Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Đẻ nhiều khổ lắm ai ơi!

07:00 | 06/02/2015

1,001 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
An, Bình, Định, Điền, Quyết, Thắng, Lợi (7 con trai), Vui, Mừng Thanh, Thu, Loan, Hoa, Nụ (tên 7 người con gái), đó là 14 lần khai hoa của bà Phạm Thị Tuyên. Suốt những năm lênh đênh trên sông nước bà Tuyên đã lập một “kỷ lục” về sinh nở, khó có phụ nữ nào ở miền xuôi dễ bề theo kịp. Trong số 14 người con, bà Tuyên đã tự đỡ đẻ cho mình 5 lần.

Năng lượng Mới số 396

Sinh voi - sinh cỏ

Làng chài Cao Bình, xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình là nơi ở hiện tại của bà Tuyên. Ngôi nhà nhỏ của gia đình bà là cả một sự cố gắng chắt chiu của bao nhiêu đời. Dưới cái nắng vàng vọt của chiều đông không đủ sua tan cái lạnh tê tái nơi làng chài, chúng tôi đến thăm nhà chỉ có bà Tuyên và đứa cháu nội đang ngồi bên hiên. Năm nay bà Tuyên đã bước sang tuổi thất thập xưa nay hiếm nhưng bà còn khỏe lắm. Giọng nói của bà to và thanh, đó là thói quen của người làng chài khi sống trên sông. Bà Tuyên bế cháu nội ngồi trên chiếc võng trước nhà mà vẫn cảm thấy tiếng sóng vỗ ì oạp bên tai. Từng ngón chân của bà cứ bám chặt lấy nền đất tựa như vẫn đang ngồi trên thuyền. Bao năm sống đời sông nước khiến các phản xạ của bà vẫn giữ nguyên cái nếp sinh hoạt khi còn ở trên thuyền.

Năm 18 tuổi bà Tuyên đã về làm dâu nhà người. Dâu làng chài thiệt thòi đủ đường. Vài nhà thuyền hợp nhau lại rồi tổ chức bữa rượu chúc mừng đôi trai gái, thế là họ nên duyên vợ chồng. Mấy năm đầu, vợ chồng bà Tuyên sống cùng với bố mẹ trong khoang thuyền trật hẹp. Nơi mà mấy đời nhà chồng đã từng sống túm tụm tại đó.

Ngày tháng dần trôi, sau hơn một năm lấy chồng, bà Tuyên có mang. Ông Tỵ (chồng bà) vui lắm vì là trai làng chài bắt cá giỏi có tiếng. Ông có thể ở trên sông cả ngày lần theo từng luồng cá. Bà Tuyên có nhiệm vụ ở trên thuyền lo cơm nước cho mọi người. Khi nào có cá về, bà mang lên chợ gần đó đổi mắm, muối. Cuộc sống cứ bình lặng như thế trôi qua. Năm 20 tuổi bà Tuyên sinh đứa con đầu lòng. Đến giờ bà chỉ nhớ mang máng là hôm đó bà trở dạ, ông Tỵ nhờ mấy người phụ nữ neo thuyền gần đó sang đỡ đẻ giúp. Đứa con trai kháu khỉnh ra đời, vợ chồng bà mừng lắm! Ông bà đặt tên con là An - với y vọng mọi chuyện được yên ổn. Sinh con hôm trước, hôm sau bà Tuyên vẫn phải làm việc như mọi ngày, không được nghỉ ngày nào.

Người làng chài mỗi ngày chỉ ăn 2 bữa sáng và tối. Nói là bữa chứ chẳng mấy khi họ được ăn no, vì những ngày đó cơm, gạo hiếm lắm. Ông bà đổi cả 10kg cá mới được 1kg gạo. Đói khát là vậy nhưng những thành viên trong gia đình bà Tuyên ai cũng khỏe mạnh. Có lẽ do ông trời thương người làng chài nghèo khó nên mới cho họ sức khỏe dẻo dai, chống chọi với mưa nắng dãi dầu. Đứa con cả chưa biết nói, bà Tuyên đã lại có thai.

Đứa con thứ hai của vợ chồng bà Tuyên ra đời vào một đêm đông rét mướt. Khi đó chồng bà đang đánh bắt cá ở cửa Ba Lạt. Giữa đêm mưa phùn, gió bấc khiến chiếc thuyền của vợ chồng bà rung lên từng chặp. Cơn đau đẻ dồn dập khiến chồng bà không kịp gọi người đến giúp như lần trước. Bà Tuyên vừa rặn đẻ vừa tự tay đón lấy đứa con của mình. Thêm một đứa con trai kháu khỉnh chào đời.

Liên tiếp các năm sau đó, bà sinh liền một mạch thêm 11 người con nữa. Đứa trước chưa kịp lớn đã có đứa tiếp theo ra đời. Bà đẻ sòn sòn như không thể dừng được vậy. Ngày đó, dân thuyền chài có biết các biện pháp tránh thai gì đâu. Phụ nữ chửa là đẻ và phần lớn là họ tự đỡ đẻ cho mình. Đến giờ bà Tuyên cũng chỉ nhớ mang máng là mấy lần sinh con bà có may mắn đến trạm xá của các xã ven sông, còn phần lớn bà đều tự đỡ đẻ cho mình.

Mười mấy người con lớn lên trong cái thuyền bé tẹo, giỏi ở chỗ là con cái của bà vẫn cứ lớn nhanh như thổi. Ngày bà sinh đứa con gái út là Nguyễn Thị Nụ (1994) khi bà đã bước sang cái tuổi ngũ thập chi thiên mệnh. Từ khi lấy chồng đến khi sinh cô con gái út bà mất tròn 30 năm sinh nở với 14 đứa con. “Ở trên bờ nuôi con khó nhọc 1 thì ở trên thuyền nuôi chúng khổ gấp 10. Chẳng bao giờ nhà tôi có được một bữa cơm no trọn vẹn. Bố mẹ nhường con cái, anh lớn nhường cơm cho em nhỏ. Cuộc sống cứ lay lắt như thế trôi qua”, đến giờ bà Tuyên vẫn còn nguyên cái cảm giác đói cơm, rách áo khi nói về gia đình mình. 

Nối nghiệp lênh đênh       

Đưa đôi mắt nhuốm màu sương khói của mình ra phía dòng sông Gộc mà bà Tuyên không giấu nổi nỗi buồn sâu thẳm. Có lẽ đến giờ được ở trên bờ, bà Tuyên cũng không nghĩ là mình có tấc đất để cắm dùi. Bà Tuyên kể, bà sinh ra ở vùng cửa Ba Lạt (Giao Thủy, Nam Định). Lớn lên bà đã thấy nhà mình chỉ là một chiếc thuyền nan bé nhỏ. Hàng chục người cứ quanh ra quẩn vào quanh cái lòng thuyền chật hẹp. Cơm nước, sinh hoạt của cả nhà đều diễn ra trong cái khoang thuyền đó. Ăn xong, bố, mẹ, anh chị em túa đi khắp nơi để bắt tôm, cá. Bà Tuyên ở nhà nấu cơm, nấu nước cho cả nhà.

Nhắc đến những bữa cơm trên thuyền, bà Tuyên vẫn chưa hết rùng mình: Sống giữa cửa sông nên không có nước sạch để dùng. Bà dùng nước lợ để nấu cơm. Giữa bốn bề thông thốc gió lùa, cái bếp củi của gia đình bị hất hết bên này, bên khác. Cả buổi sáng đánh vật với cái bếp, bà mới nấu xong bữa cơm. Bát cơm xới lên rời như cơm nguội. Cơm thường bị sượng, hạt gạo chẳng bao giờ chín nhừ.

Ngôi nhà nhỏ của bà Tuyên là cả một sự cố gắng chắt chiu bao đời

Mưa, gió, bão bùng cả nhà cứ lênh đênh trên thuyền. Bà Tuyên nhớ nhất là những buổi chợ, bà mang cá lên đổi gạo, mắm, muối… Đó là những ngày mà bà Tuyên cảm thấy sung sướng nhất vì được đặt chân lên bờ. Mọi người sum họp đông vui, hàng hóa ê hề, thứ gì cũng có, nhưng bà chỉ nhìn vậy thôi, chứ có bao giờ dư tiền để sắm cho mình bộ quần áo mới. Niềm vui đó qua mau, bà thường phải trở lại thuyền sớm. Bao năm sống lênh đênh trên sông nước, chẳng bao giờ bà được học hành. Bố mẹ và ông bà cũng như anh chị em của bà đều không biết chữ. Lên bờ bán cá, bao giờ bà Tuyên cũng bán theo món và dùng hàng đổi hàng, chứ bà không biết đếm tiền. Bao năm sống đời ngư phủ, bà Tuyên đến tuổi cập kê khi nào chẳng hay. Ở trên thuyền giữa miền sông nước, bà Tuyên quen ông Tỵ cũng là một gia đình ngư phủ. Họ gặp nhau rồi nên duyên từ đó.

Những ngày lênh đênh hai người gặp nhau, nhìn nhau thấy mến nhau rồi cùng xin bố mẹ hai bên ở với nhau. Thế là họ nên vợ nên chồng. Ngày ngày vợ chồng trẻ lại lênh đênh kiếp ngư phủ, bắt cá, bắt tôm ở cửa Ba Lạt. Đời nối đời ngư phủ lấy nhau, chứ có mấy khi trai trên bờ lấy gái trên thuyền. Ông bà nên duyên cũng là hợp lẽ đời. Đời sống khổ cực, gian nan trăm bề nhưng được cái ông Tỵ thương vợ lắm. Đôi vợ chồng trẻ đồng cam, cộng khổ cùng nhau vượt qua gian khó. Ngày tháng dần trôi, xuân qua, hè đến, thu mãn, đông sang, cuộc sống của họ trông cả vào con tôm, con tép kiếm được hằng ngày.

Đến giờ cả 13 (người con út của bà Tuyên đã mất) người con của bà nối nghiệp ông cha lênh đênh sông nước kiếm sống. Chúng cũng nghèo rớt mông tơi, chỉ có 5 người con là có tấc đất cắm dùi.

Linh Nhi