CSGT học ứng xử: Học đi đôi với hành!
Trước đó, vào tháng 4/2013, công an thành phố cũng tập huấn văn hóa ứng xử, đạo đức tác phong CSGT cho 1.500 lượt cán bộ cảnh sát trực tiếp tuần tra, xử phạt, tiếp xúc với người vi phạm giao thông. Nhiều người cho rằng, đây là những động thái hết sức cần thiết và cầu thị của ngành công an, tuy nhiên như thế vẫn chưa đủ, điều người dân cần là “đã học thì phải nhớ hành”!
Bởi vì, chỉ mới đây nhất, vào ngày 5/11 vừa qua (tức là sau hơn 5 ngày được học về văn hóa ứng xử”) lại có thêm một vụ phàn nàn về cách ứng xử “thô bạo” của CSGT tại TP HCM. Đó là việc người đi đường tên là Nguyễn Văn Út (37 tuổi, trú quận 12, TP HCM) “tố” một CSGT vung gậy trúng gậy thương tích.
Qua tìm hiểu được biết anh Út điều khiển xe máy lưu thông trên Quốc lộ 1A hướng từ ngã tư An Sương về vòng xoay An Lạc. Khi đến gần Trạm thu phí An Lạc (quận Bình Tân), anh Út chạy lấn tuyến qua làn xe ôtô thì bị Trung úy Nguyễn Đình Khiên (công tác tại Đội CSGT An Lạc) vung gậy trúng mặt. Bức xúc vì sự việc này, anh Út đã đến Đội CSGT An Lạc gặp người chỉ huy. Sau đó, đại diện của Đội CSGT An Lạc đã đưa cho anh Út 3 triệu đồng để chữa trị vết thương.
Theo lời của Thượng tá Trần Thanh Trà, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP HCM thì khi phát hiện anh Út lấn tuyến, Trung úy Khiên dùng gậy ra tín hiệu dừng xe nhưng anh Út không chấp hành hiệu lệnh nên “gậy không may trúng vào mặt anh dẫn đến bị thương”.
PGS.TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn trao đổi với CSGT về văn hóa ứng xử
Nhiều người cho rằng, cách hành xử giữa người CSGT nêu trên và người đi đường là chưa phù hợp trong “văn hóa ứng xử” và những vụ việc tương tự như vậy thì không phải là hiếm. Trước hết cần phải nhìn nhận, giữa người dân tham gia giao thông và CSGT vẫn còn một “khoảng cách” nhất định trong văn hóa ứng xử. Thời gian qua, người tham gia giao thông không khỏi phiền hà về hành vi, thái độ ứng xử không đúng mực của một bộ phận CSGT. Đó có thể là những lời nói thiếu bình tĩnh, trịch thượng, không đúng theo quy định của ngành công an. Có không ít CSGT còn sẵn sàng coi người vi phạm giao thông như tội phạm, xưng hô “mày - tao”, khiến cho khoảng cách giữa CSGT và người đi đường nhiều lúc vênh nhau, cư xử như “kẻ thù”. Chính điều này đã xảy ra nhiều vụ việc CSGT bị hành hung, chống đối, nhưng cũng không ít vụ người vi phạm hoặc người tham gia giao thông bị CSGT đối xử thiếu văn hóa, giằng kéo phương tiện, thậm chí bị đánh đập, hành hung. Người vi phạm, dù biết là có lỗi vẫn sẵn sàng chống đối lại CSGT, mặc cho vụ việc có thể bị xử lý nặng về sau.
Tham gia vào khóa giảng dạy văn hóa ứng xử cho CSGT mới đây, PGS.TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn - Trưởng bộ môn Tâm lý học Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Trước hết người CSGT phải biết giữ hình ảnh của mình trong lòng người dân, từ cách ăn, nói, đi đứng. Tác phong phải nghiêm túc lịch sự. Các anh cứ mang khuôn mặt hình sự ra làm việc với dân thì không thể mang lại sự hài lòng rồi!
Còn theo Thượng tá Trần Thanh Trà - Trưởng phòng CSGT Công an thành phố: Thực tế, một số người vi phạm có hành vi vô văn hóa, kích động khi bị xử lý. Gặp những tình huống này, nhiều chiến sĩ trẻ không kiềm chế có thể làm mất hình ảnh của CSGT.
