Công ty Cà phê Trường Ngân (Bình Dương): Một kho hàng thế chấp 7 nơi
Năng lượng Mới số 284
Cháy nhà ra mặt chuột
Vụ việc lên tới đỉnh điểm khi vào ngày 6 đến 8/12/2013, cùng lúc cả 7 ngân hàng là “chủ nợ” của Công ty TNHH Trường Ngân (sau đây gọi là Trường Ngân) bao vây kho hàng cà phê của công ty này trước thông tin một trong số 7 “chủ nợ” sẽ tổ chức “cướp” kho hàng. Căng thẳng lên cao tới mức lực lượng cảnh sát 113 phải can thiệp, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, tránh xô xát. Một số ngân hàng đã thuê xe tải chắn ngang cửa kho để tránh bị ngân hàng khác “cướp” mất kho hàng.
Vụ việc tranh chấp tại Trường Ngân giữa các ngân hàng đã phát sinh từ hồi đầu năm 2013, khi mà Trường Ngân mất khả năng trả nợ. Vụ việc được “bùng” trở lại khi Ngân hàng Phương Đông (OCB) đã “nhanh chân” khởi kiện Trường Ngân lên TAND quận 4 - TP Hồ Chí Minh và được tòa án này công nhận thỏa thuận của OCB và Công ty Trường Ngân. Theo thỏa thuận này, hai bên thống nhất số nợ mà Trường Ngân phải trả cho OCB là 93,2 tỉ đồng, đảm bảo bằng 3.360 tấn cà phê được để ở trong kho của công ty, nếu Trường Ngân không trả nợ sẽ bị thanh lý cà phê đảm bảo.
Số cà phê tại kho của Công ty Trường Ngân đang bị cưỡng chế đưa về cất giữ ở một kho khác
Điều đáng lưu ý là số tài sản này hiện cũng đang được thế chấp cùng lúc để vay tiền từ 6 ngân hàng khác gồm MB, MSB, Vietinbank, VIB, Agribank và Techcombank. Trong khi đó, quá trình công nhận thỏa thuận giữa OCB và Trường Ngân đối với số tài sản tranh chấp này không hề có sự tham gia của 6 “chủ nợ” còn lại. Căng thẳng, tranh chấp giữa các “chủ nợ” bắt đầu từ ngày 4/12 khi OCB thực hiện việc cưỡng chế cà phê tại kho số 2 theo thỏa thuận.
Hiện tài sản trong kho còn lại là rất nhỏ so với toàn bộ số nợ đối với 7 ngân hàng. Theo thông tin từ các “chủ nợ”, khi 7 ngân hàng và đại diện Ngân hàng Nhà nước kiểm tra kho hàng ngày 23/8, số cà phê trong kho chỉ khoảng 2.800 tấn (tương đương 100 tỉ đồng). Trong khi tổng số nợ và lãi của Trường Ngân hiện đã lên tới gần 700 tỉ đồng.
Dư luận có quyền đặt câu hỏi, vậy tại sao Trường Ngân có thể dùng cùng một kho hàng để thế chấp vay vốn đồng thời tại 7 ngân hàng lớn khác nhau? Trường Ngân đã sử dụng tài sản tồn kho luân chuyển với hồ sơ như thế nào để có thể vay cùng lúc tại cả 7 ngân hàng mà các ngân hàng không có ý kiến về tài sản bị chồng lấn với nhau? Các ngân hàng quản lý hồ sơ, tài sản thế chấp là hàng hóa tồn kho luân chuyển như thế nào mà để cho toàn bộ khối lượng hàng hóa chỉ còn 2.800 tấn cà phê khi kiểm kê so với trên 12.000 tấn cà phê khi cho vay?
Tại anh tại ả!
Nhiều sai sót trong quá trình cho vay, thẩm định hồ sơ của các ngân hàng đối với Trương Ngân được đặt ra.
Theo nguyên tắc tín dụng tại hầu hết các ngân hàng, khi tài sản bảo đảm khoản vay là hàng hóa tồn kho luân chuyển (tức là doanh nghiệp sử dụng chính hàng hóa trong kho làm tài sản bảo đảm khoản vay, khi có biến động xuất nhập kho thì đều có biên bản dưới sự chứng kiến của ngân hàng cho vay)thì ngân hàng thường cử nhân sự của mình tham gia quản lý và bảo vệ kho hàng. Nhiều ngân hàng còn ký hợp đồng với các đơn vị bảo vệ để tổ chức quản lý 24/24 những kho hàng có giá trị đang là tài sản bảo đảm khoản vay. Mọi động thái xuất kho - nhập kho làm thay đổi giá trị, số lượng tài sản bảo đảm đều phải có biên bản với sự có mặt của đại diện ngân hàng, doanh nghiệp.
Hơn nữa, công tác thẩm định giá trị tài sản bảo đảm là hàng hóa tồn kho luân chuyển như là cà phê thường được các ngân hàng xây dựng quy trình hết sức chặt chẽ. Thông thường, giá trị cho vay chỉ bằng 60-80% giá trị do ngân hàng định giá và mục đích cho vay chỉ dành cho bổ sung vốn lưu động có thời hạn ngắn (do tính chất của tài sản bảo đảm là hàng hóa thực phẩm dễ bị hư hỏng, mất giá và thời gian bảo quản ngắn).
Vậy mà, không hiểu vì sao kho hàng cà phê hiện chỉ còn 2.800 tấn với giá trị khoảng 100 tỉ đồng so với hàng chục nghìn tấn cà phê trên sổ sách khi cho vay mà các ngân hàng không hề hay biết!? Tệ hại hơn nữa, nhiều bao tải trong kho chỉ có vỏ cà phê để lẫn trong kho sản phẩm. Số lượng này chưa được thống kê hết nhưng có thể giá trị kho hàng sẽ thấp hơn con số 100 tỉ đồng ước tính. Nếu vậy, thiệt hại đối với các ngân hàng là rất lớn, khả năng nhiều ngân hàng sẽ bị mất trắng số tiền cho vay từ vài chục đến vài trăm tỉ đồng.
Liệu có sự tắc trách trong khâu thẩm định xét duyệt hồ sơ, sự vô trách nhiệm trong việc quản lý tài sản bảo đảm của các ngân hàng? Liệu có sự bưng bít thông tin từ cán bộ ngân hàng? Hay xuất phát từ Trường Ngân khi tạo ra những bộ hồ sơ tín dụng quá hấp dẫn trong thời điểm các ngân hàng đang chạy đua tăng trưởng tín dụng cách đây 2 năm? Hay là tại kinh tế khủng hoảng, ngành cà phê gặp nhiều khó khăn với nhiều đại gia cà phê đã ngã ngựa và Trường Ngân cũng chỉ là nạn nhân của khủng hoảng kinh tế?
Tất cả các nghi vấn trên vẫn chưa có lời giải đáp thấu đáo khi sự việc tại Trường Ngân vẫn chưa được giải quyết xong. Tuy nhiên, chắc chắn đã có vấn đề tại cả các khâu từ xét duyệt hồ sơ, quản lý tài sản bảo đảm và theo dõi mục đích sử dụng vốn vay của các ngân hàng. Vì quy trình tín dụng của các ngân hàng tại các khâu hết sức chặt chẽ, không có lý do gì mà sau một thời gian dài, chỉ đến khi Trường Ngân vỡ nợ thì sự việc mới bị phanh phui và các ngân hàng mới tá hỏa về khoản cho vay của mình.
Sự việc tại Trường Ngân là một điển hình cho việc cho vay ẩu, tăng trưởng tín dụng “nóng” gây ra “ung nhọt” nợ xấu cho ngành ngân hàng hiện nay. Bên cạnh đó là văn hóa giải quyết tranh chấp của ngân hàng, đồng thời nêu lên thực tế về việc thẩm định tài sản thế chấp lỏng lẻo của nhiều ngân hàng. Rất rõ: Cho vay dễ dãi thì rủi ro mất vốn là rất lớn.
Thành Trung
-
Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm Việt
-
Tin tức kinh tế ngày 18/11: Cua ghẹ Việt Nam “đắt hàng” tại Trung Quốc
-
Vì sao vàng không còn “lấp lánh” sau chiến thắng của Donald Trump?
-
VPBank lọt Top 10 Doanh nghiệp vốn hóa lớn có Quản trị công ty tốt nhất năm 2024
-
Agribank đẩy mạnh cho vay qua tổ vay vốn - tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng