Kết nối sản phẩm khoa học, công nghệ đến gần hơn với doanh nghiệp
Ngày 10/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức "Diễn đàn kết nối các sản phẩm KH&CN ngành nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân".
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại diễn đàn. |
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ với doanh nghiệp, nhà khoa học về thị trường nông sản và con đường phát triển. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thời gian qua, các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu và phát triển nhiều sản phẩm khoa học công nghệ hữu ích trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng các sản phẩm này chưa đến được nhiều với những đơn vị ứng dụng do còn thiếu thông tin. Các doanh nghiệp, hợp tác xã rất cần những sản phẩm khoa học công nghệ song lại chưa nắm được thông tin để tiếp cận.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn, từ kết nối này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách trên, cho phép các bên liên quan bổ sung ý tưởng và nội dung cho những đề tài nghiên cứu, đảm bảo tính khả thi và khả năng tiếp cận thị trường của sản phẩm. Sự tăng cường trao đổi sẽ đảm bảo cho các đề tài nghiên cứu không chỉ có giá trị về mặt lý thuyết, mà còn phù hợp với điều kiện thực tế với chi phí hợp lý.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh về câu chuyện sở hữu thương hiệu, sở hữu trí tuệ, trong đó khẳng định tất cả phục vụ mục tiêu cốt lõi là nâng cao thu nhập cho nông dân, theo Bộ trưởng cần “hợp tác để kết nối” và hiểu đúng khái niệm “Thị trường Khoa học Công nghệ”.
Khoa học và công nghệ được xác định là động lực quan trọng nhất để phát triểm lực lượng sản xuất hiện đại. |
Tại diễn đàn, ông Trần Trung Đức - Chủ tịch, Giám đốc Hợp tác xã chuối Viba chia sẻ, khi có doanh số tốt, doanh nghiệp quay lại phát triển vùng trồng. Giống đầu tiên là giống chuối tiêu hồng cấy mô không biến đổi gen (Non-GMO). Sản phẩm do Viện Rau quả Trung ương nghiên cứu sản xuất, cho phẩm chất chất lượng cao, đồng nhất như nhau.
Ông Trần Trung Đức cho biết, đưa sản phẩm ra thị trường là một quá trình dài và luôn phải trao đổi lại với nhà khoa học. Khi người tiêu dùng thay đổi yêu cầu, doanh nghiệp phải đáp ứng được. Để chỉnh sửa sản phẩm thì phải có các nhà khoa học. Họ là những người đồng hành thực sự, chứ không phải chỉ là ký hợp đồng rồi thôi. Chúng tôi cũng muốn vươn ra thị trường thế giới, không bó buộc trong nội địa cho nên doanh nghiệp mong muốn có các sản phẩm mẫu từ các viện nghiên cứu để có thể điều chỉnh, tính toán nhu cầu khách hàng nhanh hơn.
GS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn. |
GS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, thị trường chính là “bà đỡ” cho các đề tài nghiên cứu khoa học. “Không có thị trường thì không thể đưa các nghiên cứu này ứng dụng vào sản xuất. Mỗi doanh nghiệp có một mục tiêu, định hướng riêng do đó họ mới chính là những khách hàng thiết thực. Còn với nguồn kinh phí của nhà nước đặt hàng thường là để giải quyết các vấn đề tầm vĩ mô, như xử lý hạn mặn, biến đổi khí hậu… Các doanh nghiệp là những đơn vị cần nguồn lực thực sự. Mấy năm gần đây, doanh nghiệp sẵn sàng trích từ quỹ phát triển của mình để dành cho công tác nghiên cứu. Do đó, đặt hàng riêng của DN đối với các nhà nghiên cứu, nhà khoa học là rất quan trọng. Sự bắt tay ngày từ đầu là hết sức quan trọng để có được sự thành công.
TS. Nguyễn Công Tiệp - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, việc nghiên cứu gắn kết với thực tế sản xuất là một yếu tố then chốt để Học viện thúc đẩy mối liên kết với doanh nghiệp ngay từ giai đoạn đầu. Sự bền vững của hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà nghiên cứu là điều quyết định chất lượng của thị trường.
TS. Nguyễn Đức Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu chia sẻ tại diễn đàn. |
TS. Nguyễn Đức Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu đã chia sẻ thêm về tình hình doanh nghiệp kết nối để đưa KHCN vào thực hiện và doanh nghiệp đã có những đặt hàng gì với các nhà khoa học.
Theo TS. Nguyễn Đức Hưng cho hay, thực trạng, doanh nghiệp và người dân có nhiều ý tưởng và sản phẩm trên thị trường song thực tế, doanh nghiệp sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu và các nhà khoa học chưa tiếp cận được nguồn thông tin. Phía Công ty đã kết nối với các Viện nghiên cứu và trường đại học để thực hiện các đề tài, trong đó có đề tài về khử đắng trong nước cam và nước chuối trong (clear juice). Mục đích nghiên cứu kỳ vọng giúp nước trái cây không bị tách nước và có thời gian bảo quản ở nhiệt độ thường lâu hơn, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Về sự phối hợp giữa người dân, doanh nghiệp và nhà khoa học, TS. Nguyễn Đức Hưng đề xuất cần xây dựng một không gian, diễn đàn để bà con nông dân, doanh nghiệp đưa ra ý tưởng, các nhà khoa học có thể căn cứ vào đó để nghiên cứu. Ở chiều ngược lại, khi nghiên cứu được triển khai, công bố trên cơ sở dữ liệu đó, nông hộ có thể tìm hiểu thông tin, chủ động tiếp cận. Cần minh bạch hóa về tính thẩm định của hệ thống tiêu chuẩn, để khi sản phẩm đưa ra thị trường có thể giúp doanh nghiệp tăng giá trị sản phẩm và người dân thụ hưởng đúng với chất lượng.
Tại diễn đàn, Bộ NN&PTNT cũng đã tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, công nghệ, kết quả nghiên cứu nổi bật của các viện, trường, doanh nghiệp với 8 chủ đề: trồng trọt - bảo vệ thực vật; chăn nuôi - thú y; lâm nghiệp; thủy sản; thủy lợi - phòng chống thiên tai; cơ điện - công nghệ sau thu hoạch; Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Khối các trường đại học, cao đẳng.
Nhiều thành tựu KHCN mới được giới thiệu tại không gian trưng bày của diễn đàn, như giống cây trồng, vật nuôi mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, 82 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích… có thể chuyển giao ngay cho doanh nghiệp và người dân.
N.H