Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 10)
PHẦN II: CUỘC VẬT LỘN TOÀN CẦU
CHƯƠNG 9: HUYẾT MẠCH CỦA CHIẾN THẮNG: CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ I
Đó là một cuộc chiến mà người ta nghĩ rằng sẽ nhanh chóng chấm dứt, chỉ trong vài tuần, hay nhiều nhất là vài tháng. Nhưng thực tế là nó bị nhấn chìm trong bế tắc và kéo dài nặng nề. Tất cả những phát minh máy móc tiên tiến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đều được ứng dụng trong cuộc xung đột này. Và khi cuộc chiến đã qua, người ta cố gắng tìm hiểu tại sao cuộc chiến này diễn ra và nó nói lên điều gì. Nhiều nguyên nhân đã được đưa ra – từ sự sai lầm ngớ ngẩn, sự ngạo mạn, và ngu ngốc, tới những căng thẳng tích tụ giữa các kình địch trên thế giới và xã hội công nghiệp.
Cuộc chiến này cũng có nhiều nguyên nhân: sự sùng bái muôn thuở của chủ nghĩa dân tộc; sự xơ cứng của các đế quốc Áo - Hung, Nga, và Thổ Nhĩ Kỳ; sự sụp đổ của cán cân quyền lực truyền thống; những tham vọng và bất ổn của đế quốc Đức mới nổi lên. Cuộc Đại chiến này là một thảm họa đối với cả người chiến thắng cũng như kẻ chiến bại. Ước tính có 13 triệu người chết, hàng triệu người bị thương và mất nhà cửa.
Đó cũng là một thảm họa với chế độ chính trị của nhiều quốc gia châu Âu và đối với nền kinh tế của tất cả các nước tham chiến. Một sử gia vĩ đại của thế kỷ XX đã gọi cuộc chiến tranh này là "ngọn nguồn chứa đựng mọi nỗi bất bình của con người". Đó là một cuộc chiến giữa con người và máy móc − và những máy móc này hoạt động nhờ dầu mỏ – một cuộc chiến vượt ra ngoài dự đoán của Đô đốc Fisher và Winston Churchill cũng như bất cứ nhà lãnh đạo nào khác. Vì, trong suốt Chiến tranh thế giới thứ nhất, dầu mỏ và động cơ đốt trong đã làm thay đổi mọi khía cạnh của cuộc chiến tranh, kể cả trên mặt đất, trên biển và trên không. Trong những thập kỷ trước, chiến tranh trên mặt đất phụ thuộc vào hệ thống đường sắt thiếu linh hoạt để chuyển quân và trang thiết bị, ví dụ như cuộc chiến 1870-1871 giữa Pháp và Phổ.
Từ ga đầu mối, sự di chuyển của các đội quân bị giới hạn bởi sức chịu đựng của thể chất, và khả năng của cơ bắp, đôi chân. Có thể mang được bao nhiêu, bao xa và nhanh như thế nào? Tất cả sẽ thay đổi với việc đưa động cơ đốt trong vào cuộc chiến. Quy mô của sự chuyển biến này vượt xa suy nghĩ của các nhà chiến lược. Ngựa vẫn là cơ sở trong việc lập kế hoạch khi chiến tranh bùng nổ - một con ngựa có thể thay thế ba người lính. Hơn nữa, việc dựa vào ngựa làm vấn đề tiếp tế rất nhiều phức tạp thêm, vì ngựa đòi hỏi lượng thức ăn nhiều gấp 10 lần người. Khi chiến tranh bùng nổ, trong trận đánh đầu tiên của mình, viên tướng Đức là Marne đã chửi rủa vì không có nổi một con ngựa tử tế nên ông phải tự lê bước trên chiến trường.
Cuối cuộc chiến, khi nguồn lực của các quốc gia tham chiến sẽ suy yếu thì động cơ chạy bằng dầu một mặt sẽ đơn giản hóa vấn đề di chuyển và cung cấp lương thực, mặt khác làm tăng sức chiến đấu gấp nhiều lần. Khởi đầu với những cuộc chiến trên đất liền, vai trò của dầu lửa dường như không mấy quan trọng. Tin vào sự ưu việt của sắt thép, than đá và một hệ thống đường sắt tốt hơn, Bộ Tham mưu quân sự Đức cho rằng mặt trận ở phía Tây sẽ nhanh chóng kết thúc. Trong suốt tháng đầu tiên khởi chiến, quân đội Đức gấp rút tiến công theo kế hoạch đã định. Đầu tháng 9 năm 1914, một phòng tuyến trải dài 125 dặm, từ phía đông nam Paris đến Verdun và nối liền với phòng tuyến khác đến dãy núi Alps đã vây quanh hai triệu con người đang chiến đấu. Cánh phải của quân Đức chỉ cách Paris 40 dặm và đang hướng thẳng đến thành phố Ánh sáng. Nhưng vào giây phút quyết định, động cơ đốt trong đã thể hiện tầm quan trọng chiến lược của nó theo một cách hoàn toàn ngoài dự tính.
Taxi Armada
Chính phủ Pháp, cùng với một trăm nghìn dân, đã rời khỏi Paris. Sự sụp đổ của thủ đô Paris dường như sắp diễn ra, và có vẻ như Pháp có thể phải sớm chiến đấu từ Bordeaux. Tướng Joseph Césaire Joffre, Tổng tư lệnh quân đội Pháp, đã cân nhắc việc ra lệnh cho binh lính lùi lại phía sau xuống phía nam và phía đông, bỏ lại một Paris hầu như không được bảo vệ. Nhưng tư lệnh quân sự ở Paris là tướng Joseph Gallieni lại có ý kiến khác. Việc trinh sát trên không thuyết phục ông rằng đang có cơ hội va chạm với các toán quân của Đức và ngăn họ tiến sâu thêm. Ông cố gắng thuyết phục quân đội Anh giúp đỡ nhưng không có kết quả. Họ không mấy chú ý đến ông ta. Vị tướng cao tuổi này, với bộ râu bờm xờm và đi đôi giày có cúc đen, xà cạp vàng, và bộ quân phục không vừa người, hầu như không giống hình ảnh của một sĩ quan bóng bẩy. Một viên chỉ huy người Anh nói rằng: "Người ta sẽ không thấy sĩ quan người Anh nào nói chuyện với một kẻ khôi hài như vậy".
Nhưng trong một cuộc trò chuyện điện thoại đêm ngày 4 tháng 9 – mà sau này Gallieni đã gọi là "cú điện thoại đột ngột" – cuối cùng ông đã thuyết phục tướng Joffre tiến hành một cuộc phản công. Ngày 6 tháng 9 năm 1914, băng qua những cánh rừng và cánh đồng lúa chín, dưới sức nóng như thiêu đốt, Pháp bất ngờ phản công và giành được chiến thắng ban đầu. Nhưng sau đó Đức tăng cường thêm quân. Lúc này, Pháp tự thấy mình đang ở tình thế thật sự hiểm nghèo. Những đội quân tiếp viện được tuyển mộ gấp rút đang ở đâu đó xung quanh Paris, nhưng dường như không có cách nào đưa họ ra mặt trận. Họ chắc chắn không thể di chuyển bằng đường sắt, hệ thống đường sắt của Pháp đã bị phá hủy. Nếu đi bộ, họ sẽ không bao giờ đến kịp. Và cần có nhiều người hơn so với số lượng người có thể di chuyển bằng số phương tiện quân sự ít ỏi sẵn có. Liệu có thể làm điều gì khác không? Tướng Gallieni không đầu hàng. Dường như ông xuất hiện ở mọi nơi trong Paris, trong bộ quân phục rộng lùng thùng, xộc xệch, để tổ chức và củng cố lực lượng.
Mặc dù diện mạo xấu xí, song Gallieni không phải là một diễn viên hài. Ông là một thiên tài quân sự và rất giỏi ứng biến. Ông là người đầu tiên hiểu được khả năng vận chuyển bằng ôtô trong tình trạng khẩn cấp của chiến tranh. Vài ngày trước đó, ông ra lệnh thành lập một đội vận tải để dự phòng trường hợp thành phố phải di tản. Đội vận tải gồm có một số xe taxi của Paris. Nhưng khi đó, trong ngày 6 tháng 9 này, Gallieni thấy rõ, lượng dự trữ xe taxi hiện tại quá nhỏ. Lúc 8 giờ tối, từ sở chỉ huy ở trường trung học nằm trên đại lộ Invalides, Gallieni quyết định trưng dụng tất cả 3.000 taxi của Paris để đưa hàng nghìn quân lính ra mặt trận. Nhận được lệnh trưng dụng, cảnh sát và binh lính lập tức chặn xe taxi, lệnh cho các xe này phải trả khách ngay tại chỗ, và chỉ đạo họ lái tới Invalides. "Chúng tôi sẽ được thanh toán thế nào?", một tài xế taxi hỏi viên trung uý đã kéo anh ta xuống, "Theo kilômét hay theo mức giá cố định?". "Theo kilômét", viên trung uý trả lời. "Được, thế thì đi nào", người tài xế trả lời.
Vào lúc 10 giờ tối, chỉ trong hai giờ sau khi Gallieni ra lệnh trưng dụng taxi, rất nhiều xe taxi đã được dồn về Invalides. Nhóm đầu tiên bắt đầu lên đường trong đêm tối để tới Tremblay-les-Gonesse, một thị trấn nhỏ phía tây bắc Paris. Sáng hôm sau, đội taxi thứ hai lại được tập trung tại Invalides. Khi đêm xuống, những chiếc xe taxi chở đầy binh lính lại bắt đầu khởi hành. Hàng nghìn quân đổ về một điểm trọng yếu ở mặt trận những chiếc taxi Gallieni trưng dụng. Điều này tạo ra một chuyển biến lớn. Phòng tuyến của Pháp được củng cố và tăng cường bằng một đội quân đầy sinh lực vào lúc bình minh ngày 8 tháng 9. Ngày 9 tháng 9, quân Đức thất thế và bắt đầu rút lui.
"Mọi việc trở nên tồi tệ, những trận đánh ở phía đông Paris sẽ không kết thúc có lợi cho chúng ta", tướng Moltke đã viết thư cho vợ khi quân đội Đức chao đảo. "Chiến dịch của chúng ta đã hoàn toàn đổ vỡ… Cuộc chiến tranh đã bắt đầu với những triển vọng tốt đẹp, nhưng hiện giờ lại mang đến cho chúng ta kết cục thảm hại". Những người lái taxi, đói và mệt mỏi sau hai ngày không ngủ, đã quay trở lại Paris, tại đó họ được trả tiền xe và bị đám đông tò mò vây quanh. Họ đã cứu Paris. Dưới sự chỉ đạo tài tình của tướng Gallieni, họ đã chứng tỏ việc vận chuyển bằng ôtô sẽ có ý nghĩa thế nào trong tương lai. Sau đó, một thành phố đã đặt tên lại con đường rộng lớn, vắt ngang khoảng đất giữa thành luỹ và thành phố Invalides là đại lộ Maréchal Gallieni.
Động cơ đốt trong trong chiến tranh
Đợt phản công của Pháp ngày 6 tháng 9 năm 1914, kết hợp với cuộc tấn công của Anh cũng vào thời gian này, có ý nghĩa quyết định. Nó đã làm thay đổi hoàn toàn tình thế của cuộc chiến. Trước đây, hai phe đối lập đã đào hầm ở cả hai phía và trú ẩn ở đó để tiến hành một cuộc chiến tranh kéo dài, đẫm máu và tiêu hao sinh lực trong thế phòng thủ. Đúng vậy, trong hơn hai năm, các phòng tuyến ở mặt trận phía tây đều không bị dịch chuyển quá 10 dặm. Súng máy được đưa vào ứng dụng rộng rãi, kết hợp với đường hầm và hàng rào dây thép gai, hỗ trợ việc phòng thủ và giúp quân đội tránh rơi vào thế bế tắc. "Tôi không biết họ đã làm những gì", viên tướng bại trận Kitchener, Bộ trưởng Chiến tranh của Anh đã nói, "Nhưng đó không phải là một cuộc chiến". Cách hiển nhiên duy nhất để phá vỡ thế bế tắc của cuộc chiến dựa vào một số cải tiến cơ khí cho phép binh lính di chuyển trên chiến trường linh hoạt và an toàn hơn.
Theo nhà lịch sử quân sự Basil Liddell Hart, cần phải có "một phương thuốc cụ thể cho một căn bệnh cụ thể". Người "chẩn đoán bệnh và tìm ra phương thuốc" là đại tá người Anh, Ernest Swinton. Nhờ công trình nghiên cứu trước đó của ông về cuộc chiến tranh Nga − Nhật, Earnest Swinton đã thấy trước tác động tiềm ẩn của súng máy. Ông cũng rất quan tâm đến những thí nghiệm quân sự với máy kéo nông nghiệp – khi đó mới được phát triển ở Mỹ. Được phái đến Pháp tham gia tác chiến tại tổng hành dinh, vào thời gian đầu chiến tranh ông đã xem xét đồng thời cả hai vấn đề và tìm được giải pháp – một phương tiện bằng sắt chạy bằng động cơ đốt trong và di chuyển nhờ sức kéo, chịu được súng máy. Tuy nhiên, từ ý tưởng đến thực tế lại không hề đơn giản. Những người trong bộ chỉ huy quân đội Anh không coi trọng ý tưởng này và kiên quyết phản đối nó. Nếu không được W. Churchill bênh vực, chắc ý tưởng này đã bị gạt bỏ. Vị Bộ trưởng Hải quân đánh giá cao những cải tiến quân sự.
Tháng 1 năm 1915, ông nói với thủ tướng: "Cuộc chiến tranh hiện tại đã cách mạng hóa tất cả những lý thuyết quân sự về lĩnh vực hỏa lực". Bất chấp sự phản đối của quân đội, Churchill đã trích một khoản ngân sách hải quân để tiếp tục tiến hành những nghiên cứu cần thiết nhằm phát triển phương tiện mới. Do được lực lượng hải quân bảo trợ nên thiết bị mới này được coi là "tàu tuần dương trên mặt đất" hay "con tàu trên mặt đất". Churchill đã gọi nó là "xe dây xích".
Để bảo đảm bí mật, nó cần một biệt hiệu trong quá trình thử nghiệm và vận chuyển, và mang những cái tên khác nhau – trong số đó, cách gọi "bể chứa" hay "hồ chứa" được xem xét. Nhưng cuối cùng, nó lại được biết đến với một biệt hiệu khác – "xe tăng". Những chiếc xe tăng còn rất thô sơ được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1916 trong trận chiến Somme. Nó đóng vai trò quan trọng hơn vào tháng 11 năm 1917 tại Cambrai. Nhưng xe tăng có ảnh hưởng quyết định nhất trong trận chiến Amiens ngày 8 tháng 8 năm 1918, khi một đoàn gồm 456 chiếc xe tăng cắt ngang phòng tuyến của Đức, khiến tướng Enrich Ludendorff, viên phó của Tư lệnh tối cao Paul von Hindenburg, sau này đã gọi là "ngày đen tối của quân đội Đức trong lịch sử chiến tranh". "Ưu thế của phòng thủ" đã chấm dứt.
Khi Bộ Tư lệnh tối cao Đức tuyên bố vào tháng 10 năm 1918 rằng họ không thể chiến thắng, thì nguyên nhân đầu tiên là sự tham gia của những chiếc xe tăng. Một nguyên nhân khác là việc tăng cường sử dụng ôtô và xe chở hàng (hay còn gọi là xe tải). Lợi thế của người Đức trong thời kỳ đầu nhờ vận tải bằng đường sắt đã bị các nước Đồng minh giành được bằng ôtô và xe tải. Lực lượng viễn chinh Anh đã đến Pháp vào tháng 8 năm 1914 chỉ có vẻn vẹn 827 xe ôtô – 747 chiếc trong số đó được trưng dụng – và chỉ có 15 xe môtô. Những tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh, các phương tiện vận chuyển của quân đội Anh gồm có 56.000 xe tải, 23.000 xe ôtô, 34.000 xe môtô và xe gắn máy. Ngoài ra, Mỹ – nước tham chiến tháng 4 năm 1917 – cũng mang đến nước Pháp 23.000 phương tiện vận chuyển chạy bằng xăng. Tất cả các phương tiện này giúp việc di chuyển binh lính và quân nhu cơ động và nhanh chóng hơn – một khả năng có ý nghĩa quyết định trong nhiều trận đánh. Sau chiến tranh, người ta đã rất có lý khi nói rằng, theo cách hiểu nào đó, chiến thắng của quân Đồng minh đối với Đức là chiến thắng của xe tải đối với đầu máy xe lửa.
Xe tăng của Anh năm 1916 |
Không chiến và hải chiến
Động cơ đốt trong còn phát huy tác dụng mạnh mẽ hơn trên một vũ đài mới của chiến tranh – đó là không chiến. Anh em nhà Wright phát minh ra chiếc máy bay đầu tiên tại Kitty Hawk năm 1903. Nhưng cho đến khi người Italia sử dụng máy bay trong cuộc chiến tranh chống Thổ ở Tripoli năm 1911-1912, quan điểm thông thường của giới quân sự về máy bay đã được tướng Pháp Ferdinand Foch – một người bác bỏ ưu thế của hàng không – đúc kết là "một môn thể thao hay ho, nhưng vô ích với quân đội". Khi chiến tranh bùng nổ năm 1914, "ngành thương mại này", cách quân đội Anh gọi ngành hàng không, chỉ có vẻn vẹn một nghìn người, nhưng đến tháng 1 năm 1915, năm tháng sau đó, ngành hàng không Anh đã cố gắng thiết kế 250 chiếc máy bay – trong đó 60 chiếc đang trong quá trình thử nghiệm. Tuy vậy, máy bay ngay lập tức được đưa vào sử dụng trong lĩnh vực dịch vụ quân sự, và nhanh chóng khẳng định ưu thế.
"Khi chiến tranh bất ngờ nổ ra", một tác giả viết về lĩnh vực hàng không đầu năm 1915 nhận xét rằng, "máy bay đã làm được những điều đáng kinh ngạc, thậm chí những người kém tưởng tượng nhất cũng bắt đầu nhận ra nó đủ sức chuyên chở một lực lượng lớn cần thiết cho các hoạt động của hải quân và các hoạt động quân sự. Thậm chí, nó có thể trở thành một phương tiện vận chuyển phổ biến khi chiến tranh kết thúc". Sự phát triển của sức mạnh trên không đòi hỏi phải củng cố nhanh chóng cơ sở hạ tầng; ngành công nghiệp ôtô đã tạo ra nền tảng quan trọng, đặc biệt là đối với các động cơ. Khi chiến tranh tiếp tục kéo dài, ngành hàng không phát triển nhanh chóng.
Đến tháng 7 năm 1915, tất cả những máy bay được đưa vào sử dụng chưa đầy một năm trước đó đã trở nên lỗi thời. Ứng dụng có ý nghĩa quan trọng đầu tiên của hàng không trong chiến tranh là do thám và quan sát. Trong những trận không chiến đầu tiên, các phi công sử dụng súng trường và súng ngắn. Sau đó, súng máy được lắp vào máy bay thăm dò và các máy móc mới được phát triển nhằm làm cho việc bắn phù hợp với vòng quay của các cánh quạt, sao cho phi công không vô tình bắn vào các cánh quạt. Nhờ vậy, máy bay chiến đấu đã ra đời. Năm 1916, các máy bay do thám, và máy bay chiến đấu đã được phát triển. Việc ném bom chiến thuật – kết hợp với đánh trận của bộ binh – được đưa vào ứng dụng, và được người Anh sử dụng vừa nhằm tiêu diệt quân Thổ, vừa nhằm ngăn chặn sự tấn công ồ ạt khi quân Đức cắt ngang mặt trận nước Anh vào tháng 3 năm 1918.
Quân Đức đã dẫn đầu trong việc ném bom chiến lược, trực tiếp tham gia các cuộc tấn công chống lại nước Anh, nhờ khí cầu và nhờ những trái bom, nên đã tiếp cận được quần đảo Anh trong "Trận chiến đầu tiên với người Anh". Trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh, người Anh đã đáp lại bằng những cuộc tấn công trên không nhằm vào các mục tiêu trong phạm vi nước Đức. Chiến tranh không ngừng thúc đẩy tốc độ cải tiến. Trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh, tốc độ của loại máy bay tiên tiến nhất đã tăng gấp đôi, lên tới hơn 120 dặm một giờ, và chúng hoạt động ở độ cao tối đa gần 8.000 mét. Số lượng máy bay được sản xuất cũng thể hiện sự phát triển nhanh chóng. Trong thời gian chiến tranh, nước Anh sản xuất 55.000 máy bay, Pháp 68.000, Italia 20.000 và Đức 48.000. Trong vòng một năm rưỡi chiến tranh, Mỹ đã sản xuất 15.000 máy bay. Thực tế đã chứng tỏ sự hữu ích của máy bay – một phương tiện mà trước chiến tranh đã bị bác bỏ và chỉ được coi là "môn thể thao hay ho". Những điều mà viên Tư lệnh Không quân Anh đã nói về lực lượng Không quân Hoàng gia Anh có thể đúng với các lực lượng không quân khác: "Nhu cầu của chiến tranh đã tạo ra nó chỉ trong thời gian ngắn ngủi". Ngược lại, cuộc cạnh tranh của hải quân trước chiến tranh, làm mối quan hệ giữa Anh và Đức trở nên trầm trọng hơn, tạo ra một tình thế bế tắc.
Khi chiến tranh bùng nổ, hạm đội của Anh tỏ ra ưu việt hơn hạm đội của Đức. Trong trận đánh tại quần đảo Falkland tháng 12 năm 1914, Hải quân Hoàng gia Anh đã đánh bại đội tàu chiến của Đức, và chiến thắng đó phá hủy con đường tiếp cận các trung tâm thương mại trên thế giới của Đức. Tuy nhiên, bất chấp vai trò trung tâm của hải quân trong việc đưa hai quốc gia tham chiến, hạm đội lớn của Anh và Đức chỉ gặp nhau một lần trong một trận đánh lớn – trận Jutland ngày 31 tháng 5 năm 1916. Kết quả của trận đánh huyền thoại này vẫn còn gây tranh luận cho đến tận ngày nay. Hạm đội của Đức đã chiến thắng về mặt chiến thuật, thành công khi thoát khỏi sự bao vây của kẻ thù. Nhưng, về mặt chiến lược, người Anh đã chiến thắng, vì họ có thể chi phối Biển Bắc trong suốt thời gian còn lại của cuộc chiến và giữ hạm đội Đức chôn chân trong nước. Các sự kiện đó đã chứng tỏ về tổng thể Churchill và Fisher đã đúng khi thúc đẩy hải quân Anh chuyển sang sử dụng dầu vì nó đã tạo cho hạm đội của Anh mọi thuận lợi – phạm vi lớn hơn, tốc độ cao hơn và tiếp nhiên liệu nhanh hơn. Hạm đội của Đức chủ yếu sử dụng than đá; và không có các trạm bên ngoài nước Đức để tiếp tế, nên phạm vi và sự linh hoạt bị hạn chế hơn. Thực tế, việc dựa dẫm vào than đá đã khiến hạm đội Đức thất bại. Nhưng khi đó, người Đức không rơi vào tình thế giống như người Anh – có thể chơi một ván bài với sự tính toán dựa vào khả năng của mình nhằm bảo đảm tiếp cận dầu mỏ trong suốt chiến tranh.
Công ty Anh-Ba Tư đối chọi với Shell
Việc người Anh nắm giữ cổ phần trong Công ty Anh-Ba Tư được tiến hành chính xác với mục đích bảo đảm nguồn cung dầu mỏ. Nhưng chiến tranh xảy ra trước khi quá trình mua bán này hoàn tất, khiến mối quan hệ giữa chính phủ và công ty này rạn nứt. Hơn nữa, việc kinh doanh ở Ba Tư không có ý nghĩa lớn, năm 1914 chỉ chiếm 1% tổng sản lượng dầu của thế giới. Nhưng khi sản xuất tăng, giá trị chiến lược của nó sẽ rất lớn, và những cam kết của Anh, cả đối với dầu mỏ và đối với công ty, đều phải được bảo vệ. Nhưng điều này được thực hiện hay không hoàn toàn không rõ ràng. Trớ trêu thay, chưa đầy một tháng sau khi chiến tranh bắt đầu, bản thân Churchill, người đầu trò trong việc giành cổ phần của Công ty Anh-Ba Tư, đã rất thất vọng về khả năng bảo vệ những mỏ dầu và nhà máy lọc dầu của người Anh. Ông nói vào ngày 1 tháng 9: "Khó có đội quân nào được chuẩn bị sẵn sàng cho mục đích này. Chúng tôi sẽ phải mua dầu của mình ở nơi khác".
Nhà máy của Công ty Anh - Ba Tư |
Các lực lượng của đế chế Ottoman là mối đe dọa hàng đầu. Ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ về phe Đức để tham chiến vào mùa thu năm 1914, quân đội Thổ đã đe dọa khu vực nhà máy lọc dầu Abadan ở Ba Tư. Chúng đã bị binh lính Anh đẩy lui, những người đang tiếp tục đánh chiếm Basra – một thành phố có tầm quan trọng quyết định, vì nó bảo vệ những con đường tiếp cận chiến lược từ phương Tây hướng về mỏ dầu của Ba Tư. Việc kiểm soát Basra cũng bảo đảm sự an toàn của các nhà cầm quyền ở địa phương gần gũi với những lợi ích của Anh, trong đó có tiểu vương Côoét. Người Anh muốn mở rộng phòng tuyến của họ xa hơn về phía tây bắc, nếu có thể thì sẽ đến tận Baghdad. Một trong những mối quan tâm lớn của họ là bảo vệ những mỏ dầu, cũng như chống lại sự phá hoại của Đức ở Ba Tư. Đồng thời, tiềm năng dầu của Mesopotamia (ngày nay là Iraq) đang bắt đầu trở nên lớn hơn trong kế hoạch quân sự và chính trị của Anh. Năm 1917, sau một thất bại ê chề trước người Thổ, quân Anh cuối cùng đã chiếm đóng Baghdad thành công. Bản thân việc sản xuất dầu ở Ba Tư rất ít bị xáo trộn trong suốt chiến tranh, ngoại trừ thời gian đầu năm 1915, khi những thổ dân địa phương bị các nhân viên mật vụ Đức và Thổ chọc tức đã phá hủy đường ống dầu chạy tới Abadan. Phải mất năm tháng đường ống này mới được sửa chữa xong.
Bất chấp chất lượng sản phẩm lọc dầu của Abadan không tốt và những thiếu thốn trang thiết bị trong chiến tranh, nhưng do nhu cầu quân sự một hãng công nghiệp lớn đã đặt cơ sở tại Ba Tư. Việc sản xuất dầu ở Ba Tư tăng lên gấp 10 lần so với giai đoạn từ 1912 đến 1918 – từ 1.600 thùng mỗi ngày lên tới 18.000 thùng. Cuối năm 1916, Công ty Anh-Ba Tư đã đáp ứng 1/5 toàn bộ nhu cầu dầu của Hải quân Anh. Công ty, từng suýt nữa phá sản trong 15 năm đầu tồn tại, đã bắt đầu tạo ra lợi nhuận đáng kể. Đặc điểm của Công ty Anh-Ba Tư cũng đang thay đổi. Vị giám đốc điều hành Charles Greenway theo đuổi một chiến lược rõ ràng và cương quyết nhằm biến công ty này từ một nhà sản xuất dầu thô độc quyền thành một công ty kinh doanh dầu hợp nhất. Theo ông, điều này "nhằm mục đích phát triển một tổ chức hoàn toàn độc lập" bán sản phẩm tới "bất kỳ nơi nào có thể thu lợi nhuận mà không cần sự can thiệp của bên thứ ba nào".
Giữa những bộn bề của chiến tranh thế giới, Greenway suy tính về triển vọng và hướng đi của công ty để cạnh tranh sau chiến tranh. Bước đi quan trọng nhất của ông là việc mua lại của Chính phủ Anh một trong những mạng lưới phân phối dầu lớn nhất ở Anh, một công ty có tên British Petroleum. Mặc dù có tên gọi như vậy nhưng công ty này lại thuộc về Ngân hàng quốc gia Đức và được dùng làm nơi tiêu thụ nguồn dầu Rumani ở Anh. Sau khi chiến tranh bùng nổ, Chính phủ Anh đã tịch thu công ty do người Đức kiểm soát này.
Giờ đây, với việc giành được British Petroleum, Công ty Anh-Ba Tư chiếm lĩnh một hệ thống thị trường lớn. Công ty Anh-Ba Tư cũng phát triển hạm đội tàu chở dầu của mình. Nền tảng của Công ty Anh-Ba Tư bị thay đổi do những mua bán và sáp nhập. Mãi đến năm 1916-1917, hơn 80% tài sản cố định của công ty này nằm ở Ba Tư; nhưng trong năm tiếp theo, chỉ có một nửa nằm ở Ba Tư, phần còn lại nằm trong các tàu chở dầu và hệ thống phân phối. Trên thực tế, nó đã trở thành một công ty hợp nhất. Nhưng Greenway cũng có mục tiêu thứ hai, một mục tiêu mà ông theo đuổi không kém phần cuồng nhiệt nhằm biến Công ty Anh-Ba Tư thành quán quân dầu của đế quốc Anh. Ông thường nhắc đi nhắc lại mục tiêu của mình nhằm biến Công ty Anh-Ba Tư thành trung tâm của một "Công ty của người Anh hoàn toàn… không có mùi tanh hôi của bất cứ thế lực nước ngoài nào" – ám chỉ rõ ràng đến Royal Dutch/Shell.
Greenway đã làm sống lại "mối đe dọa Shell", tấn công những kế hoạch của ngài Marcus và các đối tác của ông ta nhằm bảo đảm sự độc quyền trên toàn thế giới trong thương mại dầu mỏ. Một lần nữa, Greenway và những người ủng hộ ông buộc tội Royal Dutch/Shell không trung thành với những lợi ích của người Anh, vì "làm mất đi những khoản lợi nhuận lớn khi bán các sản phẩm dầu cho Đức" và đã trở thành "một mối đe dọa nghiêm trọng của quốc gia". Những lời buộc tội này vừa không công bằng, vừa không chân thực.
Thương gia Deterding, người đã nhập quốc tịch Anh và sống những năm tháng chiến tranh ở London, xác định rõ ràng những lợi ích của ông và công ty ông với các nước đồng minh. Với Marcus Samuel, ông chỉ đơn giản là một người Anh nồng nàn yêu nước, và ông đã phải trả giá. Một con trai của ông, người đã xây dựng nhà dành cho những cậu bé nghèo ở khu Đông London trước chiến tranh, bị giết ở Pháp khi đang chỉ huy trung đội mình tác chiến. Sau cái chết của con trai, Samuel và vợ ông xuất bản một tập thơ nhỏ của chàng trai trẻ này để tưởng niệm con. Trong số hai người con rể của ông, một người cũng hi sinh khi đang chiến đấu, còn người kia chết sau chiến tranh do những hậu quả của chiến tranh. Bản thân Samuel đã chỉ đạo một kế hoạch táo bạo chứng tỏ tầm quan trọng quyết định đối với toàn bộ nỗ lực chiến tranh của Anh. Toluol, một thành phần cơ bản của thuốc nổ TNT, thường được chiết xuất từ than đá. Năm 1903, một nhà hóa học của trường Đại học Cambridge phát hiện có thể khai thác toluol với khối lượng lớn từ dầu thô Borneo của Shell. Samuel cố gắng thuyết phục Bộ Hải quân, nhưng Bộ Hải quân tỏ ra hoài nghi và khước từ đề nghị của ông. Mười một năm sau đó, khi chiến tranh bắt đầu nổ ra, đề nghị này lại được đưa ra, và một lần nữa lại bị khước từ… Thậm chí khi lời đề nghị này kèm theo những bằng chứng cho thấy thuốc nổ TNT phần lớn được chiết xuất từ dầu thô Borneo, Hải quân Anh vẫn không quan tâm.
Song điều đó đã thay đổi nhanh chóng. Cuối năm 1914, sản lượng toluol từ than đá không đủ, và nước Anh gần như hết sạch thuốc nổ. Người Anh, cần toluol từ dầu mỏ, nhưng không có các nhà máy để sản xuất toluol. Nhà máy khai thác toluol lẽ ra đã được hãng Shell xây dựng ở Anh nhưng thay vào đó lại được một tập đoàn của Đức xây dựng ở Rotterdam, ở một nước Hà Lan trung lập. Hơn nữa, rõ ràng các công ty Đức đang sử dụng sản phẩm của nhà máy Rotterdam để chế tạo thuốc nổ TNT. Samuel và đồng nghiệp đã vạch ra một kế hoạch liều lĩnh và nhanh chóng thực hiện nó. Nửa đêm cuối tháng 1 năm 1915, các trang thiết bị của nhà máy ở Rotterdam đã bị tháo rời thành từng phần, mỗi bộ phận được đánh số và thay đổi hình dạng, sau đó được mang đến bến cảng và chất lên tàu của người Đức, khởi hành ngay trong đêm đến nơi gặp gỡ trên biển với các tàu khu trục của Anh. Các sĩ quan Đức đã được báo rằng việc sơ tán này sẽ phải xảy ra – nhưng nó sẽ xảy ra muộn hơn một ngày so với thực tế. Đêm tiếp theo, không hiểu có phải sự trùng hợp, một đội tàu giống như vậy đã bị quân Đức phá hủy ở cửa khẩu Rotterdam.
Trong cùng thời gian, các bộ phận của nhà máy toluol được vận chuyển tới Anh và tuần sau, được dựng lại ở Somerset. Nhà máy đó, cùng với một nhà máy thứ hai mà người Đức xây dựng sau đó, đã cung cấp 80% thuốc nổ TNT cho quân đội Anh. Chủ yếu nhờ thành tựu này, sau chiến tranh, Samuel đã được trao tước hiệu quý tộc. Bất chấp những cuộc tấn công liên tiếp của Greenway nhằm vào lòng yêu nước của Royal Dutch/Shell, công ty này đã hợp nhất nhờ nỗ lực của các nước đồng minh. Shell đã hành động như một người lính trong ngành dầu mỏ, giành và tổ chức các nguồn cung cấp trên thế giới cho các lực lượng của Anh và bảo đảm phân phối các sản phẩm theo yêu cầu từ Borneo, Sumatra và Mỹ đến các ga xe lửa cuối cùng và các phi trường ở Pháp. Chính vì vậy, Shell là trung tâm trong việc người Anh bị buộc tội gây ra chiến tranh. Các quan chức chính phủ, những người chỉ quan tâm đến việc chuyển nhượng Shell khi cần thiết nhất, đã bắt đầu phản ứng tiêu cực đối với những vụ tấn công liên tiếp nhằm vào tập đoàn này do Greenway và những người ủng hộ ông thực hiện.
Thực tế, việc Greenway lạm dụng quyền hạn khiến cho phần lớn chính phủ quay sang chống lại Công ty Anh-Ba Tư. Họ nghi ngờ sự đòi hỏi vô lý của Greenway dưới lớp vỏ của một người yêu nước và đặt câu hỏi đối với chiến lược của ông trong việc cố gắng xây dựng một công ty hợp nhất với những lợi ích vượt ra khỏi Ba Tư. Nhiều cuộc thảo luận và tranh luận đã diễn ra tại Whitehall, thông qua đó các quan chức cố gắng thể hiện chính xác mục tiêu của chính phủ đối với công ty, trong đó chính phủ chỉ giành được 51% vốn góp. Một viên chức của Bộ Tài chính Anh đã nói đầy hoài nghi, có phải nó chỉ là nhằm "bảo đảm nguồn cung cấp cho hải quân" và không hơn? Hay nó nhằm giúp cho việc tạo ra một công ty dầu mỏ do nhà nước sở hữu, một công ty đứng đầu quốc gia, và sau đó hỗ trợ công ty đó mở rộng lợi ích thương mại trên khắp thế giới? Một số người tìm cách gắn những tham vọng thương mại của công ty này với những nhu cầu sau chiến tranh của nước Anh, xem xét khoảng thời gian khi "quốc gia này sẽ bảo đảm vị thế độc lập về dầu như hiện nay nó đang giữ được với than đá".
Nhưng vào tháng 8 năm 1916, Arthur Balfour, người kế nhiệm Churchill làm Bộ trưởng Hải quân, đã thắc mắc về thẩm quyền của chính phủ "trong việc chịu trách nhiệm về chính sách đối với một sự kết hợp lớn nhằm tạo ra một nhu yếu phẩm trong cuộc sống hiện đại". Các hình thức sáp nhập khác nhau do chính phủ phê chuẩn cũng được đưa ra tranh luận, trong đó có các kế hoạch nhằm làm cho những lợi ích của người Anh, chứ không phải của người Đức, chiếm ưu thế trong Tập đoàn Royal Dutch/Shell. Những đề xuất này bị treo lại trong chiến tranh. Có rất nhiều vấn đề khẩn cấp và thúc bách khác đang xảy ra.
"Khan hiếm dầu mỏ"
Cuối năm 1915, nguồn cung dầu mỏ để chạy động cơ trong chiến tranh đã làm nhiều người ở nước Anh lo lắng đôi chút. Nhưng điều đó đã thay đổi vào đầu năm 1916. Tạp chí Times London tháng 1 năm 1916 đã gọi đó là "Sự khan hiếm dầu mỏ". Những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng dầu mỏ đã tăng gấp đôi. Một là sự thiếu hụt ngày càng tăng lượng dầu được vận chuyển bằng tàu – do chiến dịch tấn công của tàu ngầm Đức – đã làm giảm lượng cung dầu, cùng với tất cả các nguyên liệu thô và thực phẩm khác, tới các hòn đảo ở Anh. Động cơ đốt trong đã cho người Đức một lợi thế trên biển rất rõ ràng – tàu ngầm chạy bằng dầu diesel. Đức đã đáp lại sự phong tỏa kinh tế của Anh đối với Đức và toàn bộ ưu thế của Anh trên biển bằng cách tiến hành chiến tranh tàu ngầm chết chóc, nhằm thắt chặt nguồn cung cấp tới các quần đảo Anh quốc cũng như tới Pháp.
Một lý do khác của cuộc khủng hoảng là nhu cầu dầu tăng nhanh chóng nhằm đáp ứng những nhu cầu trong chiến tranh, cả trên chiến trường và trên mặt trận trong nước. Lo ngại về tình trạng thiếu hụt, chính phủ đã lập ra một hệ thống phân phối. Khủng hoảng tạm lắng xuống. Áp lực đối với nguồn cung cấp quay trở lại vào đầu năm 1917 khi Đức tăng cường chiến dịch tàu ngầm không hạn chế chống lại tàu thuyền của các nước Đồng minh. Chiến dịch đó hóa ra lại là một sai lầm chiến lược, vì nó khiến cho Mỹ từ bỏ vai trò trung lập và tuyên chiến với Đức. Tuy nhiên, các cuộc tấn công bằng tàu ngầm cũng có tác động rất lớn. Khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng tàu bị mất vào nửa đầu năm 1917 tăng hai lần so với cùng kỳ năm 1916. Từ tháng 5 đến tháng 9, Standard Oil ở New Jersey đã mất 6 tàu chở dầu, trong đó có con tàu John D. Archbold. Trong số nhiều tàu chở dầu mà Shell đã mất trong chiến tranh có Murex, tàu chở dầu đầu tiên được Marcus Samuel cho chạy qua kênh đào Suez năm 1892.
Chính sách của Bộ Hải quân là duy trì khối lượng tương đương với 6 tháng tiêu thụ, nhưng cuối tháng 5 năm 1917, thực tế chỉ có chưa đầy một nửa mức đó, và tình trạng thiếu hụt nguồn dầu đã cản trở khả năng tác chiến của hải quân Anh. Tình hình nghiêm trọng đến mức thậm chí người ta cho rằng hải quân Anh đã chấm dứt việc chế tạo những con tàu chạy bằng dầu và quay trở lại sử dụng than đá. Tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng năm 1917 đã thúc đẩy mạnh mẽ Chính phủ Anh nỗ lực triển khai một chính sách dầu mỏ quốc gia chặt chẽ. Nhiều ủy ban và văn phòng, trong đó có Cơ quan quản lý dầu mỏ, được thành lập nhằm điều phối chính sách dầu mỏ.
Tương tự, Chính phủ Pháp đã thiết lập Ủy ban dầu mỏ, theo mô hình Cơ quan quản lý dầu mỏ của Anh và do thượng nghị sĩ Henry G. Bérenger đứng đầu, nhằm phản ứng với tình trạng khủng hoảng ngày càng tăng. Nhưng người ta thừa nhận rằng, ở cả hai quốc gia, giải pháp duy nhất đối với cuộc khủng hoảng là kinh nghiệm của Mỹ. Việc chuyên chở bằng tàu và các tàu chở dầu đóng vai trò then chốt cho việc cung cấp. Những gì được mô tả là những bức điện tín "tuyệt vọng" gửi từ London tới Mỹ, tuyên bố Hải quân Anh sẽ không thể di chuyển, và đưa đội tàu "ra khỏi vòng chiến đấu", trừ khi Chính phủ Mỹ cung cấp nhiều tàu chở dầu sẵn sàng chuyên chở nhiều dầu hơn.
Tháng 7 năm 1917 Đại sứ Mỹ ở London đã viết đầy thất vọng: "Gần đây họ đã đánh chìm quá nhiều tàu chở dầu nhiên liệu, đến mức Anh có thể nhanh chóng rơi vào tình trạng nguy kịch – thậm chí hạm đội lớn có thể không có đủ nhiên liệu… Đó là một mối đe dọa nghiêm trọng". Mùa thu năm 1917, nước Anh đặc biệt khan hiếm nguồn cung dầu mỏ. "Có lẽ vào lúc này, dầu có ý nghĩa quan trọng hơn bất cứ thứ gì khác", Water Long, Bộ trưởng Ngoại giao đối với các thuộc địa, đã khuyến cáo Hạ viện vào tháng 10. "Các ông có thể có con người, đạn dược, tiền bạc, nhưng nếu các ông không có dầu, một thứ mà ngày nay là năng lượng hiệu quả nhất, thì tất cả những lợi thế khác của các ông sẽ không có mấy giá trị".
Cũng trong tháng 10, thú tiêu khiển lái xe ở Anh đã bị cấm hoàn toàn và ngay lập tức. Lượng cung dầu của Pháp cũng suy giảm nhanh chóng do chiến dịch tấn công tàu ngầm của Đức. Tháng 12 năm 1917, thượng nghị sĩ Bérenger đã khuyến cáo Thủ tướng Georges Clemenceau rằng Pháp sẽ cạn kiệt dầu mỏ vào tháng 3 năm 1918 – khi cuộc tấn công mùa xuân dự kiến bắt đầu. Khối lượng cung dầu mỏ thấp đến mức Pháp có thể không chịu được hơn ba ngày với những cuộc tấn công nặng nề của Đức, như những gì đã xảy ra ở Verdun, cần rất nhiều xe tải để chuyên chở gấp nguồn dự trữ tới mặt trận và ngăn chặn sự tấn công của Đức. Ngày 15 tháng 12 năm 1917, Clemenceau yêu cầu Tổng thống Mỹ Wilson
phải ngay lập tức cung cấp các tàu chở dầu có sức chứa tăng thêm một trăm ngàn tấn. Ông tuyên bố xăng dầu "cần thiết như huyết mạch trong các trận chiến sắp tới". Ông nói với Wilson rằng: "Nếu việc cung cấp xăng thất bại thì ngay lập tức, quân đội của chúng ta sẽ mất khả năng di chuyển". Ông cũng lo ngại rằng tình trạng thiếu hụt xăng thậm chí có thể "buộc chúng ta tìm giải pháp hòa bình không có lợi cho các nước đồng minh". Wilson trả lời ngay, "những tàu chở dầu cần thiết sẽ ngay lập tức sẵn sàng". Nhưng vẫn cần có thêm những giải pháp đặc biệt khác. Cuộc khủng hoảng dầu đã buộc Mỹ và các nước Đồng minh châu Âu liên kết chặt chẽ hơn trong các hoạt động cung cấp xăng dầu.
Một hội nghị về dầu mỏ giữa các nước đồng minh được tổ chức vào tháng 2 năm 1918 nhằm thúc đẩy, phối hợp và kiểm soát tất cả các nguồn cung cấp dầu và việc vận chuyển bằng tàu chở dầu có sự tham gia của Mỹ, Anh, Pháp và Italia. Hội nghị này tỏ ra hiệu quả trong việc phân phối khối lượng xăng dầu sẵn có của các quốc gia Đồng minh và các lực lượng quân sự của họ. Tuy nhiên, do bản chất thống trị của họ và sự mua bán dầu trên phạm vi quốc tế, Standard Oil ở New Jersey và Royal Dutch/Shell mới thật sự đã làm cho mạng lưới hoạt động – mặc dù họ liên tục tranh luận về việc ai sẽ phải đóng góp lớn hơn. Hệ thống chung đó – cùng với việc đưa ra các đoàn tàu chiến hộ tống như một giải pháp đối phó với tàu ngầm của Đức – đã giải quyết khó khăn về nguồn cung dầu trong thời gian còn lại của cuộc chiến tranh.
Ông hoàng năng lượng
Hội nghị các nước đồng minh cũng được tổ chức nhằm xử lý các vấn đề năng lượng của Mỹ. Rõ ràng, dầu mỏ của Mỹ đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc chiến ở châu Âu. Năm 1914, Mỹ đã sản xuất 266 triệu thùng dầu – chiếm 65% tổng sản lượng dầu toàn thế giới. Năm 1917, sản lượng đã tăng lên 335 triệu thùng – chiếm 67%. Xuất khẩu chiếm 1/4 tổng sản lượng dầu của Mỹ, với một khối lượng lớn được xuất sang Pháp. Giờ đây, con đường tiếp cận nguồn dầu của Nga đã bị đóng lại vì chiến tranh và cách mạng Nga. Tân thế giới đã trở thành vựa dầu của cựu lục địa và nhìn chung, Mỹ đã đáp ứng 80% nhu cầu dầu trong chiến tranh của các nước Đồng minh.
Tuy nhiên, việc Mỹ tham chiến đã làm phức tạp thêm bức tranh dầu mỏ của Mỹ, bởi ở đó cần có nguồn cung dầu mỏ đầy đủ vì nhiều mục đích: mục đích quân sự của Mỹ, lực lượng của các nước Đồng minh, các ngành công nghiệp chiến tranh của Mỹ, và mục đích dân sự thông thường. Làm thế nào để bảo đảm nguồn cung đầy đủ, phân phối hiệu quả, và phân bổ hợp lý? Đây là trách nhiệm của Cục quản lý nhiên liệu, do Tổng thống Wilson thành lập tháng 8 năm 1917, đóng vai trò là một bộ phận của toàn bộ quá trình huy động nguồn lực kinh tế. Tất cả các nước tham chiến phải đối mặt với cùng một thách thức – khai thác các nền kinh tế công nghiệp nổi lên trong hơn nửa thế kỷ trước căn cứ vào những yêu cầu của cuộc chiến tranh hiện đại.
Ở mỗi quốc gia, những yêu cầu của quá trình huy động đã mở rộng vai trò của nhà nước trong nền kinh tế và tạo ra các đồng minh mới giữa chính phủ và doanh nghiệp tư nhân. Mỹ và ngành dầu mỏ của Mỹ cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Người đứng đầu bộ phận Phân phối dầu của Cục quản lý nhiên liệu là một kỹ sư người California tên là Mark Requa, người đã trở thành ông hoàng năng lượng đầu tiên của Mỹ. Công việc chính của ông là thúc đẩy mối quan hệ mới và chưa từng có giữa chính phủ và ngành công nghiệp dầu. Bộ phận phân phối dầu tạo dựng mối liên kết chặt chẽ với Ủy ban dịch vụ chiến tranh dầu mỏ quốc gia, mà thành viên là giám đốc các công ty lớn, và chủ tịch Ủy ban là Alfred Bedford, chủ tịch của Standard Oil ở New Jersey. Ủy ban này tổ chức nguồn cung dầu của Mỹ cho chiến tranh ở châu Âu. Nó đưa ra những mệnh lệnh quan trọng từ các chính phủ Đồng minh với các nhà máy lọc dầu của Mỹ và đóng vai trò chủ yếu trong việc vận chuyển. Về thực chất, đó là cơ quan đại diện của phía Mỹ góp vốn với các nhà cung cấp dầu cho châu Âu.
Mô hình hợp tác gần gũi mới mẻ này giữa doanh nghiệp và chính phủ tương phản với trận chiến giữa chính phủ và Standard Oil một thập kỷ trước đây. Sự đổ bể của các tờ-rớt dường như khó xảy ra, khi ngành dầu mỏ buộc phải hoạt động như một tổ chức đơn lẻ, dưới sự lãnh đạo của Standard Oil bang New Jersey từng không được yêu mến. Năm 1917, nhu cầu dầu của Mỹ tăng lên mạnh mẽ và đã bắt đầu chạm tới giới hạn của lượng cung sẵn có. Khoảng trống này chỉ được thu hẹp nhờ sử dụng hết hàng tồn kho và nhập khẩu nhiều dầu hơn từ Mexico. Trên hết, mùa đông giá lạnh của thời kỳ 1917-1918 và nhịp độ hoạt động công nghiệp chung đã tạo ra tình trạng thiếu hụt than đá ở Mỹ – nghiêm trọng đến mức các quan chức địa phương đã trưng dụng những con tàu chạy bằng than đá chạy qua các khu quản hạt của họ để người dân có thể lấy trộm than đá. Cảnh sát đã phải đứng bảo vệ những đống than công nghiệp để tránh bị lấy cắp. Các cô nhi viện và viện cứu tế cạn kiệt nhiên liệu, và nhiều người sống ở những nơi đó chết vì lạnh cóng. Ngay cả người giàu cũng than phiền về những thùng than trống rỗng và răng va vào nhau lập cập.
Tháng 1 năm 1918, Cơ quan quản lý nhiên liệu đã ra lệnh cho hầu hết các nhà máy công nghiệp ở phía đông Mississipi đóng cửa trong một tuần để dành nhiên liệu cho hàng trăm tàu chở đầy nguyên vật liệu chiến tranh cho châu Âu được huy động tại các cảng ở Biển Đông đang chờ than đá. Sau đó, các nhà máy được lệnh tiếp tục đóng cửa vào các ngày thứ hai để tiết kiệm than đá. "Tình trạng rối loạn đã diễn ra", Đại tá Edward House – nhân vật thân tín của Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson quan sát, "Tôi chưa bao giờ thấy một cơn lốc phản kháng như vậy". Tình trạng thiếu hụt than đá đã làm nhu cầu dầu gia tăng, do đó giá dầu cũng tăng lên. Đầu năm 1918, giá dầu thô bình quân đã tăng gấp đôi so với đầu năm 1914.
Các nhà máy lọc dầu đưa ra các mức thưởng nhằm duy trì lượng cung, trong khi các nhà sản xuất hạn chế cung với kỳ vọng giá dầu sẽ lên. Tình trạng này gióng lên hồi chuông báo động đối với chính phủ. Ngày 17 tháng 5 năm 1918, Requa, ông hoàng năng lượng, cảnh báo rằng "không có sự điều chỉnh nào" đối với "sự tăng giá dầu thô" và kêu gọi sự kiểm soát giá "tự nguyện" của ngành dầu. Standard Oil bang New Jersey có thể đồng ý với lời kêu gọi kiềm chế giá của Requa, nhưng các nhà sản xuất độc lập thì không. Nhưng nếu các công ty tư nhân không kiểm soát "tự nguyện", Requa nói thẳng với một nhóm các nhà sản xuất ở Tulsa, thì chính phủ sẽ kiểm soát trực tiếp. Hơn nữa, ông nhắc nhở họ, chính phủ đã giúp các nhà sản xuất có được lượng cung thép và máy khoan (ngành dầu chiếm 1/12 sản lượng sắt và thép của quốc gia), và chính phủ đã miễn giảm cho những người lao động ở các mỏ dầu không phải đi lính. Những lập luận này có sức thuyết phục.
Tháng 8 năm 1918, giá trần được xác lập cho từng loại dầu và giá dầu không hề tăng trong thời gian còn lại của cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, lượng cầu tiếp tục vượt quá cung, không chỉ vì chiến tranh mà còn vì số lượng ôtô ở Mỹ gia tăng mạnh. Số lượng ôtô được sử dụng đã tăng gần gấp đôi trong giai đoạn từ năm 1916 đến năm 1918. Tình trạng thiếu hụt dầu mỏ trở nên cấp thiết đến mức có thể đe dọa các hoạt động chiến tranh ở châu Âu và hạn chế những hoạt động có vai trò then chốt ở Mỹ. Một "lời kêu gọi" – chứ không phải một mệnh lệnh có tính chất bắt buộc – về "những ngày chủ nhật không sử dụng xăng" được đưa ra. Những đối tượng được miễn trừ là xe chuyên chở, bác sĩ, cảnh sát, xe cấp cứu, và xe tang. Điều này khó tránh làm nảy sinh những nghi ngờ và than phiền, nhưng đó là sự thật, thậm chí ở Nhà Trắng. Tổng thống Wilson cũng tuyên bố: "Tôi nghĩ mình cần phải đi bộ đến nhà thờ".
Con người với sự tấn công mạnh mẽ
Bất chấp những cảnh báo theo chu kỳ và những thời điểm sống còn của sự thiếu hụt nguồn cung dầu, phe Đồng minh không bao giờ phải chịu tình trạng khủng hoảng dầu kéo dài. Song người Đức đã phải chịu đựng tình trạng đó khi sự phong tỏa của các nước Đồng minh thành công trong việc làm giảm lượng cung từ nước ngoài vào Đức. Vì thế, chỉ còn lại một nguồn duy nhất sẵn có đối với họ – Rumani. Mặc dù sản lượng dầu của Rumani trên toàn thế giới tương đối nhỏ, song Rumani lại là nhà sản xuất lớn nhất của châu Âu, sau Nga. Đức phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung cấp đó. Các hoạt động của Ngân hàng Trung ương – Deutsche Bank và các doanh nghiệp của Đức trước chiến tranh đã ràng buộc phần lớn ngành dầu mỏ của Rumani với nền kinh tế Đức. Trong hai năm đầu của cuộc chiến tranh, Rumani vẫn là nước trung lập, đang chờ đợi xem bên nào có nhiều khả năng chiến thắng. Nhưng cuối cùng, tháng 8 năm 1916, bị thức tỉnh vì sự thành công của Nga ở mặt trận phía Tây, Rumani đã tuyên bố chiến tranh chống lại Áo − Hung, và gần như ngay lập tức tham gia cuộc chiến tranh với Đức. Chiến thắng ở mặt trận phía Tây có ý nghĩa quan trọng đối với Đức.
Tướng Enrich Ludendorff, bộ óc thực tế của Đức trong chiến tranh, nói: "tôi đã thấy khá rõ chúng ta sẽ không có khả năng tồn tại, ít có khả năng tiếp tục chiến tranh nếu thiếu lúa mạch và dầu của Rumani". Tháng 9 năm 1916, binh lính Đức và Áo đã tiến vào Rumani. Những người Rumani đã đào hầm và cố gắng cố thủ ở những vùng núi non, bảo vệ vùng đồng bằng Wallachia, nơi tập trung hoạt động sản xuất dầu. Giữa tháng 10, Đức và Áo chiếm giữ được một khối lượng lớn sản phẩm dầu, gồm cả một hầm dự trữ lớn của phe Đồng minh, tại cảng dầu của Rumani ở Biển Đen. Phe Đồng minh đã có kế hoạch phá hủy tất cả các nhà máy và nguồn cung dầu, nhưng trong tình trạng rối loạn, kế hoạch đó không thực hiện được. Và bây giờ, chính phần thưởng lớn đó – những mỏ dầu và nhà máy lọc dầu – có vẻ như đã về tay người Đức. Liệu có thể có cách nào không trao nó cho người Đức không? Ngày 31 tháng 10 năm 1916, chủ đề này được Hội đồng chiến tranh Anh thảo luận cấp bách ở London. Ủy ban này kết luận: "Không có nỗ lực nào nhằm bảo đảm việc phá hủy nguồn cung lúa mì và dầu, cũng như các giếng dầu".
Nhưng Chính phủ Rumani tỏ ra lưỡng lự khi xem xét việc phá hủy kho tàng quốc gia này, nhất là khi vẫn có một chút hy vọng trên chiến trường. Niềm hy vọng đó nhạt dần vào ngày 17 tháng 11, khi Đức ngăn cản được sự kháng cự ở các vùng núi và bắt đầu đổ bộ xuyên qua những dãy núi và ngang qua đồng bằng Wallachia. Chính phủ Anh tự mình giải quyết vấn đề này và tuyển đại tá John Norton-Griffiths nhằm phá hủy ngành dầu của Rumani. Là một nhân vật lớn, Norton-Griffiths là một nhà đấu thầu xây dựng công trình của đế quốc Anh. Ông đảm nhận các dự án xây dựng ở khắp nơi – đường sắt ở Angola, Chile và Australia, các bến cảng ở Canada, các ống dẫn nước ở Baku, hệ thống thoát nước ở Battersea và Manchester.
Vào đêm trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, ông đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy thực hiện kế hoạch xây dựng một đường ngầm mới ở Chicago. Ưa nhìn, bệ vệ và với sức mạnh của một võ sĩ quyền Anh, Norton-Griffiths là một "hảo hán" đầy sức quyến rũ và là một ông bầu có sức thuyết phục. Đàn ông thì đầu tư vào các dự án của ông, phụ nữ thì bị ông hấp dẫn. Ông được coi là "một trong người đàn ông hấp dẫn của thời đại Edward". Ông cũng là người có bản chất nồng nhiệt, bản chất nổi loạn, và sự dữ dội không thể kiểm soát. Tuy nhiên, ông thiếu tính kỷ luật và kiên nhẫn, nên một số dự án của ông đã thất bại về mặt tài chính. Nhưng ông có được danh tiếng nhờ tư cách nghị sĩ ở Nghị viện, được biết đến với nhiều biệt hiệu khác nhau "Jack quỷ lửa", "Người khỉ" (vì đã ăn một con khỉ khi ở châu Phi), và biệt hiệu ông ưa thích nhất, "Đế chế Jack" – vì ông là một người theo chủ nghĩa đế quốc triệt để.
Tài năng nổi bật nhất trong lĩnh vực xây dựng của Norton-Griffiths trong Chiến tranh thế giới thứ nhất là ứng dụng những kỹ thuật trước đây ông đã triển khai thực hiện cho những người thợ máy Manchester, nhằm gây khó khăn cho việc đào đường hầm bên dưới các phòng tuyến và các đường hầm của Đức, làm nổ các mỏ tài nguyên trong lòng đất. Các phương pháp của ông đã được minh chứng tại Ypres. Tuy nhiên, không ai thích hợp hơn ông cho sứ mệnh ở Rumani. Ngày 18 tháng 11 năm 1916, một ngày sau khi Đức phá vỡ phòng tuyến của Rumani, "Đế chế Jack" đã đến Bucharest, chỉ mang theo một người phục vụ. Khi Đức tiếp tục tấn công, Chính phủ Rumani, dưới áp lực của các nước Đồng minh, cuối cùng đã đồng ý với cách phá hủy nguồn dầu. Với sự có mặt của "Đế chế Jack" trên mặt trận, các đội quân phá hủy bây giờ hành động nhanh chóng.
Những khu mỏ dầu đầu tiên đã bị nổ tung ngày 26 và 27 tháng 11. Các đội quân làm theo một quy trình giống nhau: Đặt thuốc nổ ở các nhà máy lọc dầu. Sau đó, các sản phẩm dầu dự trữ được chuyển vào các nhà máy lọc dầu, tạo ra các hồ chứa sâu mấy mét. Các trang thiết bị được mang đến và vứt vào các hồ chứa dầu. Và khi đó, bằng diêm và rơm bắt lửa, toàn bộ nhà máy bùng cháy. Những người đã thách thức Norton-Griffiths hay đứng về phía ông bị lấn át bởi sức thuyết phục mạnh mẽ của những phẩm chất của ông. Nếu điều đó tỏ ra không đủ, ông sẽ thể hiện sự cuồng nhiệt hoặc rút súng ra và hét lên: "Tôi không nói thứ ngôn ngữ đáng nguyền rủa của các người". Các thiết bị ở khu mỏ đã bị phá; các giàn khoan bị tiêu hủy hoàn toàn; các giếng dầu bị đá bịt chặt, những thanh hàng rào nhọn, bùn, những xiềng xích bị phá, các máy khoan, và bất cứ thứ gì được điều khiển bằng tay khác; các đường ống vận chuyển bị tê liệt; những thùng dầu dự trữ khổng lồ bốc cháy và nổ tung.
Tại một số kho dự trữ quân sự, "Đế chế Jack" đã tự tay thắp lửa. Một lần nữa, Norton-Griffiths đóng vai trò hàng đầu trong việc sử dụng một chiếc búa khổng lồ để phá hủy những giàn khoan và đường ống, bỏ lại một ký ức không thể gột rửa ở Rumani về "người đàn ông với chiếc búa tạ". Những thung lũng dầu bốc cháy, với những ngọn lửa đỏ dâng lên cao trên bầu trời đầy khói đen đặc, ngột ngạt che lấp ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, ở các thung lũng phía xa có thể nghe thấy tiếng súng đại bác lớn ngày càng gần hơn. Mỏ cuối cùng được đốt cháy là chính Ploesti. Công việc hoàn thành đúng lúc. Vì ngày 5 tháng 12, chỉ một vài giờ sau khi các nhà máy nổ tung trong biển lửa, quân Đức bắt đầu tiến vào thị trấn Ploesti. Norton-Griffiths một mình tẩu thoát bằng ôtô, trước sự truy đuổi của kỵ binh Đức. Nhiệm vụ của ông là tạo ra "vườn không nhà trống". Sau chiến tranh, tướng Ludendorff đã thú nhận rằng những nỗ lực của Norton-Griffiths "đã làm giảm cơ bản lượng cung dầu cho quân đội và nước Đức của chúng ta".
