Con trai nhà tư sản Trịnh Văn Bô dự chi hơn 2.000 tỷ đồng mua cổ phần Vinaconex
Mới đây, cùng với Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thì Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng đã công bố việc bán đấu giá trọn lô 94 triệu cổ phần của Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) do Viettel sở hữu. Số cổ phần này tương ứng với 21,28% vốn điều lệ Vinaconex.
Theo kết quả thẩm định năng lực nhà đầu tư tham gia đấu giá cổ phần Vinaconex do Hội đồng thẩm định công bố, có hai nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện tham gia đấu giá mua cổ phần của Viettel tại Vinaconex là Công ty CP Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam và Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ.
Hai nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá mua cổ phần Vinaconex do Viettel sở hữu |
Với giá khởi điểm 21.300 đồng/cổ phần, nhà đầu tư tham gia đấu giá sẽ phải bỏ ra tối thiểu 2.002,4 tỷ đồng để sở hữu trọn lô cổ phiếu nói trên và thanh toán số tiền này trong khoảng thời gian từ 23/11 đến 29/11/2018.
Dữ liệu trên Cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia cho thấy, Công ty CP Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị Thăng Long Việt Nam được thành lập vào đầu năm 2010, có trụ sở tại số 135 đường Trần Phú, phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP Hà Nội, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất… Công ty này do ông Trịnh Cần Chính làm đại diện theo pháp luật.
Ông Trịnh Cần Chính là con trai của nhà tư sản dân tốc Trịnh Văn Bô, người đã góp 1 triệu đồng Đông Dương để thành lập Việt Nam Công thương Ngân hàng có trụ sở tại 58 Tràng Tiền (Hà Nội) vào năm 1946.
Gia đình ông cũng đã dành toàn bộ tầng 2 căn nhà 48 Hàng Ngang làm nơi làm việc của Bác Hồ và 15 người trong Thường vụ Trung ương Đảng. Cũng chính tại đây, bản “Tuyên ngôn Độc lập” ra đời. Sau đó, đến “Tuần lễ vàng” nhằm thu nhận tài chính và hiện vật nhân dân quyên góp cho Chính phủ, gia đình ông đã ủng hộ tới 5.147 lượng vàng, tương đương 2 triệu đồng Đông Dương cho Chính phủ.
Xuất hiện trên tờ Diễn đàn Doanh nghiệp tháng 10/2016, ông Trịnh Cần Chính cho biết, sau khi được cử sang Liên Xô học ngành hải dương học, năm 1973, ông về nước và năm 1974 được phân về Uỷ ban Pháp chế (nay là Bộ Tư Pháp).
Đến năm 1979, do những mâu thuẫn nội bộ trong cơ quan, ông bị “quy kết” oan tội trốn nghĩa vụ quân sự và bị đuổi việc.
Ông Trịnh Cần Chính - vị doanh nhân "dòng dõi" khởi nghiệp lúc đã lục tuần (ảnh Vietnamnet) |
Ông nói trên DĐDN rằng: “Bị đuổi việc, cắt sổ gạo, cuộc sống khó khăn tôi phải ra ngoài bươn trải, buôn bán đủ thứ, tham gia ngoài chợ Trời. Tuy nhiên, có lẽ do có tố chất kinh doanh nên thu nhập cao hơn rất nhiều so với làm công chức lúc bấy giờ”.
Tuy nhiên, đến năm 1983 ông được phục hồi công việc, trải qua thời gian công tác tại Bộ Tư pháp và Đại học Luật, đến khi về hưu, ông lại “khởi nghiệp” kinh doanh, trở thành Tổng Giám đốc của Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam.
Được biết, công ty của ông Trịnh Cần Chính đã mua lại dự án Hesco Văn Quán (Hà Đông) và dự án Vĩnh Hưng Dominium 409 Lĩnh Nam từ Công ty CP Tập đoàn Vina Megastar. Tổng vốn đầu tư của 2 dự án này được ông Chính cho biết khoảng trên 3.000 tỷ đồng.
Theo khẳng định của ông, ông vẫn giữ truyền thống của gia đình trong kinh doanh, buôn bán 10 đồng thì giữ lại 7, còn lại giúp đỡ người nghèo, làm việc phúc đức.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VCG hiện có giá khoảng 18.800 đồng (tính theo giá đóng cửa phiên 18/8). Như vậy, mức giá mà ông Trịnh Cần Chính mua vào trọn lô đắt hơn 13% so với giá thị trường của VCG.
Trong quý III vừa rồi, Vinaconex báo doanh thu thuần đạt 2.222 tỷ đồng, giảm nhẹ 8,7% so với cùng kỳ, trong khi đó, lợi nhuận sau thuế cũng giảm tới 29% còn 185,4 tỷ đồng.
Theo Dân trí
-
Tin tức kinh tế ngày 24/11: Việt Nam tăng nhập khẩu hàng điện tử Trung Quốc
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11