Đào tạo lao động tinh nhuệ - Hướng đi nào?
Nghề nghiệp hiện nay thay đổi rất nhanh và bất định. Một chuyên viên ngân hàng ngày hôm nay có thể nghỉ việc để khởi nghiệp cửa hàng bán bánh ngọt. Một kỹ sư điện tử có thể đi học nghề cắm hoa để khởi sự cửa hàng hoa. Một startup phá sản, nhà sáng lập quay trở lại vị trí nhân viên làm việc trong công ty phần mềm...
Mọi vị trí trong doanh nghiệp đều phải đổi mới |
Các cá nhân trong thế kỷ XXI sẽ có xu hướng sở hữu nhiều ngành nghề bên cạnh nghề cơ bản của mình. Một kỹ sư điện có thể tham gia trong doanh nghiệp startup IoT bên cạnh công việc hiện tại. Một thợ làm bánh có thể tư vấn kỹ thuật làm bánh cho tiệm bánh sau giờ làm việc. Một chị chuyên viên PR có thể làm việc theo dạng chuyên viên tự do viết bài cho các doanh nghiệp... Các công nghệ 4.0 như mạng xã hội, di động, ứng dụng đã cho phép người lao động làm nhiều việc song song.
Những ví dụ đó phản ánh một thực tại: Nghề nghiệp trong thời gian tới sẽ trở nên phân cực và hội tụ cùng một thời điểm. Các cá nhân có nhiều lựa chọn nghề nghiệp khác nhau nhưng lại có khả năng thực hiện các nghề nghiệp khác nhau song hành. Các bạn trẻ cần được định hướng chuẩn bị cho những thay đổi càng sớm càng tốt nhằm đối phó với sự bất ổn trong tương lai nghề nghiệp.
Để thực hiện điều đó, giáo dục nghề nghiệp cho giới trẻ trong thế kỷ XXI cần chú ý một số những định hướng và thay đổi như sau để tích hợp hướng nghiệp - nghề nghiệp - khởi nghiệp nhằm tạo ra lực lượng lao động tinh nhuệ có khả năng linh hoạt đáp ứng mọi thay đổi của nghề nghiệp trong tương lai.
1. Giá trị của người lao động: Trong thời kỳ 4.0, khách hàng ngày nay đòi hỏi sản phẩm rẻ, chất lượng tốt, đáp ứng nhanh cùng lúc, khiến người lao động cần phải chuẩn bị nhiều hơn về đổi mới sáng tạo, kết nối, tâm thế khởi nghiệp và sử dụng công nghệ thành thạo để tạo ra những giá trị tích hợp và đổi mới sáng tạo liên tục, đáp ứng nhu cầu đa dạng và phức tạp của thị trường.
2. Kiến tạo nghề nghiệp tự thân: Người lao động 4.0 phải kiến tạo nghề nghiệp cho chính mình nhằm giúp cho bản thân, gia đình và xã hội. Khái niệm kiến tạo nghề nghiệp không chỉ được hiểu tạo ra việc làm mà còn trong bối cảnh người lao động tại mọi vị trí trong doanh nghiệp đều phải làm mới/đổi mới nhằm tạo ra giá trị nhiều hơn cho chính doanh nghiệp và các đối tượng liên quan của doanh nghiệp như khách hàng, nhà cung cấp...
3. Tri thức nghề nghiệp tích hợp: Xu hướng nghề trong cuộc CMCN 4.0 là tích hợp, giao thoa và hội tụ tri thức của nhiều ngành. Các việc làm trong nhà máy thông minh đòi hỏi tri thức của tự động, điện tử, công nghệ thông tin… từ người lao động. Các chương trình đào tạo cần phối hợp giữa nhiều ngành để bảo đảm cả về mức độ sâu từng chuyên ngành cũng như chiều rộng của đa ngành đáp ứng nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp và xã hội.
4. Thay đổi triết lý học tập: Các chương trình đào tạo cần chú ý tới việc định hướng tâm thế học tập cả đời, sẵn sàng thay đổi cũng như các kỹ năng học tập và phát triển bản thân hiệu quả. Giáo dục thế kỷ XXI cần kiến tạo cá nhân có năng lực và ước mong học tập tự thân thay vì giảng dạy cho học viên những tri thức định sẵn. Từ những nền tảng và năng lực tự học được đào tạo, cá nhân sẽ tự định hướng, học tập và phát triển cả đời trong hệ sinh thái nghề nghiệp.
5. Chuỗi số hóa trong doanh nghiệp: Ứng dụng công nghệ 4.0 đã thay đổi hoàn toàn cách thức doanh nghiệp hoạt động. Các nhà máy hoặc các hệ thống vận hành có khả năng tự động không có sự can thiệp của con người hoặc rất ít. Nhà trường cần hướng tới cho người học khả năng tích hợp vận hành, kiểm soát và làm chủ các hệ thống tự động trong tương lai gần.
6. Thực hiện số hóa doanh nghiệp: Quá trình chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang số hóa sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm cũng như ngành nghề mới. Ví dụ, các ngành nghề liên quan tới big data sẽ có nhu cầu lớn. Các cơ sở đào tạo công nghệ thông tin cần có các định hướng chuyển đổi các chương trình đào tạo hướng tới các nhu cầu mới trong xã hội song song với quá trình ứng dụng công nghệ 4.0 trong doanh nghiệp.
7. Lao động tích hợp: Do chuỗi số hóa ngày càng trở nên phổ biến, người lao động ngày nay cần phải có tư duy tích hợp 3 chiều: Chiều dọc - toàn bộ chuỗi sản xuất tạo giá trị; chiều ngang - kết nối các nhà cung cấp, các nhân công bên ngoài; chiều sâu - tương tác với khách hàng trực tiếp. Ngoài ra lao động 4.0 phải có khả năng tham gia vào thiết kế, sản xuất, vận hành và kiểm tra kiến tạo giá trị cho khách hàng trong doanh nghiệp.
8. Đào tạo những kỹ năng mới: Các kỹ năng số hóa, làm việc với các hệ thống tự động, lập trình hay sử dụng dữ liệu sẽ là những kỹ năng tiên quyết cho người lao động tại mọi cấp độ. Bên cạnh đó những kỹ năng căn bản như làm việc nhóm, giao tiếp, tư duy chính yếu vẫn phải duy trì và thực hiện đồng bộ. Đào tạo kỹ năng cần kết hợp với các chương trình thực tập, kiến tập hoặc đi làm càng sớm càng tốt trong quá trình đào tạo và phát triển sinh viên.
9. Hội nhập và cạnh tranh việc làm: Các thị trường lao động Asean sẽ nhanh chóng hội nhập đã tạo áp lực cho hệ thống đào tạo Việt Nam. Các cơ sở giáo dục không những phải chuẩn bị cho người học khả năng làm việc tại nước ngoài mà còn phải chuẩn bị bảo vệ cho người lao động Việt Nam khỏi thua trên sân nhà. Hội nhập chương trình đào tạo, tiêu chuẩn đào tạo là bắt buộc trong thời gian tới.
10. Tái đào tạo trên thị trường lao động: Có hàng triệu lao động cần phải tái đào tạo kỹ năng cũng như các kiến thức nghề nghiệp mới. Các chương trình đào tạo kỹ năng bổ sung này có thể học tập Singapore - một quốc gia có chương trình đào tạo bổ sung kỹ năng rất tốt cho người lao động. Các chương trình tái đào tạo tập trung vào kỹ năng số, kiến tạo việc làm… Các kỹ năng số hóa, khởi nghiệp và đào tạo lại nghề nghiệp 4.0 là những vấn đề quan trọng cho lực lượng lao động này.
Cuộc CMCN 4.0 đã ảnh hưởng sâu sắc tới toàn bộ quá trình kiến tạo giá trị cho khách hàng - chuỗi giá trị. Các công nghệ và hệ thống 4.0 đã số hóa hoàn toàn quá trình từ đầu chuỗi giá trị tới khách hàng thông qua chuỗi số hóa dữ liệu từ thực tế, kiểm tra lưu trữ dữ liệu, ra quyết định vận hành dựa trên dữ liệu và kiểm soát đánh giá.
Trong tương lai khi các dữ liệu càng nhiều, rộng và chuẩn hóa, tốc độ tự động hóa việc làm sẽ còn mạnh mẽ hơn. Đứng trước đòi hỏi thách thức đó, mô hình KAS - Kỹ năng - Kiến thức - Thái độ luôn luôn phù hợp cho định hướng đào tạo mọi cấp độ. Tuy nhiên mô hình KAS cần bổ xung chữ T - Technology để nhấn mạnh việc đào tạo những kỹ năng liên quan tới công nghệ cho cuộc CMCN 4.0.
Người lao động sẽ phải chuẩn bị nhiều hơn về đổi mới sáng tạo |
Hệ thống giáo dục cần nhanh chóng thúc đẩy người học tiếp cận với việc làm thực tế càng nhanh càng tốt thông qua các chương trình đào tạo tích hợp với doanh nghiệp, những mô hình học tập trên thực địa và dây chuyền sản xuất. Bên cạnh đó bản thân lực lượng giảng viên cũng cần phải chủ động tham gia vào quá trình sản xuất và vận hành của doanh nghiệp. Có thể nói, để giảng dạy nghề nghiệp tốt, chính các thầy cô giảng viên cũng cần phải trở thành những người “thầy - thợ” trong lĩnh vực của chính mình.
Cuối cùng toàn bộ hệ thống giáo dục dạy nghề cần hướng tới trang bị nghề nghiệp tích hợp nhằm đảm bảo người lao động hiểu, áp dụng công nghệ mới với tâm thế đổi mới sáng tạo nhằm kiến tạo giá trị cho khách hàng và xã hội một cách liên tục. Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo căn bản có thể hiểu đó là người lao động tự kiến tạo bản thân cho một nghề nghiệp tốt bền vững trong cuộc CMCN 4.0.
Giáo dục thế kỷ XXI cần kiến tạo cá nhân có năng lực và ước mong học tập tự thân thay vì giảng dạy cho học viên những tri thức định sẵn. Từ đó, cá nhân sẽ tự định hướng, học tập và phát triển cả đời trong hệ sinh thái nghề nghiệp. |
Vũ Tuấn Anh
Thay đổi cơ cấu trình độ, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo | |
Đừng để thua ngay trên sân nhà |