Chủ tịch TP HCM: "Không phải vì nhà hát mà dừng xây bệnh viện, phát triển giao thông"
Bên lề hội thảo khoa học “Quản lý đô thị trên địa bàn TP HCM: thực trạng, vấn đề và giải pháp” được tổ chức chiều 11/10, Chủ tịch UBND TP HCM đã chia sẻ về việc thành phố xây dựng Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư 1.508 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thành Phong nhận định: “Công trình này đã được Thủ tướng đồng ý rất lâu rồi và thêm mấy lần nghị quyết. TP HCM là trung tâm phát triển, mình đầu tư hạ tầng bao nhiêu tiền như thế nhưng mảng văn hóa thời gian vừa qua ra sao?”.
TP HCM chọn khu đô thị mới Thủ Thiêm là nơi xây dựng Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch trị giá 1.500 tỷ đồng (ảnh minh họa) |
Theo ông Phong, thời gian qua thành phố không có sự tương xứng giữa đầu tư phát triển kinh tế và đầu tư văn hóa. Từ trước đến giờ, TP đã đầu tư rất nhiều vào hạ tầng giao thông cầu, đường, trường học, bệnh viện... nhưng về lĩnh vực văn hóa thì gần như không đáng kể. “Việc đầu tư như vậy chưa tương xứng giữa kinh tế và văn hóa”, ông Phong nói.
Người đứng đầu chính quyền thành phố cho biết, trong nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM có vấn đề cho phép thành phố thực hiện các đề án nhóm A. Đáng lý ra đề án nhóm A phải xin Thủ tướng, nhưng bây giờ được giao cho HĐND TP HCM. Lần này trong các dự án được thông qua có công trình Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, đề án sữa học đường hơn 1.100 tỷ đồng.
Cũng theo Chủ tịch UBND TP HCM, không phải vì xây dựng nhà hát mà dừng lại các công việc cấp bách như phát triển giao thông, làm công trình chống ngập, xây bệnh viện.
“Trước giờ, thành phố vẫn nỗ lực để đầu tư, cải thiện các vấn đề mà một đô thị lớn như TP HCM đang phải đối diện như kẹt xe, ngập nước, quá tải bệnh viện chứ không phải không làm”, ông Phong nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP HCM thông tin thêm, Thủ tướng cũng vừa đồng ý cho TP HCM xây 3 bệnh viện tại huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi và quận Thủ Đức với tổng mức đầu tư 5.664 tỷ đồng. Ba công trình (vốn đầu tư từ ngân sách của TP) dự kiến sẽ đưa vào sử dụng năm 2023 nhằm giảm tình trạng quá tải bệnh viện.
Theo Dân trí
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường