"Cơn ác mộng" bên cạnh Covid-19 đe dọa kinh tế thế giới đang dần biến mất?
"Cơn ác mộng" đã dần qua...
Nhưng đó không phải là lời khẳng định "cơn ác mộng" chuỗi cung ứng đã đi đến hồi kết. Và tình hình chắc chắn sẽ không thể sớm quay trở lại với trạng thái bình thường trước kia.
Các doanh nghiệp vẫn đang vật lộn với tình trạng thiếu hụt lái xe tải. Các phụ kiện, linh kiện quan trọng như chip máy tính vẫn tương đối khó kiếm trên thị trường. Và biến chủng Omicron là lời đe dọa mới nhất đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã lộ rõ bản chất mong manh trong suốt thời gian qua.
Thế giới đã bị phủ bóng đen bởi cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu trong khoảng hơn một năm trở lại đây. Tác động của nó lên nền kinh tế toàn thế giới là điều mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được. Những câu hỏi cháy bỏng ở thời điểm hiện tại là bằng cách nào và đến thời điểm nào, cơn ác mộng này mới chính thức đi đến hồi kết.
Tại thời điểm chúng ta chuẩn bị chào tạm biệt năm cũ 2021 và đón chào năm mới 2022, hãy cùng nhau nhìn lại một trong những chủ đề nóng nhất trong năm vừa qua.
KINH TẾ TOÀN CẦU CHAO ĐẢO
Trong năm 2020, nền kinh tế toàn cầu dường như đứng khựng lại. Trong năm nay, nền kinh tế thế giới đã rục rịch hoạt động trở lại, nhưng lại bị kẹt giữa một trong những cuộc khủng hoảng tắc nghẽn hàng hóa lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Những chỉ số được phát triển bởi Bloomberg Economics sẽ cho chúng ta thấy rõ được mức độ nghiêm trọng của vấn đề này, bên cạnh đó là sự thất bại của thế giới trong quá trình tìm kiếm một giải pháp nhanh chóng đồng thời lý giải tại sao cuộc khủng hoảng này diễn biến tồi tệ hơn ở một số khu vực.
Những con tàu đang nằm chờ ngoài khơi cảng Los Angles (Ảnh: Getty Images). |
Nghiên cứu của Bloomberg Economics lượng hóa những vấn đề đang xảy ra trên toàn cầu. Đó là những kệ hàng trống rỗng trong các siêu thị, là các con tàu đang xếp hàng ngoài khơi chờ tới lượt bốc dỡ hàng hóa, là những nhà máy sản xuất xe hơi phải hoạt động cầm chừng do tình trạng thiếu chip điện tử. Và nguy hiểm hơn cả đó chính là thực trạng giá cả leo thang.
Các ngân hàng Trung ương, vốn nhận định rằng lạm phát chỉ là một hiện tượng mang tính "thời điểm", đã buộc phải đối phó với tình trạng giá cả leo thang bằng việc nâng lãi suất sớm hơn dự kiến. Điều này chính là một mối đe dọa tới đà phục hồi, vốn đang rất chậm chạp của nền kinh tế toàn cầu, và thậm chí có thể khiến cho các thị trường chứng khoán và bất động sản, vốn đang tăng trưởng tốt trong thời gian đại dịch, quay đầu đi xuống.
Đằng sau sự tắc nghẽn đó chính là một mạng lưới vận tải đang gồng mình để có thể đáp ứng được nhu cầu thực tế, sự thiếu hụt lao động trầm trọng tại những mắt xích quan trọng, và chính là nhu cầu tiêu dùng tăng cao, đặc biệt là tại Mỹ, nhờ vào những gói hỗ trợ tài chính trong đại dịch và xu hướng tiêu dùng hàng hóa nhiều hơn dịch vụ.
Đó không đơn giản chỉ là vấn đề vận chuyển hàng hóa từ địa điểm này tới địa điểm khác. Thế giới còn đang vật lộn với chính quá trình sản xuất hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Các nhà sản xuất đã hoàn toàn mất cảnh giác trước sự bật tăng mạnh mẽ nhu cầu trong năm nay, trong khi chỉ chưa đầy một năm trước đó, họ thậm chí còn phải hủy hàng loạt các đơn hàng nguyên liệu vì người tiêu dùng cắt giảm tiêu dùng do những nguyên nhân liên quan tới đại dịch Covid-19.
Tại Việt Nam, các nhà máy gia công sản phẩm cho hãng hàng thể thao nổi tiếng Nike đã buộc phải cắt giảm sản lượng vì người lao động di cư đã "tháo chạy" khỏi các thành phố lớn trở về quê trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng. Trung Quốc, công xưởng của thế giới, cũng đang chật vật chống chọi với các đợt bùng dịch mới và vẫn kiên trì các biện pháp phong tỏa chặt chẽ theo chiến lược Zero-Covid. Giá hàng hóa tại nhà máy đã tăng 10% chỉ trong vòng một năm, tốc độ nhanh nhất kể từ những năm 1990s.
Đặt tất cả các yếu tố trên cùng với nhau, chỉ số nguồn cung của Bloomberg Economics cho thấy tình trạng thiếu hụt hàng hóa đã chạm ngưỡng nghiêm trọng nhất trong vòng 20 năm qua tại Mỹ. Các chỉ số tại Anh và khu vực châu Âu cũng được ghi nhận ở ngưỡng cao tương tự.
Đối với những nhà sản xuất toàn cầu như Toyota- công ty đã phải cắt giảm sản lượng trong tháng 9/2021 của mình hơn một phần ba so với cùng kỳ năm 2020 khi trình trạng thiếu hụt linh kiện đã làm xáo trộn quy trình sản xuất tức thời nổi tiếng, và nhiều doanh nghiệp khác có vòng luân chuyển hàng hóa của mình vòng quanh thế giới, câu hỏi đáng quan tâm nhất ở thời điểm hiện tại là tới khi nào, cuộc khủng hoảng này mới thực sự chấm dứt.
Ngay cả các ông lớn như Amazon và Apple cũng không nhận thấy tình hình được cải thiện một cách rõ rệt. Amazon cho biết lợi nhuận quý IV của mình có thể sẽ bị xóa sạch bởi đà tăng chi phí nhân công. Apple cũng cho biết họ thiệt hại khoảng 6 tỷ USD doanh thu vì không thể đáp ứng đủ các đơn hàng.
Các điều kiện vận tải có thể sẽ dễ dàng hơn sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại Trung Quốc vào tháng 2 năm tới, cho dù tình trạng gián đoạn có thể kéo dài ít nhất là tới giữa năm sau", Shanella Rajanayagam, nhà kinh tế học thương mại tới từ HSBC, chia sẻ với Bloomberg. Và cho dù sau đó, khi áp lực cầu giảm xuống cũng như quá trình tích lũy hàng hóa được đẩy mạnh, Rajanayagam cho biết sẽ mất thời gian trước khi các chuỗi cung ứng được hoàn toàn "gỡ rối".
Người lao động nhập cư ùn ùn rời TPHCM khi dịch Covid-19 bùng phát (Ảnh: Nguyễn Quang). |
Những gì xảy ra tiếp theo vẫn là một ẩn số, một phần là do có quá nhiều các nút thắt xuất hiện từ trong các dây chuyền sản xuất cho tới các giỏ hàng siêu thị. Và chỉ một nhà cung cấp phải chờ đợi một nhà cung cấp khác, sự chậm trễ sẽ kéo dài sang các mắt xích còn lại.
Hệ thống vận tải thường ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu theo một các hoàn toàn có thể dự báo được: Nhu cầu tăng cao sẽ thúc đẩy thương mại, nâng chi phí vận tải, tạo ra một thời kỳ hoàng kim cho các hãng tàu, cho tới khi họ gia tăng công suất vượt quá thực tế và khủng hoảng sẽ xảy ra.
Nhưng đại dịch đã hoàn toàn phá hỏng vòng tuần hoàn đó. Ngay cả khi xuất hiện những dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, dòng chảy thương mại toàn cầu dường như chưa bao giờ tắc nghẽn đến thế.
HỆ QUẢ ĐỐI VỚI NHỮNG NỀN KINH TẾ HÀNG ĐẦU
Mỹ
Ngoài khơi bờ biển thành phố Los Angeles là con số kỷ lục các tàu chở hàng container chờ tới lượt bốc dỡ hàng hóa. Với mùa nghỉ lễ cuối năm sắp tới gần, các công ty trên toàn nước Mỹ dự báo tình trạng thiếu hụt và tăng giá hàng hóa, từ những cây thông giả, đồ thể thao cho tới gà tây phục vũ lễ Phục Sinh. Các nhà bán lẻ cảnh báo những sản phẩm thiết yếu cơ bản như giấy vệ sinh có thể một lần nữa lâm vào cảnh thiếu hàng.
