Cuộc chiến ủy nhiệm Nga-Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan |
Một ngày sau khi Bộ Quốc phòng Nga tố cáo những quan chức hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và người nhà của ông, thông đồng với IS buôn dầu lậu, hôm nay, Mỹ đã lên tiếng bênh vực.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark nói rằng "không có sự thông đồng của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trong một số hoạt động mua bán dầu bất hợp pháp" từ IS. Ông nói thêm: "Chúng tôi hoàn toàn không tin đó là sự thật”.
Còn phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho rằng nếu người Nga thực sự lo ngại về việc tài trợ bất hợp pháp IS thì Nga nên nêu vấn đề đó với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Tuần trước, Washington cáo buộc chính phủ Syria mua dầu từ IS và áp đặt những biện pháp trừng phạt nhắm vào một doanh nhân mang hai quốc tịch Syria-Nga (George Haswani), cáo buộc ông ta tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh dầu mỏ giữa chính phủ Assad và IS.
Lầu Năm Góc cũng bác bỏ những cáo buộc của Nga. Phát ngôn viên cho chiến dịch chống IS của Mỹ, Đại tá Steve Warren, nói trong một cuộc họp báo trực tiếp từ Baghdad rằng Thổ Nhĩ Kỳ là "đối tác tốt của chúng tôi". Ông gọi ý tưởng cho rằng họ "bằng cách nào đó đang làm việc với" IS là "hàm hồ".
Ngày 2/12, trong một cuộc họp báo ở Moskva, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Anatoly Antonov gọi là IS "thủ lĩnh tuyệt đối" trong chủ nghĩa khủng bố quốc tế, và nói rằng những kẻ khủng bố ở Syria kiếm được khoảng 2 tỉ USD mỗi năm từ việc khai thác dầu mỏ bất hợp pháp mà chúng sử dụng để tuyển mộ và vũ trang những kẻ khủng bố khắp thế giới.
"Đó là lý do tại sao IS ra sức bảo vệ cơ sở hạ tầng sản xuất dầu bất hợp pháp ở Syria và Iraq. Khách hàng chính cho dầu bị lấy cắp từ những người chủ sở hữu hợp pháp của nó - Syria và Iraq - chính là Thổ Nhĩ Kỳ. Theo thông tin mà chúng tôi đã nhận được, tầng lớp lãnh đạo chính trị cao nhất của nước này - Tổng thống Erdogan và gia đình của ông ta - có dính líu tới hoạt động kinh doanh phạm pháp này"- ông Antonov nói.
Không có bằng chứng cho thấy ông Erdogan hoặc bất kỳ thành viên nào trong gia đình ông ta tham gia buôn bán dầu mỏ với IS được trưng ra tại cuộc họp báo.
Về phần mình, Tổng thống Erdogan đã phản bác những cáo buộc mới nhất của Nga. "Không ai có quyền vu khống Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang mua dầu từ IS"- ông nói khi đang đi thăm Qatar.
Những tuyên bố mới nhất của Nga được đưa ra giữa lúc căng thẳng tăng cao giữa Moskva và Ankara sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước bắn hạ một máy bay chiến đấu của Nga ở biên giới Syria.
Nếu như cách đây hơn một tháng người ta lo ngại khả năng xảy ra cuộc chiến ủy nhiệm giữa Nga và Mỹ tại Syria khi mà hai bên cùng đưa vũ khí cho các phe đối nghịch ở đây thì giờ lo ngại ấy lại được chuyển sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Tính từ đầu vụ khủng hoảng Nga-Thổ cho đến nay, Mỹ và NATO cũng đã nhiều lần lên tiếng bênh vực chính quyền Ankara. Ngay sau khi Thổ bắn hạ máy bay Nga, NATO ra thông báo cho biết ủng hộ quyết định của Ankara và cho đó là quyền bảo vệ chính đáng không phận. Mới đây, tại Pháp nhân hội nghị COP21 về biến đổi khí hậu, Tổng thống Mỹ Obama cũng đã lên tiếng yêu cầu Nga-Thổ giảm nhiệt căng thẳng để tập trung vào đánh IS.
Về phía NATO, ngày 2/12, tại buổi họp báo sau ngày đầu tiên của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên NATO, ông Jens Stoltenberg, Tổng thư ký tổ chức này thông báo rằng Anh đã sẵn sàng đưa máy bay đến căn cứ Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ và Đan Mạch sẽ điều tàu chiến tới phía đông Địa Trung Hải.
Chưa kể cũng trong ngày 2/12, dù Nga đã nhiều lần tuyên bố về sự khiêu khích và mối đe dọa cho sự ổn định của khu vực phía Tây Balkan, NATO vẫn quyết định mời Montenegro trở thành thành viên thứ 29 của liên minh quân sự này.
H.Phan
Theo AFP. AP, Reuters
-
Chiến thắng Bình Giã: Sức mạnh toàn dân làm nên mốc son lịch sử
-
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn
-
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo gỡ khó cho doanh nghiệp hóa dầu
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới
-
Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng