Chuyện luân hồi vùng Bảy Núi (Kỳ 2)
Thất sơn Núi Cấm (tỉnh An Giang). |
***
Đó là cái ngày mà bất thình lình có một cặp vợ chồng già khoảng 60 tuổi tìm đến nhà anh Sơn và tự giới thiệu họ chính là cha mẹ của Nhôm, chàng trai đã cùng người yêu cột tay vào nhau rồi cùng nhảy xuống vực sâu tự tuyệt.
Còn duyên cớ của sự có mặt của họ tại nhà anh Sơn thì không nói có lẽ mọi người đều đoán ra được: ấy là do vì “người trong cuộc”, anh Nhôm, con trai họ, từ mấy năm nay đã hiển linh báo mộng cho biết, rằng anh và người yêu giờ đây đã chuyển kiếp đầu thai vào làm con của gia đình anh Sơn trên núi Cấm, đồng thời khẩn thiết xin cha mẹ đi tìm.
Thế là, suốt ba năm ròng rã, vợ chồng ông Chiến (ông là Nguyễn Văn Chiến, bà là Lê Thị Hoa) đã cất công lui tới không biết bao nhiêu lần nơi cái địa chỉ oan gia vừa đáng yêu vừa đáng ngại này; đáng yêu là vì nơi đó đang có mặt “đứa con cưng” của mình, đồng thời đáng ngại là vì không biết chủ nhà họ sẽ đối xử với mình ra sao đây, một khi mình thổ lộ cùng họ cái chuyện chuyển kiếm đầu thai quá ư huyền hoặc. Thế nhưng một ngày kia, vợ chồng ông Chiến cũng đành đánh bạo, làm liều.
Và kết quả là họ đã may mắn gặp một cậu chủ nhà quá hiền lành, đã sốt sắng sẵn sàng gọi ngay con trai mình ra cho “đôi bên” giáp mặt. Và chuyện thực lạ lùng: vừa thấy ông bà Chiến, bé Đ. đã mừng rõ chạy ào ngay đến ôm chầm lấy họ, miệng mếu máo gọi: Ba ơi!, rồi: Má ơi!.
Khỏi nói thì chúng ta cũng đoán biết từ đó hai gia đình ông bà Chiến và anh chị Sơn đã trở thành thân thiết, vì chưng họ cùng có chung một người con: người con ấy vừa là anh Nhôm – của kiếp trước – vừa là bé Đ. – của kiếp bây giờ - vậy.
Một ngày kia, khi đã lên 5 tuổi, bé Đ. ngỏ ý muốn về thăm nhà ông bà Chiến, cha mẹ kiếp trước của nó. Tất nhiên là anh Sơn đồng ý đưa con đi. Khi tới nơi, bé Đ. tỏ ra rất thành thuộc đường đi nước bước trong vùng đất này, cứ một mình rảo bước, không cần ai hướng dẫn. Lại khi vào đến nhà, bé Đ. càng tỏ ra tự nhiên như đang ở trong chính nhà mình (mà quả thực là thế chứ còn gì nữa!).
Bé còn chỉ đúng cái giường mà ngày xưa anh Nhôm ngủ, cũng như những đồ vật mà ngày xưa anh Nhôm sở hữu hoặc thường dùng. Anh Sơn kể: “Nhớ có lần thằng Đ. kêu tôi chở về nhà ba má lớn – nó gọi ông bà Chiến như thế - để cho nó lấy một lá thư nó viết hồi trước. Đúng là ở “dưới ấy” vẫn còn một lá thư chữ viết của anh Nhôm. Nó nâng niu đem về, cất giữ cẩn thận đến bây giờ”.
Câu chuyện còn kể lể khá nhiều tình tiết khác; chúng tôi mạn phép lược bớt, chủ yếu để dành chỗ cho những gì cần thiết. Trước khi chuyển đề tài, thiết nghĩ cần lưu ý bạn đọc một điều: sở dĩ người thuật câu chuyện này giấu tên hai đứa bé đầu thai làm con song sinh của anh Sơn – chỉ viết tắt hai chữ Đ. và K. mà thôi - ấy là vì soạn giả nọ nghĩ rằng cặp song sinh này dù muốn dù không cũng đang bị vướng mắc vào một cảnh ngộ khá tế nhị. Sợ rằng nếu ghi rõ họ tên ra thì e sau này có điều bất lợi cho các đương sự chăng.
Qua câu chuyện vừa thuật này, hẳn chúng ta cũng chẳng khó khăn gì mà không nhận xét thấy: thêm một lần nữa, cái động lực nó thúc đẩy một đương sự dấn thân vào kiếp luân hồi, chẳng gì khác hơn là chữ Ái. Trong chuyện có hai nhân vật chính là Nhôm và Phượng, họ yêu nhau mà không lấy được nhau: nhà Phật gọi tình huống này là Ái Ly Biệt Khổ.
Vượt không qua cái thử thách của Ái Ly Biệt Khổ này, đôi tình nhân đã đồng tình chọn giải pháp kết liễu mạng sống để chấm dứt một trong tám nỗi khổ lớn của kiếp làm người. Trường hợp chọn “cái chết vì tình” này trên đời không phải là hiếm.
Riêng cái cách chết vì tình của đôi trai gái trong chuyện thì có chút khác lạ: cột dính lấy tay nhau trước khi tự tận. Ý rằng để kiếp lai sinh cũng nguyện chẳng chia lìa!
Vẫn theo nhà Phật thì bản chất của cuộc sống của toàn vũ trụ là vô thường. Chẳng những vô thường về mặt vật lý – kết cấu vật lý – mà còn và càng vô thường về mặt tâm lý nữa. Có nghĩa là tình yêu, cũng như mọi thứ tình khác, gói trong bảy thứ tình mà tâm con người sở hữu (đó là: ái, ố, hỉ, nộ, ai, lạc, cụ) – không hề là một trạng thái thường hằng bất biến: mà luôn biến dịch, tùy cơ duyên, hoàn cảnh mà khi đậm khi nhạt, khi nóng khi lạnh, khi đầy khi vơi.
Ấy là chưa nói, có nhiều trường hợp mà nó sẽ biến từ cực này sang cực kia, cụ thể nghĩa là chuyển từ yêu sang thành thù vậy. “Còn yêu đâu nữa, là thù đấy thôi”: một lời thơ đã cực tả trạng thái chuyển cực này như thế.
Trên đây là chúng ta đang chuyển mạch văn qua cái Lý. Và với cái Lý này, hiển nhiên chúng ta có thể tự cho phép mình hình dung một trạng thái tình cảm mới của cặp tình nhân kia: biết đâu trong cảnh ngộ hoàn toàn mới mẻ, cảnh ngộ của hai anh em song sinh cùng chung cốt nhục phụ mẫu, cùng chung một mái ấm gia đình, mà từ tình cảm “yêu thương trai gái” ở kiếp trước, nay lại nhẹ nhàng chuyển điệu sang tình cảm “yêu thương cốt nhục” thiêng liêng đậm đà?
Vâng, sao lại không được nhỉ? Vì biến dịch chính là tướng trạng của vô thường, là điều kiện hiện hữu của vô thường. Không có biến dịch ắt vô thường không có điều kiện để hiện hữu. Lý và Sự, xem ra cũng có vẻ song hành phải không quý bạn?
* Kỳ tới: Chuyện tiền kiếp vua Nhân Tông nhà Minh
Chuyện luân hồi vùng Bảy Núi (Kỳ 1) (PetroTimes) - Chuyện xảy ra ở một vùng đất chứa lắm điều huyền bí: vùng Bảy Núi, và thời điểm của câu chuyện thì cũng mới đây thôi. |
Tưởng rằng tự tử là xong, xuống địa ngục còn đau khổ hơn Trong xã hội hiện đại của chúng ta ngày nay, hầu hết mọi người đều chịu áp lực về tiền bạc vật chất, công danh sự nghiệp, tình cảm… Chịu quá nhiều áp lực nhưng không tin vào luân hồi chuyển thế, thần linh mà lại cho rằng “chết là hết,” “chết là hết tội,” “chết để được giải thoát”… |
"Chuyển kiếp luân hồi" của ông Dũng "lò vôi" bất ngờ gây sốt Những ngày vừa qua, sách có tựa đề “Chuyển kiếp luân hồi” do ông Huỳnh Uy Dũng tự tay viết và xuất bản vào tháng 12/2014 đã gây bất ngờ với độc giả. |
Huỳnh Uy Dũng