Công nghiệp văn hóa - Ngành kinh tế mũi nhọn tương lai
Hội An là 1 trong 3 thành phố của Việt Nam được công nhận danh hiệu Thành phố sáng tạo UNESCO |
Thuật ngữ “Công nghiệp văn hóa” (the culture industry) lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1944, trong cuốn sách Dialectic of Enlightenment của hai nhà nghiên cứu người Đức là Adorno và Horkneimer.
Năm 1982, UNESCO cho rằng: “CNVH xuất hiện khi các hàng hóa và dịch vụ văn hóa được sản xuất và tái sản xuất, được lưu trữ và phân phối trên dây chuyền công nghiệp và thương mại, tức là trên quy mô lớn, phù hợp với chiến lược kinh tế hơn là phát triển văn hóa”.
CNVH hiện đang là “con gà đẻ trứng vàng” của nhiều nền kinh tế thế giới. Ở nước Anh, CNVH đã tạo ra thu nhập khoảng 112,5 tỉ bảng/năm, đóng góp 5% GDP, chiếm 10-15% thị phần CNVH thế giới. Ở Nhật Bản, một đất nước có ngành CNVH tầm cỡ, điển hình là xuất bản truyện, làm các game và làm quà lưu niệm từ các tác phẩm truyện... trung bình doanh thu lên đến 2 tỉ USD/năm.
Với Hàn Quốc, chiến lược phát triển và đầu tư bài bản đã mang lại thành quả cho nền CNVH nước này. Xuất khẩu văn hóa đã thành trào lưu mang tên Hallyu - làn sóng văn hóa Hàn Quốc với những bộ phim truyền hình phủ sóng tại các nước châu Á đầu những năm 2000… cho đến các nhóm nhạc K-pop đình đám như BTS, BlackPink liên tục tạo tiếng vang lớn trong thị trường âm nhạc quốc tế. Nhờ hướng đi đúng, CNVH đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Hàn Quốc và vươn lên vị trí thứ 7 thế giới, tạo ra khoảng 680.000 việc làm mỗi năm. Doanh thu ngành văn hóa Hàn Quốc đạt khoảng 120 tỉ USD/năm, trong đó xuất khẩu văn hóa chiếm tới hơn 12 tỉ USD, vượt qua các mặt hàng sản xuất dẫn đầu như thiết bị gia dụng, xe điện và màn hình hiển thị...
Việt Nam 4 lần được vinh danh là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới |
Ở Việt Nam, nguồn lực cho phát triển ngành CNVH rất đa dạng và phong phú. Với chiều dài lịch sử phát triển cùng bản sắc văn hóa của 54 dân tộc, Việt Nam thực sự là kho tàng văn hóa mà không phải quốc gia nào cũng có được. 54 anh em dân tộc sinh sống trên dải đất hình chữ S đã hình thành nên những nền văn hóa đặc sắc, phong phú. Bên cạnh những giá trị về văn hóa vật thể (các công trình kiến trúc nghệ thuật truyền thống), Việt Nam còn sở hữu vô số những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu (quan họ, ca trù, hát xoan, cải lương, tuồng, chèo…) cùng một kho tàng vô giá về di tích, nghi lễ, lễ hội, trò chơi dân gian, thủ công truyền thống, dân ca, dân vũ, ẩm thực, phong tục tập quán, truyền thuyết, hình tượng anh hùng... Tất cả đều có thể trở thành chất liệu tuyệt vời cho sáng tạo, tạo ra những sản phẩm văn hóa nghệ thuật vừa tôn vinh văn hóa dân tộc, vừa tạo ra sự khác biệt, giá trị riêng.