Một vài chuyên gia dự báo có tới 80% người dân nước Mỹ sẽ được tiêm phòng Covid-19 vào cuối năm nay, nhưng những tác động của đại dịch sẽ tồn lại lâu hơn khi mà những đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục kéo tụt nền kinh tế.
Tắc nghẽn tàu chở hàng chỉ là một phần của câu chuyện. Nước Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực lưu trú và giải trí. Cuối tháng 6, có tới 10 triệu việc làm mới được bổ sung vào thị trường lao động tại Mỹ. "Các biển hiệu "tuyển nhân viên" có thể dễ dàng được nhìn thấy bên ngoài các nhà hàng trên phạm vi cả nước.
Các thành viên Đảng Cộng hòa đã đổ lỗi cho những biện pháp hỗ trợ người thất nghiệp. Những chương trình trợ cấp đó đã hết hiệu lực, nhưng vẫn chưa có nhiều bằng chứng cho thấy những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất đang có đủ nguồn nhân lực cần thiết. Mức lương thấp đã khiến cho hàng triệu người lao động cân nhắc lại nghề nghiệp của mình trong suốt đại dịch, một hiện tượng nhiều người gọi nó với cái tên "phong trào đại nghỉ việc". Cũng trong thời gian này, việc thiếu đi các dịch vụ chăm sóc trẻ em hợp lý và các trường học vẫn phải đóng cửa đã khiến cho nhiều phụ huynh mong muốn được nghỉ việc.
Trong khi đại dịch Covid-19 vẫn là một mối đe dọa lớn tới các quốc gia chuyên cung cấp hàng hóa cho Mỹ, cuộc khủng hoảng này vẫn sẽ tiếp diễn trong một khoảng thời gian nữa. "Thật đáng buồn khi thừa nhận rằng việc khuyến khích mọi người tiêm vacxin và kiểm soát biến chủng Delta, sau 18 tháng, vẫn là những chính sách kinh tế quan trọng nhất mà chúng ta phải áp dụng", Jerome Powell, chủ tịch Fed, chia sẻ. "Và cũng thật đáng buồn khi nhận thấy các vấn đề liên quan tới chuỗi cung ứng không hề diễn biến tốt lên- mà trên thực tế, có phần xấu đi".
Trung Quốc
Ánh sáng đèn điện chợt "biến mất" tại nhiều khu vực trên toàn lãnh thổ Trung Quốc. Các ngân hàng đầu tư như Nomura và Goldman Sach đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong bối cảnh quốc gia này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng, khiến cho hoạt động sản xuất và đặc biệt là tại các cảng biển bị ngưng trệ.
Điện bị cắt trên toàn bộ thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh đã khiến cho hệ thống đèn giao thông ngưng hoạt động trong vòng một tuần, làm dấy lên không ít lo ngại liên quan đến sự an toàn của những người tham gia giao thông bằng xe đạp. "Thật khó để có thể lái xe khi trời tối", Zhu Meiying, một người dân, chia sẻ với tờ South China Morning Post. "Đối với những người đi xe ô-tô, họ có hệ thống đèn theo xe. Nhưng đối với những người đi xe đạp, nó thực sự nguy hiểm. Đèn thắp sáng trên một vài con phố phải được bật chứ, vì nó có thể liên quan tới tính mạng con người, đúng không?".
Trung Quốc phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong lịch sử (Ảnh: SCMP). |
Zhu đặt ra câu hỏi về những kế hoạch của chính phủ nhằm giải quyết vấn đề. Chính quyền thành phố Liêu Ninh cho biết cắt điện luân phiên là cách duy nhất ngăn chặn lưới điện trở nên quá tải.
Một đoạn video đăng tải trên mạng xã hội ghi lại cảnh một gia đình bị mắc kẹt trong tháng máy khi điện đột ngột bị cắt. Nhiều người bình luận rằng cảnh tượng này khiến họ liên tưởng về cuộc sống thời cũ. Một số người khác còn cho biết điện còn bị cắt trong bệnh viện.
Trong một bài đăng đã bị xóa, một công dân sinh sống tại vùng Đông Bắc cho biết gia đình của họ, gồm 3 người, đã suýt chết vì ngộ độc khí CO sau khi hệ thống quạt thông gió ngừng hoạt động. Họ đã phải đốt than tổ ong để sưởi ấm.
Tình hình tồi tệ tới nỗi Trung Quốc đã phải cầu cứu Nga gia tăng sản lượng điện xuất khẩu tới quốc gia này thông qua hệ thống đường dây truyền tải có công suất 7 tỷ KWh một năm.
Lauri Myllyvirta, chuyên gia phân tích trưởng tại Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch, cho biết Trung Quốc đã sai lầm. "Khi giá năng lượng bắt đầu tăng trong quá trình nên kinh tế toàn cầu rục rịch phục hồi, các nhà máy sản xuất điện của Trung Quốc lại cắt giảm thu mua than và giảm mức dự trữ than trong khi của mình trong nhiều tháng trời", bà cho biết. "Hiện tại các nhà máy đang dần hết than để sản xuất, nhưng họ cũng không quyết đoán trong việc có tiếp tục mua than hay không vì giá mặt hàng này đã tăng phi mã trong thời gian qua", bà chia sẻ với tờ Guardian.
KHỦNG HOẢNG CÒN ĐẾN BAO GIỜ?
Nhiều hàng hóa phổ biến, như tay cầm chơi game, đồ chơi, quần áo, giày dép, sẽ lâm vào tình cảnh thiếu nguồn cung. Và nếu như bạn đủ may mắn khi tìm được những món đồ chơi "hot" nhất cho con cái của mình, chắc chắn bạn sẽ phải bỏ nhiều tiền hơn trước. Vậy chúng ta trông chờ điều gì trong năm mới? Liệu 2022 sẽ là một năm tích cực hơn?
Câu trả lời là: Có thể, nhưng không thể trong một sớm một chiều, theo Panos Kouvelis, giám đốc Boeing Center for Supply Chain Innovation tại trường Đại học Washington, thành phố St. Louis.
Hồi đầu tháng 2/2020, một tháng trước khi WHO công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, Kouvelis đã dự báo rằng dịch bệnh có thể sẽ phá hoại chuỗi cung ứng toàn cầu trong vòng 2 năm tới.
Dự báo gần nhất của ông bao hàm một vài tia hy vọng. Theo ông, các vấn đề liên quan tới chuỗi cung ứng, bao gồm sự khan hiếm hàng hóa và các nút thắt trong vận tải, sẽ kéo dài tới nửa sau của năm 2022. Ngành công nghiệp sản xuất ôtô sẽ không thể hồi phục 100% trước năm 2023. Dự báo của ông được dựa trên một vài yếu tố:
Tích trữ doanh nghiệp: Kouvelis nhận định số lượng đơn hàng tăng cao, gây tắc nghẽn các hệ thống, chính là hệ quả của quá trình tích trữ doanh nghiệp. Đối mặt với khoảng thời gian giao hàng dài, và nỗi sợ khan hiếm hàng hóa, các công ty đã nhanh chóng cho gia tăng số lượng các đơn hàng với hy vọng họ sẽ có đủ số lượng hàng hóa và nguyên liệu họ cần. Nhiều công ty lớn với nguồn lực dồi dào đã cho xây dựng các hệ thống nhà kho để chứa thêm nhiều hàng hóa, nhưng lượng hàng hóa đó vẫn đang nằm chờ trên các con tàu đợi tới lượt được dỡ hàng. Số lượng đơn hàng tăng cao đã tạo áp lực lên hệ thống chuỗi cung ứng vốn dễ bị tổn thương, nhưng ông tin rằng áp lực cầu sẽ giảm nhẹ trong một vài tháng tới.
Tết Nguyên đán: Các nhà máy tại Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á sẽ cắt giảm hoạt động sản xuất trong vòng từ 1 tới 2 tuần đầu tháng 2/2022, và điều đó có thể sẽ gia tăng áp lực lên chuỗi cung ứng trong giai đoạn này. Sau đó, tình hình sẽ dần được cải thiện.
Cảng Los Angeles và Long Beach, California chuyển sang hoạt động 24/7: Trong tháng 10, tổng thống Joe Biden, cùng với các doanh nghiệp, cảng biển và lãnh đạo hiệp hội, đã công bố một kế hoạch nhằm gia tăng sức mạnh cho chuỗi cung ứng thông qua việc cho phép các cảng biển hoạt động 24/7. Gia tăng công suất làm việc tại cảng, cùng với đó là bổ sung thêm công suất vận tải đường bộ và đường sắt, sẽ giúp giảm tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển. Tuy nhiên, tình trạng thiếu lái xe tải vẫn là một trở ngại lớn.
Quá trình quay trở lại hoạt động bình thường của các nhà máy tại Việt Nam, Malaysia và Thái Lan: Các quốc gia này, là những nhà xuất khẩu hàng may mặc, giày dép và đồ chơi lớn sang Mỹ, nhưng lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến chủng Delta trong suốt mùa hè vừa qua, khiến họ phải đóng cửa hoặc giảm công suất hoạt động trong các nhà máy. Tình hình đang diễn biến tốt dần lên, nhưng sự gia tăng sản xuất đó sẽ chưa thể hiện thực hóa thông qua dòng hàng hóa được xuất sang Mỹ trước các đợt nghỉ lễ lớn.
Cảng Los Angeles chuyển sang làm việc 24/7 từ tháng 10/2021 (Ảnh: Daily News). |
"Chúng tôi hy vọng rằng trong vòng 6 tháng đầu tiên của năm 2022, tình hình ách tắc tại cảng biển, bên cạnh đó là những nỗ lực gia tăng công suất, sẽ được cải thiện đáng kể. Nếu những kế hoạch đó được hiện thực hóa và nhu cầu giảm dần, mọi chuyển sẽ tốt hơn nhiều vào mùa hè năm tới", Kouvelis chia sẻ với tờ Futurity.
Công ty tín dụng bảo hiểm Euler Hermes cũng đưa ra nhận định rằng cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng sẽ phần nào được giải quyết trong nửa cuối năm 2022. Họ cho rằng nhu cầu tiêu dùng đã đạt đỉnh, bên cạnh đó là khối lượng hàng hóa dự trữ đang ngày một tăng lên và công suất vận tải cũng đã được cải thiện.
CÁCH NÀO ĐỂ HÀN GẮN CHUỖI CUNG ỨNG VỀ LÂU DÀI?
Giải pháp trong dài hạn đó chính là chúng ta phải kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vận tải, và phát triển công nghệ phục vụ cho các giao dịch trực tuyến và quá trình trao đổi thông tin.
Những khó khăn làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu chính là mối quan tâm lớn nhất của thế giới trong khoảng thời gian gần đây. Đã xuất hiện không ít hình ảnh về những kệ hàng trống trơn, những con tàu đang neo ngoài khơi các cảng biển chờ tới lượt được dỡ hàng. Chính quyền tổng thống Joe Biden đã thực hiện một số giải pháp nhằm giải quyết tình hình, ví dụ, mở cảng Los Angeles 24/7 và kêu gọi sự giúp đỡ của các doanh nghiệp tư nhân nhằm tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan tới chuỗi cung ứng sẽ có thể kéo dài trong vòng từ 6 tháng tới 1 năm tới, hoặc có thể là lâu hơn.
Một vài thách thức đã phản ánh bản chất mất cân bằng của nhu cầu tiêu dùng, vốn đang nghiêng mạnh về hướng hàng hóa thay vì dịch vụ, một đặc điểm nổi bật trong quá trình mở cửa sau đại dịch. Một yếu tố khác đó chính là sự sụt giảm lực lượng lao động.
Tuy nhiên, ngay cả khi cuộc khủng hoảng hiện tại được giải quyết trong năm tới, có những vấn đề mang tính hệ thống cần được nhìn nhận lại để các chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên vững chắc hơn trước những cú sốc trong tương lai. Một vài vấn đề chỉ xuất hiện tại Mỹ, nhưng cũng có những vấn đề là câu chuyện của toàn cầu.
Đầu tiên là vấn đề lao động. Tình trạng thiếu hụt lao động trong ngành vận tải và kho bãi là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến dẫn tới những đứt gãy trong chuỗi cung ứng tại Mỹ và nhiều quốc gia khác, khi mà hàng hóa được bốc dỡ tại cảng không thể được giao tới đích đến đúng thời hạn. Dù dịch bệnh đã khiến cho lực lượng lao động sụt giảm trong nhiều lĩnh vực, tình trạng thiếu hụt lái xe tải thậm chí đã xuất hiện trước cả khi đại dịch bùng nổ. Tăng lương có thể giúp giải quyết vấn đề, các công ty vận tải gần đây đã nâng mức lương cho các lái xe, và số lượng các lái xe do đó cũng đã có những bước cải thiện rõ rệt. Nhưng vẫn còn đó một khoảng thiếu hụt lên tới 80.000 lái xe tải. Một phần nguyên nhân là do mức lương cũng đang gia tăng trong nhiều lĩnh vực khác, khiến cho nghề lái xe tải không quá hấp dẫn trong mắt nhiều người.
Lương thưởng chỉ là một mặt của vấn đề. Điều kiện làm việc của các lái xe tải cũng cần được cải thiện thông qua nguồn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, Tại Mỹ, một dự thảo lưỡng Đảng mới đây đã được ký thành luật nhằm giải quyết các vấn đề liên quan tới chuỗi cung ứng. Bộ luật này bao gồm 17 tỷ USD dùng để nâng cấp các cảng biển, và 10 tỷ USD để nâng cấp hệ thống đường xá, cầu cống. Tuy nhiên, bộ luật này không bao gồm các khoản chi xây dựng chỗ đỗ xe tải, một nhu cầu đang nhức nhối. Những khoản đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng, cùng với đó là mức thu nhập cạnh tranh hơn, sẽ không chỉ giúp giảm nhẹ tình trạng thiếu hụt lái xe tải ,và còn giúp quá trình vận chuyển trở nên hiệu quả hơn. Chính phủ các quốc gia và lãnh đạo các lĩnh vực nên thực hiện những giải pháp tương tự đối với những ngành nghề khác, ví dụ như vận tải biển, nơi người lao động phải làm việc trong điều kiện vô cùng tệ.
Thứ hai, chúng ta nên đánh giá lại chiến lược sản xuất tức thời. Chiến lược sản xuất tức thời được công ty sản xuất xe hơi Toyota áp dụng phổ biến từ những năm 1970s. Phương thức sản xuất này yêu cầu nhà sản xuất đặt hàng đủ những linh kiện cần thiết và hàng sẽ được giao đúng vào chu kỳ sản xuất. Nhờ vậy, nhà sản xuất có thể cắt giảm chi phí kho bãi, đồng thời gia tăng lợi nhuận. Khi Toyota phát triển mạnh mẽ và vượt lên trên các đối thủ tới từ Mỹ, phương pháp sản xuất này không chỉ được gói gọn trong lĩnh vực sản xuất xe hơi, mà còn xuất hiện trong nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác. Hiện tại, đây là phương pháp sản xuất phổ biến nhất trên thế giới. Tuy nhiên, quá trình áp dụng phương pháp này phải tuyệt đối chính xác vì chỉ một khâu chậm trễ sẽ khiến cho toàn bộ quy trình sản xuất bị đảo lộn.
Quá trình sản xuất tức thời (Just-in-tim) trong nhà máy của Toyota (Ảnh: Nikkei Asia). |
Và ở hiện tại, việc theo đuổi phương pháp này đã cho thấy khá nhiều rủi ro, vì luôn tồn tại những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của các nhà cung cấp. Đại dịch Covid-19 chính là một ví dụ điển hình.
Sự đứt gãy chuỗi cung ứng cũng có thể xảy ra một khi các thảm họa thiên nhiên như động đất, lũ lụt, bão lốc, ập tới. Những sự kiện như vậy đang có xu hướng gia tăng tần suất trong các năm tới vì tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Sự đứt gãy gây ra bởi dịch bệnh và thiên tai luôn là thách thức ở bất cứ thời điểm nào, nhưng nó sẽ diễn biến tồi tệ hơn trong trường hợp các doanh nghiệp toàn cầu quá phụ thuộc vào phương thức sản xuất tức thời. Khi cuộc khủng hoảng hiện tại qua đi, các doanh nghiệp nên cân nhắc lại phương thức sản xuất này và gia tăng dự trữ hàng hóa để có thể gia tăng khả năng chống chọi trước khủng hoảng, cho dù phải đánh đổi lợi nhuận trong ngắn hạn.
