“Chúng ta phải biết chờ đợi”
PV: 10 lần Ngày Thơ đã trôi qua và thi ca Việt Nam cũng đã đi qua một chặng đường dài. Với tư cách là một nhà thơ, đồng thời là một nhà quản lý, ông có nhận xét như thế nào đối với thơ ca Việt Nam hiện nay?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Ở mỗi giai đoạn, thi ca Việt Nam đều phát triển theo cách riêng của nó và xét trên cả một chặng đường lịch sử thì thơ ca Việt hiện vẫn phát triển. Sở dĩ nói thơ ca phát triển vì các khuynh hướng sáng tác được mở ra rất rộng do chính sách mở cửa, hội nhập, giao lưu văn hóa, do các sách dịch… nên các trường phái, tên tuổi lớn trên thế giới được giới thiệu ở Việt Nam, từ đó gợi mở cho rất nhiều nhà thơ Việt Nam những phong cách, khuynh hướng sáng tác phong phú, nhiều tầng lớp thi ca Việt khác đi...
Tiếp đến là tiếng Việt trong thơ ca bây giờ phong phú hơn rất nhiều, các thể loại thơ được làm cùng trong một thời đại như thơ lục bát, Đường luật... Người ta thành lập hẳn Hội thơ Đường luật, mà hội này phát triển tương đối lớn, còn thuộc Unesco Việt Nam. Rồi có những nhà thơ trẻ, rất trẻ đang tiếp tục làm thơ lục bát… Những thể loại được coi là truyền thống dường như chỉ dành cho những nhà thơ “có tuổi”. Việc xuất bản thơ với các khuynh hướng được mở rộng nhiều chiều, các phong cách được chấp nhận và cùng đồng hiện trên thi đàn với tất cả hình thức truyền thống, hiện đại kết hợp với sự ảnh hưởng trên thế giới… Rồi số lượng tập thơ xuất bản hằng năm ngày càng nhiều hơn v.v…
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
PV: Nhưng thưa ông, với số lượng tập thơ xuất bản ngày một tăng lên như vậy, có nhiều lo ngại rằng chất lượng thơ sẽ kém đi, không để lại trong lòng bạn thơ những dấu ấn?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Theo tôi đó chỉ là chỉ số để chúng ta thấy rằng sự quan tâm đến thơ ca, yêu thơ ca của người Việt ngày càng nhiều, càng rộng. Cũng như các câu lạc bộ thơ chưa bao giờ được thành lập nhiều như bây giờ. Việc có nhiều hơn những người yêu thơ, chép thơ, làm thơ, xuất bản thơ… sẽ làm cho đời sống mang tinh thần thơ ca phong phú hơn. Đó là một đời sống văn hóa chứ không có nguy hại gì, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thơ ca. Có thể liên tưởng như thế này, một nhà thơ tài năng, tên tuổi, không thể vì có nhiều người làm thơ quanh anh ta mà anh ta trở nên trung bình hay yếu kém đi. Đời sống thi ca ở việt Nam hiện nay như vậy.
Nhất là 10 năm nay và năm nay là năm thứ 11, chúng ta lại có Ngày Hội Thơ. Mới đầu, Hội Thơ này chỉ của Hội Nhà văn, nhưng bây giờ đã xã hội hóa. Nó của những người yêu thơ, làm thơ… Có những người chẳng đến Ngày Thơ bao giờ nhưng bây giờ họ quan tâm đến Ngày Thơ Việt Nam qua các phương tiện truyền thông, báo chí. Đó là những đặc điểm để nói thơ ca Việt Nam đang phát triển rất nhiều phía từ người tiếp nhận, người sáng tác, những cái truyền thống, cách tân và hiện đại.
PV: Nhân nói đến thơ cách tân, hiện đại, đây là yếu tố quan trọng trong việc đánh giá về sự phát triển của thi ca Việt Nam hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng đó là thể loại rất khó tiếp nhận trong đời sống thơ ca không chỉ bởi hình thức mà còn vì nội dung. Thậm chí có quan điểm còn cho rằng thơ hiện đại (gọi cách khác là thơ mới) đang làm mất đi tính thẩm mỹ, văn học vốn có của thơ ca, làm cản trở sự phát triển của nó. Cũng là một nhà thơ, lại khởi xướng cho một xu thế mới trong sáng tác, ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Trước hết, ta phải hiểu thế nào là thơ mới. Là mang lại cho ta ngôn ngữ mới, cấu trúc mới, khám phá ra những cái mới trong đời sống con người. Vẻ đẹp muôn thuở trong cuộc sống vẫn vậy, mùa thu lá vẫn vàng, mùa xuân cây cỏ đâm chồi nảy lộc, con người lúc hân hoan, ưu phiền, lúc hy vọng lúc tuyệt vọng, yêu thương, căm ghét, thù hận, hòa bình... Tất cả cung độ tình cảm của con người với những vấn đề của con người vẫn như vậy. Nhưng cái mới là nhà thơ mang lại cách nhìn mới về con người đó, xã hội đó, vấn đề đó, vẻ đẹp đó…
Tuy nhiên, quan trọng nhất trong những cái mới ấy là phải tìm ra con đường mới trong ngôn ngữ thi ca, thi pháp mà không lặp lại những cái cũ. Nhưng cái mới ấy phải mang lại vẻ đẹp của ngôn ngữ thi ca thật gợi cảm, mang lại những điều tốt lành, hướng tới cái đẹp, chứ không phải cái mới là chống lại cái cũ, phá cách… Cái mới là mang lại những giá trị mới, tinh thần mới, những cách nhìn mới…
Người ta nói rất nhiều về trường phái, khuynh hướng, tượng trưng, lãng mạn, siêu thực, hiện đại hay hậu hiện đại… tất cả cách nói ấy chỉ nhằm tìm ra những cái mới trong một giai đoạn của thi ca từ hình thức, cấu trúc, ngôn ngữ. Như vậy người ta mới cần nhiều nhà thơ khác nhau. Còn nếu chỉ là một duy nhất đúng vĩnh viễn thì chúng ta chỉ cần một Nguyễn Du, một Nguyễn Trãi, một Hồ Xuân Hương… thế là đủ. Thế giới chỉ cần một vài tên tuổi lớn thế là xong. Nhưng cuộc sống không phải vậy, nó chứa đựng vô tận những điều kỳ diệu về ngôn ngữ và những vẻ đẹp khác cần phải tôn vinh dưới nhiều hình thức khác nhau.
Bán thơ tại Hội Thơ Xuân Nhâm Thìn - năm 2012
PV: Nhưng như đã nói, cái mới dường như khó được tiếp nhận thưa ông?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Cái mới chắc chắn bao giờ cũng khó tiếp nhận. Khi Chế Lan Viên, Xuân Diệu xuất hiện trong phong trào thơ mới, có những người đã chống đối lại, không ít những bài phê bình coi họ là thế này thế khác. Trên thế giới cũng vậy, như ở Mỹ, một nhà thơ được coi là “ông tổ” của thơ hiện đại ở đây, khi ông in thơ ra, người ta đã ném vào sọt rác vì cho ông là một người điên rồ, hủy hoại phong tục, những cái đẹp của thơ ca Mỹ trước đó. Nhưng sau này người ta phải thừa nhận. Rất nhiều nhà thơ mới bước ra và gặp rất nhiều cản trở. Bởi một nhà thơ mới với giọng điệu mới khi tung ra sản phẩm của mình thường đột ngột nên bạn đọc không chuẩn bị tâm lý tiếp nhận dẫn đến lúng túng, khó hiểu khi đọc. Trong khi phải có khoảng thời gian để sẵn sàng tiếp nhận loại thơ mới này.
Cho nên đối với thơ mới, có nhiều bạn đọc phải đọc rất nhiều lần, trong thời gian dài mới nhận ra những gì được cho là rối rắm, vô cùng phức tạp khi đọc trước đây cuối cùng cũng dễ hiểu, dễ tiếp nhận và họ nhận thấy nó phải có con đường riêng của nó.
PV: Nhưng không thể phủ nhận hiện có một bộ phận tác giả trẻ, “nhân danh thơ mới” để đưa vào thơ ca những hình ảnh dung tục, ngôn ngữ thô thiển… và họ cho rằng đó là cách “hiện đại hóa”, đưa thi ca phát triển “lên một tầm cao mới”?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Việc đưa ngôn ngữ một cách quá trần tục vào thi ca, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng có và có rất lâu rồi. Nhưng đó là việc tự nhiên của xã hội trong sự phát triển rộng khắp và đa dạng, đa nghĩa. Cũng như trong đời sống của chúng ta hiện nay, một phía chứa đựng điều thiện, một phía chứa đựng điều ác. Song thời gian sẽ làm 2 điều: giúp cho bạn đọc nhận ra đâu là giá trị thực của những tác phẩm thi ca và giúp các tác giả nhận ra những gì họ viết ra có thực sự là thi ca hay không.
Có những người năm 18, 20 tuổi viết một cách rất ngờ nghệch, tùy tiện, cuồng ngôn. Nhưng đến khi 40 tuổi chẳng hạn, họ nhận thức khác về cuộc sống, thời gian và những trải nghiệm sẽ giúp họ biết cái gì là đẹp, là giá trị đích thực trong đời sống để viết. Chúng ta có thể lúc nào cũng lên tiếng về điều đó nhưng đừng tuyệt vọng vì nó. Bởi nếu là nhà thơ đích thực, họ sẽ tìm được cách đi. Thơ ca phải là trải nghiệm. Nhà thơ phải qua 2 trải nghiệm: trải nghiệm văn hóa và trải nghiệm sống sau đó tích tụ thành vốn sống để dạy anh cách nhận biết, cách tìm ra con đường cho riêng mình.
Hội Thơ Xuân Nhâm Thìn - năm 2012
PV: Không biết có lạc quan quá không khi ông tin tưởng vào sự phát triển của thi ca Việt Nam như vậy. Nhưng đến giờ tên tuổi của một nhà thơ trẻ có thể “tiếp bước” những nhà thơ lớn dường như vẫn “mò kim đáy bể”?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Có nhất thiết phải có một nhà thơ thật vĩ đại hay không? Cũng cần nhưng cũng không cần. Quan trọng là chúng ta phải thấy một đời sống khá bình ổn, con người đối xử với nhau nhân ái, biết tha thứ, rộng lượng… Thi ca sinh ra chỉ làm điều đó. Đôi khi giống như việc ngưng tụ tinh kết của văn hóa, của thời đại đó, của dân tộc đó phải có thời gian nhất định, chúng ta mới có “giọt nước” ngưng tụ, mới có nụ nở thành hoa kết thành trái. Cũng như chúng ta phải chời đợi một thời gian nhất định đứa con đỏ hỏn mới trở thành một chàng trai có học thức, văn hóa. Tất cả phải đợi chờ. Thời gian sẽ trả lời. Chỉ có điều chúng ta phải bền bỉ làm việc, bền bỉ học tập, bền bỉ quan sát, bền bỉ yêu thương… thì những điều mong ước sẽ thành hiện thực. Nhưng nói vậy, không có nghĩa là chưa xuất hiện một nhà thơ trẻ nào có tâm hồn thi sĩ thực sự.
Trong Đại hội Nhà văn trẻ năm ngoái, có nhiều tác phẩm của các nhà thơ trẻ lần đầu tiên xuất hiện như Trịnh Sơn, Hoa Níp, Đặng Chân Nhân… làm tôi ngỡ ngàng và khiến tôi nghĩ rằng, bằng tuổi họ, tôi chưa sáng tác được như họ. Nếu như lần đầu tiên xuất hiện tôi bé bỏng, vụng về thì họ xuất hiện trên một nền tảng vững chắc và tâm hồn rất thi sĩ. Để có thể trở thành thi sĩ lớn hay không bây giờ chỉ phụ thuộc vào sự lao động, nhiệt huyết của họ nữa thôi.
PV: Nhưng nhiều người cho rằng “lực lượng” ấy quá ít, dường như không đủ để nền thi ca phát triển thưa ông?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi lại cho rằng nếu so sánh những người chưa được biết đến hiện nay và những người đã được biết đến từ trước, thì kiến thức, tay nghề, hiểu biết, ngôn ngữ của người trẻ hiện nay rộng hơn nhiều. Tuy nhiên, trong một đời sống ngập tràn các phương tiện truyền thông, ngập tràn tất cả các công nghệ của giải trí, thơ ca không phải là sự lựa chọn duy nhất của họ hay chọn lựa của số đông. Ngày xưa tôi chỉ đọc văn chương. Nhưng bây giờ, tôi đọc bao nhiêu thứ không chỉ văn học mà kinh phật, triết học, câu chuyện thần bí… Nghĩa là có một tỉ thứ người ta phải đọc để xử lý trong cuộc sống… Chính vì vậy so sánh một nhà văn trẻ hiện nay với một nhà văn trẻ của cách đây 60 năm là một sự so sánh khập khiễng, không chính xác. Còn dần dần thời gian sẽ luyện “quặng” thành ngọc quý.
PV: Vậy ông sẽ nói thế nào về những bài viết “phản biện” của các nhà phê bình về sự phát triển của thi ca Việt Nam?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Những bài viết đó có 2 vấn đề: thứ nhất, nó vô tình trở thành sự tương phản. Trong xã hội văn minh, muốn thúc đẩy những điều tốt đẹp phải có đối thoại, so sánh, phản biện… Tôi gọi đó là tính tiến bộ, tính xây dựng trong những bài viết đó. Nhưng trong vấn đề thứ 2 lại là sự hiềm tỵ, đố kỵ, thiếu hiểu biết, phá đám và đáng buồn số đó đông hơn… Tôi đọc báo thấy một bộ tộc ở Alaska, vùng băng tuyết quanh năm ngày tháng, khi mới sinh con ra, họ vứt con ra cửa trong giá rét, tuyết dày đặc, một ngày hoặc vài ngày gì đó, nếu đứa trẻ còn sống, họ sẽ nuôi thành một người chính thống, chân chính với sức mạnh và sự chịu đựng những khắc nghiệt đó.
Với những nhà thơ trẻ họ phải chịu thách thức tương tự. Lời khen quá mức cũng là một thách thức. Chịu đựng một lời khen cũng khó khăn như chịu đựng một lời chê. Thậm chí có nhiều nhà thơ nổi tiếng trên thế giới vẫn bị một bộ phận đồng nghiệp, bạn đọc chê bai, chửi bới, thậm chí ném thơ vào sọt rác. Nhưng không sao thời gian sẽ trả lời, những gì mang giá trị đích thực sẽ được nhận ra và sống mãi với bạn đọc, với văn đàn.
PV: Phải chăng với mục đích ấy và muốn khuyến khích, động viên những nhà thơ trẻ mà Ngày Thơ Việt Nam năm nay, Ban Tổ chức đã lấy chủ thể là giới trẻ đồng thời chủ đề là: “Tuổi trẻ và Tổ quốc”, thưa ông?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Vừa mang mục đích như vậy vừa muốn khẳng định chủ quyền đất nước, đặc biệt là về biển đảo của Tổ quốc nên Ngày Thơ lần thứ 11 này mới lấy chủ đề: “Tuổi trẻ và Tổ quốc”. Không ai mong đợi một cuộc chiến tranh nhưng chúng ta phải bày tỏ lòng yêu nước, ý chỉ bảo vệ dân tộc hơn bao giờ hết. Và không ai tuyệt vời hơn là những người trẻ. Vì bạn thấy đấy, trong lịch sử các cuộc chiến tranh vệ quốc, người lính bao giờ cũng là người trẻ đầy mạnh mẽ, nhiệt huyết. Họ là những chủ nhân mới của đất nước, 5 năm, 10 năm hay 20 năm nữa…Họ là những người quyết định vận mệnh, số phận của của đất nước, dân tộc này, thay thế những “chủ nhân” đã già. Đó là quy luật của cuộc sống.
Và năm nay, Ngày Thơ lấy chủ đề đó để như một lời nhắc nhở rằng truyền thống yêu nước, tinh thần vệ quốc không bao giờ bị bào mòn trong tâm hồn mỗi người dân Việt. Đồng thời một trong những trọng tâm của Ngày Thơ là về biển đảo. Cho nên những người đọc thơ năm nay là những người từng có bài thơ hay, có ý nghĩa, xúc động về bảo vệ Tổ quốc, biển đảo cũng như biên giới của Tổ quốc. Họ sẽ đọc những tác phẩm ấy của họ.
PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Theo Ban Tổ chức Ngày Thơ lần thứ 11, bên cạnh các hoạt động “tĩnh” như triển lãm, trưng bày ảnh nghệ thuật sáng tạo thi ca thì điểm “động” và mới so với mọi năm là sẽ có đoàn rước thơ gồm 120 nghệ sĩ của Nhà hát Chèo, Nhà hát Tuồng Việt Nam thực hiện. Đoàn rước sẽ đi từ Vân Hồ đến Hàng Buồm, qua Nguyễn Thái Học và trở về Văn Miếu với rừng lọng xanh, cờ thơ, bát âm bất tận… Ngoài ra, Ngày Thơ còn trưng bày phiên bản lớn bản đồ cổ về chủ quyền biển đảo, đồng thời dự kiến có hàng nghìn phiên bản bản đồ cổ với kích thước nhỏ để người xem thưởng lãm và hiểu rõ chủ quyền đối với giang sơn Tổ quốc. Triển lãm 70 năm ngày Văn hóa cứu quốc cũng được trưng bày tại đây với những hình ảnh, hiện vật, tác phẩm, tượng chân dung của 19 nhà văn trong thời kỳ này. Sân Thái Miếu sẽ là nơi diễn ra lễ hội thơ và thả những câu thơ hay trên bầu trời. Các CLB Thơ gồm 19 gian hàng thơ dự kiến cũng sẽ xuất hiện ở Hồ Giám, tên gọi khác còn là Hồ Minh Đường. |
Tú Anh (thực hiện)
-
Tử vi ngày 23/10/2024: Tuổi Dần phát huy tiềm năng, tuổi Dậu cơ hội phát triển
-
Quảng Ngãi: Các khu vực đỗ xe tránh mưa lũ
-
Tử vi ngày 22/10/2024: Tuổi Tỵ cải thiện thu nhập, tuổi Tuất phát huy điểm mạnh
-
Đường sắt Việt Nam bán vé tàu qua bản đồ trực tuyến
-
Tử vi ngày 21/10/2024: Tuổi Sửu trải nghiệm mới mẻ, tuổi Hợi tinh thần lạc quan
- Tử vi ngày 23/10/2024: Tuổi Dần phát huy tiềm năng, tuổi Dậu cơ hội phát triển
- Tử vi ngày 22/10/2024: Tuổi Tỵ cải thiện thu nhập, tuổi Tuất phát huy điểm mạnh
- Tử vi ngày 21/10/2024: Tuổi Sửu trải nghiệm mới mẻ, tuổi Hợi tinh thần lạc quan
- Tử vi ngày 20/10/2024: Tuổi Dần tính toán tài tình, tuổi Thân thận trọng lời nói
- Tử vi ngày 18/10/2024: Tuổi Mão mở rộng ngoại giao, tuổi Ngọ nắm bắt cơ hội
- Tử vi ngày 17/10/2024: Tuổi Tý công danh thăng tiến, tuổi Thìn rắc rối bất ngờ
- Tử vi ngày 16/10/2024: Tuổi Tỵ may mắn bất ngờ, tuổi Mùi cơ hội đầu tư
- Tử vi ngày 15/10/2024: Tuổi Dậu vận may tài chính, tuổi Dần ý tưởng thú vị