Chuyển đổi số - Quyết tâm và hành động
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, chuyển đổi số của Việt Nam hiện nay rất chậm chạp. Ông có đồng quan điểm với những ý kiến đó?
Chuyển đổi số - Quyết tâm và hành động |
PGS.TS Nguyễn Ái Việt: Chuyển đổi số là cơ hội của Việt Nam, mở ra những phương thức sản xuất mới, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ.
Có 5 yếu tố của chuyển đổi số: Tạo con người số; phương thức hoạt động trên môi trường số; Chính phủ hoạt động minh bạch theo phong cách số; hạ tầng số; kinh tế số. Nếu chúng ta chuyển vào không gian số càng nhanh thì sự phát triển càng mạnh. Bởi xã hội ngày nay là kết nối, kết nối càng lớn, càng nhiều thì cơ hội phát triển càng cao. Kết nối trên không gian số dễ dàng, thuận lợi hơn kết nối trực tiếp rất nhiều.
Tuy nhiên, chuyển đổi số của Việt Nam hiện được đánh giá là chậm chạp, mặc dù không ít doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò của chuyển đổi số, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 cùng với các lệnh giãn cách xã hội vừa qua.
PV: Theo ông, vì sao quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam lại diễn ra chậm chạp?
PGS.TS Nguyễn Ái Việt: Những thông tin từ trước dịch Covid-19 cho thấy, quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam thiếu kỹ năng số; thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số; thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp. Đó là những điểm yếu trong công cuộc chuyển đổi số.
Nhưng có lẽ nguyên nhân căn bản nhất khiến quá trình chuyển đổi số chậm chạp chính là hành lang pháp lý. Kinh tế số hiểu cơ bản là một sự kết nối và số hóa tất cả các dữ liệu, sau đó kết nối các dữ liệu với nhau. Thế nhưng, hiện Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cho phép tích lũy dữ liệu và kết nối dữ liệu.
Cản ngại nữa là các doanh nghiệp Việt Nam chưa có ưu thế rõ rệt so với các công ty nước ngoài. Một ví dụ nhỏ, giá một chiếc máy tính ở Việt Nam so với Mỹ đắt hơn từ 50-100%. “Sân nhà” của chúng ta luôn bị đe dọa bởi các công ty nước ngoài do họ có nhiều thế mạnh. Nếu chúng ta chỉ sử dụng các sản phẩm của các công ty nước ngoài thì không phải là kinh tế số nữa rồi. Kinh tế số là chúng ta phải sản xuất ra các sản phẩm để phục vụ chính nhu cầu của chúng ta, chưa nói đến chuyện xuất khẩu.
Chuyển đổi số - Quyết tâm và hành động |
PV: Dù biết rất khó nhưng chúng ta vẫn quyết tâm chuyển đổi số và cũng đã làm được một số việc, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Ái Việt: Nếu về quyết tâm chính trị thì tôi thấy rất rõ tinh thần quyết liệt chuyển đổi số. Nhưng thực hiện như thế nào là câu chuyện khác. Vì từ thực tế, tôi thấy có nhiều việc chỉ làm theo phong trào, theo cơn sốt, thực hiện rất mạnh lúc đầu nhưng sau đó lắng dần rồi chìm dần. Bây giờ ai cũng nói về chuyển đổi số, nhưng chắc chỉ 1, 2 năm nữa, nghe mãi thành... nhàm. Vấn đề là sự quyết tâm đó phải được kéo dài, chuyển thành hành động cụ thể. Như chương trình “Thánh Gióng” hay “Máy tính giá rẻ” cách đây 10 năm nhằm khuyến khích người dân sử dụng máy tính, nhưng chỉ một thời gian ngắn là “chết yểu” bởi cách thiết kế chương trình theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”, bao giờ lúc đầu cũng nói rất nhiều, thể hiện sự quyết tâm, mục tiêu đặt ra cũng chính xác, nhưng không lâu sau thì... kết thúc.
Việc thiết kế và quản trị một chương trình quốc gia của chúng ta “có vấn đề” về kỹ năng, nhiệt tình, cả về động cơ, quyền lợi. Đây là “câu chuyện dài nhiều tập”. Có người tưởng rằng chuyển đổi số chậm chạp do tài chính, nhưng với quy mô toàn xã hội, hơn nữa lại giải quyết vấn đề mang tính quốc gia, thì tài chính không là tất cả. Chúng ta có thói quen làm chương trình quá hoành tráng và toàn diện vì lo thiếu cái nọ hoặc cái kia thay vì phải có những điểm chiến lược và “kích” vào đó, từ điểm chiến lược đó lan truyền ra các điểm khác. Như vậy, các kế hoạch cứ dàn hàng ngang đều đều cùng tiến, thiếu những mũi nhọn sắc sảo. Ví dụ, trong lĩnh vực thiết bị công nghệ, đáng ra chúng ta phải tập trung làm thế nào để giá thiết bị công nghệ của Việt Nam phải ngang bằng với giá thiết bị công nghệ trên thị trường thế giới, thậm chí rẻ hơn, bằng chính sách thuế, khuyến mãi, hay cách nào đó, nghĩa là phải đặt những mục tiêu cụ thể. Nếu cái gì cũng muốn có thì sẽ không biết bắt đầu từ đâu và khó làm được.
PV: Vậy theo ông, chúng ta phải khắc phục như thế nào để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, tiến tới nền kinh tế số?
PGS.TS Nguyễn Ái Việt: Yếu ở đâu thì chúng ta phải khắc phục ở đó. Về pháp lý, cần mở hành lang pháp lý về chia sẻ dữ liệu, sử dụng dữ liệu tiện lợi. Cần đầu tư nâng cao hạ tầng kỹ thuật, thực hiện các chính sách thúc đẩy đầu tư thiết bị với giá phù hợp với mặt bằng chung của người dân, bởi chuyển đổi số thực sự phải bắt đầu từ chính nhu cầu của người dân, từ đó thay đổi nhận thức, thói quen của họ. Bên cạnh đó, cần bám vào định nghĩa chuyển đổi số, thay đổi mô hình hoạt động của doanh nghiệp để tạo ra giá trị mới tốt hơn.
PV: Xin cảm ơn ông
Nguyên nhân căn bản nhất để quá trình chuyển đổi số chậm chạp chính là hành lang pháp lý. Kinh tế số hiểu cơ bản là một sự kết nối và số hóa tất cả các dữ liệu, sau đó kết nối các dữ liệu với nhau. Thế nhưng, hiện Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cho phép tích lũy dữ liệu và kết nối dữ liệu. |
Tú Anh
-
Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
-
Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp
-
Thủ tướng: Chuyển đổi số cần hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, tăng tốc, bứt phá hơn
-
Thành phố Bà Rịa: Mít tinh hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia
-
Thiếu hụt khung pháp lý - Rào cản giảm tốc hình thành thị trường carbon
-
[Video] "Sức khỏe" đất trồng trọt
-
Nâng cao vai trò của đội ngũ trí thức trong công tác phổ biến kiến thức khoa học công nghệ
-
Nếu đất khỏe, con người sẽ khỏe, thế hệ sau sẽ khỏe
-
Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển ngành năng lượng Việt Nam