Chuyện của các công nhân đang mắc kẹt trong "chảo lửa" Covid-19 Bắc Giang
Các khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang đang là những ổ dịch lớn. Trong ảnh: Lối vào Khu công nghiệp Vân Trung thuộc địa bàn xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng đã được rào kín. (Ảnh: Nguyễn Liêm). |
Sau khi tỉnh Bắc Giang phát hiện ổ dịch nghiêm trọng tại Công ty TNHH Hosiden (KCN Quang Châu, huyện Việt Yên), hơn 10.000 lao động của Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam (cùng KCN) cũng đã được lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm.
Đại dịch bùng phát, hàng vạn công nhân phải nghỉ làm không lương. Trong số này có rất nhiều người đang bị cách ly y tế hoặc cách ly tập trung, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Sau khi có kết quả xét nghiệm dịch tễ tại Công ty Crystal Martin, lực lượng chức năng đã ghi nhận một số trường hợp mắc Covid-19. Để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, rất nhiều trường hợp có yếu tố dịch tễ liên quan ca bệnh đã được đưa đi cách ly tập trung.
"Nhiều ngày nay chúng tôi chỉ ăn mì tôm"
Là một trong số những công nhân của Công ty Crystal Martin đang bị cách ly tập trung tại Nhà nghỉ Ngọc Dương (KCN Quang Châu), anh Trần Văn Tiến (27 tuổi, quê Nghệ An) cho biết bản thân anh đang rất lo lắng vì trong số hàng chục công nhân đang bị cách ly tại đây chưa rõ ai là F1, ai là F2...
Thực đơn chính và duy nhất trong 3, 4 ngày hôm nay của anh Tiến là mì tôm (Ảnh nhân vật cung cấp). |
Khu vực nhà nghỉ nơi anh Tiến đang bị cách ly có trên 50 người, nằm ngay cạnh Công ty Hosiden. Hàng ngày họ phải ở trong nhà nghỉ 24/24h, chỉ được đi ra ngoài khi có đoàn cứu trợ, thiện nguyện đến cấp phát lương thực và phải có sự đồng ý của lực lượng chức năng.
"Đã 3, 4 ngày nay chúng tôi phải ăn mì gói rồi, nhà nghỉ không nấu cơm mà mọi người cũng không thể ra ngoài để ăn cơm được. Hàng ngày chỉ có món mì tôm ăn với rau hoặc nếu không còn rau thì chỉ ăn mì tôm chay, rất nóng và xót ruột", anh Tiến nói.
Phòng của anh Tiến có 3 người ở, vì số lượng người phải cách ly tập trung đông nên không thể chia mỗi người một phòng. Anh Tiến lo lắng bản thân mình từng di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, lại ở cùng với những người khác trong phòng, rất có thể sẽ bị lây nhiễm bệnh.
Từ cửa sổ nhà nghỉ nơi cách ly tập trung của anh Tiến nhìn thẳng ra Công ty Hosiden - một trong các ổ dịch ở Bắc Giang (Ảnh nhân vật cung cấp). |
"Hàng ngày chúng tôi phải tự bỏ tiền túi ra để chi trả tiền ở nhà nghỉ (khoảng 250.000 đồng/ngày) và tiền ăn uống. Với mức thu nhập 6-7 triệu đồng, chắc sắp tới nếu bị cách ly thời gian dài, tôi phải xin hỗ trợ từ gia đình", anh Tiến buồn rầu nói.
Cũng theo anh Tiến, trước khi được đưa vào đây cách ly tập trung, anh cùng với những lao động khác đã được lấy mẫu xét nghiệm dịch tễ và hiện tại đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Nhiều nhóm công nhân đang mắc kẹt gần KCN Vân Trung chia sẻ tâm trạng hoang mang, lo lắng và sốt ruột và không thể làm việc kiếm tiền, trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. (Ảnh: Nguyễn Liêm) |
Vợ sắp đẻ mà không được về thăm
Là một trong số những công nhân lao động làm việc tại Công ty xây dựng L.A. (Thường Tín, Hà Nội), đang thi công công trình ở KCN Vân Trung, tỉnh Bắc Giang, anh Nguyễn Duy Nam (31 tuổi, trú tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, anh đang rất lo lắng vì vợ anh ở viện sắp sinh nhưng anh không thể về thăm vì dịch Covid-19.
Anh Nam là một trong số 40 công nhân lao động của Công ty L.A. đang bị kẹt lại ở xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
Bữa cơm bằng mì tôm của anh Nam và các đồng nghiệp đang bị kẹt ở Bắc Giang (Ảnh nhân vật cung cấp). |
"Sau khi chính quyền có quyết định cách ly xã hội, tôi cùng với khoảng hơn 30 công nhân khác phải tạm dừng làm việc. Nhiều người cũng rất muốn trở về quê sau khi dịch bùng phát, tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho người thân ở nhà, tôi đã chọn ở lại để tránh nguy hiểm", anh Nam nói.
Làm công nhân xây dựng được hơn 3 năm, từng phải đi rất nhiều nơi, nhưng có lẽ đây là lần anh Nam nhớ nhà hơn bao giờ hết. "Gia đình tôi có 3 người và hiện chuẩn bị chào đón thành viên thứ 4. Hôm kia tôi liên lạc về nhà thì biết tin vợ sắp sinh, đang nằm tại bệnh viện chờ đẻ, tôi sốt ruột lắm, lo lắng nữa, nhưng không biết phải làm sao", anh Nam chia sẻ.
Nhiều công nhân trong xóm trọ nơi anh Nam ở cũng rất lo lắng và hoang mang, muốn trở về nhà nhưng để đảm bảo an toàn chống dịch, họ đã chọn ở lại (Ảnh nhân vật cung cấp). |
Anh Nguyễn Xuân Hồng (47 tuổi - Phó Giám đốc Công ty L.A.) cũng đang mắc kẹt lại tại Bắc Giang cùng các công nhân trong công ty. Anh cho biết công ty anh đang có khoảng 40 công nhân lao động bị mắc kẹt tại xã Nội Hoàng. Bản thân anh kể từ sau dịp 30/4 cũng chưa được về thăm nhà.
Anh Hồng cho biết, dù các công nhân của công ty anh không phải các trường hợp F1, F2, F3… nhưng anh vẫn yêu cầu các công nhân nghiêm túc thực hiện việc "ở yên tại chỗ" để đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Một nhóm công nhân chuẩn bị sẵn lương thực cho những ngày bị cách ly chống dịch. |
"Tình hình dịch bệnh đang rất căng thẳng, là một doanh nghiệp chúng tôi bị ảnh hưởng khá nhiều, nhưng đây là tình trạng chung của toàn xã hội, chính vì vậy, tôi cùng với anh em trong công ty vẫn nghiêm túc thực hiện công tác chống dịch của chính quyền, địa phương", anh Hồng nói.
Cũng theo anh Hồng, để ổn định cuộc sống cho các công nhân, mỗi ngày công ty chi trả trợ cấp 50.000 đồng/người và bố trí chỗ ở miễn phí cho đến khi hết dịch.
Theo Dân trí
-
Bắc Giang dẫn đầu về tốc độ tăng IIP 10 tháng
-
Hà Nội hỗ trợ vé xe Tết Ất Tỵ 2025 cho 5.000 công nhân lao động
-
Gần 2.400 vé tàu, vé máy bay miễn phí cho người lao động về quê đón Tết Ất Tỵ
-
Cơ chế giá trần sẽ giúp các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cải thiện lợi nhuận
-
Công ty CP Chế tạo máy - Vinacomin: Nâng cao tính tự chủ trong khối cơ khí ngành Than
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường