Đáp ứng đủ nguồn nước cho sản xuất lúa vụ đông xuân 2023-2024
Theo đó, để bảo đảm bổ sung nước cho hạ du theo kế hoạch, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tăng cường phát điện trước các đợt lấy nước khoảng 2,5-3 ngày để dâng mực nước hạ du sông. Tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện cả 2 đợt là 2,78 tỷ m3, thấp hơn khoảng 0,72 tỷ m3 so với tổng lượng nước xả dự kiến (3,5 tỷ m3); và thấp hơn 0,84 tỷ so với năm 2023.
Đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ gieo cấy vụ lúa đông xuân 2023-2024, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ. |
Sau 2 đợt lấy nước, tổng diện tích có nước cả khu vực đạt 99%, diện tích còn lại chủ động nguồn nước. Tính đến ngày 27/2, cả khu vực đã cơ bản lấy đủ nước.
Bộ NN&PTNT cũng ghi nhận EVN đã tổ chức vận hành các nhà máy thủy điện bổ sung nước cho hạ du theo đúng yêu cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho các công trình thủy lợi vận hành lấy nước, đồng thời bảo đảm cung cấp đủ điện cho các trạm bơm hoạt động. Trong thời gian lấy nước, thông tin điều hành xả các hồ chứa thủy điện và dự báo mực nước hệ thống sông Hồng - Thái Bình tại hạ du được EVN và Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia phối hợp cập nhật liên tục, tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều hành xả nước và lấy nước.
Theo Bộ NN&PTNT, việc lấy nước của từng đợt được xác định phù hợp với kỳ triều cường, tính toán cụ thể bằng mô hình toán để xác định khoảng thời gian điều tiết nước phù hợp với nhu cầu lấy nước phục vụ gieo cấy của các địa phương và tiết kiệm nguồn nước cho các hồ chứa thủy điện.
Một số công trình lấy nước được nâng cấp kịp đưa vào vận hành ở thành phố Hà Nội (các trạm bơm dã chiến Phù Sa, Trung Hà) đã giải quyết khó khăn về nguồn nước cho huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì, giúp đẩy nhanh tiến độ lấy nước chung của địa phương.
Các cửa lấy nước, hệ thống kênh dẫn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi được các địa phương đầu tư nạo vét tốt đã tạo thuận lợi cho việc dẫn nước vào ruộng. Các địa phương đã chủ động tổ chức vận hành sớm công trình để lấy nước trước đợt xả nước, đồng thời tích trữ trong các vùng trũng, ao hồ, hệ thống kênh mương để đưa nước lên ruộng trong thời gian giữa các đợt lấy nước. Thời tiết có mưa trong đợt 1 đã giúp nâng cao hiệu quả vận hành các công trình thủy lợi, tăng tiến độ lấy nước của các địa phương.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, việc tiếp tục đầu tư các trạm bơm có thể vận hành lấy nước chủ động, hạn chế phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện vẫn là giải pháp hiệu quả nhất trong giai đoạn hiện nay để thích ứng với tình trạng mực nước sông bị hạ thấp.
Bên cạnh đó, cần thiết phải tiếp tục rà soát, bổ sung, duy trì hoạt động các trạm bơm dã chiến có khả năng vận hành không phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện, sẵn sàng thích ứng với tình trạng mực nước sông bị hạ thấp bất thường.
Minh Châu
-
Bộ NN&PTNT đề xuất lập bản đồ chi tiết cảnh báo thiên tai
-
Xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão
-
Kết nối sản phẩm khoa học, công nghệ đến gần hơn với doanh nghiệp
-
Việt Nam nhận khoản chi trả 51,5 triệu USD từ WB cho giảm phát thải: Tiềm năng còn rất lớn!
-
Khai mạc khóa Bồi huấn Quản lý an toàn công trình thủy điện lần thứ hai