Về nguồn lực con người, Việt Nam đang trong giai đoạn “dân số vàng”, tầng lớp trung lưu tăng nhanh. Dân số trung bình của Việt Nam năm 2023 đạt 100,3 triệu người. Đây là nguồn lực quan trọng - điều kiện thuận lợi cho phát triển các ngành CNVH vừa với tư cách người sản xuất, vừa với tư cách người tiêu dùng. Trong đó, bên cạnh đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, Việt Nam còn có đội ngũ nghệ nhân dân gian trong các lĩnh vực âm nhạc, hội họa, nghề truyền thống... Họ là những “báu vật sống” của đất nước trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa, phát triển các ngành CNVH...
Những năm gần đây, đặc biệt là từ sau khi Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt vào ngày 8-9-2016, những thay đổi tích cực của cơ chế chính sách đã góp phần thúc đẩy thị trường CNVH Việt Nam có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của cả nước.
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau 7 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam, 12 ngành CNVH đã đạt được một số thành tựu nhất định. Trong giai đoạn từ năm 2018-2022, giá trị sản xuất của các ngành CNVH Việt Nam đóng góp ước đạt 44 tỉ USD. Phát triển CNVH đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, thu hút nguồn lực, lao động, việc làm và phát huy lợi thế cạnh tranh.
Việt Nam sở hữu nhiều di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu |
Việc tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO có tác động rất tích cực đến sự phát triển các ngành CNVH của đất nước. Sự xuất hiện 3 thành phố sáng tạo của Việt Nam (Hà Nội, Đà Lạt, Hội An) trên bản đồ toàn cầu là một căn cứ vững vàng để Việt Nam xác định mục tiêu trở thành trung tâm CNVH thu hút và hội tụ sự sáng tạo tại khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, việc Việt Nam 4 lần được vinh danh là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới (năm 2019, 2020, 2022, 2023) cho thấy những giá trị nổi bật toàn cầu và sức hấp dẫn của du lịch văn hóa - 1 trong 12 ngành CNVH đối với cộng đồng quốc tế.
Nhằm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh ngành CNVH, tại Hội nghị toàn quốc về “Phát triển các ngành CNVH Việt Nam”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động; đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành CNVH Việt Nam “Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Cạnh tranh”, trên nền tảng văn hóa “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng” của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943.
Để CNVH “Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Cạnh tranh” không phải là điều đơn giản có thể làm được trong ngày một ngày hai. Theo các chuyên gia văn hóa, chặng đường phía trước còn lắm gian lao, chúng ta cần phải có giải pháp, lộ trình tháo gỡ những bất cập, nhất là trong cơ chế, chính sách; triển khai đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, thị trường, khoa học công nghệ, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, ngân hàng, thu hút nguồn lực hợp tác công tư, tập trung sản phẩm, dịch vụ để tạo sức lan tỏa, phát triển thương hiệu quốc gia… Bên cạnh đó, trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, CNVH phải dựa trên chất liệu cơ bản và quan trọng nhất là sáng tạo. Do vậy, sản phẩm, dịch vụ trong các ngành CNVH Việt Nam phải đáp ứng được các yếu tố sáng tạo, có bản sắc riêng, mang tính độc đáo, đáp ứng khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế...
Sự chung tay, trên dưới đồng lòng của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương chắc chắn sẽ giúp CNVH trở thành lĩnh vực đột phá mới cho sự phát triển bền vững đất nước.
CNVH hiện đang là “con gà đẻ trứng vàng” của nhiều nền kinh tế thế giới. Ở Việt Nam, những thay đổi tích cực của cơ chế chính sách đã góp phần thúc đẩy thị trường CNVH Việt Nam có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của cả nước. |
Vân Quỳnh
-
Tin tức kinh tế ngày 8/11: Giá lương thực thế giới tăng cao kỷ lục
-
Chính quyền Biden tạo thêm thách thức cho LNG trước khi ông Trump nhậm chức
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 8/11: Giá dầu thế giới lại quay đầu giảm
-
Fed cắt giảm lãi suất 0,25%
-
Tin tức kinh tế ngày 7/11: Tỷ giá USD/VND tăng cao nhất lịch sử