Chính sách và… đối sách
Năng lượng Mới số 386
Sở dĩ có việc này ấy là vì một chính sách mới ra đời thì có thể mang lại lợi ích cho nhiều người nhưng cũng có thể làm ảnh hưởng đến một số ít người. Và khổ một nỗi số ít người này lại là kẻ có chức, có quyền hoặc có tiền. Chính vì thế mà chúng luôn luôn tìm cách nghĩ ra các đối sách để chống lại các chính sách.
Bây giờ người ta hay gọi các kiểu “đối sách” bằng các từ như “lách luật”…
Có một chuyện mà dư luận đang cực kỳ bức xúc, ấy là giá xăng dầu đã giảm đến hơn 30% nhưng giá cước vận tải thì lại ì ạch không giảm hoặc giảm chiếu lệ.
Hãy nghe lập luận của một số người về việc tại sao giá cước giao thông vận tải chậm giảm:
Ông Nguyễn Tất Thành - Giám đốc Bến xe Giáp Bát (Hà Nội) nhận xét, đến thời hiện tại bến xe vẫn chưa nhận được đề nghị nào xin giảm giá cước vận tải sau lần xăng giảm hơn 2.000 đồng/lít vào chiều ngày 22/12. Tính từ đầu năm tới nay, mới chỉ có 20 đơn vị giảm giá vé trong tổng số 100 đơn vị kinh doanh vận tải tại bến xe. Những đơn vị giảm này nằm rải rác 40 tuyến với mức giảm cao nhất là 16%.
Nhiều doanh nghiệp vận tải chưa chịu giảm cước phí (ảnh minh họa)
Nói về việc giá xăng giảm sâu vào ngày 22/12 nhưng vẫn không có doanh nghiệp vận tải nào đăng ký giảm giá cước, ông Thành cho hay, nhanh nhất cũng phải mất 7 đến 10 ngày nữa giá cước vận tải mới được điều chỉnh bởi đơn vị vận tải còn báo cáo cơ quan chức năng rồi còn in ấn vé. Sau khoảng 10 ngày thì mới áp dụng giá cước mới nếu được chấp thuận.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Mạnh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Điện Biên, việc giảm giá xăng sâu như chiều ngày 22/12 vừa qua, doanh nghiệp vận tải cũng cần có thời gian để thực hiện thủ tục sau đó mới công bố. Doanh nghiệp vận tải phải đăng ký giá với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, phải chờ thủ tục, in lại mẫu biểu, nhanh cũng phải nửa tháng. Không phải cứ muốn công bố thay đổi giá là được.
Những biện luận này thật không thể “ngửi” được.
Các ông bảo rằng, phải thủ tục nọ thủ tục kia mới được giảm giá, rồi các ông bảo phải chuẩn bị biểu mẫu, phải làm lại sổ sách… nhưng khi giá xăng dầu tăng thì có khi chỉ vài ba ngày, thậm chí cùng lắm là một tuần các ông đã “lo xong thủ tục để tăng giá”.
Mặc dù Bộ Giao thông Vận tải đã có rất nhiều những biện pháp quyết liệt để làm giảm giá cước vận tải nhưng xem ra các doanh nghiệp vận tải cũng chẳng coi Bộ là “cái đinh” gì. Thậm chí, có người còn úp mở nói rằng, giá cước vận tải không giảm được ấy là vì Bộ xử lý mạnh tay về việc xe chở quá tải trọng. Rồi thậm chí có người còn bảo rằng, vì phải làm luật. Thật là những cách giải thích rất thiếu đạo đức kinh doanh và cũng bất chấp luật pháp.
Qua việc giá cước vận tải không giảm hoặc giảm không đáng kể nó thể hiện điều gì?
Trước hết phải nói đó là đạo đức kinh doanh của những người làm nghề vận tải và rất nhiều ngành nghề khác đang ở mức rất kém nếu như không nói là vô đạo đức. Họ chỉ biết làm thế nào để nâng giá thật nhanh, vơ tiền cho đẫy túi còn việc nâng giá đó tác động thế nào tới xã hội họ bất cần biết. Và bây giờ khi giá xăng dầu giảm thì họ cũng không cần vội vàng giảm giá cước, cũng không có mục đích gì khác ngoài mục đích kiếm tiền.
Thứ nữa là do công tác điều hành quản lý giá cả của chúng ta rõ ràng có vấn đề. Các nhà kinh tế học thì luôn luôn kêu gào rằng, chúng ta phải tuân theo quy luật kinh tế thị trường, rằng có nhiều lĩnh vực phải để cho tự thị trường điều tiết giá cả, Nhà nước đừng can thiệp vào. Vậy hiểu nôm na là gì? Là hãy cứ để cho thị trường tự điều tiết. Nếu trong trường hợp giá xăng dầu giảm mà giá vận tải không giảm thì thị trường “tự điều tiết” kiểu gì đây?
Rõ ràng những người làm kinh doanh vận tải đã bất chấp quy luật của kinh tế thị trường, hay nói một cách thẳng thừng ra là họ đang có những “đối sách” để chống lại những chính sách của Nhà nước.
Trước đây có một câu chuyện khác mà mọi người không thể quên, ấy là khi chúng ta bỏ mặc cho thị trường vàng tự do tung hoành. Thì vàng đã làm “vàng mắt” nhiều người và làm nhiều ngân hàng lâm vào cảnh dở sống dở chết vì lao đầu đi buôn vàng.
Một thị trường tài chính tiền tệ bị “lộn tùng phèo” vì vàng. Từ cuối năm 2011 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình có những biện pháp quyết liệt để dẹp loạn thị trường vàng thì ông đã vấp phải một sự phản ứng dữ dội từ ngót 13.000 chủ cửa hàng kinh doanh vàng bạc trên cả nước. Chúng nhắn tin đe dọa, chửi bới, thậm chí dùng cả báo chí để viết bài xuyên tạc những chính sách mới về quản lý thị trường vàng…
Sự chống phá quyết liệt đến mức độ không ít người vì thương ông đã khuyên ông nên “mặc xác” chúng. Phải là người có ý chí mãnh liệt, có trách nhiệm rất cao và có một nghị lực mạnh mẽ cộng với một bộ máy giúp việc trung thành, thấu hiểu và rất thông cảm với những quyết sách của ông thì mới giúp ông trụ vững được trong những tháng ngày “trên đe dưới búa”.
Và bây giờ thì mọi người thấy yên tâm về thị trường tài chính tiền tệ. Lạm phát được giảm, lãi suất ngân hàng giảm chưa từng có, vị thế của tiền Việt Nam được nâng cao, nạn đôla hóa thị trường đã giảm rất đáng kể và thị trường vàng thì đã yên tĩnh, lặng lẽ.
Chúng ta cứ nói rằng, xây dựng một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Vậy như trường hợp giá xăng dầu và giá cước vận tải hiện nay thì “định hướng” xã hội chủ nghĩa ở đâu? Vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước ở đâu?
Xét tổng thể trong cả nền kinh tế thì việc giá cước vận tải như hiện nay không phải là quá lớn đối với nền kinh tế nhưng việc nhỏ mà còn như thế này thì nếu xảy ra việc lớn thì sẽ như thế nào đây?!
Cũng có chuyên gia kinh tế cho rằng, Nhà nước cũng không nên can thiệp quá vào việc giá cước vận tải. Nói như vậy thì chúng ta cần vai trò của Nhà nước làm gì.
Trong thời gian qua, nếu như tất cả mọi ngành nghề chúng ta cứ tuân theo một quy luật tự do - thậm chí tự do vô chính phủ của kinh tế thị trường thì thử hỏi đời sống nhân dân lao động bây giờ sẽ ra sao, nền kinh tế bây giờ sẽ ra sao. Chắc chắn giá điện sẽ không phải như hiện nay mà sẽ tăng gấp đôi; giá than rồi một số mặt hàng thiết yếu mà Chính phủ vẫn phải bỏ tiền ra trợ giá thì sẽ như thế nào? Rồi nữa, nếu không có sự điều tiết quản lý của Nhà nước mà cứ để doanh nghiệp chỗ nào ngon thì làm, chỗ nào khó thì bỏ, đến bao giờ người dân vùng sâu vùng xa mới có điện.
Vừa rồi trong một bộ phim phóng sự tài liệu về kéo điện cho bà con các dân bản vùng sâu vùng xa ở Sơn La mới hay rằng, để phục vụ cho một bản dăm chục nóc nhà có điện, Điện lực Sơn La đã phải kéo đường dây, xây dựng trạm biến áp… tính ra để mỗi hộ có điện phải tốn gần 400 triệu đồng. Ấy vậy mà thu tiền điện mỗi tháng không gia đình nào quá 50 ngàn đồng.
Hơn lúc nào hết, để ổn định xã hội và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế thì Nhà nước vẫn phải ra tay quản lý giá cả thị trường và đặc biệt trước những việc các doanh nghiệp luôn nghĩ ra đối sách để chống lại chính sách thì cần phải có những biện pháp xử lý cực mạnh. Còn cứ thả nổi như thế này, cứ để cãi nhau như thế này thì không những ảnh hưởng đến sự phát triển của cả nền kinh tế mà còn khiến cho những chính sách từ Trung ương xuống “mất thiêng”. Và không khéo sẽ dẫn đến tình trạng vô chính phủ trong quản lý kinh tế và điều hành giá cả.
Kiêm Triêu
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến Petrovietnam và Zarubezhneft trao văn kiện hợp tác
-
[VIDEO] Thủ tướng đến Nga dự Hội nghị BRICS mở rộng
-
Liên doanh dầu khí Nga - Việt đã mang về cho đất nước tỷ USD
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện