Hà Nội nên xây nhà hát quốc gia tại vị trí sân Hàng Đẫy?
Theo đề xuất của UBND TP Hà Nội lên Thủ tướng, để chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 - SEA Games 31 (tháng 10/2021) và các hoạt động văn hóa, thể thao đỉnh cao tại Thủ đô, thành phố báo cáo Thủ tướng việc xây dựng tổ hợp thể thao Hàng Đẫy gồm sân vận động, nhà thi đấu đa năng, tòa nhà văn phòng.
Cụ thể, tổ hợp thể thao Hàng Đẫy gồm 3 phân khu, trong đó sân vận động Hàng Đẫy được xây dựng mới có 20.000 chỗ ngồi, cao 35m. Khu nhà thi đấu đa năng với sức chứa 1.500 người. Một khu nhà làm văn phòng cao 23,05m cũng được xây dựng tại đây. Khu vực này còn được thiết kế 4 tầng hầm làm bãi đỗ xe và thương mại dịch vụ.
Hà Nội lên kế hoạch xây dựng sân Hàng Đẫy để phục vụ SEA Games |
Hà Nội dự kiến tổng mức đầu tư tổ hợp thể thao này hết khoảng 6.309 tỷ đồng, theo nguồn vốn xã hội hóa 100% từ Công ty cổ phần Tập đoàn T&T. Đổi lại, nhà đầu tư được khai thác, vận hành sân vận động khoảng 50 năm.
Liên quan đến đề xuất trên, ngày 17/10, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, Hà Nội không nên xây mới sân Hàng Đẫy vì khu vực này hạ tầng đã quá tải, nếu tiếp tục “nhồi” một sân vận động lớn hơn sẽ không chịu nổi.
“Các đô thị trên thế giới họ không xây sân vận động vào trong vùng lõi của trung tâm, thường họ xây dựng ở vùng ven để giảm áp lực cho khu trung tâm và vận hành giao thông dễ dàng hơn. Khu vực sân Hàng Đẫy vài nghìn người còn điều tiết được, chứ lượng người đổ về đây hàng vạn người cùng một lúc sẽ rất khó tổ chức và điều tiết giao thông. Rồi thì lại hàng quán, rượu bia nhếch nhác tại khu vực này” – ông Liêm lo ngại.
Tiến sĩ Liêm cho rằng, hiện nay Sân vận động Hàng Đẫy nên để nguyên với cấp độ của sân thành phố hoặc câu lạc bộ, còn Hà Nội muốn thay đổi khu vực này chỉ xây dựng một nhà hát cấp quốc gia là phù hợp.
“Nhà hát Lớn trước kia rất tốt, nhưng không gian bé quá không còn phù hợp với hiện nay, nên chỉ còn mang giá trị di sản. Chính vì thế, Hà Nội cần nghiên cứu xây một nhà hát cấp quốc gia ở khu vực sân Hàng Đẫy là phù hợp nhất. Nếu xây nhà hát ở đây cần phải lấy ý kiến rộng rãi và tổ chức thi quốc tế về thiết kế kiến trúc và phải mang ý nghĩa quốc gia, để sau này khi bạn bè quốc tế nhìn biểu tượng của nhà hát là biết ngay của Hà Nội-Việt Nam” – ông Liêm nói.
Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm cho rằng, Hà Nội xây mới Sân vận động Hàng Đẫy là không phù hợp. |
Bên cạnh đó, ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng, việc xây dựng tổ hợp thể thao để phục vụ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 - SEA Games 31 (tháng 10/2021) nên cần triển khai ở một địa điểm thoáng, không có trở ngại về giải phóng mặt bằng.
Từ đó, ông Liêm kiến nghị Chính phủ và TP Hà Nội nên xem xét xây tổ hợp sân vận động ở khu Thượng Đình (Thanh Xuân - Hà Nội), là nơi vốn có sân bóng đá của công nhân cùng nhiều nhà máy đã dừng hoạt động.
“Nếu Hà Nội xây sân vận động ở khu Thượng Đình là phù hợp hơn, vì nơi đây giao thông không áp lực bằng chỗ Hàng Đẫy, người dân nội thành ra và ngoại thành vào cũng không quá xa. Mặt khác, xây sân vận động ở chỗ này không mất thời gian giải phóng mặt bằng, còn chỗ Hàng Đẫy phải phá công trình cũ đi làm lại sẽ rất tốn thời gian”- ông Liêm nhận định.
Về đề xuất trên của Hà Nội là cho doanh nghiệp làm dự án mà không qua đấu giá công khai, ông Liêm thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Làm thế chẳng khác nào Hà Nội bán cho doanh nghiệp cái sân đó và họ được khai thác 50 năm, được miễn tiền đất. Lý thuyết thuê đất 70 năm nhưng 50 năm là hạn thuê đất dài nhất rồi, còn việc bỏ bao nhiêu tiền, bao nhiêu nghìn tỷ thì đấy là tự doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư cho họ, tôi chỉ quan tâm là thành phố thu được bao nhiêu tỷ và người dân Thủ đô được hưởng lợi những gì”.
Cùng quan điểm với ông Liêm, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương) cho rằng, việc sử dụng đất công phải công khai minh bạch, tất cả các phương án đều phải có sự giám sát của nhân dân.
“Mảnh đất lớn như vậy, ở vị trí đắc địa như thế mà không đấu thầu công khai thì sẽ dẫn đến những thắc mắc, nghi vấn. Tôi đề nghị TP nên công khai các phương án và tổ chức đầu thầu dự án này”- ông Doanh nêu quan điểm.
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, việc nhà đầu tư bỏ tiền ra đầu tư cũng cần thời gian thu hồi vốn. Tuy nhiên, ông Doanh muốn doanh nghiệp và TP Hà Nội trình bày rõ phương án mất bao nhiêu năm thì nhà đầu tư có thể thu hồi vốn.
“Muốn là được như vậy, tốt nhất Hà Nội nên lập một hội đồng giám định độc lập, chịu trách nhiệm trước nhân dân” - ông Doanh cho hay.
Theo Dân trí
Nhà hát Lớn Hà Nội được xây dựng, trùng tu như thế nào? |
Chủ tịch TP HCM: "Không phải vì nhà hát mà dừng xây bệnh viện, phát triển giao thông" |
Hà Nội ấp ủ những nhà hát nghìn tỷ trên “đất vàng” |
-
Nguồn lực cho chiến lược tăng trưởng xanh chưa rõ ràng
-
Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đáp ứng kỳ vọng cử tri, mong mỏi của mỗi gia đình
-
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam
-
Luật sư Trương Anh Tú: Dự thảo luật về hoàn thuế GTGT phải đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp
-
Quốc hội thẩm tra Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030