Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Có hay không 39% lợi nhuận rơi vào túi kiểm lâm?

11:11 | 03/01/2012

1,141 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những thông tin về kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc chưa kịp lắng xuống thì mới đây một bài viết trên Tạp chí Quốc tế đã chỉ ra 39% lợi nhuận từ việc phá rừng rơi vào túi kiểm lâm. Trước tình hình trên, trong một buổi họp báo do Bộ NN&PTNT tổ chức, ông Hà Công Tuấn Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết sẽ điều tra làm rõ tính xác thực của nguồn tin trên. Ông Tuấn khẳng định: “Nếu đó là sự thật tôi sẽ từ chức”.

Số gỗ lậu được phát hiện dưới chân đèo Violet vào đêm 18/11 vừa qua do lâm tặc “bỏ của chạy lấy người”

Thời gian gần đây mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực ngăn ngừa nhưng tình trạng phá rừng, lưu thông lâm sản không có nguồn gốc hợp pháp ở một số địa phương vẫn diễn ra nghiêm trọng. Theo Cục Kiểm lâm, năm 2011 cả nước đã phát hiện 3.145 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích rừng thiệt hại 1.968 ha, giảm 6% về số vụ, nhưng diện tích rừng bị phá trái phép lại tăng 15%.

Đối tượng trực tiếp phá rừng chủ yếu là đồng bào dân tộc tại chỗ, người dân di cư tự do thuộc diện nghèo, thiếu đất sản xuất, đời sống gặp nhiều khó khăn. Một bộ phận người dân tuy đã có đất sản xuất nhưng vẫn tiếp tục phá rừng lấy đất trồng cây công nghiệp, mua bán, sang nhượng đất trái pháp luật, đòi các dự án đền bù để kiếm lời.

Bên cạnh đó tình trạng phá rừng có tổ chức, mua bán, vận chuyển được các “đầu nậu” tổ chức chặt chẽ theo “đường dây”, chúng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi trong khâu vận chuyển như thường xuyên thay đổi thời gian, phương thức, phương tiện vận chuyển; sử dụng giấy tờ hợp pháp để quay vòng nhiều lần, làm giả dấu búa kiểm lâm; lợi dụng nước sông, suối lớn trong mùa mưa lũ để kết bè gỗ thả về xuôi.

Thời gian qua, vụ việc một số cán bộ kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép liên tục bị phanh phui đã làm dấy lên làn sóng bức xúc trong dư luận. Mới đây, Bộ NN&PTNT đã ra Chỉ thị chấn chỉnh lực lượng kiểm lâm.

Theo đó Bộ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Tổ chức sinh hoạt chính trị để giáo dục tư tưởng, chấn chỉnh lề lối làm việc của cán bộ kiểm lâm. Những cán bộ vi phạm pháp luật và quy định về cán bộ công chức cần kiên quyết đưa ra khỏi lực lượng kiểm lâm; tổ chức rà soát, đánh giá, xắp xếp cán bộ kiểm lâm gắn với xác định kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ bảo vệ rừng và đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật. Tiếp tục kiện toàn, tăng cường kiểm lâm địa bàn xã. Nghiêm cấm cán bộ kiểm lâm dừng phương tiện vận tải trên các tuyến đường giao thông không đúng quy định để kiểm tra lâm sản; duy trì thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra nội bộ, đồng thời thanh tra đột xuất các đơn vị kiểm lâm. Phải chấn chỉnh tác phong thi hành công vụ của cán bộ kiểm lâm: mặc đồng phục, đeo cấp hiệu, phù hiệu, giao tiếp đúng mực, lịch sự, kiểm tra theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật, nghiêm cấm việc đặt ra các yêu cầu ngoài quy định của Nhà nước.

Tất cả các đơn vị kiểm lâm phải tổ chức tiếp công dân theo đúng quy định, thiết lập và công khai thông tin đường dây nóng, hòm thư góp ý để quần chúng nhân dân biết, giám sát và góp ý đối với hoạt động của kiểm lâm, xử lý những thông tin nhận được theo đúng quy trình, bảo vệ, động viên khen thưởng đối với những người tích cực, hợp tác với tinh thần xây dựng.

Những thông tin một số cán bộ kiểm lâm có biểu hiện tiếp tay cho lâm tặc chưa kịp lắng xuống thì ngày 19/12/2011, một bài viết trên Tạp chí Quốc tế Society and Natural Resources của hai tác giả là Tiến sỹ Tô Xuân Phúc (Tổ chức Forest Trends) và ông Thomas Skior (Đại học UEA của Anh) đã đưa thông tin về kết quả sau khi điều tra một vụ phá rừng tại tỉnh Hòa Bình và đưa gỗ về Quốc Oai (Hà Nội) tiêu thụ. Kết quả chỉ ra, người dân tham gia khai thác gỗ lậu chỉ được hưởng 30%, đầu nậu 31%, cán bộ kiểm lâm và các quan chức địa phương bỏ túi tới 39%. Bài viết khẳng định chuỗi phá rừng này có sự tham gia của người dân, đầu nậu, một bộ phận kiểm lâm và cán bộ địa phương. Thông tin này lại một lần nữa khiến dư luận có cái nhìn thiếu thiện cảm với cán bộ kiểm lâm.

Ông Hà Công Tuấn - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp

Trước nguồn tin trên, Ông Hà Công Tuấn – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, tôi đã đọc tờ báo đó yêu cầu Cục Kiểm lâm làm việc với tác giả của bài viết trên. Thông tin 39% lợi nhuận rừng trồng rơi vào túi kiểm lâm khiến tôi thực sự rất bất ngờ. Tôi đã trình bày với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, với tinh thần trách nhiệm của mình rằng: “nếu kiểm tra thấy đúng như thế, tôi sẽ công khai với dư luận và sẽ từ chức. Nếu không đúng thì cũng đề nghị dư luận công khai, tôi yêu cầu cục Kiểm lâm phải làm rõ vấn đề này để thông tin tới công luận”.

Ông Tuấn chia sẻ, lực lượng kiểm lâm có 11.000 người, bên cạnh những tấm gương hy sinh, không quản gian khổ hiểm nguy để bảo vệ rừng, đã có một số cán bộ, kiểm lâm viên trở thành kẻ tiêu cực, tiếp tay cho lâm tặc. Đây là những kẻ đã tự mình bôi nhọ lực lượng kiểm lâm và gây bức xúc trong dư luận. Phải khẳng định những năm qua, về cơ bản lực lượng kiểm lâm đã đóng góp rất xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ rừng. Trước tình hình phức tạp trong bảo vệ rừng như thế này, chúng tôi mong các cơ quan thông tin đại chúng và toàn dân ủng hộ lực lượng kiểm lâm đấu tranh với bọn lâm tặc và bảo vệ rừng.

Minh An