng này cực kỳ khôi hài. Joiner viết một bản cáo bạch, và trong đó có mô tả hơi hư cấu về địa chất ở miền Đông Texas.

Ông đã gửi một danh sách cho những người ham mê lợi nhuận và bằng cách đó, đã dành dụm đủ tiền để bắt đầu khoan dầu trên nông trại của Daisy Bradford ở địa hạt Rush. Tiếp theo, ông trực tiếp thuyết phục từng người một, đặc biệt là những người phụ nữ. "Những người phụ nữ đều có một vị trí nào đó trên cổ mà khi tôi chạm vào đó, họ tự động viết séc cho tôi". Nhân vật liều lĩnh có tuổi này từng nói: "Tôi có thể là người đàn ông duy nhất trên trái đất biết cách xác định vị trí đó". Sau đó, ông ta cười. "Tất nhiên, những tấm séc không phải luôn tốt". Ông ta khoe khoang. Khoản tiền ông ta gom được chỉ vừa đủ chảy nhỏ giọt.

Trong ba năm tính từ năm 1927, khi những nhân vật đứng đầu ngành dầu mỏ tiếp tục cuộc tranh luận đầy giận dữ về tình trạng thiếu hụt, dư thừa và điều chỉnh, Joiner thuê người khoan mỏ ở miền Đông Texas. Họ sử dụng những máy móc thiết bị hoen gỉ nên luôn bị hỏng hóc và tai nạn đã xảy ra. Joiner luôn trong tình trạng thiếu tiền. Ông trả cho người lao động một phần theo "quyền khai thác mỏ" trên những khoảng diện tích nhỏ. Khi ông hết tiền, họ quay trở lại trang trại của mình để làm những công việc lặt vặt. Cha Joiner đã phát hành quá nhiều "chứng chỉ" nhằm tạo cơ hội cho những phát hiện mới và bán nó với mức chiết khấu cao. Chứng chỉ này nhiều đến nỗi đã trở thành một loại tiền địa phương.

Một nhà địa chất ở Texaco đi qua và thốt lên: "Tôi sẽ uống tất cả những thùng dầu mà anh mang ra khỏi mỏ". Bất chấp sự chế nhạo, Joiner và một số ít người gồm công nhân và những người ủng hộ ông đã cố gắng giữ vững niềm tin. Vận may của Cha Joiner đã đến vào đầu tháng 9 năm 1930. Dầu mỏ được phát hiện ở giếng Daisy Bradford. "Đó chưa phải là một giếng dầu", Joiner quả quyết với một số người đang quan sát nhưng ông không phản đối hùng hồn lắm. Trên đường đến giếng dầu, những người sống trong khu nhà ổ chuột tràn trề hy vọng đã có mặt ở đó suốt đêm để chờ đợi. Họ mong đợi dầu mỏ như thể một sự kiện tôn giáo, điều kỳ diệu đầy hứa hẹn. Sẽ có điều gì đó xảy ra, mọi người chắc chắn thế và họ muốn đến đó để chứng kiến.

Trong suốt những ngày đầu của cuộc Đại suy thoái, bánh hamburger thường được bán với giá 16 hoặc 17 xu, nhưng ở Joinerville, mỗi chiếc bánh có giá tới 25 xu. Đó chỉ là một dấu hiệu mờ nhạt về những gì sẽ xảy ra. Một tháng sau đó, vào 8 giờ tối ngày 3 tháng 10 năm 1930, người ta đột nhiên nghe thấy tiếng róc rách từ giếng dầu. Họ hét lên: "Hãy tắt lửa đi! Hãy dập thuốc lá đi! Nhanh lên!". Đám đông trở nên điên cuồng. Họ nhìn lên bầu trời, la hét và reo hò khi dầu phun vào người họ. Đó quả là một điều kỳ diệu. Cha Joiner đúng là một nhà tiên tri. Đám người tỏ ra kích động đến mức Joiner đã phải rút súng bắn vào suối dầu đang tuôn chảy. Ba người đàn ông nhanh chóng nhảy bổ vào ông và giật lấy khẩu súng. Một tàn lửa cũng có thể đốt cháy khí gas rò rỉ, gây nổ giếng dầu và lấy mạng tất cả những người có mặt tại hiện trường.

Người khổng lồ đen

Sáng hôm sau, tạp chí Henderson Daily News đã chạy dòng tít: "Sự liều lĩnh của Joiner − một giếng dầu phun". Nhưng những người đứng đầu ngành dầu mỏ nghi ngờ thông tin đó. Phản ứng đó nhanh chóng chuyển sang sự kinh ngạc vì trong ba tháng tiếp theo, hai giếng dầu khác trong khu vực cũng được phát hiện và dầu mỏ đã tuôn trào. Cuối cùng, hồ chứa ở miền Đông Texas dài tới 45 dặm và rộng từ 5 đến 10 dặm với tổng diện tích là 140.000 mẫu. Mỏ dầu trở nên nổi tiếng với cái tên Người khổng lồ đen.

Đầu năm 1931, trong khi các khu vực khác trong nước bị bao vây bởi không khí ảm đạm của thời kỳ Đại suy thoái, miền Đông Texas đang trên đà phát triển thịnh vượng. Nhiều người đổ về từ tất cả mọi nơi, tụ tập ở những thành phố tồi tàn và những khu nhà ổ chuột. Khu vực này vốn có những giá trị truyền thống đột nhiên trở thành nơi chốn của những dịch vụ rẻ tiền phục vụ cho những tệ nạn xấu. Cuối tháng 4 năm 1931, sáu tháng sau khi Daisy Bradford số 3 của Cha Joiner đi vào hoạt động, khu vực này sản xuất được 340.000 thùng dầu mỗi ngày, và cứ mỗi giờ lại có một giếng dầu mới được khoan. Nguồn cung mới khổng lồ và đầy bất ngờ này khiến giá dầu ngày càng giảm. Năm 1926, giá dầu ở Texas là 1,85 đô-la/thùng. Năm 1930, giá dầu trung bình khoảng một đô-la/thùng.

Cuối tháng 5 năm 1931, giá dầu giảm xuống còn 15 xu/thùng và có khi còn được bán với giá 6 xu/thùng. Thậm chí giá dầu từng giảm mạnh xuống còn 2 xu/ thùng. Tuy nhiên, hoạt động khoan dầu vẫn tiếp tục diễn ra sôi nổi. Tính đến tuần đầu tiên của tháng 6 năm 1931, một 1.000 giếng dầu đã được khoan xong và miền Đông Texas sản xuất được 500.000 thùng dầu mỗi ngày. Những người sớm nhìn thấy lợi nhuận vội vàng đổ xô vào xây dựng hàng loạt nhà máy lọc dầu rẻ tiền quy mô nhỏ.

Các cơ sở này tạo ra một thứ xăng Eastex dễ bay hơi. Những trạm xăng nhỏ lần lượt ra đời để bán xăng "Eastex" giảm giá. Do cung quá lớn nên tất cả mọi người phải tranh giành thị trường và các trạm bán xăng "Eastex" buộc phải khuyến mại một giỏ cà chua hay món gà miễn phí cho mỗi lần bơm xăng. Cha Joiner không thể từ bỏ niềm hân hoan. Phát hiện tại giếng dầu Daisy Bradford số 3 và quá trình phát triển tiếp theo của Người khổng lồ đen là một sự khẳng định đầy thuyết phục. Nhưng ông tỏ ra rất ung dung trong việc xúc tiến khai thác dầu mỏ, và tỏ ra hào phóng. Ông đã bán nhiều lợi ích hơn những lợi ích mình có. Ông bán một số hợp đồng cho thuê đến mấy lần. Và ông biết những hành động đó không được pháp luật cho phép. Một tờ báo biện hộ cho người đàn ông đã tái sinh miền Đông Texas này. Tổng biên tập viết về nhà tiên tri của miền Đông Texas: "Phải chăng ông là Moses thứ hai dẫn đường đến Miền đất hứa". Thực tế có vẻ như Joiner có thể mất tất cả. Trong 5.000 mẫu đất cho thuê, ông chỉ có quyền sở hữu rõ ràng với 2.000 mẫu đất. Tuy nhiên, Haroldson Lafayette Hunt, một người đàn ông to béo luôn đội mũ rơm và đeo cà vạt nhỏ, xuất hiện đã cải thiện tình hình. Joiner luôn gọi ông là "Boy", còn mọi người đều gọi ông là H. L. "Boy". Mặc dù là một người chủ trại bông thất bại nhưng ông có hai năng khiếu nổi trội và không hề liên quan đến nhau là đánh bạc và khả năng tính toán nhanh. Về điểm này, năng khiếu của Boy cũng có thể sánh với Rockefeller và Deterding.

dau mo tien bac va quyen luc ky 14
Haroldson Lafayette Hunt ở Texas 1930

Một thập kỷ trước đó, ông đã mở một sòng bạc tại thị trấn đang bùng nổ dầu mỏ ở El Dorado, Arkansas. Khi đảng 3K đe dọa thiêu hủy sòng bạc, Hunt đã khôn ngoan chuyển sang lĩnh vực dầu mỏ và đã làm tốt công việc ở cả Arkansas và Louisana. Vào thời gian này, vì những mục đích thực tế, ông đã qua lại với hai bà vợ và mỗi bà vợ đều có một gia đình riêng. Do nghe được những tin đồn về giếng dầu của Joiner, "Boy" đã có mặt để quan sát diễn biến và giúp đỡ ông già mạo hiểm này. Hunt đã gặp gỡ Joiner khi Joiner bị tấn công bởi những tai ương sau phát hiện đầu tiên của mình và trước khi phát hiện những giếng dầu có trữ lượng đáng kể khác. Với vốn góp của một người chủ cửa hàng quần áo ở El Dorado, Hunt tranh luận và tấn công Joiner dồn dập nhằm cố gắng đạt được một thỏa thuận làm ăn. Joiner không biết rằng Hunt đã có được thông tin mật về giếng dầu Deep Rock, cách nơi Joiner phát hiện 3/4 dặm. Trong cuộc trao đổi, ông đã nói một điều hết sức quan trọng là sẽ có một phát hiện lớn thứ hai. Điều này chứng tỏ giếng dầu của Joiner không chỉ là sự may mắn mà còn chứng tỏ trữ lượng của mỏ rất lớn. Hunt không chia sẻ tin tức với Joiner và luôn cho rằng giếng dầu Deep Rock có thể khô. Sau hơn 36 tiếng trao đổi, Cha Joiner đã không chịu đựng nổi và ngày 27 tháng 11 năm 1930, Cha Joiner đã nhường những quyền lợi của ông cho "Boy". Hunt đã thúc đẩy việc đưa ra nhiều tuyên bố chống lại Joiner và nhanh chóng trở thành nhà kinh doanh độc lập lớn nhất ở Đông Texas.

dau mo tien bac va quyen luc ky 14

Thỏa thuận của ông với Joiner mang lại cho ông những thứ mà sau này ông gọi là "xuất phát điểm". Ông tiếp tục kiếm được một tài sản lớn. Hunt đã trả cho Cha Joiner 1,33 triệu đô-la với 30.000 đô-la trả trước và phần còn lại sẽ trả sau. Về sau, khi Joiner biết Hunt đã đưa 20.000 đô-la cho người phụ trách khoan dầu ở giếng dầu Deep Rock đã bí mật cung cấp tin tức cho những thám tử của Hunt về công việc kinh doanh dầu mỏ, ông giận dữ phát đơn kiện, buộc Hunt tội lừa đảo. Hunt nhấn mạnh rằng ông không lừa dối ông già đó. "Chúng tôi đã trao đổi". Joiner đột nhiên rút đơn kiện. Ông dùng số tiền nhận được từ Hunt đầu tư vào những công việc kinh doanh mạo hiểm mới là tìm kiếm Người khổng lồ đen khác và cũng không quên thời gian lãng mạn với "thư ký" của ông và những người phụ nữ trẻ khác. Cha Joiner qua đời ở tuổi 87 tuổi và luôn mạo hiểm đến phút chót. Khi qua đời, số tài sản ròng của ông không nhiều hơn giá trị của chiếc ôtô và ngôi nhà của ông.

Tình trạng hỗn loạn của thị trường mỏ dầu

Cơn lũ dầu mỏ ở miền Đông Texas nhanh chóng làm giảm giá dầu trên khắp cả nước và việc giá dầu tiếp tục giảm báo hiệu sự phá sản của những nhà sản xuất lớn. Một số người nghĩ rằng các mỏ dầu được phát hiện ở gần nhau cùng với quá trình khai thác quá nhanh nên áp suất của mỏ dầu dưới lòng đất giảm. Điều này khiến sản lượng khai thác giảm xuống và giá cả sẽ trở lại "bình thường". Trữ lượng của mỏ ở Đông Texas là độc nhất vô nhị. Ai biết khi nào sản lượng của mỏ bắt đầu giảm? Ai sẽ vẫn kinh doanh khi ngày đó đến? Quá trình khai thác cạnh tranh diễn ra ồ ạt ở Đông Texas và bất cứ nơi nào khác đồng nghĩa với "sự tự sát" đối với toàn bộ ngành dầu. Xây dựng một hệ thống kiểm soát sản xuất và giá cả là việc rất cấp bách. Điều đó có nghĩa là phải kiểm soát những mỏ dầu ở miền Đông Texas bất chấp sự phản đối của các nhà sản xuất địa phương, các chủ đất và các nhà lọc dầu nhỏ thích dầu thô giá rẻ. Việc này phức tạp bởi hai l‎ý do: thứ nhất là bản chất của việc phân chia quyền sở hữu ở miền Đông Texas, và thứ hai là khối lượng khai thác lớn của những người sản xuất độc lập.