Nói đi cũng phải nói lại, như chúng ta biết, CSGT là người thi hành công vụ, có chức năng, quyền hạn được quy định rõ ràng. Tuy nhiên, không ít CSGT đã bị người vi phạm chống đối trắng trợn khi đang thi hành nhiệm vụ, thậm chí có trường hợp sẵn sàng lao vào tấn công CSGT bằng mọi cách hoặc dùng những thủ đoạn trơ trẽn nhằm đối phó. Nói như một lãnh đạo Cục CSGT đường bộ: Nhiều trường hợp trên đường người dân hỏi về luật sâu quá, CSGT nắm không được dẫn đến bực bội rồi phát biểu tùy tiện dẫn đến xung đột, cãi cọ.
Một thanh niên vi phạm Luật Giao thông đôi co với CSGT trên địa bàn quận 5
Việc cư xử đúng hay sai của lực lượng CSGT và người tham gia giao thông trong những tình huống căng thẳng, về mặt pháp luật, xã hội sẽ còn nhiều bàn cãi. Tuy nhiên, điều chúng ta mong mỏi là giữa hai bên cần hết sức kiềm chế, giảm bớt khoảng cách “xung đột” này. Đây là điều mà lực lượng CSGT và bản thân người tham giao thông hãy cùng suy nghĩ thấu đáo.
GS.TS tâm lý học Vũ Gia Hiền - Chuyên gia tâm lý Hội Tâm lý - Giáo dục TP HCM gợi ý một cách ứng xử về mối quan hệ, giao tiếp với quần chúng để có thể làm “vừa lòng ngay cả người bị phạt”. Ông đặt vấn đề, trong nhiều trường hợp, cảnh sát giao thông sau khi chào người vi phạm phải nói xin lỗi trước theo phép lịch sự vì đã dừng xe giữa trời nắng nóng. Thế nhưng trên thực tế, chỉ có ít cảnh sát nói như vậy để xoa dịu người dân.
Cần phải thấy rằng, ở một thành phố có hơn 8 triệu dân và có hệ thống giao thông lớn nhất cả nước như TP Hồ Chí Minh thì vai trò của lực lượng CSGT là cực kỳ quan trọng. Người tham gia giao thông rất cần CSGT vì họ cần trật tự an toàn giao thông. CSGT cũng rất cần người đi đường chấp hành đúng luật lệ giao thông để họ có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nếu như đôi bên cần nhau như vậy thì tại sao lại tạo dựng “khoảng cách” trong ứng xử?
Điều đó đòi hỏi văn hóa ứng xử giao thông cần được thực thi một cách nghiêm túc nhất và có chế tài hẳn hoi. Công an thành phố đã nhận thức được điều đó và tập huấn cho lực lượng CSGT học về văn hóa ứng xử. Điều đó là đúng, đáng hoan nghênh nhưng vẫn chưa đủ. Cần phải nhớ rằng, học là một chuyện, còn “hành” lại là một chuyện khác. Ngành công an phải luôn luôn lưu ý, để văn hóa ứng xử của CSGT đi vào thực tiễn cuộc sống thì cần rèn luyện thường xuyên, “học phải nhớ hành”, phải như “tắm giặt, gội đầu hằng ngày”.
Để người dân “tâm phục khẩu phục” thì không chỉ “học và hành” văn hóa ứng xử để lễ phép với dân mà CSGT còn cần phải học nói không với nạn nhũng nhiễu, hối lộ, quan liêu, hách dịch... nhưng cũng đồng thời không khoan nhượng trước những hành vi cố tình vi phạm luật giao thông, nạn đua xe trái phép, phải phấn đấu hoàn thành mục tiêu kéo giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.
Đối với người tham gia giao thông cũng vậy, tự bản thân cũng cần học văn hóa ứng xử giao thông giữa người đi đường với nhau cũng như cần cư xử đúng mực với CSGT và hãy học nói không với nạn đút lót, vô văn hóa khi bị vi phạm luật giao thông, nghiêm túc chấp hành luật giao thông, điều khiển phương tiện đúng quy định... Điều cốt lõi nhất vẫn là văn hóa trong ứng xử và tinh thần thượng tôn pháp luật. Có như vậy, “khoảng cách” giữa CSGT và người dân sẽ được xóa dần!
Thế Vinh
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến Petrovietnam và Zarubezhneft trao văn kiện hợp tác
-
[VIDEO] Thủ tướng đến Nga dự Hội nghị BRICS mở rộng
-
Liên doanh dầu khí Nga - Việt đã mang về cho đất nước tỷ USD
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện