Đừng để thua ngay trên sân nhà
Nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến: Đừng đào tạo cái mình có, hãy đào tạo cái thị trường cần
PV: Thông tin Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) xây dựng Đề án "Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025" đang thu hút sự quan tâm của xã hội. Đề án được kỳ vọng sẽ giải quyết được phần nào tình trạng lao động có trình độ nhưng lại thất nghiệp ở Việt Nam. Ông có nhận xét gì về đề án này?
ĐBQH Lê Như Tiến: Tôi thấy chủ trương xuất khẩu lao động là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta từ nhiều năm nay. Khi xác định hội nhập quốc tế thì không chỉ chuyển dịch về kinh tế, mà việc chuyển dịch lao động từ nước này sang nước khác, nghĩa là hội nhập sức lao động là quy luật tất yếu.
Nhưng vấn đề đặt ra là trước nay chúng ta xuất khẩu lao động chủ yếu là lao động chân tay, lao động dịch vụ gia đình, xây dựng, công nhân… Còn bây giờ xuất khẩu lao động có trình độ cao, tôi cho rằng đó là chủ trương đúng đắn của Bộ LĐ-TB&XH. Nhưng vấn đề lao động chất lượng cao của chúng ta có đáp ứng nhu cầu của thế giới hay không mới là câu hỏi lớn. Như ở nước Mỹ, nhu cầu của họ là cần lao động cao ở các lĩnh vực: y tá, hộ lý… có trình độ cao để đáp ứng được công việc ở các cơ sở an dưỡng chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, hoặc chăm sóc sức khỏe của các thành viên trong gia đình… thì chúng ta lại không đáp ứng được. Đã có đơn hàng, có khi nghìn người đi thi thì chỉ đỗ được vài chục người. Vì đòi hỏi của họ cao, ngay cả khi tuyển lao động phổ thông thôi, họ cũng yêu cầu phải có trình độ ngoại ngữ, có tay nghề và nhiều yếu tố khác, nên để xuất khẩu lao động có trình độ cao thì tôi e rằng chưa thể, nếu muốn thì lại phải trải qua các khóa đào tạo chuyên sâu tiếp theo may ra mới đáp ứng được.
PV: Thực tế thì trong dự kiến của đề án mà Bộ LĐ-TB&XH cũng đã đề xuất các khóa đào tạo ngắn hạn cho người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Nhưng đáng nói, cái được coi là “lao động có trình độ cao” ở trong nước khi ra nước ngoài vẫn chỉ dừng ở mức lao động chân tay, các công việc như điều dưỡng, công nhân cơ khí, điện tử… Như vậy, sau bao nhiêu năm thì chất lượng xuất khẩu lao động vẫn giẫm chân tại chỗ, thưa ông?
ĐBQH Lê Như Tiến: Đó chính là câu hỏi lớn mà bao nhiêu năm chúng ta vẫn chưa có câu trả lời. Tại sao chúng ta đào tạo 4-5 năm để cho ra một cử nhân, một kỹ sư mà lại chỉ là lao động “chân tay” ở nước ngoài như người ta chỉ đào tạo 3-6 tháng cho một công nhân? Vậy thì chúng ta phải xem lại quy trình đào tạo, môi trường đào tạo, chất lượng đào tạo của chúng ta chứ?
Lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài |
Câu hỏi đặt ra là, mình đào tạo những cái thị trường lao động trong và ngoài nước cần, hay đào tạo những cái mình có? Đó chính là câu hỏi lớn. Tôi thấy một thực tế mà bấy lâu chúng ta đã làm là chỉ đào tạo những cái mà cơ sở đào tạo họ có chứ chưa đào tạo những cái mà thị trường lao động họ cần, nhất là chưa nghiên cứu được thị trường lao động ngoài nước. Thử hỏi, nếu chúng ta mất công đào tạo 4 năm cho một cử nhân hay kỹ sư, nhưng khi ra nước ngoài lại lao động chân tay như một lao động phổ thông của họ thì có phải là quá lãng phí. Vậy nên cần phải xem lại hình thức, phương thức, nội dung đào tạo của Việt Nam. Và nên nhớ là phải đào tạo nhiều hơn về kỹ năng chứ không thiên về đào tạo lý thuyết. Thực tế những năm qua đã có bài học nhãn tiền rồi, chúng ta đào tạo lý thuyết nhiều quá mà quên thực hành, nếu đứng trên yếu tố này khi xuất khẩu lao động ra nước ngoài thì bằng cấp của một cử nhân, một kỹ sư cũng không bằng một công nhân, vì nước ngoài họ tính theo năng suất và hiệu quả lao động chứ không tính theo giờ làm việc.
Về đề án, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp nói rõ, Bộ đang giao Cục Quản lý lao động ngoài nước xây dựng đề án để trình Chính phủ. Theo đó, đề án hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu lao động trình độ cao ở một số ngành nghề như hộ lý, điều dưỡng sang Nhật Bản, Đức; cơ khí, công nghệ thông tin, điện tử sang Hàn Quốc và hướng đến một số thị trường mới như Slovakia, Cộng hòa Czech... Đây được xem là hướng đi cho số lao động có trình độ đại học, cao đẳng đang thất nghiệp có cơ hội tham gia các chương trình xuất khẩu lao động, tìm việc làm. |
Vậy nên, tôi nghĩ cả ngành giáo dục, trong đó có đào tạo nghề phải nghiên cứu cách thức để giải quyết vấn đề này, phải phân định rõ việc đào tạo lao động lành nghề nghĩa là đào tạo những lao động có tay nghề cao và đào tạo lao động có chất lượng cao. Lao động có trình độ cao ở nước ta cụ thể là có thể đảm nhiệm những công việc như thiết kế, đồ họa hay đứng ra quản lý, giám sát điều hành của cả một phân xưởng… nghĩa là anh có trình độ đại học trở lên thì tôi thấy chúng ta đã đào tạo rất nhiều, còn đang thừa thãi. Những năm vừa qua, thống kê cho thấy, có đến cả mấy chục nghìn lao động có trình độ thất nghiệp, nếu chúng ta đào tạo lực lượng này rồi đưa sang nước ngoài thì tốt, nhưng chỉ đáp ứng được công việc không quá cao.
Thực tế, tôi thấy có nhiều tồn tại ngay ở cái được cho là lao động có trình độ cao của ta là trình độ ngoại ngữ không cao và trình độ chuyên môn chưa vững. Ví dụ, chúng ta có rất nhiều kỹ sư về công nghệ thông tin, nhưng nhiều khi người ta yêu cầu lập trình viên thì mình không đáp ứng được. Ngoại ngữ thì rất yếu, nếu xuất khẩu một đơn hàng lao động thì hầu như là phải đào tạo lại. Để thấy chúng ta còn rất nhiều vấn đề mà cần phải đào tạo một cách căn cơ từ trong nước.
Nên tôi nghĩ đào tạo trong nước cần có hai nhánh. Thứ nhất là đào tạo lao động có tay nghề cao của khối dạy nghề mà hiện Tổng cục Dạy nghề và Bộ LĐ-TB&XH đang quản lý. Thứ hai là, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao của Bộ Giáo dục & Đào tạo mà chúng ta nghĩ rằng có kiến thức hàn lâm. Vì nguồn nhân lực trong nước khi đưa ra nước ngoài thì trước hết cần phải được đào tạo kỹ lưỡng, căn cơ thì mới đi ra nước ngoài được, nhất là thị trường lao động lại lạ lẫm, tách rời thị trường lao động trong nước.
Thực tế cho thấy, ngay cả khi chúng ta đào tạo lao động thì thị trường lao động trong nước chúng ta cũng không đáp ứng được, bằng chứng là bao nhiêu người có bằng cấp mà thất nghiệp. Tất nhiên, việc lao động có trình độ mà thất nghiệp là do tác động của nhiều yếu tố, nhưng việc không tìm được việc làm cũng như không giải quyết được việc làm cho người lao động là chúng ta đã thất bại. Cứ tình hình này thì chỉ nay mai thôi, khi thị trường lao động hội nhập, lao động nước khác tràn vào Việt Nam thì chúng ta đã thua ngay trên sân nhà. Đó là lý do mà chúng ta không thể chần chừ mà phải có ngay kế hoạch xây dựng chương trình chiến lược đào tạo lao động để đáp ứng được nhu cầu quốc tế.
PV: Việc đào tạo ồ ạt chỉ chú trọng số lượng, thay vì chất lượng của giáo dục đại học, sau đại học đã khiến những người có trách nhiệm với giáo dục nước nhà nhiều lần lên tiếng, nhưng tình trạng không có mấy thay đổi. Theo ông là do đâu?
ĐBQH Lê Như Tiến: Thực ra giáo dục đào tạo là cả quá trình chứ không phải ngày một ngày hai mà thay đổi, nhưng thực sự là chúng ta đã quá chậm phát triển giáo dục. Việc cho mở trường tràn lan trước đây, kéo theo hệ lụy là hàng chục nghìn người cầm bằng cấp nhưng thất nghiệp. Chất lượng đầu vào đại học thấp, đầu ra cũng mở cửa, thành thử bằng cấp bây giờ không nói lên điều gì. Cái này, tôi nghĩ Bộ Giáo dục & Đào tạo cần có lộ trình tính toán. Còn trách nhiệm chung về nâng cao chất lượng lao động thì tôi nghĩ ít nhất là mình phải xây dựng được con đường đi, hướng đi cho tương lai, nắm bắt được thị trường lao động quốc tế cũng như trong nước để mà đào tạo. Đào tạo có địa chỉ, đào tạo theo nhu cầu chứ không phải lấy số lượng, bao nhiêu cử nhân ra trường, bao nhiêu thạc sĩ, tiến sĩ… là phù phiếm. Để lực lượng này tìm được việc làm đúng nghề nghiệp, lại có năng suất, thu nhập cao mới là quan trọng.
PV: Vậy thì cần phải vào cuộc như thế nào, thưa ông?
ĐBQH Lê Như Tiến: Trước hết, Đảng đã có chủ trương, nghị quyết về nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và cũng khẳng định giáo dục là quốc sách, xây dựng con người là mấu chốt thành công của mọi thành công. Vậy việc tập trung thực hiện, mà ở đây cụ thể là Bộ Giáo dục & Đào tạo trong lĩnh vực đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hiện đang chăm lo về vấn đề dạy nghề, là hai đơn vị cần phải vào cuộc một cách quyết liệt. Cần tìm hiểu thị trường lao động cả trong và ngoài nước để có chương trình đào tạo phù hợp, các chủ cơ sở đào tạo phải tự tìm hiểu thị trường lao động xem thị trường lao động cần gì thì đào tạo chứ không phải mình có gì thì đào tạo ấy như lâu nay. Đã đến lúc cần thắt chặt, đưa ra các tiêu chí để thay vì đào tạo lấy số lượng thì phải chú trọng vào chất lượng.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
TS Trần Lâm, ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn TP HCM: Dừng ngay cách giáo dục theo kiểu “ăn xổi, ở thì”
Đề án của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội có thể là giải pháp tạm thời để giải quyết việc làm cho các cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp, nhưng tôi nghĩ thực hiện được thì cần phải chuẩn bị nhiều yếu tố. Chúng ta phải hiểu xuất khẩu lao động là một hoạt động kinh tế dưới dạng dịch vụ cung ứng lao động cho nước ngoài, mà đối tượng của nó là con người.
Đối với các nước trên thế giới, kể cả các nước phát triển lẫn các nước kém phát triển thì họ đều tham gia vào hoạt động xuất khẩu lao động. Nếu như các nước phát triển xuất khẩu lao động có trình độ, kỹ thuật cao thì các nước kém phát triển xuất khẩu lao động có trình độ tay nghề nhằm giải quyết việc làm cho người lao động. Cũng như nhiều quốc gia khác thì từ lâu Việt Nam cũng đã xuất khẩu lao động sang các nước và thẳng thắn nhìn nhận thì hoạt động này đã đóng góp khá lớn vào sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.
Hiện tại, hoạt động xuất khẩu lao động ở nước ta chủ yếu diễn ra theo 2 hình thức là đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và xuất khẩu lao động tại chỗ. Nếu đi lao động theo thời hạn ở nước ngoài, người lao động có thể đi theo hiệp định chính phủ ký kết giữa hai nhà nước, các chương trình hợp tác lao động và chuyên gia hoặc thông qua doanh nghiệp Việt Nam làm dịch vụ cung ứng lao động… Còn xuất khẩu lao động tại chỗ là hình thức các tổ chức kinh tế của Việt Nam cung ứng lao động cho các tổ chức kinh tế nước ngoài ở Việt Nam như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao… của nước ngoài đặt tại Việt Nam.
Trước đây, chủ yếu xuất khẩu lao động có tay nghề đi nước ngoài tôi thấy một thực trạng chung rằng, chất lượng đội ngũ lao động xuất khẩu vẫn còn thấp so với đòi hỏi của thị trường, nhất là ngoại ngữ, tay nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của công nghệ sản xuất hiện đại, chủ yếu là xuất khẩu lao động phổ thông; một số loại lao động kỹ thuật nước ngoài có nhu cầu nhưng chúng ta chưa có đủ để đáp ứng, nên nói xuất khẩu lao động có trình độ cao ra nước ngoài như đã thấy vẫn chỉ dừng ở mức độ lao động chân tay.
Còn việc lao động có trình độ nhưng vẫn thất nghiệp ở Việt Nam tôi cho rằng nó tác động bởi nhiều yếu tố, bao gồm: cơ chế xã hội, trình độ năng lực, sức cạnh tranh… rất nhiều rối rắm. Tình trạng lao động có trình độ thất nghiệp không chỉ riêng ở Việt Nam mà ở các nước khác cũng có. Theo tôi được biết thì Hàn Quốc cũng có tới 30-40% lao động có trình độ thất nghiệp. Họ thất nghiệp vì họ chọn nghề nghiệp, họ không muốn có trình độ mà đi làm phụ hồ, quét rác… họ chỉ muốn ngồi máy lạnh thôi. Nhưng cũng như ở Việt Nam, hãy nhìn vào thực tế những người thực sự giỏi họ không chịu thất nghiệp đâu. Vậy thì loại bỏ những yếu tố khách quan, người lao động cần trau dồi cho mình những kỹ năng, có sự am hiểu nhất định về chuyên môn nghề nghiệp mà mình muốn làm để đáp ứng được nhu cầu công việc.
Còn theo tôi, thay vì việc làm sao xuất khẩu lao động có trình độ cao ra nước ngoài thì tôi nghĩ rằng, hãy tìm cách thu hút người tài ở lại Việt Nam. Thay đổi cách thức xã hội, thay đổi môi trường làm việc và có những chính sách thu hút nhân tài. Như tôi vừa tham dự hội thảo ở Hàn Quốc, tôi thấy họ đánh giá rất cao vai trò của những người có tài. Ngay thời của chính phủ Park Chung Hy trong thập niên 60 của thế kỷ trước, để thu hút người tài về nước làm việc, họ sẵn sàng trang bị cho người ta xe hơi để đi, cho nhà để ở và hưởng lương rất cao để người ta toàn tâm, toàn ý phát triển cho Hàn Quốc. Từ đó để thấy mình đối xử với nhân tài như thế nào? Nhiều người có tài họ không trở về Việt Nam không hẳn vì kinh tế, mà do môi trường làm việc không tốt. Do đó, để thay đổi là cả hệ thống chứ không riêng đối tượng nào.
Và đúng là việc thay đổi tư duy giáo dục cũng là một vấn đề then chốt, nhất là ở môi trường đại học. Việc chúng ta cứ trung thành mãi với mô hình giáo dục đơn điệu một chiều, thiên về lý thuyết và không khuyến khích sinh viên có tư duy phê phán đã nói nhiều lần, nhưng dường như không mấy xoay chuyển. Tôi nghĩ trong môi trường giáo dục hãy để sinh viên cần có cơ hội thể hiện cá tính và năng lực của mình. Người thầy hãy biết lắng nghe và khơi dậy những khả năng tiềm ẩn của họ. Tài năng phải thực sự được vun đắp và cọ xát với thực tiễn thì mới có giá trị thực sự phục vụ cuộc sống. Vì vậy, thay vì cứ sống mòn với những kiến thức và lối tư duy cũ kỹ của mình thì những người thầy phải biết uyển chuyển, nhạy bén hơn trong việc định hướng tri thức cho sinh viên, khích lệ và tuyên dương những ý tưởng sáng tạo để họ có thêm niềm tin mà phát huy năng lực vốn có của mình. Đã đến lúc không thể giáo dục theo kiểu ăn xổi ở thì, được chăng hay chớ để rồi tạo ra những sản phẩm kém chất lượng, thiếu chuyên môn. Mục đích của giáo dục nhất thiết phải là hướng người học nhận ra khả năng thực sự của mình để từ đó phát huy đúng hướng nhằm phục vụ xã hội.
Để thực hiện tốt đề án này, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội sẽ nỗ lực đàm phán với các nước để họ tiếp nhận, song thực sự có phải chất lượng cao như các nước kỳ vọng hay không thì cần đánh giá kỹ lưỡng. Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ có những đánh giá nhu cầu thị trường để hoàn thiện đề án. Những lao động dù đã qua đào tạo nhưng muốn tham gia vào các chương trình này đều phải được hỗ trợ bồi dưỡng về ngoại ngữ, tay nghề, văn hóa hoặc đào tạo ngắn hạn để chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp với thị trường tiếp nhận lao động. |
Huyền Anh
-
Tin tức kinh tế ngày 7/9: Nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng tích cực
-
Lượng người đăng ký xuất khẩu lao động Hàn Quốc tăng đột biến
-
Tin tức kinh tế ngày 17/5: Sản lượng gạo toàn cầu dự báo đạt mức cao kỷ lục
-
Thanh tra Bộ LĐTB&XH chỉ ra loạt vi phạm tại Vinamex
-
Hàn Quốc gỡ lệnh “cấm cửa” với lao động 4 tỉnh của Việt Nam
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị