Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Chuyện ở nơi phụ nữ thi nhau… đẻ

10:59 | 09/12/2013

3,767 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nói không ngoa, có lẽ xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa đang là nơi giữ kỷ lục năng suất đẻ của cả nước. Điều oái oăm là nơi đó chẳng hiểu thủy thổ thế nào mà chủ yếu trẻ em sinh ra đa phần là con gái. Cũng biết là yếu tố nghề nghiệp đã tạo nên tâm lý “ham đẻ” của các gia đình nhưng việc ấy đã biến Ngư Lộc thành nơi nghèo đói cũng ở mức giật mình.

Em bú chị, cháu bú bà

"Tám con (gái) ngồi bốn góc (chân) giường

Mẹ ơi, mẹ hỡi, mẹ thương con nào?

Mẹ thương con út (bé) mẹ thay

Thương thì thương vậy, không tầy trưởng nam...",

 

Câu hát ru não nề giữa trưa dẫn lối cho tôi đến ngôi nhà cấp 4 tồi tàn nằm sát chân đê ven biển. Một người phụ nữ trạc gần 60 tuổi tóc điểm bạc, đôi mắt buồn bã đang ôm bé gái chừng 3 tuổi trên tay trong căn nhà dột nát chỏng chơ vài chiếc nồi thủng với chiếc bếp nguội lạnh.

"Chào bác! Cháu mấy tuổi rồi? Bố mẹ cháu đi đâu mà hai bà cháu ở nhà một mình thế này?", tôi ái ngại hỏi. Người phụ nữ quay mặt đi xoa tay lên đầu cháu bé ngượng ngùng nói: "Tôi là mẹ cháu. Đứa út nhà tôi đấy chú ạ!". Người chỉ đường cho tôi vào nhà thấy tôi bối rối mới bảo: "Chú là khách ở nơi xa đến không biết đấy thôi chứ ở đây đó là chuyện thường...".

Người phụ nữ già trước tuổi đó là chị Nguyễn Thị Lan, năm nay mới ngoài 40 tuổi, chị là người nắm giữ "kỉ lục" sinh con một bề của làng Bắc Thọ với 8 lần sinh "vịt trời". Mười chín tuổi chị Lan bước chân về nhà chồng. Theo lệ của làng "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" nên "chỉ tiêu" của vợ chồng chị không phải là sắm được thuyền bè ngư cụ, xây nhà, mua sắm vật dụng trong nhà mà nhất quyết là phải có con trai.

Ở Ngư Lộc có rất nhiều trẻ em gái.

 

Sòn sòn liên tục 3 đứa con gái cách nhau suýt soát 2 năm chị Lan đã gần như kiệt sức. Nhưng chồng chị, họ hàng vẫn động viên: "Còn trẻ lo gì. Cứ "kiên trì" đẻ kiểu gì chả có con trai". Điệp khúc đẻ - con gái - đẻ tiếp liên tục suốt hơn 20 năm. Mỗi lần một bé gái ra đời nhà chị Lan thêm một gánh nặng. Nhưng "nghị quyết" cả họ ra phải đẻ cho bằng được con trai mới thôi nên chị Lan không dám cự lại.

"Mỗi lần giỗ chạp, tết nhất nghe người ta bóng gió "không biết đẻ" mà tôi xót hết lòng dạ. Biết là đẻ nhiều sẽ khổ nhưng tôi chẳng dám chối", chị Lan nói giọng chua xót. Thậm chí người ta còn xúi chồng chị lập "phòng nhì" để có thằng cu nối dõi. Cho đến khi hai đứa con gái đầu lấy chồng, sinh con chị Lan vẫn phải gắng đẻ đứa cuối cùng khi đã bước sang tuổi 45. Buồn thay, cô út cũng là con gái. Cấn cơm, cấn sữa nên cháu út nhà chị mới phải "em bú chị, cháu bú bà".

Cách nhà chị Lan không xa là chị Nguyễn Thị Sáu. Chị Sáu năm nay mới 38 tuổi nhưng cũng đã kịp cho "ra lò" đến 8 đứa con. "Choáng" nhất là 3 năm liên tục chị đẻ 3 đứa toàn con gái. "Đàn ông cả cái làng, cái xã này ông nào cũng "đòi" con trai. Muốn giữ chồng, muốn không bị họ tộc chửi chỉ còn cách đẻ con trai thôi. Khổ lắm!" - chị Sáu than vãn.

Gần 20 năm trời ăn uống kham khổ có miếng ngon nhường con hết, ngủ không đẫy giấc và trở thành cái "máy đẻ" đã biến chị Sáu thành người bủng beo, ốm yếu. Cũng 20 năm nay chị chưa bước chân ra khỏi cổng làng. May mắn thay cho chị cháu thứ 8 là một thằng cu Út nên đã chấm dứt "cơn khát" của gia đình chị. "Nếu là con gái nữa thì chắc tôi lại phải đẻ tiếp thôi. Đẻ đến lúc nào có con trai hoặc hết tuổi đẻ thì thôi", chị Sáu cười như mếu.

Những người chưa có con trai phải cố đẻ như chị Lan, chị Sáu thì còn có thể hiểu được nhưng nhiều gia đình ở Ngư Lộc có 1 còn muốn thêm 2, 3. Nhà chị Đồng Thị Hợi (38 tuổi) là một ví dụ. Chị hơi sinh được 2 cháu đầu Nguyễn Thị Yến (15 tuổi), Nguyễn Thị Oanh (13 tuổi) là con gái nhưng đến đứa thứ 3 là con trai. Không dừng lại đó vợ chồng chị sinh tiếp hai cô con gái.

Lý giải cho việc khao khát muốn có con trai ở Ngư Lộc, ông Nguyễn Trọng Dưỡng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ngư Lộc cho biết: "Ngư Lộc là một xã thuần ngư 100% các hộ làm nghề đi biển nên đàn ông trong nhà rất quan trọng. Con trai sẽ là nguồn lao động chính ra khơi đánh bắt cá nuôi sống cả nhà cho nên nhà nào cũng cần nhiều đàn ông".

Trước đây Ngư Lộc chỉ có đàn ông mới được ra biển còn phụ nữ ở nhà đi chợ, phơi cá, dệt chiếu. Tuy nhiên những năm gần đây phụ nữ đã tham gia hầu hết các việc nặng trong làng nên người ta "đổ lỗi" bằng một lý do cũ mèm: có con trai để nối dõi tông đường. Nhiều gia đình Ngư Lộc vẫn hãi khi nhắc đến trận bão năm 1996 đã cướp đi sinh mạng của gần 50 ngư dân, rồi năm nào cũng có người mắc nạn ngoài biển không về. Chính tâm lý sợ không có trụ cột, không có người nối dõi khi tai họa xảy ra nên dù đã có con trai nhưng nhiều gia đình vẫn "gắng" thêm 2, 3 cậu con trai "cho chắc ăn".

Chính những lý do đó nên nhà nhà đua nhau, người người đua nhau đẻ con trai. Nhưng chớ trêu thay càng đẻ càng ra con gái. Tỷ lệ con gái ở Ngư Lộc thật đáng ngạc nhiên khi chiếm khoảng 2/3 trẻ em.

 Giàu con, nghèo cơm, đói chữ

"Người ta hay bảo "tam nam bất phú, tứ nữ bất bần" nhưng nhà tôi có đến 8 cô con gái mà nghèo vẫn hoàn nghèo, chỉ có cái này là đáng giá", chị Lan chỉ vào cái quạt gỉ than thở. Quả vậy, hơn 20 năm nuôi 4 đứa con lo ăn cho chúng đã mệt nói gì đến chuyện khác. Từ lúc lấy nhau đến nay hai vợ chồng họ vẫn sống trong căn nhà dột nát chưa đầy 12m2 đó. Vẫn chỉ một chiếc giường duy nhất, mấy chiếc nồi thủng, xong méo. Còn nhà chị Sáu cũng chẳng khá gì hơn. Lúc chúng tôi đến chị bê vội bữa cơm ăn dở vì xấu hổ với khách. Mâm cơm chỉ vỏn vẹn đĩa rau luộc, một ít tép kho...

Nhiều đứa trẻ ở Ngư Lộc đã phải bỏ học sớm để lo kiếm miếng cơm.

Hầu hết những gia đình đông con ở Ngư Lộc đều thuộc diện hộ nghèo, đều phải vay tiền trợ cấp để có vốn làm ăn. Thế nhưng số vốn ít ỏi mà họ vay được cũng hầu như "đầu tư" vào con cái, chủ yếu là mua thực phẩm những ngày giáp hạt, đói kém. Chính vì sinh con đông lại phụ thuộc hoàn toàn vào nghề biển nên tỷ lệ đói nghèo của xã Ngư Lộc cao nhất nhì tỉnh Thanh Hóa: trên 40%. Vào những mùa mưa bão tỷ lệ này còn cao hơn.

Đói nghèo kèm theo thất học. Ở những gia đình đông con hiếm có trường hợp nào được học hành đến nơi đến chốn. Theo tìm hiểu của chúng tôi với những gia đình đông con việc trẻ em được học hết lớp 9 là điều xa xỉ. Trung bình ít nhất trong mỗi gia đình như vậy số trẻ bỏ học khi hết lớp 5 là 3-4 cháu. Bỏ học các bé trai 12, 13 tuổi vác mái chèo theo cha làm nghề chài lưới còn bé gái thì cực không nói hết. "Nghề" thông dụng nhất và cũng là lối thoát duy nhất của các bé gái ở Ngư Lộc là đi làm ô sin. Hai cô con gái của chị Sáu là Nguyễn Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Nga; ba cô con gái của chị Lan là Vân, Trang, Hồng mới 13-17 tuổi nhưng có thâm niên làm ôsin. Cứ học xong hết lớp 5, lớp 6 bố mẹ chúng cho nghỉ học dắt díu lên Hà Nội.

"Hằng tháng mỗi đứa được nhà chủ thương trả cho 500.000-600.000 đồng. Trừ mọi chi phí sinh hoạt cũng gửi về nhà được 200.000-300.000 đồng", chị Lan khoe.

Đấy là những bé gái "may mắn". Nói may mắn là vì để được chọn đi làm ô sin cũng phải có "tiêu chuẩn" hẳn hoi. Đó là không mù chữ, sáng sủa, nhanh nhẹn. Số còn lại khi đã biết làm công việc nhà thường bị bố mẹ đẩy vào làm ở các xưởng diệt chiếu cói, xưởng làm mắm... Ở đó các em phải làm việc 10-12 tiếng mỗi ngày với đồng lương rẻ mạt chỉ 10.000 đồng/ngày.

Em Nguyễn Thị Phương, 14 tuổ,i nhà có 4 em gái, xoè đôi tay chai sần nói như mếu: "Cháu cũng muốn đi học như bạn lắm nhưng nhà cháu đông em, mẹ lại đau yếu nên phải đi dệt chiếu ở Nga Sơn kiếm tiền. Cháu biết dệt chiếu từ khi 10 tuổi". Còn cô bé Nguyễn Thị Hải, 14 tuổi mà nhìn như trẻ lên 8 còi cọc đen thui ngồi nhặt từng cọng râu tôm. Em cũng phải nghỉ học khi học xong lớp 5 để ra chợ bán hàng.

Với những đứa trẻ khác mỗi chiều chiều thường ghé ra bến chờ tàu về để mót cá. Cá ở những vựa chuyển từ tàu xuống rơi rớt được hàng chục em tranh nhau giật lấy. "Hôm nào nhiều tàu về cháu cũng mót được 2-3kg đấy chú ạ!", em Nguyễn Thị Lai khoe. Trong lúc chờ tàu lũ trẻ lại lang thang dọc bờ biển nhặt từng chiếc túi bóng, từng cái ve chai mang bán lấy tiền.  Lũ trẻ con làng Ngư Lộc cứ sống như những củ khoai, củ sắn. Nhưng cả trăm đứa trẻ tôi gặp không có lấy một đứa phổng phao, béo tốt. Em nào cũng còi cọc, rách rưới, thò lò mũi xanh.

Ông Nguyễn Tiến Lên, Trạm trưởng trạm Y tế xã Ngư Lộc cho biết: "Toàn xã có khoảng hơn 4.500 cháu thì có đến 20,5% trẻ em bị suy dinh dưỡng. Nguyên nhân là do chế độ ăn kém, không đủ chất. 100% trẻ suy dinh dưỡng thuộc các gia đình đông con, đói nghèo. Không có điều kiện chăm sóc nên trẻ em ở đây thường mắc các bệnh như nhiễm giun sán, tiêu chảy, bệnh tai mũi họng...".

Không có tiền trẻ con nơi đây khi đau ốm chỉ được nắm lá, cây thuốc qua loa. Thậm chí mỗi đợt tiêm phòng, tiêm chủng vận động mỏi cả miệng các ông bố bà mẹ mới mang con đến tiêm...

Tôi rời Ngư Lộc khi trời chạng vạng tối. Những đứa trẻ Ngư Lộc vẫn cặm cụi ven bờ biển như những con vạc đi ăn sớm. Ngoài khơi xa ánh chiều sắp tắt, sương mù giăng đầy trên những cách buồm, sương chiều cứ mịt mù như số phận trẻ em ở làng chài Ngư Lộc vậy...

Nguyễn Tuấn