Thứ ba, đã tới lúc tính đến chuyện đa dạng hóa.
Nước Mỹ nên chú trọng hơn về khả năng kêu gọi các doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất về chính quốc gia này nhằm gia tăng "sức đề kháng" cho chuỗi cung ứng. Quá trình sản xuất ứng dụng công nghệ cao và giá trị nghiên cứu lớn như chíp bán dẫn và pin năng lượng là những lĩnh vực mà Mỹ có lợi thế. Nước Mỹ không thể cạnh tranh với các quốc gia khác trong các lĩnh vực thâm dụng lao động vì chi phí lao động tại đây quá cao.
Nhiều quốc gia phát triển khác, vốn cũng đang phải đối mặt với thử thách tương tự, đã có những chính sách chuyển hướng sang các quốc gia có chi phí lao động thấp khác ngoài Trung Quốc. Ví dụ, Nhật Bản sẽ có những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia như Việt Nam và Thái Lan.
Ngay cả khi không nhận được sự hỗ trợ từ phía chính phủ, các doanh nghiệp như Apple hoặc Samsung cũng đã bắt đầu di dời hoạt động sản xuất của mình ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc. Chính quyền tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đối với một số hàng hóa quan trọng chiến lược, ví dụ như đất hiếm. Sản xuất tại các quốc gia lân cận như Mexico có thể giúp vừa giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời rút ngắn các chuỗi cung ứng của một loạt các loại hàng hóa.
Tuy nhiên, cho dù đã áp dụng những giải pháp nói trên, Trung Quốc vẫn sẽ là quốc gia duy nhất sở hữu lợi thế so sánh về chi phí lao động, nguồn nhân lực có tay nghề và hệ thống cơ sở hạ tầng sản xuất có thể đáp ứng nhu cầu của thế giới. Quốc gia này sẽ vẫn đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong tương lai. Mục tiêu là không "đá văng" Trung Quốc khỏi các chuỗi cung ứng toàn cầu, mà chúng ta phải đa dạng hóa nguồn cung và giảm sự phụ thuộc quá lớn vào một quốc gia riêng lẻ.
Và cuối cùng, cũng đã tới lúc chúng ta nên dựa vào phương pháp phân tích dữ liệu để hiểu và quản lý rủi ro chuỗi cung ứng, sau những gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng vừa qua. Các công cụ hiện đại như phân tích tình huống, mô hình xác suất, ngẫu nhiên và thống kê sẽ phát huy tác dụng của mình. Giới doanh nghiệp nên cân nhắc áp dụng các chính sách quản lý rủi ro nhà cung cấp giống như những gì các công ty dịch vụ tài chính đã làm trong hàng thập kỷ qua. Mục tiêu của việc này là không chỉ phát triển chuỗi cung ứng chi phí thấp, mà là một chuỗi cung ứng tối ưu có tính đến những rủi ro và bất ổn.
Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng hiện tại, cho dù chỉ mang tính chất thời điểm, là cơ hội để chúng ta hành động giải quyết những vấn đề đã ăn sâu vào hệ thống. Chỉ có làm như vậy mới có thể giúp các chuỗi cung ứng có "sức đề kháng" mạnh mẽ hơn trước những cú shock tiếp theo.
Theo Dân trí
-
Tin tức kinh tế ngày 18/10: Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,8%
-
Dự báo 2 kịch bản tăng trưởng GDP về đích năm 2024
-
Tin tức kinh tế ngày 11/10: Thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc tiến sát mốc 150 tỷ USD
-
Tin tức kinh tế ngày 5/10: Ngân hàng ồ ạt tung gói vay trả nợ nhà băng khác
-
Cơ chế giá trần sẽ giúp các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cải thiện lợi nhuận
-
Tin tức kinh tế ngày 19/10: Hơn 140 vụ điều tra chống bán phá giá với hàng xuất khẩu Việt Nam
-
Lỗ hổng trong quy trình quản lý tài sản gửi của khách hàng
-
Giá vàng hôm nay (19/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Thúc đẩy tiến độ các dự án lưới điện cho Nhà máy Nhơn Trạch 3 và 4