Do quá trình khởi động của các nhà sản xuất lớn luôn chậm hơn các nhà sản xuất nhỏ nên các nhà sản xuất nhỏ đã sở hữu hay kiểm soát một phần quan trọng mỏ dầu ở Texas và luôn muốn khai thác triệt để với tốc độ đáng báo động. Với họ, bất cứ sự nhượng bộ nào với các nhà sản xuất lớn đều là "mối đe dọa chết người". Trên vùng đất của những nhà sản xuất lớn và những người sản xuất độc lập, Ủy ban đường sắt Texas trở thành đại diện quyền lực nhất. Ủy ban này được Thống đốc Jim Hogg lập ra năm 1891 nhằm mục đích khẳng định quyền kiểm soát của công chúng đối với hệ thống đường sắt. Mặc dù ủy ban thiếu năng lực kỹ thuật, nhưng được ủy thác một số quyền hạn trong lĩnh vực dầu mỏ.

Đối tác của nó ở Oklahoma, Ủy ban thương mại được trao quyền từ năm 1915 với chức năng điều tiết sản xuất dầu mỏ nhằm đáp ứng cầu thị trường. Ủy ban Texas được phép điều tiết để ngăn chặn "tình trạng lãng phí vật chất" trong quá trình sản xuất dầu. Cụ thể, pháp luật ngăn cấm việc kiểm soát sản xuất nhằm ngăn chặn "sự lãng phí về mặt kinh tế". Điều đó có nghĩa là cơ quan này không được quyền tham gia thị trường, nghĩa là không thể cắt giảm sản lượng của các chủ sản xuất để điều tiết tổng sản lượng đủ mức thỏa mãn nhu cầu. Tuy nhiên, Ủy ban đường sắt được thành lập chính xác nhằm thực hiện chức năng đó. Song để làm được như vậy, nó phải hoạt động với một danh nghĩa khác, đó là ngăn chặn tình trạng lãng phí vật chất. Ủy ban này cho rằng sản xuất dư thừa sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt dầu về lâu dài. Cụ thể, nếu giá quá thấp, nhiều giếng dầu chỉ khai thác được vài thùng dầu mỗi ngày – gọi là các giếng dầu khô – sẽ không thể tạo ra năng suất về mặt kinh tế và do đó, sẽ phải ngừng hoạt động. Nhưng các tòa án liên bang nhiều lần phá hỏng những nỗ lực của ủy ban này. Xét ở một góc độ nào đó, ủy ban này không phải tuân lệnh của tòa án.

Tất cả những nỗ lực của nó liên tục bị áp đảo bởi quá trình sản xuất phát triển chưa từng có ở bên ngoài miền Đông Texas. Với mức giá giảm xuống thấp hơn chi phí sản xuất rất nhiều và trước mắt vẫn chưa có biện pháp khắc phục, nỗi lo sợ và sự chán nản xâm chiếm toàn bộ ngành dầu của Mỹ. Frederick Godber, một giám đốc của Shell ở London, đã phát hiện ra điều này khi đến Mỹ vào cuối mùa xuân năm 1931. Một trong những nhiệm vụ của Godber là xác định xem có nên cắt giảm các hoạt động ở Mỹ của Shell hay không? Trong những cuộc gặp với bộ máy quản lý cấp cao của nhiều công ty lớn ở Mỹ, Godber nhận xét: "Thật đáng thất vọng, lo sợ và tình trạng căng thẳng khá rõ ràng". Godber đã gặp Walter Teagle của Standard Oil New Jersey. "Thậm chí New Jersey là một đơn vị không có chính sách cụ thể". Ông nói thêm: Teagle "rất bi quan, cảm thấy không có việc gì để làm nhưng lại tin vào việc hạ giá. Ông ta cảm thấy không có sự hợp tác từ hầu hết các công ty và họ sẽ không hợp tác trừ khi bị thua lỗ lớn". Tóm lại, Godber nhận xét: "Nhiều vấn đề rắc rối trong ngành bắt nguồn từ việc không kiểm soát được và không thể thương lượng được trừ khi chính phủ thông qua đạo luật nhằm ngăn chặn sự lãng phí và khai thác dầu mỏ quá mức… Có thể thúc đẩy chính phủ thông qua các luật này, song cần vượt qua rất nhiều thành kiến và đặc biệt là ở Texas. Trong khi đó, sản lượng ở Texas vẫn không ngừng tăng lên và ở Oklahoma, sản lượng khai thác tiếp tục tăng lên.

dau mo tien bac va quyen luc ky 14
Vùng Đông Texas những năm 30 thế kỷ XX

Đầu tháng 8 năm 1931, thống đốc bang Oklahoma tuyên bố tiếp tục đóng cửa các mỏ dầu đang hoạt động cho đến khi "giá dầu tăng lên đến mức 1 đô‑la/thùng". "1 đô-la/thùng" trở thành tiếng nói chung trên khắp những vùng đất dầu mỏ. Tháng 8 năm 1931, cả miền Đông Texas và toàn bộ thị trường dầu mỏ rơi vào tình trạng hỗn loạn. Sản lượng ở Đông Texas đã vượt quá một triệu thùng mỗi ngày, tương đương gần một nửa nhu cầu ở Mỹ và giá dầu thô đã giảm xuống còn 13 xu/thùng. Dầu Texas thậm chí được bán với giá thấp hơn dầu của Nga ở châu Âu.

Giá dầu ở Texas và nhiều khu vực khác ở Mỹ thấp hơn nhiều so với chi phí sản xuất, trung bình khoảng 80 xu/thùng, báo hiệu sự phá sản của hầu hết các nhà sản xuất dầu ở Texas và trên khắp đất nước. Một ngày sau khi các nhà sản xuất ở Texas tự nguyện đóng cửa sản xuất nhằm tăng giá dầu, sản lượng thực tế vẫn tiếp tục tăng. Nền kinh tế Texas và có lẽ cả hệ thống luật pháp đang trên bờ sụp đổ. Có những lúc Thống đốc bang Texas là Ross Sterling không biết phải làm gì. Ông từng là nhà sáng lập và cựu chủ tịch Humble Oil. Vào thời điểm đó, ông đã tuyên bố tình trạng chiến tranh ở miền Đông Texas.

Ngày 17 tháng 8 năm 1931, ông cho rằng miền Đông Texas đang ở trong "tình trạng khởi nghĩa" và "nổi dậy công khai". Ông điều động mấy nghìn vệ binh quốc gia và đội biệt động đến Texas. Do mưa kéo dài nên các phương tiện không thể di chuyển được ở vùng đất đầy bùn này. Một lượng lớn ngựa đã được sử dụng làm phương tiện di chuyển chính. Họ xây dựng căn cứ trên "đồi Proration" và điều hành từ trên lưng ngựa. Quá trình sản xuất và khai thác dầu mỏ tạm ngừng trong khoảng vài ngày. Sự yên lặng kỳ lạ bao trùm miền Đông Texas. Các hoạt động phụ trợ cho ngành dầu mỏ cũng dừng lại.

Việc ngừng sản xuất dầu thực tế đã mang lại hiệu quả. Giá dầu mỏ bắt đầu tăng lên. Ủy ban đường sắt Texas tiếp tục ban hành lệnh phân chia theo tỷ lệ và cảnh sát bang cưỡng chế thi hành. Tháng 4 năm 1923, giá dầu gần như đã quay trở lại mức 98 xu/thùng. Trong suốt năm 1932, Ủy ban đường sắt đã ban hành 19 lệnh phân chia theo tỷ lệ riêng biệt ở miền Đông Texas. Giá cả trên thị trường ổn định đã thuyết phục nhiều nhà sản xuất độc lập và các nhà chính trị ủng hộ ủy ban giới hạn phân bổ các mức cắt giảm năng lực khai thác trên mọi phương diện. Tháng 11, Thống đốc Sterling quyết định trao cho ủy ban một quyền lực cụ thể là thực thi những việc cần thiết để chống lại "sự lãng phí về mặt kinh tế". Ông kêu gọi một phiên họp đặc biệt về vấn đề luật pháp của bang và thông qua một dự luật cho phép phân chia thị trường theo tỷ lệ. Luật mới được thông qua vì mọi người đều nhận thấy ảnh hưởng to lớn của nguồn dự trữ ở miền Đông Texas đối với ngành dầu mỏ.

Quá trình cạnh tranh sản xuất diễn ra nhanh chóng, sự hỗn loạn sẽ làm giảm tốc độ tăng sản lượng. Luật mới và sự phân chia thị trường theo tỷ lệ sẽ có hiệu lực ở Texas. Tuy nhiên, bất chấp quyền hạn mới của Ủy ban đường sắt Texas nhằm kiểm soát sản lượng, thị trường dầu mỏ mùa xuân năm 1933 thật tệ, nhiều người cho rằng còn tệ hơn mùa hè năm 1931. Ủy ban này đã xác định hạn ngạch cho Đông Texas ở mức rất cao. Ngoài ra, có đến hàng trăm nghìn thùng dầu đã được sản xuất bất hợp pháp ngoài mức hạn ngạch cho phép. Tình trạng dư thừa này được gọi là "dầu nóng", một thuật ngữ lần đầu tiên được đưa ra ở vùng mỏ Đông Texas. Sự dư thừa khiến ngành dầu luôn trong tình trạng hỗn loạn. "Dầu nóng" được chuyển lậu ra ngoài Texas và từ các biên giới khác đổ vào Texas. Điều tương tự xảy ra ở Oklahoma, nơi cũng đang áp dụng việc phân chia theo tỷ lệ. Quy định sản xuất và "dầu nóng" một lần nữa khiến dầu Texas nằm ngoài tầm kiểm soát. Công ty Texas giảm mức giá được công bố từ 75 xu/thùng xuống 10 xu/thùng. Thị trường quá dư thừa đến mức một số "nhà sản xuất dầu nóng" đã gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường thậm chí với mức giá 2 xu/thùng. Để chấm dứt tình trạng này, ai đó đã bí mật phá hủy một số đường ống dẫn dầu. William Farish, Chủ tịch Humble, chán nản viết cho Walter Teagle, giá dầu thấp khiến các nhà sản xuất độc lập phải tin rằng lợi ích lâu dài của họ phải nằm trong khả năng kiểm soát sản xuất và sự thống nhất. Với mức giá 10 xu/thùng, ngành dầu nhận ra nó cần sự giúp đỡ từ bên ngoài. Chính quyền bang không đủ sức giúp đỡ ngành này và nó cần sự giúp đỡ của Washington.

Một số nhà sản xuất ở Texas khẩn cấp yêu cầu ngành dầu ở Texas phải được giám sát trong khoảng thời gian cấp bách. Họ nói rằng, không chỉ các nhà sản xuất độc lập phá sản mà toàn bộ ngành dầu mỏ ở đây sẽ sụp đổ. Chính sách kinh tế xã hội mới của Franklin Roosevelt xuất hiện rất đúng lúc. Roosevelt là nhà hoạt động chính trị sẵn sàng tiến hành chiến tranh chống lại cuộc suy thoái, cam kết tái sinh nền kinh tế và sẵn sàng chuẩn bị để can thiệp ở tất cả mọi nơi. Chính quyền liên bang nhiệt tình quan tâm đến những gì đang diễn ra ở Texas. Giá dầu quá thấp và chính quyền liên bang sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để cứu vớt giá dầu.

Nhà cải tổ

Roosevelt nhậm chức tổng thống ngày 4 tháng 3 năm 1933. Roosevelt đã bổ nhiệm Harold L. Ickes làm Bộ trưởng Nội vụ. Trong buổi gặp gỡ đầu tiên, một thành viên trong Nội các của Roosevelt mô tả: "Ickes – một người đàn ông lịch thiệp với dáng người tròn trịa, tóc vàng hoe, đeo kính". Ickes là một luật sư của Chicago − một nhân vật hàng đầu trong các hoạt động chính trị của Đảng Cộng hòa cấp tiến và Đảng Cấp tiến trong nhiều năm. Ông đã quản lý chiến dịch Chicago của Theodore Roosevelt năm 1912 và năm 1932. Ông là Chủ tịch Ủy ban phương Tây của Đảng Cấp tiến liên quốc cho Franklin Roosevelt. Ông được tặng thưởng vì đã giúp Roosevelt thắng cử tổng thống, ông hạ quyết tâm trở thành Bộ trưởng Nội vụ. Ông đã huy động các đảng viên hàng đầu của Đảng Cấp tiến tham gia chiến dịch vận động cho mình và đã giành được vị trí đó. Roosevelt sau này nói rằng ông thích dáng vẻ bề ngoài của Ickes. Ông cũng muốn có một đảng viên Đảng Cộng hòa cấp tiến với những phẩm chất của người phương Tây. Ông nhận thấy Ickes là một người có những tín ngưỡng tự do mạnh mẽ, tình cảm nồng nàn, ngòi bút sắc sảo, đầy hoài nghi, nhạy cảm với bất cứ thái độ coi thường nào (dù là thực tế hay trong tưởng tượng), sự tự trọng cao độ, sự hiến dâng vĩ đại vì bổn phận và một lương tâm đạo đức. Ickes được nuôi dạy trong một gia đình nghèo có người mẹ theo thuyết Calvin nghiêm khắc. Ickes là một cậu học trò xuất sắc ở trường phổ thông, có buổi giáo viên dạy tiếng Latinh bị ốm, cậu đã tiếp tục dạy những bài học của thầy.

dau mo tien bac va quyen luc ky 14
Harold L. Ickes trên bìa tạp chí TIME tháng 7- 1933

Trong thời kỳ Franklin Roosevelt làm tổng thống, Ickes từng đệ đơn xin từ chức nhưng không được chấp nhận. Tổng thống chỉ trả lời đơn giản: "Anh là người tôi cần… Đơn xin từ chức không được chấp nhận!". Là một luật sư trẻ tràn đầy sinh lực cải tổ, Ickes tham gia rất nhiều chiến dịch ở Chicago chống tham nhũng, độc quyền và sự bất công. Ông ủng hộ các quyền dân sự, ủng hộ các hiệp hội thương mại của phụ nữ và ngày làm việc 10 giờ. Thậm chí ông còn trở thành thư ký cho Hiệp hội các hành khách xe buýt, tàu hỏa, tham gia chiến dịch vận động cho giao thông công cộng. Ông cũng trở thành nhà quản lý chính trị có hiệu quả. Năm 1932, ông đã lựa chọn một người chiến thắng – Franklin Roosevelt.

Với tư cách Bộ trưởng Nội vụ của Roosevelt, dù luôn tận tụy hoàn thành nhiệm vụ, Ickes cũng rất hứng thú với việc tích lũy quyền lực và mong muốn trở thành một "người đàn ông mạnh mẽ" có thể nói "không". Ngoài tư cách Bộ trưởng Nội vụ, ông sẵn lòng đảm nhiệm vị trí nhà quản lý dầu mỏ và nắm giữ vị trí quan trọng trong chính sách kinh tế xã hội mới của Roosevelt với cương vị người quản lý các vấn đề công. Ickes tự mình thực hiện công việc quản lý phức tạp ở cả ba vị trí. Ickes hết sức lo ngại về tình trạng tham nhũng và những nghi ngờ đối với ngành dầu mỏ. Ông muốn phục hồi danh tiếng của Bộ Nội vụ. Ông muốn bảo đảm không xảy ra những vụ xì-căng-đan mới và hiện tượng gian lận, nên đã tự mình thành lập một bộ phận điều tra nội bộ. Tuy nhiên, chức vụ của ông luôn bị đe dọa bởi một vụ xì-căng-đan khác.

Cuộc hôn nhân của Ickes từ lâu đã trở nên cực kỳ tồi tệ và chẳng bao lâu sau khi được bổ nhiệm chức bộ trưởng, ông đã có quan hệ tình ái với một phụ nữ ít hơn mình nhiều tuổi. Ông cố gắng thu xếp việc làm trong Bộ Nội vụ cho người phụ nữ này ở Washington và cả công việc ở Midwest cho vị hôn phu của cô ta. Ít lâu sau khi nhậm chức, ông nhận được những bức thư nặc danh đe dọa tiết lộ câu chuyện tình của mình, thậm chí một số bức thư còn xuất hiện trên báo chí. Để tránh dư luận, Nhà Trắng đã can thiệp ở mức độ nào đó. Cuối cùng, nhóm điều tra của Ickes đã xác minh được tác giả của những bức thư đó chính là vị hôn phu của người phụ nữ kia. Câu chuyện tình lãng mạn chấm dứt năm 1934.

Năm sau, vợ của Ickes chết trong một vụ tai nạn ôtô. Ba năm sau đó, Ickes kết hôn với một phụ nữ kém ông 40 tuổi. Người này lại là em vợ của người con riêng của vợ ông. Ickes xin phép Roosevelt trước khi tái hôn. Tổng thống không quan tâm đến sự chênh lệch tuổi tác và nói: "Cha mẹ tôi cũng chênh lệch tuổi tác tương tự như thế ". Bị công kích ngay từ khi mới nhậm chức bằng những ý kiến liên quan đến việc kinh doanh dầu mỏ, Ickes nhanh chóng và tận mắt chứng kiến ngành dầu đang trong tình trạng "gai góc" đến mức nào.

Ngày 1 tháng 5 năm 1933, ông viết cho Roosevelt về nguy cơ "sụp đổ hoàn toàn" của ngành dầu. Thừa nhận mình không thể giải quyết được cuộc tranh luận gay gắt đang diễn ra giữa những nhà kinh doanh lớn và những người kinh doanh độc lập xung quanh việc giảm giá dầu, tình trạng sản xuất dư thừa và sự lãng phí, ông nói: "Chúng ta không biết rằng dầu đang được bán với giá 10 xu/thùng tại mỏ dầu ở miền Đông Texas. C

húng ta biết rằng tình trạng này không thể tiếp tục kéo dài vì sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc không chỉ đối với ngành dầu mà còn đối với đất nước". Bản thân ngành dầu mỏ cũng như các đại diện của các vùng đất có dầu mỏ đang than phiền về hành động của Washington. Thậm chí những người kinh doanh độc lập ủng hộ việc thiết lập hệ thống pháp luật nhằm "trao quyền lực cho Bộ trưởng Nội vụ".

Ngày 5 tháng 5 năm 1933, Ickes nhận được một bức điện khi đang đến dự cuộc họp Nội các. Giá dầu ở Đông Texas đã giảm thấp tới mức chỉ còn 4 xu/thùng. Cùng ngày, ông còn nhận được một bức điện khác của Thống đốc bang Texas cho biết "tình hình nằm ngoài khả năng kiểm soát của các chính quyền bang". Ba ngày sau, Ickes khuyến cáo "công việc kinh doanh dầu mỏ đã đổ bể và sẽ tiếp tục không đem lại điều gì", đồng thời nhấn mạnh, điều này sẽ "dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn ngành dầu mỏ".

Dự trữ dầu quốc gia cũng hao hụt đáng kể. Lúc này, Harold Ickes và chính sách kinh tế xã hội mới của ông đã và sẵn sàng can thiệp vào ngành dầu mỏ để cải thiện tình hình. Cuộc khủng hoảng ngành dầu mỏ ban đầu được giải quyết nhờ sự bảo hộ của National Industrial Recovery Act (Đạo luật phục hồi công nghiệp quốc gia) và National Recovery Administration (Cơ quan Phục hồi Quốc gia) được thành lập theo luật này. Cơ chế hợp tác giữa doanh nghiệp và chính phủ nhằm kích thích sự khôi phục kinh tế, giảm cạnh tranh, củng cố vị thế của người lao động và lên án luật chống độc quyền. Quyền kiểm soát vấn đề dầu mỏ cuối cùng không thuộc về Cơ quan Phục hồi Quốc gia, mà thuộc về Bộ Nội vụ, trong đó Harold Ickes vẫn nắm giữ quyền lực không thể phủ nhận được. Ickes cực kỳ hứng thú với cách mà một doanh nhân từng rất tự hào trong thời gian diễn ra cuộc Đại suy thoái đó là tìm kiếm sự giúp đỡ của chính quyền liên bang. Ông đã quan sát thấy "các doanh nhân đang bò đến Washington trong những ngày này để cầu xin Chính phủ điều hành hoạt động kinh doanh của mình". Thông qua các hoạt động chính trị, kinh nghiệm lẫn tính cách đều không làm cho Ickes thông cảm với công việc kinh doanh dầu mỏ nhưng nhiệm vụ của ông là tìm cách giải thoát và đấu tranh cho tương lai của ngành dầu mỏ. Theo ông, tiền góp vốn thực tế rất cao. Ông nói: "Không nghi ngờ gì về sự phụ thuộc hoàn toàn và tuyệt đối vào dầu mỏ. Chúng ta đã trải qua giai đoạn đồ đá, đồ đồng, đến đồ sắt, thời đại công nghiệp và bây giờ đến thời đại dầu mỏ. Nếu không có dầu mỏ, nền văn minh của nước Mỹ như chúng ta biết có thể không tồn tại".

Hành động của chính phủ

Ickes bắt đầu với vấn đề giá cả. Như ông thấy, giá dầu mỏ cũng giống như các hàng hóa khác, đang ở mức quá thấp. Giá nguyên liệu thô cần phải tăng lên để khôi phục sức mua cho nền kinh tế. Những người kinh doanh dầu mỏ cũng như các nhà sản xuất nguyên liệu thô khác đều không thể tiếp tục bán sản phẩm với giá thấp hơn chi phí sản xuất. Mức giá 10 xu/thùng sẽ góp phần kéo dài thời kỳ suy thoái. Để làm tăng giá dầu, cần phải kiểm soát sản xuất, Ickes phát động một chiến dịch chống lại "những người bơm dầu quá nóng". Ông nói: "Những người này xảo trá, ranh mãnh như loài vật".

Dầu mỏ rò rỉ, thất thoát nhiều không kể xiết. Năm 1933, ước tính dầu mỏ thất thoát khoảng 500.000 thùng dầu mỗi ngày. Lượng dầu lậu này được che đậy trong những thùng dầu phủ cỏ dại lên trên, vận chuyển cả bằng hệ thống đường ống dẫn bí mật, phức tạp và bằng xe tải, sau đó được lén lút vận chuyển qua biên giới của bang vào buổi đêm. Con đường vận chuyển dầu lậu được lát bằng tiền hối lộ và quà biếu. Vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi thực tế cho thấy giá cả ổn định chỉ tạo ra động lực thúc đẩy sản xuất dầu nóng nhiều hơn và ngay lập tức thị trường sẽ tràn ngập dầu và giá dầu lại giảm xuống.

"Dầu nóng" chính là nguyên nhân của sự yếu kém trong biện pháp phân chia và đã phá hủy tất cả nỗ lực ổn định giá. Để duy trì biện pháp phân chia theo tỷ lệ, phải có một cách thức nào đó để kiểm soát và ngăn chặn những nguy cơ có thể xảy ra. Vấn đề giờ đây không còn là vấn đề mà các bang Texas, Oklahoma, hay các bang khác có thể giải quyết. Chính quyền liên bang phải nắm vai trò điều tiết quá trình này. Nhưng dựa trên cơ sở nào? Câu trả lời liên quan đến việc điều tiết hoạt động thương mại giữa các tiểu bang.

Luật pháp đã trao cho tổng thống quyền lực rất lớn trong việc cấm đoán và ngăn chặn "dầu nóng" và một bang không được sản xuất dầu mỏ vượt quá mức được giao khi tham gia vào hoạt động thương mại giữa các tiểu bang. Bản thân Roosevelt đã cảm thấy kinh hoàng trước "tình trạng tồi tệ" của ngành dầu. Ngày 14 tháng 7 năm 1933, ông ký một sắc lệnh nhằm "ngăn chặn vận chuyển, buôn bán dầu mỏ hay bất cứ sản phẩm sản xuất trái pháp luật nào có xuất xứ từ dầu mỏ giữa các bang".

Ickes viết trong nhật ký của mình: "Tôi được trao quyền không chỉ đưa ra quy định mà còn cưỡng chế thi hành quy định". Ickes ngay lập tức cử các nhân viên điều tra của liên bang đến vùng mỏ ở Texas để xem xét quá trình lọc dầu, kiểm tra các máy đo dầu, các thùng dầu, thậm chí đào các ống dẫn dầu để đo lường tính chính xác những sản lượng đã cam kết. Ickes dốc sức hành động để bắt quả tang và khởi tố những kẻ tiêu thụ dầu nóng. Các quan chức của chính quyền liên bang gánh vác toàn bộ nỗ lực ngăn chặn nguồn dầu nóng. Luật dầu mỏ ra đời theo Đạo luật phục hồi công nghiệp quốc gia đã trao cho Ickes quyền lực lớn hơn để xác lập hạn ngạch hàng tháng đối với mỗi bang.

Vài năm trước đó, việc chính phủ can thiệp như vậy sẽ kích thích sự chống đối của các nhà kinh doanh dầu mỏ, nhưng giờ đây việc này được các nhà kinh doanh của ngành năng lượng hoan nghênh. Ickes có trách nhiệm và ông tự hào về điều đó. Ngày 2 tháng 9 năm 1933, với mục tiêu làm giảm sản lượng dầu trong nước 300.000 thùng mỗi ngày, Ickes đã gửi thông báo tới các thống đốc bang để cho họ biết hạn ngạch và mức sản lượng của mỗi bang. Việc làm này tạo nên sự thay đổi căn bản trong cách vận hành và điều tiết ngành dầu.

Thời kỳ sản xuất dư thừa đã kết thúc. Với biện pháp phân chia theo tỷ lệ, luật sở hữu đã sụp đổ. Một cách khác để khôi phục và ổn định giá là chính phủ ấn định giá thực tế. Những người chịu tác động xấu của sự sụt giá dầu mỏ ủng hộ mạnh mẽ việc ấn định giá của chính quyền liên bang. Năm 1933, một đại diện của Standard California đã nói: "Nếu các ngài không đưa ra những biện pháp điều chỉnh giá, các ngài có thể xây dựng những bộ luật từ nay cho đến ngày tận thế và các ngài sẽ chẳng giải quyết được việc gì cả".

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến phản đối. Một số người lo ngại rằng nếu chính phủ bắt đầu xác lập giá, ngành dầu mỏ sẽ trở thành một ngành phục vụ công cộng và lợi nhuận của ngành này cũng sẽ thay đổi. Ickes cũng rất quan tâm đến phương án xác lập giá. Nhưng trên thực tế, việc ấn định giá có thể mang lại kết quả trái ngược với mong đợi vì nó sẽ tạo ra một động cơ mạnh mẽ khuyến khích sản xuất dư thừa. Việc xác lập giá cũng có vẻ khó khăn hơn so với việc điều tiết sản xuất. Điều tiết sản xuất rõ ràng là biện pháp được ưa thích hơn. Bất chấp những nỗ lực để Washington trực tiếp đảm nhận nhiệm vụ điều tiết sản xuất thì công việc này được duy trì ở cấp độ bang, nhờ đó ít gây ra tranh cãi hơn.

Cuối năm 1934, cơ chế hợp tác mới giữa các bang và liên bang đạt được tiến bộ đáng kể. Tháng 12, một trong những sĩ quan phụ tá của Tổng thống Roosevelt đã thông báo với ông: "Chúng ta đang giải quyết tốt vấn đề sản xuất dư thừa ở Đông Texas". Nhưng tháng 1 năm 1935, Tòa án tối cao đã giáng cho cơ chế mới này một đòn chí mạng, làm giảm hiệu quả của Đạo luật phục hồi công nghiệp quốc gia vốn được ban hành nhằm ngăn chặn tình trạng dư thừa dầu và một cuộc khủng hoảng mới lại bắt đầu.

Nếu tình trạng dư thừa dầu mỏ không được kiểm soát thì toàn bộ hệ thống sẽ sụp đổ. Để ngăn chặn tình trạng khai thác lậu nguồn dầu hoặc sản xuất vượt mức cho phép, một luật mới nhanh chóng được dự thảo và thông qua. Luật này được gọi là Luật dư thừa dầu Connally, để tỏ lòng kính trọng với người đã đấu tranh cho nó, Thượng nghị sĩ Tom Connally ở Texas. Sau đó, tháng 6 năm 1935, Tòa án tối cao tiếp tục giáng một đòn thậm chí còn đau đớn hơn. Tòa án tối cao tuyên bố nhiều khoản mục của Đạo luật phục hồi công nghiệp quốc gia không hợp hiến. Cụ thể là nó không liên quan đến dầu mỏ. Tuy nhiên, sự vi phạm đối với Đạo luật phục hồi công nghiệp quốc gia, và nhiều vấn đề khác đã tước của Ickes quyền xác lập hạn ngạch bắt buộc cho các bang. Vào thời gian này, những quy định điều tiết ngành dầu mỏ đã được xác lập phù hợp và đi đến một sự đồng thuận giữa liên bang và các bang sau sự sụp đổ của Đạo luật phục hồi công nghiệp quốc gia. Hệ thống quy định vẫn liên quan đến sự hợp tác giữa liên bang và các bang. Luật dư thừa dầu Connally cho phép cảnh sát có quyền hạn chế dầu mỏ lậu. Ngoài ra, chính quyền liên bang mà cụ thể là Cục Khai thác mỏ ước tính lượng cầu trong giai đoạn sắp tới để "phân bổ" cho mỗi bang một tỷ lệ trong lượng cầu đó. Đó là một loại "hạn ngạch" không chính thức nhưng có tính chất tự nguyện.

Vì Đạo luật phục hồi công nghiệp quốc gia không còn hiệu lực, các bang không nhất thiết phải chấp nhận định mức đó. Để chứng tỏ sự độc lập của mình, Ủy ban đường sắt Texas đã trở nên chuyên nghiệp hơn, đủ khả năng về mặt kỹ thuật, đôi khi vượt quá "hạn ngạch" của Texas một chút. Nhưng về cơ bản, các bang chấp nhận những định mức mà liên bang quy định cho họ, thậm chí cho dù các mức sản lượng đó không có tính bắt buộc. Tuy một bang có thể sản xuất vượt hạn ngạch rất nhiều, nhưng để làm như vậy họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ chính quyền liên bang và các bang khác sẽ trả đũa và nguy cơ các bang khác cũng sản xuất quá nhiều. Điều này sẽ lại dẫn đến tình trạng dư thừa và giảm giá khác. Vì vậy, về cơ bản, mỗi bang phải chấp nhận và hoạt động dựa trên mức hạn ngạch mà chính quyền liên bang đưa ra cho họ, từ đó thúc đẩy phân chia sản lượng theo tỷ lệ nhằm đáp ứng tỷ trọng cầu dự kiến.

Ký ức về thời kỳ 10 xu/thùng vẫn không phai nhạt đối với cả các nhà sản xuất dầu mỏ và chính quyền các bang phụ thuộc chủ yếu vào doanh thu từ dầu mỏ. Vai trò của các bang tiếp tục được chính thức hóa năm 1935 với sự ra đời của Hiệp hội dầu mỏ của các tiểu bang. Sự ra đời của hiệp hội này gây ra một cuộc chiến lớn giữa Oklahoma và Texas. Oklahoma muốn thành lập một bộ máy nào đó tương tự như một các-ten và bộ máy đó có quyền phân bổ định mức của Cục Khai thác mỏ đối với nhu cầu dầu mỏ của mỗi bang và có quyền cưỡng chế thực hiện mức hạn ngạch. Texas kiên quyết chống lại một hình thức các-ten như vậy.

Texas không muốn mất quyền tự chủ của mình. Texas đã thắng và Hiệp hội dầu mỏ của các tiểu bang đã ra đời. Mặc dù không được như mong đợi của một số người, hiệp hội này vẫn tạo ra một diễn đàn để các bang trao đổi thông tin và các kế hoạch, hoàn thiện pháp luật, điều phối việc phân chia theo tỷ lệ và bảo đảm sản lượng. Ngoài ra, còn có một loại thuế quan mới được ra đời nhằm kiểm soát dòng chảy của dầu mỏ từ nước ngoài. Nguồn dầu nhập khẩu giá rẻ sẽ tràn ngập thị trường Mỹ và vô hiệu hóa bất cứ biện pháp hạn chế nào đối với sản xuất trong nước, tạo ra một luồng "dầu nóng" thứ hai, bên ngoài hệ thống điều tiết.

Mặc dù năm 1930, việc đưa thêm khoản thuế dầu mỏ vào Luật Smoot-Hawley thất bại, khoản thuế mới tiếp tục được ủng hộ công khai. Năm 1931, các công ty nhập khẩu dầu mỏ lớn đã tự nguyện đồng ý giảm khối lượng nhập khẩu nhằm tránh những cuộc tấn công từ phía các nhà sản xuất độc lập luôn thích đổ lỗi cho các nhà sản xuất lớn. Nguồn dầu từ nước ngoài tràn vào trong nước là nguyên nhân làm giá dầu giảm mạnh, chứ không phải là do chính họ và thói quen sản xuất dầu quá nhiều. Song những biện pháp hạn chế tự nguyện đối với dầu nhập khẩu như người Mỹ mong đợi đã thất bại.

Năm 1932, Quốc hội thông qua một loại thuế quan và ký thành luật. Một khoản thuế 21 xu/thùng đánh vào dầu thô và dầu nhiên liệu. Giữa thời kỳ Suy thoái, đó là nguồn thu nhập tốt của chính phủ. Khoản thuế này được đưa ra kịp thời nhằm tạo nên một rào cản đối với nguồn dầu nhập khẩu từ nước ngoài. Một rào cản như vậy rất cần thiết khi hệ thống phân chia theo tỷ lệ mới đi vào hoạt động. Khoản thuế này được ủng hộ bởi một "thỏa thuận tự nguyện" về khối lượng nhập khẩu năm 1933 giữa Ickes và các công ty nhập khẩu dầu chính.

Cuối những năm 1920 và đầu những năm 1930, lượng nhập khẩu dầu mỏ tương đương từ 9 đến 12% nhu cầu trong nước. Sau khi khoản thuế này được thông qua, lượng nhập khẩu dầu đã giảm xuống mức tương đương 5% nhu cầu trong nước. Quốc gia chịu đòn mạnh nhất là Venezuela. Venezuela cung cấp hơn một nửa khối lượng nhập khẩu dầu thô cho Mỹ. Lượng dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ chiếm tới 55% tổng sản lượng dầu của Venezuela.

Nền công nghiệp của Venezuela phát triển mạnh mẽ vào những năm 1920 và giờ đây bị suy sụp nghiêm trọng. Những người kinh doanh dầu mỏ xa xứ và gia đình họ đã lên tàu trở về nhà. Trong khi đó, các công ty hoạt động ở Venezuela vội vàng chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Venezuela đã thay thế Mỹ trở thành nhà cung cấp lớn nhất của châu Âu. Giữa những năm 1930, Venezuela đạt được mức sản lượng cao như trước đây. Nhưng đối với ngành dầu của Mỹ, khoản thuế này đã tạo ra rào cản hậu thuẫn những rào cản khác trong hệ thống điều tiết được đưa ra sau này.

Sự ổn định

Nếu một hệ thống điều tiết nào đó có vẻ hợp lý được thực thi thì những hoàn cảnh xuất hiện trong hệ thống đó sẽ là rất kinh khủng có thể gây rối loạn. Những cuộc tranh luận gay gắt xung quanh hệ thống đó đã nổ ra. Miền Đông Texas và mức giá 10 xu/thùng gây sốc cho ngành dầu mỏ và các bang sản xuất dầu mỏ phải thay đổi theo hướng này. Bản chất của tình trạng này bắt nguồn từ những tiến bộ công nghệ và thuận lợi, và là động lực của việc sản xuất dầu mỏ quy mô lớn từ giữa những năm 1920.

Nhưng cũng phải cần đến cuộc Đại suy thoái và chính sách kinh tế xã hội mới thúc đẩy quá trình này. Hệ thống điều tiết do liên minh các nhà kinh doanh dầu mỏ ở Texas và Oklahoma, các nhà chính trị được bảo trợ ở Austin và thành phố Oklahoma cùng với Ickes và những người tự do theo quan điểm chính sách kinh tế mới ở Washington xây dựng. Bất chấp sự hoài nghi vốn có, họ đã làm việc cùng nhau để mang lại sự ổn định cho một ngành công nghiệp đang có xu hướng bùng nổ và phát triển mạnh do những phát hiện mới về các mỏ dầu và phương thức khai thác truyền thống đối với các nguồn dự trữ mới được phát hiện.

Chủ tịch Ủy ban đường sắt Texas đã tự hào viết cho Roosevelt năm 1937: "Chính quyền liên bang và các bang sản xuất dầu phối hợp và hợp tác toàn diện vào thời điểm hiện tại nhằm bảo toàn nguồn tài nguyên thiên nhiên". Hệ thống điều tiết đã tạo nên cơ sở nền tảng vững chắc. Một cuốn sách về sản xuất đã viết về hệ thống này, những gì tạo nên "quyền sở hữu" đối với các nguồn dự trữ dầu mỏ. Hệ thống này mang đến một phương pháp tiếp cận mới đối với sản xuất, về mặt kỹ thuật cũng như về mặt pháp luật và kinh tế, tạo nên một xu hướng mới cho ngành dầu ở Mỹ. Nhiều năm sau đó, những người hoạt động trên quy mô lớn hơn hiểu hệ thống này như một mô hình thúc đẩy.

Hai giả thiết cơ sở là trọng tâm của hệ thống này. Giả thiết thứ nhất là cầu về dầu mỏ sẽ không phản ứng với những dao động của giá. Điều này có nghĩa là nếu dầu được bán với giá 10 xu/thùng không có nghĩa là cầu lớn hơn nhiều so với dầu được bán với giá 1 đô‑la/thùng. Giả thiết thứ hai là mỗi bang có một thị phần "tự nhiên". Nếu các thị phần đó thay đổi mạnh, toàn bộ hệ thống có thể bị đe dọa. Đó chính xác là những điều đã xảy ra cuối những năm 1930, khi những mỏ dầu mới được phát hiện ở Illinois, biến Illinois trở thành vùng sản xuất dầu lớn nhất đất nước. Vì là nhà sản xuất mới, Illinois không thuộc Hiệp hội dầu mỏ của các tiểu bang. Bang này tiến vào thị trường và làm theo cách thức riêng để có được thị phần. Sản lượng của Texas và Oklahoma giảm đáng kể để dầu thô của Illinois thâm nhập thị trường, tuy nhiên họ không vui về điều này. Texas tuyên bố từ bỏ biện pháp phân chia theo tỷ lệ và làm theo cách riêng. Tuy nhiên, hiệp hội này đã đứng vững ngay cả trước sự tấn công dữ dội của nguồn dầu mới từ Texas. Chính phủ không ấn định giá cả theo hệ thống này. Những người ủng hộ dù ở Austin hay Washington vẫn khăng khăng giữ vững quan điểm này. Tuy nhiên, việc xác lập định mức sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường khiến giá dầu trở nên ổn định. Từ năm 1934 đến năm 1940, giá dầu bình quân ở Mỹ chỉ dao động từ 1 đô-la đến 1,18 đô-la/thùng. Khẩu hiệu chung "Một đô-la cho mỗi thùng dầu" đầy ma thuật đã được thừa nhận. Hiệp hội này đã hoạt động và ngăn chặn được tình trạng dư thừa dầu mỏ. Trong quá trình này, quy trình quản lý tình trạng dư thừa dầu và mối quan hệ giữa các công ty dầu với chính phủ đã thay đổi vĩnh viễn.

Còn tiếp

Nam Hà (giới thiệu)

Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 7)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 7)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 8)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 8)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 9)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 9)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 10)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 10)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 11)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 11)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 12)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 12)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 13)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 13)