Viên tướng Đức này tức giận nói thêm: "Chúng ta phải đổ lỗi một phần cho ông ta về tình trạng thiếu hụt của mình". Tất thảy có 70 nhà máy lọc dầu và 800 nghìn tấn dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ đã bị phá hủy ở Rumani dưới sự giám sát của Norton-Griffiths. Phải mất năm tháng sau quân Đức mới có thể bắt đầu đưa những khu mỏ hoạt động trở lại, và năm 1917, sản lượng chỉ bằng 1/3 của năm 1914. Quân Đức cố gắng sửa chữa những gì mà Norton-Griffiths phá hủy có hệ thống nên vào năm 1918, việc sản xuất dầu tăng trở lại mức 80% của năm 1914. Đức cần một khối lượng dầu lớn của Rumani. Đức không thể tiếp tục chiến tranh nếu thiếu nguồn dầu đó. Như một sử gia thuộc Ủy ban Quốc phòng của Anh sau đó đã nhận xét, việc quân Đức đánh chiếm ngành dầu cùng với ngũ cốc của Rumani đúng lúc cũng "chỉ làm chậm lại sự sụp đổ của Đức mà thôi".
Baku Ngay cả khi người Đức đưa những mỏ dầu của Rumani hoạt động trở lại, tướng Ludendorff vẫn nhắm tới một phần thưởng lớn hơn, giúp đáp ứng nhu cầu dầu to lớn và ngày càng tăng có thể làm chuyển hướng chiến tranh theo hướng có lợi cho Đức. Đó là Baku, nằm trên bờ biển Caspi. Sự sụp đổ của Nga hoàng đầu năm 1917, sự nổi lên của chủ nghĩa Bolshevik cũng trong năm đó, và sự phân rã của đế quốc Nga – tất cả đã làm tan vỡ chút hy vọng kiểm soát nguồn cung dầu từ Baku mong manh của người Đức. Tháng 3 năm 1918, họ bắt đầu tìm cách tiếp cận dầu ở Baku bằng Hiệp ước Brest-Litovsk, chấm dứt thái độ thù địch giữa Đức và nước Nga sục sôi cách mạng. Tuy nhiên, quân Thổ, đồng minh của Đức và Áo, bắt đầu tiến đến Baku. Lo ngại thành công của đồng minh này sẽ dẫn đến việc phá hủy những mỏ dầu, Đức hứa hẹn với những người Bolshevik rằng họ sẽ cố gắng ngăn cản người Thổ để đổi lấy dầu. Lenin nói: "Tất nhiên, chúng tôi đồng ý". Joseph Stalin, khi đó là một lãnh tụ Bolshevik đang nổi lên, đã đánh điện cho Công xã Baku của người Bolshevik, nơi điều khiển cả thành phố, lệnh cho Baku phải tuân theo "yêu cầu" này. Nhưng những người Bolshevik ở địa phương không có tâm trạng nào để tiếp tục. Họ trả lời: "Dù thắng hay thua, chúng tôi cũng sẽ không cho quân Đức chiếm dù chỉ một giọt dầu". Quân Thổ, say mê với việc săn lùng chiến lợi phẩm Baku, đã chối bỏ những lời đề nghị của Berlin và tiếp tục tiến về các mỏ dầu.
Cuối tháng 7, họ đã bao vây thành phố, và vào đầu tháng 8 chiếm được một số mỏ. Những cư dân Armenia và Nga ở Baku từ lâu đã cầu khẩn sự giúp đỡ của người Anh. Cuối cùng, giữa tháng 8 năm 1918, Anh đã can thiệp bằng một lực lượng nhỏ mở đường xuyên qua Ba Tư. Quân đội chịu trách nhiệm cứu Baku và bảo vệ mỏ dầu trước kẻ thù. Nếu cần thiết, Cơ quan Phụ trách vấn đề Chiến tranh cho biết, họ sẽ làm theo kế hoạch của Rumani và "phá hủy máy bơm, đường ống dẫn dầu và các bồn chứa dầu". Quân Anh chỉ ở lại Baku một tháng, nhưng cũng đủ ngăn chặn việc chuyển dầu Baku sang Đức vào giây phút quyết định. Ludendorff nói, "đó là một đòn nguy hiểm đối với chúng ta". Sau đó, Anh rút lui và quân Thổ chiếm đóng Baku. Trong tình trạng rối loạn, các tín đồ Hồi giáo địa phương, được người Thổ tiếp tay, một lần nữa lại bắt đầu cướp bóc và tàn phá – như trong những ngày cách mạng năm 1905, giết bất cứ người Armenia nào mà họ có thể tìm thấy, thậm chí cả những người đang nằm trong bệnh viện. Trong khi đó, các chính ủy Bolshevik từ Công xã Baku đã bị kẻ thù của cách mạng bắt giữ. 26 người trong số đó đã lại đưa đến hành quyết tại một nơi đổ nát ở sa mạc, cách biển Caspi 140 dặm về phía đông. Một người Armenia trẻ tuổi tên là Anastas Mikoyan đã trốn thoát được, cuối cùng đã đến Matxcơva để nói cho Lenin biết những việc đã xảy ra. Nhưng vào thời gian người Thổ đánh chiếm Baku, đã quá muộn để cải thiện tình hình của người Đức và việc cung cấp dầu của họ.
Vươn tới chiến thắng
Sự thất bại ở Baku trong bối cảnh đó, trên thực tế là một đòn quyết định đối với Đức. Áp lực về nguồn cung dầu ngày càng tăng, thậm chí mạnh mẽ hơn. Tháng 10 năm 1918, tình hình trở nên tuyệt vọng. Quân đội Đức cạn kiệt nguồn dự trữ, và Bộ Tư lệnh tối cao Đức đã thấy trước được cuộc khủng hoảng dầu nghiêm trọng vào mùa đông và mùa xuân sắp tới. Tháng 10, ở Berlin, người ta ước tính rằng trận đánh trên biển chỉ có thể kéo dài trong 6 đến 8 tháng. Các ngành công nghiệp chiến tranh hoạt động nhờ dầu sẽ thiếu nhiên liệu trong vòng 6 tháng; toàn bộ lượng dầu nhờn dùng trong công nghiệp sẽ cạn kiệt trong 6 tháng. Các hoạt động hạn chế trên mặt đất chỉ có thể được tiến hành bằng việc kiểm soát chặt chẽ nguồn cung. Nhưng chiến tranh trên không và chiến tranh cơ giới hóa trên mặt đất sẽ chấm dứt hoàn toàn trong vòng hai tháng. Giá trị của những ước tính này chưa bao giờ được kiểm chứng vì chỉ trong vòng một tháng, một nước Đức kiệt quệ đã đầu hàng.
Thỏa thuận đình chiến được ký vào lúc 5 giờ sáng ngày 11 tháng 11 năm 1918 trên toa tàu đường sắt của nguyên soái Foch trong rừng Compiegne. Sáu giờ đồng hồ sau đó, thỏa thuận có hiệu lực. Chiến tranh đã kết thúc. Ở London, mười ngày sau thỏa thuận đình chiến, Chính phủ Anh tổ chức một bữa tiệc nhân Hội nghị Dầu mỏ giữa các nước Đồng minh tại Ngôi nhà Lancaster, do Bá tước Curzon chủ trì. Ông từng là chuyên gia giỏi của Ba Tư ở Bộ Ngoại giao. Ông cũng từng là Phó vương Ấn Độ, với cương vị này ông đã ủng hộ việc kinh doanh dầu của D’Arcy ở Ba Tư. Ông từng là thành viên của Nội các Chiến tranh, và không lâu sau trở thành Bộ trưởng Ngoại giao. Giờ đây, ông đứng lên nói với những người khách rằng "một trong điều đáng kinh ngạc" mà ông đã thấy ở Pháp và vùng Flanders trong chiến tranh là một "đội quân xe tải hùng dũng". Sau đó, ông hùng hồn tuyên bố: "Các nước Đồng minh đã đi đến chiến thắng nhờ làn sóng dầu mỏ".
Thượng nghị sĩ Bérenger, Chủ tịch Ủy ban xăng dầu của Pháp thậm chí còn hùng biện hơn. Ông nói, dầu mỏ –"dòng máu của trái đất" – là "huyết mạch của chiến thắng… Đức đã khoe khoang quá nhiều ưu thế về sắt và than đá của họ nhưng Đức không quan tâm đầy đủ đến ưu thế dầu mỏ của chúng tôi". Bérenger cũng có một lời tiên tri: "Vì dầu trở thành huyết mạch của chiến tranh, nên dầu sẽ là huyết mạch của hòa bình. Giờ đây, khi hòa bình được thiết lập, những người dân của chúng ta, các ngành công nghiệp của chúng ta, thương mại của chúng ta, những người nông dân của chúng ta đều đòi hỏi nhiều dầu hơn, luôn nhiều dầu hơn, nhiều xăng dầu hơn, luôn nhiều xăng dầu hơn". Sau đó, ông chuyển sang dùng tiếng Anh để khẳng định lại quan điểm của mình: "Nhiều dầu hơn, nhiều dầu hơn bao giờ hết!"
(Còn tiếp)
Nam Hà (giới thiệu)
-
Kỳ I: Giả thuyết về sự tồn tại của lượng tử không - thời gian và Thuyết siêu liên kết
-
Trái phiếu thảm họa - phao cứu sinh cho Philippines
-
Chuyện ít biết về Pavel Durov - “thần đồng Internet” của Nga
-
Olympic Paris 2024: Chiến dịch marketing đột phá cho kỷ nguyên mới
-
Tập đoàn RAND: “Cỗ máy tư duy” hàng đầu của giới cầm quyền Mỹ