Chung sức với ngư dân
Năng lượng Mới số 336
Sự lựa chọn sinh tử
Trước khi Chính phủ có chủ trương hỗ trợ ngư dân đóng tàu cá vỏ thép, Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (SBIC) đã tiên phong triển khai đóng thử nghiệm 6 chiếc tàu đầu tiên từ năm 2013. TS Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SBIC cho biết, ngư dân - nhân vật trung tâm của mỗi con tàu luôn được trân trọng lấy ý kiến để không ngừng hoàn thiện mỗi mẫu tàu. Đầu tháng 6 này, hai cuộc hội thảo lớn về tàu cá được tổ chức ở Quảng Bình và Quảng Ngãi cũng thu hút hàng trăm ngư dân tham dự, phản biện.
Nhắc đến “bóng ma” của chương trình đánh bắt xa bờ mà hàng loạt con tàu công suất lớn phải đắp chiếu nằm bờ vì xa rời thực tế, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển TP Hồ Chí Minh trong một cuộc tọa đàm về tàu cá vỏ thép đã nhấn mạnh: “Không ai được áp đặt mà chính ngư dân phải được quyền chọn cho mình con tàu họ muốn”.
Những chiếc tàu cá vỏ thép đầu tiên được đóng thử nghiệm tại Công ty Đóng tàu Sông Đào (Nam Định) Ảnh :Anh Đào
Thực tế cho thấy, những cảnh báo trên không thừa. Tại các cuộc tọa đàm, hội thảo gần đây, những mẫu tàu cá mà SBIC đưa ra mặc dù đã qua nhiều nghiên cứu công phu nhưng vẫn bị giới chuyên môn và chính các ngư dân phản biện gay gắt. Ngư dân Phạm Non, kiêm một chủ xưởng đóng tàu ở Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) thẳng thắn nói: “Ngư dân chỉ quan tâm tàu nào đi biển chạy ít dầu nhất, rẻ nhất chứ đẹp mấy, nhanh mấy chúng tôi cũng chả cần”.
Người đi biển kỳ cựu nêu ngay những điểm chưa ưng như hộp số của các mẫu tàu cá do SBIC thiết kế chỉ có 4.1, trong khi ngư dân cần hộp số to hơn là 5.1; ngư dân quen dùng máy Hino chạy tiết kiệm nhiên liệu, trong khi tàu do SBIC thiết kế máy của một hãng máy chuyên về xây dựng, sẽ rất khó sửa và tìm phụ tùng thay thế. Chưa hết, máy tàu SBIC công suất còn yếu trong khi ngư dân có thói quen đóng máy tàu công suất lớn rồi chỉ chạy bằng nửa công suất thiết kế để tiết kiệm nhiên liệu …
Trước những phản biện đó, ông Ngô Tùng Lâm, Phó tổng giám đốc SBIC với tinh thần cầu thị đã tiếp thu các ý kiến đóng góp và khẳng định sẽ phối hợp với ngành thủy sản để cải tiến thiết kế tàu cho phù hợp hơn.
Nghề cá cần đổi mới thật sự
Trên một diễn đàn về tàu cá sau các cuộc hội thảo, ông Dư Văn Toán, một người am hiểu nghề cá cho rằng, chỉ đầu tư cho tàu vỏ thép hiện đại thì chưa đủ mà còn hàng loạt việc phải làm như: Tiêu chuẩn hóa hệ thống thu nhận thông tin theo chuẩn quốc tế; hệ thống giám sát hải trình tàu cá phải hiện đại, phải có lực lượng kiểm ngư đủ mạnh… Mặt khác, nghề cá cần hội nhập quốc tế. Cũng trên diễn đàn, ông Nguyễn Quang Miện phân tích: “Thực tế hiện nay đang cho thấy rõ ràng là nghề đánh bắt cá xa bờ của chúng ta cần phải có thay đổi lớn về phương tiện đánh bắt (phải có tàu vỏ thép), về tổ chức hậu cần và dịch vụ nghề cá, về phương thức tổ chức quản lý (kể cả phải đi thuê ngư trường ở nước khác để đánh bắt)”.
Chung quan điểm đó, ông Nguyễn Trường Sơn khẳng định: “Đi biển, đã xuống nước là phải văn minh hiện đại, không thì ở nhà, đi ra mà kém cỏi là chết người. Bài học bão Chan Chu còn đó”.
Anh Nguyễn Minh Vương, một ngư dân trẻ tại Bình Định cũng nói về việc này bằng những phân tích rất cụ thể: “Một ký cá ngừ năm 2012 tôi bán được 37.000 đồng, nhưng năm 2014 các thương lái ép xuống còn 15.000 đồng/kg thì dù Nhà nước có đầu tư hàng vạn tàu vỏ thép hiện đại mà không có đầu ra thì chúng cũng sẽ nằm đắp chiếu đến han rỉ mà thôi. Chỉ có kết hợp đầu tư tàu hiện đại cùng với giải bài toán đầu ra tiêu thụ cá thì nghề biển của ngư dân mới thật sự đổi đời”.
Lãnh đạo Ngân hàng BIDV gần đây khi nói về chương trình tàu cá vỏ thép cũng kêu gọi phải tổ chức một chuỗi liên kết giữa đánh bắt, thu mua chế biến, xuất khẩu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia hàng hải, vấn đề này đã được thể hiện rất rõ trong cuốn “Hướng dẫn thiết lập và vận hành Trung tâm Cộng đồng Nghề cá” của Tổ chức Lương Nông FAO, một nghiên cứu được thử nghiệm tại nhiều nước rồi mới rút ra một quy trình hành động. Cuốn “Tài liệu huấn luyện ngư dân ngay trên biển” của FAO cũng rất thiết thực nhưng có ý kiến cho rằng, chúng ta vẫn coi các tài liệu đó là của nước ngoài mà không biết cách vận dụng chúng sao cho hiệu quả.
Trường học nào cho ngư dân?
Đầu tháng 6 vừa qua, câu chuyện Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc mời chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam dạy ngư dân câu cá ngừ đại dương đã trở thành một sự kiện gây xôn xao các làng chài cả nước. Bằng những chiếc máy câu cá ngừ hiện đại do chuyên gia Nhật Bản tập huấn, lần đầu tiên ngư dân mới biết được một bí quyết đơn giản mà không giản đơn. Thân nhiệt cá ngừ bình thường khoảng 18 độ C, khi rượt đuổi mồi tăng lên 50 độ C.
Lâu nay ngư dân câu bằng tay nên khi cá cắn câu thì kéo mạnh lên thuyền ngay, rồi dùng chiếc vồ thủ công đập vào đầu cá nên thịt cá đang ở thân nhiệt cao trắng bệch, không đảm bảo chất lượng. Nếu câu bằng thiết bị mới và có phương pháp kích điện cho cá chết dưới nước, thịt cá ngừ sẽ ngon hơn, giá sẽ cao hơn gấp đôi và có thể xuất khẩu. Với số lượng đội tàu khai thác cá ngừ đại dương hơn 1.000 chiếc, ông Lộc kỳ vọng sẽ thực sự tạo ra cuộc cách mạng mới đối với nghề câu cá ngừ đại dương ở Bình Định.
Nhắc lại sự kiện này trong cuộc tọa đàm về tàu cá vỏ thép, kỹ sư tàu biển kỳ cựu Đỗ Thái Bình, Ủy viên Thường vụ Hội Khoa học kỹ thuật biển TP Hồ Chí Minh tâm sự, ông cảm thấy xấu hổ vì kỹ thuật của chuyên gia Nhật Bản quá đơn giản, sau vài lần chỉ dẫn ngư dân đã làm được, vậy mà bao lâu nay chẳng ai giúp để ngư dân thực hiện.
Tương tự với thói quen sử dụng tàu gỗ thay vì tàu vỏ thép. Không hẳn là ngư dân không có tiền để mua tàu vỏ thép, mà có lý do sâu xa hơn là không ai giải tỏa cho họ nỗi lo về hiệu quả của tàu vỏ thép nên nhiều người vẫn bảo thủ nói: “Đi tàu gỗ có thể gõ vào thành tàu để gọi cá, còn tàu vỏ thép thì không”. Không ai truyền đạt cho họ cách sử dụng tàu vỏ thép đơn giản và dễ hiểu như kinh nghiệm sử dụng tàu gỗ mà các ngư dân đã chỉ dạy cho nhau.
Kỹ sư Đỗ Thái Bình kể, sau này khi có dịp sang Mỹ, ông đã đến một ngôi trường đào tạo ngư dân và thấy tất cả người Mỹ chỉ cần trình độ đọc viết thông thường, chưa biết gì về nghề cá, về hàng hải đều có thể ghi danh để học về đánh cá, đóng tàu, đan lưới... với cách dạy hết sức dễ hiểu và vui nhộn. Ngược lại, ở nhiều làng biển nước ta, hầu như con thuyền nào của ngư dân cũng có những cuốn sách phổ biến kiến thức cho họ được phát miễn phí nhưng đa số đều còn mới tinh tươm vì ngư dân rất ít đọc.
Tổng cục Thủy sản nước ta đã in hàng vạn cuốn “Sổ tay đi biển cho ngư dân”, Sổ tay “Ngư dân cần biết”, những tờ rơi về chống bão, danh sách những nơi cần gọi khi gặp hiểm nguy… phát không cho ngư dân nhưng chưa hiệu quả. Ngư dân cho biết, họ cảm thấy rất khó tiếp thu kiến thức từ những cuốn sách nhiều chữ và được viết bằng văn phong khó hiểu, không giống với cách mà lớp ngư dân đi trước chỉ dạy cho lớp đi sau. Thế cho nên, ngư dân ta vẫn quá thiệt thòi vì nhiều thứ đơn giản, dễ thực hiện nhưng họ lại không được biết, mãi luẩn quẩn “bán mồ hôi” với giá rẻ.
Cabin chỉ huy trên tàu cá của Công ty Sông Đào
Cách giảng dạy, bồi dưỡng cho ngư dân và các thuyền trưởng tàu cá ở Việt Nam, theo giới chuyên gia cũng còn quá hàn lâm. “Có dịp cùng chị Nguyễn Thị Hồng đi học để lấy bằng thuyền trưởng tàu cá tại Trường Trung cấp Thủy sản TP Hồ Chí Minh sau khi chị đã có hành động anh hùng cứu hơn 30 chục sinh mạng trong cơn bão Linda, tôi mới thấy nhiều khó khăn của ngư dân khi đi tìm kiến thức. Mặc dù đã học qua trung học, từng dạy mẫu giáo, Hồng thật khó tiếp thu với cách giảng mang nhiều tính hàn lâm, nói chi những ngư dân khác. Và cái quy định thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá với các ngạch bậc như được thu nhỏ từ các con tàu lớn, con tàu viễn dương có sát thực tế không, trong khi trên thực tế, họ là những tài công (tiếng Anh là skipper)?” - kỹ sư Đỗ Thái Bình đặt câu hỏi.
Để khắc phục những hạn chế trên, theo các chuyên gia ở Hội Khoa học kỹ thuật biển TP Hồ Chí Minh, phải có đầu tư và đổi mới ngay trong việc hỗ trợ huấn luyện cho ngư dân. Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, người từng đào tạo những chiến sĩ xuất thân từ ngư dân chỉ quen cách đi biển dân gian đã biết dùng la bàn, kính phần sáu sextant nhằm điều khiển các con “tàu không số” sẵn sàng tham gia tổ chức huấn luyện ngư dân sao cho dễ hiểu, dễ làm. Các chuyên gia khác trong hội như các cựu thuyền trưởng Cao Trọng Tùng, Nguyễn Công Hệ, Lê Văn Tải, Tiếu Văn Kinh cũng sẵn sàng góp sức truyền bá các bộ sách dạy đi biển nổi tiếng trong giới hàng hải, các chuyên gia thông tin sẵn sàng giới thiệu chi tiết máy Icom thông dụng, Hội Nghề cá thành phố chỉ dẫn dùng ngư cụ, ướp đông…
Có thể mở những lớp dạy theo từng chủ đề như hải đồ, cấp cứu, máy Icom… thông qua hệ thống tình nguyện viên rộng rãi để huấn luyện lại cho ngư dân. Sinh viên, trí thức trẻ ngành hàng hải và những người yêu thích biển đều có thể tham gia hoạt động này. Chương trình “Mùa hè Xanh” của thanh niên có thể chọn đây là một nội dung hoạt động. Hiện Hội Khoa học kỹ thuật biển TP Hồ Chí Minh đang khởi động chương trình giảng dạy cho các tình nguyên viên nghề cá và mong được sự hưởng ứng của toàn xã hội.
Nguyên Minh
-
Tin tức kinh tế ngày 17/11: Tỷ giá dự báo còn "căng thẳng" đến cuối năm
-
Tin tức kinh tế ngày 16/11: Thu ngân sách gần “về đích”
-
Châu Âu diễn tập đối phó sự kết thúc của thỏa thuận vận chuyển khí đốt giữa Ukraine và Nga
-
Những bất ổn mới cho giá dầu thế giới?
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 11/11 - 16/11